(vhds.baothanhhoa.vn) - Phòng làm việc ở tầng ba, có một cái ban công hẹp hứng đầy nắng, gió... và mưa. Để lấp đầy và làm đẹp khoảng không gian đó, tất cả nhân viên của phòng, mỗi người trưng ít nhất là một chậu cây, hoa cảnh. Sáng nào đến cơ quan, việc đầu tiên của họ là cầm chiếc bình xinh xinh tưới cho những chậu cây của họ. Nhờ thế, những chậu cây thì tươi tốt, còn đám chậu hoa thì bung nở những bông hoa xinh đẹp.

Chậu xương rồng nở hoa

Phòng làm việc ở tầng ba, có một cái ban công hẹp hứng đầy nắng, gió... và mưa. Để lấp đầy và làm đẹp khoảng không gian đó, tất cả nhân viên của phòng, mỗi người trưng ít nhất là một chậu cây, hoa cảnh. Sáng nào đến cơ quan, việc đầu tiên của họ là cầm chiếc bình xinh xinh tưới cho những chậu cây của họ. Nhờ thế, những chậu cây thì tươi tốt, còn đám chậu hoa thì bung nở những bông hoa xinh đẹp.

Chậu xương rồng nở hoa

Minh họa: Hà Hiếu

Vào ngày tôi đến làm việc, trưởng phòng cũng hỏi tôi:

“Cậu thích mang đến đây cây gì, hay hoa gì?”.

Tôi không quan tâm đến cây hoa cảnh, dù đã ngắm nhìn cái ban công rực rỡ ấy, mà cả phòng đều lấy làm tự hào.

“Em không thích, chúng như con mọn ấy, chăm chúng mất thời gian lắm”.

Trưởng phòng cười khục khục:

“Nhập gia tùy tục, cậu đã đến đây thì cũng nên sắm một chậu gì đó. Nhé!”.

Đám nhân viên văn phòng hào phóng tặng tôi món quà tổng hợp về mọi người, tất nhiên là dưới con mắt săm soi đánh giá của họ. Trong đó có một điểm chung: Trưởng phòng là người đáng chú ý nhất cơ quan. Không đẹp, nhưng có một cái gì đó rất cá tính, khó mà tả bằng lời. Tôi quan sát trưởng phòng bằng đôi mắt thờ ơ, lạnh nhạt, từ đó suy ra là ở trưởng phòng không có gì đáng chú ý. Tôi chú ý đến cô, dù hiếm khi nghe thấy cô nói, càng hiếm khi thấy cô mỉm cười. Cô là cô gái lặng lẽ nhất mà tôi nhận thấy cái văn phòng này.

Đám nhân viên phần lớn là độc thân. Họ có mục tiêu và khát vọng để phấn đấu, họ có niềm tin và lý tưởng để phát ngôn. Họ cũng có tư duy và nhu cầu thẩm mỹ, nên họ không chỉ là nhân viên văn phòng khô khan giấy tờ này nọ, họ còn là những ma - nơ - canh của kiểu dáng và màu sắc thời trang…

Nếu sự im lặng khiến cô trở thành người mà tôi chú ý giữa đám phụ nữ thích phát ngôn kia, thì những gam màu lạnh trong trang phục của cô lại nổi bật giữa những bộ cánh thời trang thay đổi đến hoa mắt của các cô gái khác. Và mỗi lần đến văn phòng, nhìn cái ban công rộn ràng chậu cây hoa cảnh, tôi lại âm thầm hỏi bản thân: Tại sao cô ấy lại chọn cho mình một cây xương rồng?

Cây xương rồng, không rõ tên riêng của nó là gì, không đẹp, tròn ủm, được trồng trong cái chậu sứ nhỏ cũng không đẹp nốt. Cô cũng không thường xuyên tưới cho nó, tất nhiên xương rồng chịu hạn và không õng ẹo như những loài hoa sặc sỡ mong manh khác. Nhưng thái độ lạnh nhạt của cô dành cho cây xương rồng tội nghiệp khiến tôi nghĩ: có lẽ vào cái ngày cô đến nhận việc, trưởng phòng cũng đã nói với cô như đã nói với tôi và cô đã đem nó đến đơn giản chỉ là đối phó cho xong chuyện mà thôi.

“Ồ, xương rồng hả? Thế là em xương rồng của An có đôi rồi, không khéo… cũng nên”.

Tôi nhìn cô, xem cô tỏ thái độ như thế nào với câu bông đùa của đồng nghiệp kia, đồng thời, cũng ra mắt cây xương rồng của mình luôn. Nhưng cô chỉ ngước nhìn, khẽ cười một chút. Thế là tôi đành nói:

“Không, đây là cây xương rồng của người yêu em, cô ấy tặng…”.

Cả phòng cười ồ. Có mấy người xúm lại đoán tên gọi riêng của cây xương rồng ấy, rồi nhanh chóng lảng đi. Công bằng mà nói: một chậu xương rồng và một cây xương rồng không có gì đặc biệt thì khó có thể lôi cuốn bình luận của mọi người. Tôi lặng lẽ để chậu xương rồng của mình cạnh chậu xương rồng của cô, và vẩn vơ nghĩ ngợi.

Mùa hạ bắt đầu chạm ngõ thành phố với những cơn mưa hối hả. Đám nhân viên nữ, chủ nhân của những chậu hoa rực rỡ mong manh dễ bị mưa gió làm bầm dập thì suốt ngày bận rộn lo thời tiết làm hại hoa của họ. Hai chậu xương rồng vẫn vô sự ngoài ban công. Trưởng phòng tỏ ra là người vui tính, thấy hai chậu cây thì bảo: “Hoa thì hay héo, cỏ thường xanh. Thế mà chả ai muốn làm cỏ hết”. Rồi nhìn cô, ánh mắt gửi gắm nhiều ý tứ. Cô thinh lặng, như bao lâu cô vẫn thinh lặng.

Cô đột ngột chuyển đi, không một lời báo trước, cũng không một lời từ biệt, mang theo đồ dùng cá nhân, những thứ không thuộc về công ty, chỉ duy có chậu xương rồng. Cô đã không mang theo nó.

Tôi nhìn hai chậu cây buồn bã bên ban công mưa mùa hạ, nghĩ về cô thật nhiều, cô gái lặng lẽ ấy, dù tôi chẳng có một kỷ niệm nào đặc biệt về cô ngoài chậu xương rồng đã có mặt ở đó từ bao giờ. Tại sao cô không mang nó theo, chậu xương rồng tội nghiệp?

Nhân viên mới thế chỗ cô mang đến một chậu ngũ da bì to tướng, cậu ta cười hê hê, bảo thứ cây này giúp lọc bớt độc hại của thuốc lá. Sếp không bỏ được thuốc thì cũng đỡ hại phổi. Trưởng phòng gật gù, và điếu thuốc trên môi trưởng phòng cũng gật gù. Cả phòng nhìn trưởng phòng, nhìn chậu cây mới cùng chủ của nó, rồi lại nhìn nhau. Lạ thật, sao bao nhiêu lâu mà không hề có ai nghĩ ra điều đó nhỉ.

Chậu cây quá to, trong khi ban công quá chật. Nhân viên mới nhìn mọi người, mọi người nhìn trưởng phòng. Trưởng phòng phẩy tay:

“Cứ để nó ở đấy, mấy cái cây không quan trọng thì bỏ đi”.

Nhưng có cái chậu cây nào là không quan trọng với mọi người. Không ai muốn bỏ chậu cây của mình đi, ai cũng có lý lẽ, cuối cùng, nhân viên mới đành đẩy chậu cây vào sát tường. Không ai nhìn thấy, nhưng nghe thấy một tiếng “choang” thăm thẳm. Tôi thót nhói trong ngực, sát tường, nơi những chiếc lá của chậu cây mới xòa che khuất hai chậu xương rồng, giờ chỉ còn chậu xương rồng của tôi ở lại.

Tôi nhận lại cây xương rồng cùng những mảnh vỡ của cái chậu sứ nhỏ tội nghiệp từ tay ông bảo vệ. Ông hỏi tôi: “Cô An chuyển đi, không mang nó theo hả?”.

Tôi ngạc nhiên: “Sao bác biết nó là của An?”.

Ông bảo vệ cười: “Tôi thấy cô ấy mang đến mà”.

Nhân viên mới làm thân với tôi. Cậu ta cũng đồng thời thân với trưởng phòng và những nhân viên khác. Một ngày đi nhậu, cậu ta bảo tôi:

“Anh có biết vì sao chị An bị đuổi việc không?”.

“An bị đuổi việc ư?”.

Tôi hoàn toàn không nghĩ thế, nhưng nhân viên mới cười khơ khớ:

“Anh ngây thơ quá. Bà An ngự ở cái công ty này bốn năm nay, chỉ suốt ngày tìm cách ve vãn sếp, đến giờ thì sếp không thể chịu nổi nữa. Thế thôi”.

Tôi nóng mặt: “Mình không nghĩ thế, cô ấy chỉ kiệm lời mà thôi”.

Tôi mang cây xương rồng của cô về, trồng lại trong chiếc chậu đã được gắn lại một cách vụng về, khiến nó thành độc đáo. Nhân viên mới mang đi cây ngũ da bì, vì nó to quá, làm xấu cả không gian ban công, dù có thể lọc khí độc của thuốc lá mà sếp nhả ra. Cậu ta lại mang đến một chậu cây khác, không hiểu cây gì, nghe nói nó đắt lắm, nhưng không chiếm nhiều không gian.

Mùa thu, tôi mang chậu cây của cô đến chỗ cũ. Cả phòng ngạc nhiên, rồi cười khúc khích. Trưởng phòng vẻ không bằng lòng.

“Cô ta ám công ty này chưa đủ sao mà cậu còn giữ cái cây của nợ ấy lại”.

Từ ngày cô đi, công việc ở văn phòng không còn thông suốt như ngày cô còn ở đó. Ai đó cũng thừa nhận cô là một nhân viên giỏi, hiếm có, thế mà…

Cây xương rồng của cô ở đây, đang hồi sinh, mà tôi không có cách nào liên lạc với cô được. Tôi cũng không biết mình muốn liên lạc với cô vì lẽ gì. Giữa chúng tôi không có một kỷ niệm chung nào đáng nhớ, đáng để gọi tên. Nhưng tôi vẫn muốn gặp để nói với cô, rằng cái chậu cây mà cô bỏ lại đó, vẫn đang sống và chờ cô trở lại.

Mùa xuân, những cơn mưa bụi rắc phấn lên thành phố, từ chuyến công tác dài ngày trở về, việc đầu tiên là tôi lao ra ban công, nơi hai chậu xương rồng đang lặng lẽ nép trong góc. Nhìn thấy hai chậu cây, tôi hơi khựng lại. Từ trên màu xanh lặng lẽ của cái thân tròn ủm chi chít gai, một chùm hoa đang tỏa màu phớt tím rạng rỡ. Một niềm vui như chính mình đạt được niềm ước mong bấy lâu chờ đợi, tôi nâng chậu hoa trên tay, chạy ngay vào phòng khoe với mọi người. Mấy chị em sặc sỡ liền xúm lại trầm trồ: “Ồ, cái cây này kỳ nhỉ, nở hồi nào mà không ai biết”.

Tôi đi qua cổng, thấy ông bảo vệ đang ngồi trầm ngâm với một cây xương rồng dóng cao, thân khứa múi và cũng chi chít gai, không kiềm lòng được, tôi khoe với ông về chậu xương rồng nở hoa. Nghe xong chuyện, ông nhìn tôi cười tủm tỉm:

“Cậu khoe về chậu hoa của người khác mà cứ như hoa của mình ý. Cậu quan tâm đến nó thế kia à?”.

Tôi ngậm miệng, không biết trả lời ông sao, đành cáo từ. Lúc tôi sắp dắt xe ra khỏi cổng, ông nói với theo:

“Chậu cây của con bé nở hoa, chắc nó sẽ đạt được một niềm vui lớn trong công việc, hay có khi sắp có thiệp hồng cũng nên. Nếu gặp nó, cậu bảo nó một câu như thế nhé”.

Tôi lắc đầu:

“Nếu cô ấy sắp có tin vui thì cháu mừng cho cô ấy, chứ làm sao gặp được ạ?”.

Ông già vẫn nói với theo: “Biết đâu được đấy, có duyên thì còn gặp lại”.

Thực lòng tôi rất mong gặp cô, có lẽ chỉ để khoe rằng chậu cây của cô ấy đã nở hoa. Nhưng biển người mênh mông, người vô tình luôn ngày đụng vào chạm, người muốn gặp lại như bóng chim tăm cá. Tôi cứ ngồi ngắm chậu hoa của cô ấy mà nghĩ ngợi, rằng khi cô ấy ra đi tuyệt không để lại một thông tin liên lạc nào, thì hẳn những năm tháng và những mối quan hệ đồng nghiệp ở đây chẳng có ý nghĩa gì với cô ấy hết, cô ấy chẳng bận lòng.

Buổi chiều cuối tuần tan sở, nhìn mưa bụi rắc lây phây, tôi cảm thấy trong lòng mình một nỗi buồn vô cùng lặng lẽ. Tôi cứ ngồi ngắm chậu hoa màu phớt tím mà nghĩ ngợi, và khi tôi ra khỏi cổng cơ quan thì cũng lúc ông bảo vệ hết ca, thấy ông chuẩn bị về mà không mang xe, tôi bảo:

“Bác lên xe cháu chở bác về, khuya rồi, lạnh lắm”.

Ông nhìn tôi: “Nhà tôi không xa đây lắm, tôi đi bộ cho nó khỏe, nhưng hôm nay thì được, tôi muốn mời cậu đến nhà chơi, làm chén rượu”.

Nhà ông quả không xa cơ quan lắm, nằm trong một con hẻm khá dài và lặng lẽ. Bước chân vào nhà, ấn tượng đầu tiên là dưới ánh sáng ngọn đèn trong sân, tôi thấy rất nhiều hoa xương rồng, trong đó có cả những chậu nở hoa màu tím như chậu hoa của cô.

“Lâu lắm rồi mới gặp, anh vẫn khỏe chứ?”.

Tôi ớ người ra, trời ơi, cô gái mà bấy lâu tôi mong gặp chẳng phải đang đứng trong sân, bên những chậu xương rồng nở hoa hay sao?.

Ông bảo vệ kéo tôi vào nhà, vừa đi ông vừa bảo:

“An nó làm ở đó, chịu đựng thằng trưởng phòng bất tài hay ve vãn khốn kiếp chỉ vì bác. Bây giờ nó đã đi, đã tìm được một công việc tốt hơn, đã được thăng tiến, và ít nhất là ở nơi nó được người ta trân trọng”.

An tiễn tôi ra tận phố dài. Dưới ánh đèn phố đêm, những hạt mưa bụi đậu trên tóc cô như muôn hạt màu lấp lánh…

Truyện ngắn của PHẠM THANH THÚY



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]