(vhds.baothanhhoa.vn) - Một ngày tháng bảy, nắng chang chang như đổ lửa. Ngoài kia, cây xanh héo hắt, gió Lào rát bỏng. Tuổi già không dám ra gió. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo: “- Đắc đây. Giờ mình muốn đi ra ngoài khó quá. Mà tớ vừa in tập thơ muốn tặng bạn. Xuống nhá”, “- Ừ, sẽ xuống”.

“Cát lầm” - thơ của tuổi 80

Một ngày tháng bảy, nắng chang chang như đổ lửa. Ngoài kia, cây xanh héo hắt, gió Lào rát bỏng. Tuổi già không dám ra gió. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo: “- Đắc đây. Giờ mình muốn đi ra ngoài khó quá. Mà tớ vừa in tập thơ muốn tặng bạn. Xuống nhá”, “- Ừ, sẽ xuống”.

Tranh thủ khi còn mát mẻ, hơn sáu giờ sáng tôi đã có mặt ở nhà Văn Đắc. Anh quần đùi, ở trần, tay phe phẩy quạt, mặc dù chiếc quạt trần vẫn quay.

- Nhớ bạn quá! Bao nhiêu chuyện về hội, về văn thơ nhạc họa muốn hỏi bạn mà xa quá không đến được.

- Muốn biết chuyện gì?

- Chuyện đại hội của tám, chín ban chuyên ngành vừa qua.

Hai mái đầu bạc bỗ bã, cười ha ha, cũng có lúc lắng xuống vì những điều trắc ẩn. Nói chung văn nghệ ta dạo này yên hàn, lành, không còn điều tiếng như xưa. Nhưng qua một nhiệm kỳ cũng ít cái mới, ít cái xuất thần mà bạn đọc mong đợi.

- Có cái mới cho bạn đây.

Văn Đắc lục trong tủ đưa ra một cuốn thơ “Cát lầm” tặng tôi. Đúng là cái tuổi bát tuần, lại mắc bệnh tim. Đắc không còn “lúc lắc” cái túi thổ cẩm đủ thứ trong ấy mà rong ruổi khắp nơi như xưa nữa. Ở nhà bức bối thì dội vào thơ. Hoài niệm, nuối tiếc một thời: “Thời nhỏ cởi trần/ Chạy trên cát/ Ta lẫn vào với cát/ Bây giờ tóc trắng/ Ngồi trên cát/ Ta lẫn vào với cát”.

Khi nhỏ, Văn Đắc ở trần vục cát “viết thơ lên cát”. Bây giờ tóc trắng ông “lẫn vào với cát”. Nhưng “lẫn” ở tuổi bát tuần, là “lẫn” hồi ức, “lẫn” hoài niệm, mơ mơ màng màng cứ như cát đang vây quanh, đang khỏa lấp mình:

“Em đưa ta vào miền gió cát,

Vốc cát đầu tay, buông ra cát bay

Cát phủ lấp chân dày

Phủi mười ngón bàn tay nở hoa,

Tình như cát đi qua trắng xóa

Trống trơ cát, trống trơ trời.

Ta xin làm cây mọc,

Nuôi cao xanh ngả bóng xuống vai người”.

Cái mạch “cát” cứ phiêu diêu, cứ uẩn ức. Cát và người, người và cát cứ xoắn quyện trong tâm khảm người thơ mộng mị. Cát là nàng tiên, cát là em, là con người luôn bám chặt anh, chơi trò chơi của trẻ nhỏ và cát: “...Mồ hôi dính cát/ Rối bời trong tóc/ Chạy qua cồn Mã/ Bỏ làng.../ Nhớ cát biển chiều/ Tóc mây buộc gió thả diều chơi”.

Sinh ra từ cái làng chài ven biển đầy nắng, gió và cát. Một đời nhớ mong bịn rịn, nơi có một nhúm rau mình vùi trong cát mịn. Văn Đắc rưng rưng: “Lọt lòng trong cát/ Lớn qua đường trời”. Và:“Hai tay đào cát, cát chảy ròng ròng/ Vội vàng chạy trong nhớ mong/ Câu nhớ cũng long đong với người/ Cát lầm bóng lấp lóa tôi...”.

Một đời dạy học và làm thơ, anh đã xuất bản hơn chục tập thơ, tập thơ nào cũng đứng đặng trong lòng độc giả, găm vào tim người đọc những câu hay, tứ đẹp mà “Thấy mình tít tận ngày xưa/ Mây xa nắng quái đung đưa mặt hồ”. Là người con của xứ Thanh từ khi bắt đầu làm thơ Văn Đắc đã có nhiều bài thơ hay về xứ Thanh. Rồi trường ca Tây Đô, trường ca Thanh Hóa đầy đặn, mô tả một triều đại của đất nước, một kinh đô ở xứ Thanh. Người xứ Thanh dưới ngòi bút của Văn Đắc như những vị anh hùng chọc trời khuấy nước: “Thích thì vác đá xây thành/ Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười”.

Nay Văn Đắc bát tuần tóc trắng mây bay. Ngồi trong nhà ngâm ngợi, đau đáu một miền cát trắng, gió lay, để con tằm vẫn nhả những sợi tơ óng ánh, thâm trầm, ám ảnh một đời cát. Những câu thơ cũng trắng tóc mây bay. Những câu thơ nuối tiếc: “Biển đó vẫn xanh, tóc mình đã bạc/ Hồn làng ẩn khuất, gió đi tìm ta/ Thầm thì biển gọi, như là xót xa”.

Một đời thơ Văn Đắc đã cho bạn đọc biết bao cung bậc trầm bổng, ngao du lấp lánh ánh bạc, ánh đồng. Thơ ông thong dong như một cánh đồng lúa xanh bát ngát tận chân trời; lại như một buổi ban mai biển hát dạt dào khúc tình ca ân ái sum vầy.

Khổ đó, sướng đó cứ thế mơ mộng bay lên cao mãi; lại như khúc nhạc rừng với ngàn vạn tiếng chim reo lảnh lót với những thân phận người tần tảo, gió sương mà lòng đầy mãn nguyện.

Tập thơ “Cát lầm” ở tuổi tám mươi lấp lóa đời mà nặng nợ tình yêu quê hương đất mẹ. Khắc khoải một vùng cát, vùng biển mặn mòi gió cát. Cái làng: “Hạ buồm xuống kéo trăng lên đỉnh cột/ Neo làng ta vào trong sóng vỗ”, và cái vùng trời xanh đã gắn một đời người thơ Văc Đắc: “Trời Thanh của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”.

Trịnh Công Sơn có Cát bụi. Văn Đắc có Cát lầm: “Cát lầm bóng lấp lóa tôi”.

Trần Đàm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]