(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau vài hôm mưa phùn trời nắng trở lại, cái nắng không gắt gỏng, nóng bỏng như độ tháng 5, tháng 6, nắng cuối thu hanh heo với những vạng mây xám mang theo hơi lạnh của mùa đông. Mẹ như cảm nhận được rất rõ bước đi của tiết trời, sau cái se lạnh trong gió, sương mù ban mai là cái nắng vàng vọt, dịu nhẹ của mùa đông. Đó cũng là lúc mẹ đem những chiếc chăn bông được bọc gọn gàng treo cẩn thận lơ lửng trên vách nhà ra phơi. Tôi nhớ lắm mỗi dịp như vậy, có lẽ đó là hình ảnh quý giá của tuổi thơ còn vương lại trong trí nhớ của tôi mỗi khi gió lạnh đầu đông tràn về.

Phơi lại mùa đông

Sau vài hôm mưa phùn trời nắng trở lại, cái nắng không gắt gỏng, nóng bỏng như độ tháng 5, tháng 6, nắng cuối thu hanh heo với những vạng mây xám mang theo hơi lạnh của mùa đông. Mẹ như cảm nhận được rất rõ bước đi của tiết trời, sau cái se lạnh trong gió, sương mù ban mai là cái nắng vàng vọt, dịu nhẹ của mùa đông. Đó cũng là lúc mẹ đem những chiếc chăn bông được bọc gọn gàng treo cẩn thận lơ lửng trên vách nhà ra phơi. Tôi nhớ lắm mỗi dịp như vậy, có lẽ đó là hình ảnh quý giá của tuổi thơ còn vương lại trong trí nhớ của tôi mỗi khi gió lạnh đầu đông tràn về.

Phơi lại mùa đôngMinh họa: Linh Chi

Những cái vỏ chăn có hình con công xinh đẹp, ruột bông gòn trắng muốt ở cái xứ sở hết mưa bão lại đến mùa nồm ẩm nước loáng nền nhà như quê tôi dẫu có bảo quản tốt đến mấy thì sau một năm lấy xuống, lôi ra khỏi một lớp túi nilon, một lớp bao tải dứa thì vẫn nồng một mùi mốc meo. Ruột chăn ngày ấy làm từ bông gòn “xịn” được bố mẹ kỳ công hái lượm từ những cây bông sau vườn nhà, ruột chăn bông ngày ấy rất dày và nặng chịch. Bông hữu cơ một trăm phần trăm nên nằm phải lâu mới ấm được, nhưng khi đã ấm rồi thì thật không có cái mùa lạnh nào có thể xuyên qua. Bởi vậy, vào mùa đông hồi tôi còn bé trước khi mấy anh em lên giường ngủ, mẹ thường lên đắp chăn trước để cho chăn đủ hơi ấm rồi mới gọi chúng tôi vào nằm.

Khi mẹ đã mắc từng cái ruột chăn lên dây phơi cũng là lúc đến phần công việc của anh em tôi. Nói là công việc, nhưng anh em tôi đều rất phấn khích, bởi làm như chơi vậy. Khi ấy, mỗi người sẽ cầm một thanh tre thỏa thích mà đập vào những cái ruột chăn đã treo lên dây phơi, mẹ bảo đập vậy để bụi mốc bay ra khỏi ruột chăn, những sợi bông được tơi và sạch trắng hơn. Theo ánh nắng xuyên qua kẽ lá chiếu rọi xuống khoảng sân phơi tôi có thể nhìn rõ ràng những hạt bụi từ chăn bay tung tẩy, chấp chới. Anh em tôi cứ đập vậy lần lượt từ đầu này qua đầu kia, từ mặt trước sang mặt sau, rồi lại thi nhau xem ai đập nhanh tay hơn, rồi nô đùa chạy xung quanh những chiếc ruột chăn phơi trong nắng. Mẹ chẳng quát, chẳng cấm, mặc sức cho anh em tôi nô đùa dưới nắng, tiếng đập vào chăn bộp bộp cùng với tiếng nô đùa làm cho cả khoảng sân nhà tôi tràn ngập tiếng cười. Nhưng rồi tiếng đập mỗi lúc cũng thưa dần, mồ hôi nhã nhện, có lẽ do cái nắng hanh heo đầu đông đã làm cho anh em tôi bị hụt hơi, chạy vào nhà chỉ chốc lát là cả ca nước mát mẹ để trên bàn đã được hai anh em ừng ực uống hết.

Sau cái nắng, gió đầu đông hanh heo và công sức phơi của ba mẹ con, ruột chăn thơm tho được lồng vào chiếc vỏ chăn con công để chờ đón tiết trời mùa đông.

Giờ đây căn nhà tôi sống đã kín gió, những chiếc chăn được sản xuất cao cấp, hiện đại hơn, đẹp hơn, ấm hơn và nhẹ hơn. Chiếc chăn bông phảng phất mùi của nắng, của gió và ngai ngái mùi của nhiều mùa đông đã qua đến giờ tôi vẫn chưa thể nào quên.

Đông về, tôi lại thèm được hưởng hơi ấm từ mẹ trong chăn trước lúc đi ngủ, thèm được phơi lại mùa đông như những ngày xưa cũ.

Tản văn của Ngọc Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]