(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặt trời dần khuất vào phía núi xa, hoàng hôn thật lộng lẫy trên cánh đồng vàng ruộm một màu ấm no tỏa lan từ những ruộng lúa vừa chín đến. Đâu đó những đụn khói biếc mơ được lũ trẻ trâu đốt để nướng cá và hò hét, chạy nhảy xung quanh. Những chú sẻ đồng ríu ran bay lượn thành cặp, nhiều khi thành đàn, sà sát xuống những thân ruộng, rồi biến mất trong biển lúa...

Cánh đồng mùa Thu

Mặt trời dần khuất vào phía núi xa, hoàng hôn thật lộng lẫy trên cánh đồng vàng ruộm một màu ấm no tỏa lan từ những ruộng lúa vừa chín đến. Đâu đó những đụn khói biếc mơ được lũ trẻ trâu đốt để nướng cá và hò hét, chạy nhảy xung quanh. Những chú sẻ đồng ríu ran bay lượn thành cặp, nhiều khi thành đàn, sà sát xuống những thân ruộng, rồi biến mất trong biển lúa...

Cánh đồng mùa ThuMinh họa: Hà Hiếu

Cứ thế, tôi tỳ tay trên vô lăng xe, vừa lái vừa sống trong không gian của những ca từ ấm áp: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm” trong ca khúc “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo. Những ca từ đem đến một sự liên hệ thật đặc biệt về đời lúa, đời người trồng lúa. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, cây lúa lại trở thành tro bụi để bồi lắng, tạo độ màu mỡ mới cho cánh đồng làng. Cây lúa không mất đi, như đời rất nhiều người trồng lúa, cứ quanh quẩn trên cánh đồng làng chắt nhặt ngọt ngào làm nên hết vụ chiêm sang vụ mùa, năm nọ nối năm kia với những hạt lúa chín vàng, cốm mơ và rơm thơm mùa gặt... Những hạt cơm mới trắng ngần có đủ cả bão tháng bảy, mưa tháng ba trong đó nuôi lớn những đứa trẻ ở làng.

Tôi sinh ra từ làng, lớn lên cùng nhịp thở của cánh đồng lúa chín từ hạ sang thu, từ vụ năm qua vụ mười. Những ngày tuổi thơ của tôi và lũ trẻ trong làng là những kỷ niệm vừa dữ dội vừa êm đềm trên cánh đồng, bắt đầu theo mẹ từ khi mạ gieo xuống ruộng đến lúc thóc được cha gánh về sân nhà. Có biết bao điều ẩn chứa trong cái vòng tái sinh của cây lúa, của đời người nông dân ấy. Những cây lúa có thể là mùa vàng, cũng có thể trắng băng trong nước lũ tháng tám, tháng chín. Người nông dân có thể cười vui trong bữa cơm mừng gạo mới “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm cời cời/ Con cá mối nằm ngang”, nhưng cũng có thể phải đỏ hoe con mắt đứng giữa cánh đồng trắng băng trong mùa lụt khi mà ông trời cướp đi tất cả công sức của họ sau bao ngày vất vả.

Tôi may mắn hơn những đứa trẻ ở làng, được đi học lên cao và đi làm xa nhà. Ở phố, nhưng cánh đồng làng lúc nào cũng vậy, vẫn là phần không thể thiếu trong những giây phút nhớ nhung, trong những nỗi buồn vô cớ và cả những ngày nghỉ chạy xe lang thang trên khắp những con đường thành phố. Cuộc sống thị thành có nhiều thú vui, cũng dễ dàng cuốn người ta vào những khám phá, và công việc là những chuyến đi xa gặp gỡ nhiều người, nhưng hơn tất cả, rất khó để làm phai mờ ký ức quê hương. Tôi đã thử hỏi những đứa bạn một thời ở làng giờ cùng lập nghiệp ở xa, điều nhớ nhất là gì, chúng đều trả lời đó chính là cánh đồng làng.

Cũng dễ hiểu thôi, bởi cánh đồng là một không gian bất tận với những đứa trẻ mới lớn. Đó là nơi chứng kiến rất nhiều việc làm, từ câu cá, bắt cua rồi vừa nướng vừa chanh nhau ăn, những lúc đuổi trâu, tìm lũ vịt lạc đàn... Nhà tôi không có trâu nên phải nì nèo với những đứa trẻ trong xóm cho theo cùng. Tôi tình nguyện đi đuổi trâu để chúng được thoải mái đá bóng bưởi, chơi pháo đền và nhiều trò khác trên những gò đồng cao.

Đi chăn trâu với lũ trẻ cùng xóm là được tham gia vào một không gian giàu tính cộng đồng thơ ngây, cũng được thưởng thức nhiều món ăn thú vị mà chúng tôi một thời xem là sản vật từ cánh đồng làng. Tuổi thơ chúng tôi cứ thế lớn lên bên nhau, để rồi tự nhiên găm vào ký ức của những người đi xa biết bao kỷ niệm. Có lần tôi phải trốn vào góc phòng để kìm nén cảm xúc của mình, nước mắt lăn dài trên má. Tôi nhớ về một thời tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, sôi động, nhưng vô tư. Tôi đã ước mình được một lần trở về với tuổi thơ đúng nghĩa trên cánh đồng làng để chạy nhảy, hò hét, để được sống đúng, sống thật với bản ngã...

Nhưng công việc bận rộn và áp lực mưu sinh cứ thế cuốn đi tất cả những ý nghĩ. Phải lâu lắm rồi tôi mới lại được ngắm nhìn cánh đồng làng đúng trong mùa thu - mùa gặt tháng chín một cách thỏa thuê đến thế. Cảm xúc cũng ùa về đầy xúc động theo những ca từ của “Khúc hát sông quê” mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã chắt gan ruột của một người quá am tường về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hiến dâng vào những ca từ.

Tôi thấy biết ơn cánh đồng làng. Cánh đồng đã giúp tích lũy vốn sống phục vụ cho công việc của tôi và cũng đem đến lúa, khoai nuôi lớn biết bao thế hệ người. Dù có sự hiện diện của kỹ thuật tiên tiến, thì cánh đồng vẫn cho thấy một sự thuần phác, luôn đem đến một sức hút cho những người xa quê. Trong không gian bất tận của mùa thu, cánh đồng trong mắt tôi được trải ra bằng sự lộng lẫy đến vô cùng.

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]