(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thanh Hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, các tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần phát triển bền vững, củng cố khối đại đoàn kết, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đảng viên, đoàn viên, hội viên và công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp: Cần những giải pháp đồng bộ

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thanh Hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, các tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần phát triển bền vững, củng cố khối đại đoàn kết, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đảng viên, đoàn viên, hội viên và công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Các tổ chức Đảng, đoàn thể đang phát huy vai trò nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp.

Những kết quả khả quan

Quán triệt sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, thành lập mới tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, thành lập mới tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Trọng tâm là việc tổ chức triển khai, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận 80 - KL/TW của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị 07- CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”, Chỉ thị 13 CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, liên doanh với nước ngoài. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người lao động về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, coi đó là điều kiện bảo đảm, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương.

Quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã ban hành được các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; một số cấp ủy như: Thành ủy Thanh Hóa, Thị ủy Bỉm Sơn, LĐLĐ tỉnh... đã ban hành được các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chuyên đề, giao chỉ tiêu cho các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, do có sự chỉ đạo tập trung nên từ năm 2010 đến nay đã có 16 huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tiến hành thành lập mới 58 tổ chức đảng. Cùng với việc chăm lo phát triển tổ chức, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tăng cường bồi dưỡng, phát hiện những nhân tố tiêu biểu, nhất là lựa chọn bồi dưỡng những người lao động tiêu biểu, chủ doanh nghiệp trẻ để đào tạo nguồn kết nạp đảng viên. Một số cấp huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp mở các lớp bồi dưỡng đối tượng ngay tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên và người lao động có điều kiện tham gia.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 446 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, gồm 103 đảng bộ cơ sở, 228 chi bộ cơ sở và 115 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 11.741 đảng viên. Tuy nhiên trên thực tế một số doanh nghiệp lớn có các chi nhánh đóng trên các huyện, thị, thành phố, không thể coi là các doanh nghiệp độc lập, mà thực chất chỉ là một bộ phận của doanh nghiệp. Nếu sáp nhập các tổ chức tại các chi nhánh về trực thuộc tổ chức cơ sở đảng của doanh nghiệp chính thì số doanh nghiệp có tổ chức đảng thực chất chỉ có 347 tổ chức. Toàn tỉnh có 330 doanh nghiệp với 1.299 đảng viên, nhưng chưa có tổ chức đảng, hiện số đảng viên này đang sinh hoạt đảng tại các địa phương.

Do có sự chỉ đạo tập trung đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực nên đã có hàng trăm công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp được thành lập. Hoạt động của các đoàn thể bước đầu đã bám sát vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, chủ động nắm bắt, phát hiện, đề xuất, giải quyết kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn, bức xúc phát sinh. Đồng thời tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, thực hiện tốt chức năng giám sát, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Công ty CP Dạ Lan, trong quá trình phát triển lãnh đạo công ty đã luôn quan tâm chăm lo phát triển tổ chức Đảng. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ công ty đã tập trung lãnh đạo đơn vị, cùng với ban giám đốc đề ra nhiều kế sách đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm, liên tục đầu tư nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất trang thiết bị dụng cụ, khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả làm việc rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và cải thiện sức khỏe cho người lao động. Đồng thời quyết tâm thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế, giữ vững bản lĩnh kinh doanh, đoàn kết, sáng tạo nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Do đó công ty đã có bước phát triển vững mạnh, trở thành thương hiệu nổi tiếng ở Thanh Hóa, đời sống của người lao động được cải thiện, nâng cao...

Doanh nghiệp Dạ Lan luôn chăm lo phát triển Đảng. (Ảnh: Thúy Hòa)

Bà Trịnh Thị Loan - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Công ty Cp Dạ Lan, cho biết: Thời gian qua, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng được nét đẹp văn hóa doanh nghiệp, phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thực hiện có hiệu quả chương trình hành động Nghị quyết của Tỉnh ủy về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đảng bộ thường xuyên giao ban định kỳ, giải quyết thỏa đáng và kịp thời các kiến nghị đề xuất của người lao động trong các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo và người lao động; thực hiện tốt việc quản lý đảng viên từ tổ chức cơ sở Đảng ở các chi bộ và gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Chi bộ đã xây dựng các chỉ tiêu, phân công đảng viên theo dõi phát triển quần chúng, chú trọng bồi dưỡng những đoàn viên có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình gắn bó với đơn vị để làm nguồn giới thiệu đi học đối tượng Đảng. Do đó Đảng bộ luôn thực hiện được chỉ tiêu phát triển Đảng hằng năm đề ra và luôn đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Thực tế cho thấy, các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp so với số lượng doanh nghiệp tuy còn ít nhưng bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và chủ doanh nghiệp; củng cố được mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với doanh nghiệp; đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân lao động. Quá trình hoạt động các tổ chức đảng, đoàn thể bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong doanh nghiệp vững mạnh. Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn thể đã thể hiện được tính tiền phong, gương mẫu trong sản xuất kinh doanh, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, được cán bộ đảng viên, đoàn viên hội viên, người lao động, chủ doanh nghiệp tín nhiệm, yêu mến.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Trước yêu cầu mới, vấn đề phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như: số lượng các tổ chức đảng, đoàn thể còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, phân bố không đều giữa các vùng miền. Trong đó TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn (bao gồm cả KKT Nghi Sơn và các KCN) có 101 tổ chức đảng, chiếm 22,65%, với 1.570 đảngviên; Đảng ủy khối doanh nghiệp và Đảng ủy các cơ quan tỉnh có 98 tổ chức đảng, chiếm 21,97% với 5.789 đảng viên; các huyện đồng bằng và ven biển có 157 tổ chức đảng, chiếm 35,25% với 2,589 đảng viên, các huyện miền núi có 75 tổ chức đảng (chiếm 16,82%); các tập đoàn, tổng công ty, ngành dọc ở Trung ương có 15 tổ chức đảng (chiếm 3,36%) với 885 đảng viên.

Thêm vào đó, mô hình tổ chức không thống nhất, thuộc nhiều đầu mối quản lý như: KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp chỉ có 34 tổ chức đảng với 777 đảng viên, nhưng có 16 tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, 4 tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy thành phố, 7 chi bộ trực thuộc đảng ủy phường và 7 đảng bộ, chi bộ trực thuộc đảng ủy tập đoàn, tổng công ty. Do vậy, ít nhiều gây khó khăn cho việc lãnh, chỉ đạo cũng như tổ chức sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ trong các loại hình doanh nghiệp.

Bên cạnh đó mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, nhất là vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động còn bất cập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt, chủ động, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác xây dựng đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể...

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ công nhân lao động không ngừng trưởng thành, không chỉ quan tâm tới vấn đề lợi ích vật chất thuần túy, mà là sự xuất hiện các nhu cầu mới như được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được bảo vệ quyền lợi, vui chơi giải trí... Đồng thời, trước những tác động của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để tồn tại ngày càng quyết liệt làm cho việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động ngày càng phức tạp hơn. Thậm chí có giới chủ, người sử dụng lao động và đại diện của họ có những quan điểm, việc làm không đúng, không muốn thành lập hoặc làm giảm uy tín của tổ chức đảng, đoàn thể,

Trước những thực tiễn trên, đòi hỏi công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đang là một đòi hỏi bức thiết và phải có một hệ thống giải pháp toàn diện cả về việc ban hành cơ chế chính sách. Đồng thời đề cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, các ngành, trách nhiệm của các đoàn thể, doanh nghiệp và người lao động.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]