(vhds.baothanhhoa.vn) - Tập thơ Hồn làng (NXB Hội Nhà văn, 2023) với 93 bài thơ của 51 tác giả, ra đời giữa lúc cuộc vận động XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đang gặt hái được những thành tích rất đáng tự hào. Tập thơ như góp một giai điệu vào bản hòa ca của quê hương ,đất nước đang trên đường đổi mới.

Tập thơ Hồn làng - nơi gặp gỡ những tấm lòng thơm thảo

Tập thơ Hồn làng (NXB Hội Nhà văn, 2023) với 93 bài thơ của 51 tác giả, ra đời giữa lúc cuộc vận động XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đang gặt hái được những thành tích rất đáng tự hào. Tập thơ như góp một giai điệu vào bản hòa ca của quê hương ,đất nước đang trên đường đổi mới.

Tập thơ Hồn làng - nơi gặp gỡ những tấm lòng thơm thảo

Tác giả của tập thơ là những người từ thuở nằm nôi đến khi lớn lên, đã từng đi khắp chân trời góc bể, để sau một hành trình dài trở về quê, trước hết, họ đã không dễ quên và càng thấm thía chiếc cổng làng rêu phong cổ kính, rất đỗi thân thiết.

Nhà thơ Vũ Duy Hòa với Cổng làng như một chứng nhân lịch sử: Từ cổng làng những nông dân áo vải, Thành quan quân đi giữ lấy sơn hà.../ Từ cổng làng mẹ tiễn con ra trận, Từng cân thóc cùng gửi ra tiền tuyến.../ Sau cổng làng mẹ đi bừa em cấy, Cha be bờ đắp đập giữ chân đê.../ Từ cổng làng trẻ em vui đến lớp, Tiếng trống chèo rộn rã gọi mùa vui... Cắt nghĩa về hồn làng thì bao la, rộng mở lắm, trong đó cổng làng là một trong những điểm nhấn đầy ý nghĩa. Trong tâm thức người Việt, cổng làng là một biểu tượng “sống lâu” nhất! Phải chăng, cổng làng là cái hồn, cái vía của làng? Tuy kiến trúc, quy mô mỗi nơi mỗi khác, nhưng cổng làng luôn thể hiện được nét thanh thoát, mang đến cảm giác yên bình, thân thương trìu mến.

Đình làng là công trình trong tổng thể kiến trúc làng Việt Nam. Đình càng bề thế, kiến trúc càng đẹp, càng khẳng định vị thế của làng. Những ngôi đình lớn ở các làng nổi tiếng thường đặt ở vị trí trung tâm của làng, trong khuôn viên rộng rãi đàng hoàng. Tác giả Lê Đức Việt trong bài Ngôi đình làng ta với bao thăng trầm của lịch sử và sự tác động của thời gian, bài thơ với chất giọng đầy tự hào: Ngôi đình Phi Bình làng ta/ Mới được tu sửa nay đà khang trang/ Nơi đây thờ Thành Hoàng làng, Quận công, Ngài được vua ban tước quyền...

Ngoài ra, còn có tác giả Lê Xuân Đồng với Đình làng đâu rồi, Lê Trung Sơn với Hồn làng tôi ở đó, Nguyễn Thanh Bình với Đình làng... là những khắc khoải mong tìm lại một dấu vết xưa của đình.

Hồn làng - một khái niệm vừa trừu tượng vừa rất cụ thể. Nếu hồn quê là tình cảm lớn, hòa quyện bởi tình cảm gia đình, quê hương bản quán, thì những mảnh hồn nhỏ trong mỗi người thân là những hình ảnh đặc trưng, gần gũi nhất. Trong ta, mảnh hồn làng còn là mái đình, giếng nước, gốc đa, cầu ao, bến sông, cây gạo, bờ đê; là cánh võng cho bà ru cháu, là tiếng gà trưa, một làn khói lam chiều...; là cái cày cái cuốc, là bờ tre, đống rạ, con đường, chợ phiên...Tất cả vẫn còn đó, có cái đã trở thành hoài niệm, nhưng vẫn vẹn nguyên trong ký ức mỗi nhà thơ.

Nghệ sĩ Trần Đàm trong bài thơ lục bát Hồn làng (mở đầu cho cả tập thơ) đã từ một âu mẻ chín vàng, một bát dấm ốc, một rừng gạo trổ bông, một tiếng gà trưa, một đêm trống quân... Chỉ thế thôi thì tim cũng đã neo hồn làng.

Cùng chung những cảm xúc ấy, tập thơ Hồn làng là nơi neo đậu những “mảnh hồn làng” phong phú, đa dạng, tinh tế. Từ ngõ làng cổ Đông Sơn (các ngõ được đặt tên là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng), tác giả Lê Xuân Giang cảm nhận được những triết lý sâu sắc, thấm thía của tiền nhân: Tên ngõ làng răn người làng lẽ sống/ Tạo nên cốt cách muôn đời. Còn Văn Thiện thì Giật mình cá quẫy trong ao/ Ngõ quê bất chợt bước vào trong thơ, một hình ảnh nhân hóa độc đáo.

Nói đến làng xưa là nói đến cây đa, giếng nước, sân đình, bờ tre... Cây đa đầu làng hay giữa cánh đồng, nơi nghỉ mát của người dân quê sau những giờ lao động, là nơi người đi xa về vừa độ dừng chân để vào làng, và cũng là ký ức về những cuộc chia tay...Tác giả Nguyễn Đức Thắng trong bài Cây đa làng như chứng kiến một câu chuyện tình yêu của đôi trai gái: Bên gốc đa xưa/ Có người con gái/ Nắm tay chàng trai/ Tiễn đi làm cách mạng... và Ngày anh về/ Cờ đỏ rực ngọn đa. Xưa mỗi làng có một giếng hoặc mỗi xóm một giếng. Giếng làng là nguồn nước trong mát góp phần nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân quê. Lê Xuân Giang, Vũ Duy Hòa đều có bài thơ cùng tên Giếng làng, mỗi tác giả có cách cảm nhận riêng, sâu sắc về giếng làng. Còn tác giả Lê Thanh Mãi trong “Nhớ về làng xưa”: Giếng làng đây chẳng thấy gàu/ Để ta gánh nước chờ nhau cùng về... thì độc giả có thể hình dung được cảnh sinh hoạt và tâm hồn lãng mạn của những người nông dân xưa!

Người xưa lập làng thường chọn thế đất hình sông, sao cho phong thủy của làng góp phần tạo nên sự bền vững của ấm no, hạnh phúc và phát đạt. Cho nên, những bến nước, con đò, cánh buồm, bờ bãi, chợ quê... đã gắn bó với cuộc sống mưu sinh ngàn đời của người nông dân. Và bến sông con đò, vì thế, luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Tập thơ Hồn làng có nhiều bài nói về sông quê, bến đò. Lê Trung Sơn với “Bến đò xưa”: Đành lòng gọi vọng đò ơi/ Bóng đò chẳng thấy, bóng người cũng không. Chu Thị Hằng với “Kỷ niệm ngày xưa”: Nắng chiều bóng mẹ ven đê/ Lao xao tiếng trẻ, sông quê nô đùa. Hà Đình Huy với “Bến quê”: Bến quê lắng đọng câu hò/ Nghe man mác tiếng gọi đò sang sông. Hoàng Quốc Cảnh với “Dòng sông quê tôi”: Chúng tôi lớn cùng dòng sông/ Lứa đôi bến Đợi hẹn thề/ Ra trận người không trở lại/ Sông buồn lau bạc triền đê/ Sông lặn vào tôi ký ức. Lê Quang Sinh với “Dốc đò Điệp” bên dòng sông Bưởi của bao hồi ức về một thời: Yếm trắng thành mây rải trắng trời/ Tôi ngồi đợi đò tựa vào câu hát/ Lóc cả trời thu quấn mềm vóc hạc/ Sông Bưởi chỉ còn trong tóc em thôi.

Tác giả Cao Sơn Hải (bút danh Sơn Hải), vừa được nhận Giải thưởng nhà nước về VHNT, có ba bài thơ đậm chất Mường: Quê tôi đó, núi rừng xanh biếc/ Suối ngân dài như tiếng hát người thương/ Chiều chiều nắng nhạt lưng nương/ Lốc cốc mõ trâu trở về trong xóm nhỏ/... Mế già quảy nước lên thang... (Chiều bản nhỏ). Tác giả Hà Văn Thương sâu sắc và ân tình trong Nhớ tiếng chày khua lóng của đồng bào Thái: Xưa về quê nghe tiếng chày khua lóng/ Làn nhạc điệu nặng nghĩa sắc hồn quê/ Nghe điệu gõ sao mà da diết thế/ Thập khôông khang vang vọng cả núi rừng... Nguyễn Duy Khoa tự hào với Đất Trường Thi. Đây là một hiện tượng hiếm hoi, một góc nhìn mà có thể giải thích được khi phố thị cũng mang hồn làng. Trường Thi có ngã ba Bia, phố Nhà Thờ, chùa Chanh, chùa Thanh Hà: Có đâu như đất quê mình/ Danh lam, di tích hiển linh bao đời...

Nông thôn Thanh Hóa đa số là những làng thuần nông. Nhưng chúng ta lại vẫn có những nghề truyền thống nổi tiếng như nghề đan lát, nghề mộc, nghề rèn, sành sứ, nước mắm, nấu vôi, làm bánh, làm muối... Bài thơ Làng tôi của Phạm Huy Thanh, Nhớ quê hương của Nguyễn Thị Hải, Nghề chao tép quê anh của Đoàn Kiềm... là những trân trọng các giá trị của lao động, giá trị của những bàn tay và khối óc của những nghệ nhân làng nghề. Bên cạnh làng nghề truyền thống, chúng ta còn có làng khoa bảng tiêu biểu ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Tác giả Hoàng Thanh Hải, PGS. TS - một trí thức của thời hiện đại tự hào về “Đất Trạng Quỳnh”: Làng tôi có Bảng Môn Đình/ Người đỗ đạt được tôn vinh bảng vàng... Tự hào là “Đất Trạng Quỳnh” làng tôi.

Tên tập thơ Hồn làng như được mở rộng nội hàm để các tác giả có nhiều cách tiếp cận và thể hiện cảm xúc với làng, xưa và nay. Những hồi tưởng, ký ức với làng như một tấm lòng thành, thơm thảo của một thế hệ tác giả đủ thấm và ngấm những gì thuộc về làng. Nghĩ về làng xưa là một sự tri ân nơi chôn rau cắt rốn, từng nuôi lớn chúng ta cả thể xác lẫn tâm hồn. Trong giọng điệu thơ, có cái gì như muốn được tạ lỗi với làng sau bao năm đi xa: Ta mải miết với những điều to tát, Tìm kiếm phù du gần cả kiếp người/ Quên hết cả sông màu gió đục, Tuổi thơ vùi nếp áo mộc tinh khôi... (Hoàng Quốc Cảnh). Những bài thơ hướng nội thường có chiều sâu của sự trăn trở với làng. Nhưng bao trùm vẫn là không khí hoan ca, là niềm vui với làng trong hành trình XDNTM.

Tập thơ Hồn làng được viết với thể thơ tự do, đường luật. Nhưng chủ yếu là thể thơ lục bát. Thơ lục bát dễ làm nhưng có được bài thơ lục bát hay là không dễ! Rất mừng là trong tập thơ này có nhiều bài, nhiều câu thơ lục bát hay, góp phần tạo nên âm hưởng và dư vị ngọt ngào, tha thiết của cả tập thơ.

LÊ XUÂN SOAN (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]