(vhds.baothanhhoa.vn) - Với người nông dân quanh năm với ruộng đồng, thì cấy đêm không còn là chuyện lạ. “Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng” đã đi vào dân ca Thanh Hóa, và cho tới giờ vẫn thấm đẫm ý nghĩa.

Cấy lúa đêm

Với người nông dân quanh năm với ruộng đồng, thì cấy đêm không còn là chuyện lạ. “Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng” đã đi vào dân ca Thanh Hóa, và cho tới giờ vẫn thấm đẫm ý nghĩa.

Cấy lúa đêm

Minh hoạ của Hà Ngọc Hiếu

Mùa cấy vụ hè thu đang rộ vụ. Khi mặt trời còn chưa ló dạng, hay lúc mặt trời đã lặn khuất sau những ngọn núi lam chiều, người dân quê tôi lại í ới gọi nhau ra đồng đi cấy.

Ở quê, nắng tháng 6 khiến cho màu xanh của núi rừng không thể làm dịu đi cái nóng nực oi ả. Mẹ chuẩn bị bữa cơm chiều với cá kho tộ, cà muối chua, nay có thêm món canh riêu cua nấu với rau tập tàng đãi đứa con trai lâu ngày về. Đây toàn là những món mà tôi thích. Mẹ nói: “Hôm nay ta dùng bữa sớm hơn mọi khi, để ra đồng cấy cho kịp nước về”.

Với tôi, xa quê đã nhiều năm, nhưng cấy đêm thì không phải việc xa lạ, từ bé tôi đã quen với công việc này rồi. Bởi ở quê những công việc như nhổ mạ đêm, cấy lúa đêm, cắt lúa đêm, ôm lúa về sân đạp, rê, xay, giã, chà gạo… đã trở nên bình thường trong cuộc sống.

Bố kể, hồi bao cấp làm việc đều chấm công, chấm điểm, cả hợp tác xã cấy lúa đêm vui lắm, song cũng không ít nỗi đau. Có người yêu nhau trên ruộng cấy ở những buổi cấy đêm, trai gái hẹn ngoài ruộng đồng, anh bỏ mạ, em cấy. Họ chạm tay nhau, tìm hiểu nhau, trách móc, cười duyên với nhau dưới ánh sao, ánh trăng. Và rồi cũng có người ngã xuống vì bom đạn giặc khi trên tay vẫn còn cầm tép mạ non ở tuổi xuân thì.

Ngày nay khi kỹ thật tân tiến, hiện đại, đã đưa máy móc vào sản xuất. Nhưng với tiết trời nắng nóng, thì cấy đêm vẫn là lựa chọn lý tưởng của bà con quê tôi. Theo kinh nghiệm, cấy đêm vừa khoẻ người, kịp nước về, bởi chậm một hôm thì ruộng rút nước nhanh, bùn se mặt, gốc mạ bị bó lại, cấy rất khó. Cấy đêm cây mạ cũng phát triển tốt hơn, bám rễ nhanh và tươi hơn, bởi nước và bùn đã dịu bớt nhiệt.

Bước xuống ruộng, ngỡ mình như người khiếm thị lần dò theo từng đường đi nước bước vậy, nhưng không làm khó được tôi, chỉ trong chốc lát mắt cũng tỏ dần, thích nghi với ánh sáng mờ của buổi đêm. Hơn nữa, cấy cũng là một nghề mẹ truyền con nối của người nông dân, nên dù là trai hay gái từ bé chúng tôi ai nấy đều thạo công việc này.

Mẹ cười nhẹ nhàng nói: “Lâu rồi không làm việc đồng ruộng, còn nhớ cách làm không. Cấy phải thẳng hàng, đều luống, mỗi tép mạ cấy xuống không được nổi gốc vì nếu nổi gốc thì ngày hôm sau phải ra đồng dặm lúa lại đấy. Lúc nào mỏi lưng thì con đứng dậy vặn qua lại sẽ đỡ hơn”…

Nhờ quen tay, quen hướng, và cũng nhờ ánh trăng, ánh đèn pin đeo trên đầu mà bố đã xạc đầy từ hôm trước nên tôi vẫn có thể thoăn thoắt tay cấy từng tép mạ.

Vào những buổi cấy đêm, quê tôi từ đầu thôn cho tới cuối xóm, không khí sôi nổi, rộn ràng, hình ảnh giống như những giờ phút tập hợp nhau đi dân công trong câu chuyện xưa mà bố hay kể cho chúng tôi nghe vậy.

Mắt đã cay xè vì mồ hôi, chắc là cũng đã khuya, đúng là lâu ngày không làm công việc nặng nhọc, lưng tôi như cứng lại, hai bắp đùi rồi đầu gối như chùng xuống. Nghe lời mẹ tôi đứng lên cho đỡ mỏi, cả cánh đồng, những ánh đèn pin của bà con cùng đi cấy đêm chiếu rọi, người đã cấy xong đang chuẩn bị về, bên kia có gia đình để lại ngày mai cấy tiếp, phía bên này có nhà còn chút đang cố để cho xong. Một khung cảnh nhộn nhịp lấp lánh ánh trăng, ánh đèn pin cùng với nhịp sóng nước tạo ra một khung cảnh đẹp và vui mắt.

Bao đời nay nghề làm ruộng luôn vất vả, nhưng với những người nông dân thì lao động là nguồn sống, họ luôn vui tươi, chân chất... Trên cánh đồng đâu đó vọng lại những câu ca:

"Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng".

Trời ước chừng sắp sáng, những tép mạ cuối cùng cũng được xếp hàng ngay ngắn. Nghe lời mẹ, hai bố con nhanh chân bươc về phía bờ ruộng ngồi nghỉ một lát rồi mới về. Đêm khuya tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng lội ruộng bì bõm dưới ánh trăng mờ tỏ, một làn gió khuya mát lạnh lướt qua, tiếng côn trùng bắt đầu dạo nên những khúc nhạc mà chúng phải câm nín vì sợ sệt từ buổi đầu hôm. Một cái vỗ vai nhẹ khiến tôi bừng tĩnh, bố sảng khoái nói: “Về nhà thôi con”.

Hà Ngọc Hiếu


Hà Ngọc Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]