(vhds.baothanhhoa.vn) - Tinh giản biên chế là chủ trương lớn nhưng không phải việc mới và vẫn luôn là vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến công việc đời sống của cá nhân cán bộ công chức, viên chức mà của cả gia đình họ. Ngoài việc cần đánh giá chính xác chất lượng công việc để khỏi tinh giản “nhầm”, cần phải tính cả đến việc làm thế nào để những người khi bị tinh giản, họ và gia đình không bị hụt hẫng để tìm một việc làm mới phù hợp với khả năng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (Bài 3): "Cuộc chiến" không hề dễ

Tinh giản biên chế là chủ trương lớn nhưng không phải việc mới và vẫn luôn là vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến công việc đời sống của cá nhân cán bộ công chức, viên chức mà của cả gia đình họ. Ngoài việc cần đánh giá chính xác chất lượng công việc để khỏi tinh giản “nhầm”, cần phải tính cả đến việc làm thế nào để những người khi bị tinh giản, họ và gia đình không bị hụt hẫng để tìm một việc làm mới phù hợp với khả năng...

Giảm chi hơn 100 tỷ đồng/ năm cho công tác ở thôn

Công tác sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, nhận được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Trung ương đánh giá Thanh Hóa là điểm sáng của cả nước trong quá trình triển khai với nhiều cách làm cụ thể, linh hoạt. Ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa khẳng định: Việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đạt được những kết quả đáng kể và tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực. Điều này đã khẳng định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua hai đợt, toàn tỉnh đã sáp nhập được 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, qua đó giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Đồng thời giảm gần 9.500 người hoạt động không chuyên trách, mỗi năm giảm chi hơn 100 tỷ đồng kinh phí trả cho người hoạt động không chuyên trách và kinh phí khoán cho hoạt động của thôn, tổ dân phố, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố.

Thực hiện đồng bộ giữa sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế

Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7/4/2016, trong đó yêu cầu rà soát, điều chỉnh, khắc phục những chồng chéo, không rõ chức năng, nhiệm vụ của các ban xây dựng đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; giữa UBND cấp huyện với các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã tinh giản 1.939 người, các cơ quan đã hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ và tiến hành nghiên cứu sắp xếp lại đầu mối bên trong theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Tổng biên chế khối đảng, đoàn thể tỉnh Thanh Hóa là 2.373 người, tổng biên chế này được quản lý chặt chẽ, không tăng và vẫn còn chỉ tiêu dự phòng để thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ.

Đối với khối Nhà nước tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của tỉnh thực hiện đúng chỉ tiêu biên chế được giao, biên chế công chức hành chính 4.050 (thấp hơn Bộ Nội vụ giao 34), biên chế sự nghiệp công lập 59.508 (thấp hơn Bộ Nội vụ thẩm định 14). Việc xây dựng, phân bổ và sử dụng biên chế đúng nguyên tắc, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Quá trình triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được chỉ đạo tiến hành bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình, thẩm quyền theo phân cấp. Các nội dung đều được cụ thể hóa thành các đề án, phương án đảm bảo giải quyết tổng thể các vấn đề về sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ, giải quyết dôi dư và tinh giản biên chế. Năm 2018, tổng biên chế sự nghiệp toàn tỉnh là 59.508, thấp hơn 1.167 chỉ tiêu so với số giao năm 2015 (năm 2015 là 60.657).

Bà Lê Thị Thao - Phó trưởng Phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ Thanh Hóa) cho biết: Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 108 - PV), từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 1.039 người về hưu, trong đó nhiều nhất ngành GD&ĐT với tổng số 1.238 người; khối xã, phường 407 người; khối hành chính 74 người; khối Đảng 52 người; y tế 48 người, ngành khác 108 người. Hầu hết, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ theo chế độ về hưu trước tuổi, rất ít thôi việc ngay và chuyển sang tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương thực hiện tốt như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Nông Cống, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa...

Ông Nguyễn Văn Thanh là công chức làm việc tại một cơ quan nhà nước của TP Thanh Hóa, vừa nghỉ hưu theo Nghị định 108 chia sẻ: Theo quy định của Nhà nước, tôi còn 3 năm nữa mới nghỉ hưu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 của Chính phủ, ban đầu, tôi cũng băn khoăn, do dự trước một số tiêu chí thuộc diện tinh giản. Thế nhưng nhận thấy nhiều lợi ích nên tôi đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Vừa được hưởng số lương hưu theo quy định là 75%, tôi còn nhận thêm 25% chế độ về hưu trước tuổi. Như vậy, tôi cũng được hơn 100 triệu đồng.

Các trường học trong tỉnh hiện đang thiếu giáo viên, nhân viên nên rất khó để tinh giản biên chế.

Theo ông Bùi Ngọc Tấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Trung: Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ năm 2015 đến nay, khối cơ quan Đảng - đoàn thể huyện Hà Trung đã tinh giản 3 cán bộ, công chức khối cơ quan Đảng theo Nghị định 108. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Hà Trung đã thực hiện biên chế với 49 đối tượng, trong đó viên chức là 37 đối tượng, công chức là 12 đối tượng.

Ông Chu Đình Trọng - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 39 và Kế hoạch số 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm đối với cơ quan cấp huyện; rà soát, xác định lại chức năng nhiệm vụ đối với từng cơ quan, tổ chức, đồng thời tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các ban, phòng, ngành cấp huyện. Sau khi sắp xếp theo vị trí việc làm, toàn huyện đã giải quyết cho 33 trường hợp nghỉ chế độ theo Nghị định 108 của Chính phủ; không giới thiệu tái cử 7 trường hợp là trưởng đoàn thể cấp xã do không đủ chuẩn và không thể đào tạo lại để chuẩn về trình độ. Đối với số biên chế thiếu cấp huyện, cấp xã, huyện chủ động không đề xuất tuyển dụng mới mà tiến hành phân công lại theo vị trí việc làm và chức danh công chức. Từ cuối năm 2017 huyện đã tạm dừng tuyển dụng số người hoạt động không chuyên trách để tiến hành đánh giá lại hiệu quả hoạt động; sau khi xác định nhu cầu theo vị trí việc làm sẽ tiến hành bố trí cho phù hợp, nhất là việc thực chế độ khoán kinh phí.

Tinh giản biên chế: Chuyện không dễ!

Ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết: Tinh giản biên chế là việc lớn nhưng không phải việc mới và vẫn luôn là vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến công việc đời sống của cá nhân cán bộ công chức, viên chức mà của cả gia đình họ. Ngoài việc cần đánh giá chính xác chất lượng công việc để khỏi tinh giản "nhầm" cần phải tính cả đến việc làm thế nào để những người khi bị tinh giản, họ và gia đình không bị hụt hẫng để tìm một việc làm mới phù hợp với khả năng. Ở đây vai trò chính là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, dù biện pháp có hay và phù hợp đến đâu, nếu người đứng đầu không quyết tâm, không có bản lĩnh, tâm huyết, giải quyết một cách khách quan, công tâm thì không thể nào thực hiện tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện tinh giản biên chế vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn. Người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, còn tư tưởng trông chờ, níu kéo giữ ổn định tổ chức, biên chế của đơn vị mình. Do đó chưa chủ động sắp xếp kiện toàn tổ chức các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tổ chức theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả. Việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức, tỷ lệ tinh giản biên chế công chức, viên chức mới thể hiện ở đối tượng nghỉ hưu đúng tuổi hoặc chuyển công tác, nghỉ thôi việc, trong khi có nhiều vị trí việc làm cần phải tinh giản, thay đổi do không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì không thể thực hiện tinh giản. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn về hưu trước tuổi theo Nghị định 108 nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, e ngại bởi một số tiêu chí.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Sơn: Quá trình thực hiện Nghị định 108 có một số vấn đề bất cập như: Tại Điều 6 quy định về các trường hợp tinh giản biên chế quá chặt chẽ, nhiều trường hợp có nguyện vọng tinh giản biên chế nhưng do vướng phải điều kiện, nhất là cán bộ làm lãnh đạo, quản lý nếu đánh giá về hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ thì bất cập. Điều 7 (Chương II) quy định chính sách tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi, một số mức hỗ trợ còn thấp và yêu cầu phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội làm bó hẹp thành phần, chưa khuyến khích được người có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. Nhiều trường hợp làm thủ tục, hồ sơ nghỉ theo Nghị định 108 và gửi về Ban Tổ chức Huyện ủy, nhưng sau một thời gian suy nghĩ đã lên rút hồ sơ lại lý do không muốn hồ sơ của mình có “vết xấu”.

Theo tìm hiểu, được biết đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, đơn vị khi thực hiện tinh giản theo Nghị định 108. Bên cạnh đó, về định mức biên chế một số ngành như: GD&ĐT, y tế, thương binh và xã hội đã có định mức biên chế. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức của Trung ương chưa phù hợp với định mức thực tế địa phương, thông thường là định mức biên chế cao. Điều này ảnh hưởng đến xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm và thực hiện chính sách tinh giản biên chế của địa phương, đơn vị hiện nay. Chỉ tính riêng trong ngành giáo dục toàn tỉnh hiện thiếu 3.590 giáo viên ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS, (trừ huyện Thọ Xuân, còn lại ở tất cả các huyện, thị, thành phố đều thiếu giáo viên). Nguyên do là số lượng học sinh tăng, trong khi ngành giáo dục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, không tuyển dụng giáo viên từ nhiều năm nay...

Thiết nghĩ, để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng kế hoạch, lộ trình thì cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình, tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Như vậy, việc tinh giản mới đảm bảo được hai điều quan trọng là đúng đối tượng và thực chất, có như vậy thì chính sách ban hành mới đi vào cuộc sống.

Theo lộ trình sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Thanh Hóa, bảo đảm các chỉ tiêu, kế hoạch đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, tương ứng với 246 đơn vị, đến năm 2025 giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập, tương ứng 213 đơn vị. Về biên chế, đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp công lập, tương ứng với 6.057 chỉ tiêu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; đến năm 2025 giảm 10% biên chế sự nghiệp, tương ứng 5.450 chỉ tiêu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2021 chấm dứt hợp đồng lao động tương ứng 5.783 người không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thu Thủy - Ngọc Huấn


Thu Thủy - Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]