(vhds.baothanhhoa.vn) - Chung quanh việc làm báo Tết, nhiều chuyện vui mà cười ra nước mắt. Xuân đang về, những người viết văn làm báo chúng tôi chuẩn bị ăn Tết tinh thần và đón Xuân trước bàn dân thiên hạ hàng tháng trời trước Tết. Xin kể cho vui trong ngày xuân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện vui báo tết và nhuận bút báo Tết

Chung quanh việc làm báo Tết, nhiều chuyện vui mà cười ra nước mắt. Xuân đang về, những người viết văn làm báo chúng tôi chuẩn bị ăn Tết tinh thần và đón Xuân trước bàn dân thiên hạ hàng tháng trời trước Tết. Xin kể cho vui trong ngày xuân.

Trót đăng bài trùng

Tôi hay viết báo và lại là nhà văn, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nên nhiều khi Tổng biên tập báo cũng trông giỏ bỏ thóc. Đặt bài hay không, không quan trọng. Mình gửi bài là báo đăng ngay. Nhưng trước đây tôi chủ yếu làm thơ. Thơ Tết đăng báo mất ít thời gian sửa bài. Tôi có một suy nghĩ: Mình làm thơ, nếu viết báo nhiều làm cho thơ nhạt đi và tư duy báo làm cho cảm hứng thơ khô cạn. Điều đó là có thật. Thơ có thể vài ba báo cùng đăng một bài, không sao. Sau này, nhà thơ Lê Đình Cánh, người rất thân tôi, có khuyên: “Cậu làm thơ nên sẽ viết ký văn học được. Viết đi, tớ ủng hộ”. Và tôi viết báo. Các báo đăng đều nhưng bài ký đăng Tết thì hạn chế. Có một năm Tết, tôi có một bài ký hay gửi đăng 4 báo liền. Tất nhiên là họ đăng hết. Bạn bè điện thoại khen. Tuy nhiên, sau Tết Tổng biên tập một báo điện cho tôi, phê bình: “Anh đã đăng báo em sao lại đăng cả báo khác. Lần sau rút kinh nghiệm, không được thế. Nguyên tắc, báo lớn của em đăng bài rồi, báo địa phương muốn đăng lại, phải ghi chú là theo báo XYZ, nếu không là không được thế”. Tôi giật mình: “Mình gửi bài, chả biết các cậu đăng hay báo khác đăng mà lựa lời”. Anh tổng biên tập nói: “Em đã đặt bài là em đăng, còn báo khác anh không được đăng”. Tôi xin lỗi: “Thôi rút kinh nghiệm”.

Đăng thơ và trót không đăng thơ

Dạo tôi đang còn phụ trách Trưởng ban Thơ của Báo Người Hà Nội. Ngày Tết, đăng bài thơ trên báo với các nhà thơ là rất quan trọng, đặc biệt là các nhà thơ chưa phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trang thơ của các CLB thơ đã biên tập có bài bình thơ của nhà thơ Lương Toán, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Không hiểu sơ xuất thế nào đến khi báo Tết ra, không có bài đó. Nhà thơ Lương Toán với tôi là chỗ thân tình, ông nguyên là Đại tá quân đội, nguyên giám đốc một nhà máy quốc phòng. Trong số đó, ông lại cònđăng ký mua 100 tờ báo. Tôi đến gặp Lương Toán nói rõ sự trục trặc để ông thông cảm. Ông vui vẻ ngay: “Anh yên tâm, không có bài nhưng tôi vẫn mua 100 tờ báo Tết”. Lần ấy, tôi nhớ mãi.

Nhuận bút báo Tết

Nhuận bút các báo và tạp chí của các hội văn nghệ địa phương hầu hết đều thấp vì địa phương nghèo. Nhất là các tỉnh phía Nam. Báo Tết chỉ có báo Đảng là nhuận bút cao chút, còn các hội thì nhuận bút rẻ như bèo, nhất là thơ. Cho nên nhà thơ đã nghèo lại càng nghèo. Đến nỗi, nhà thơ Nguyễn Duy đã nói hài hước: Thơ ơi, ta bảo thơ này/ Để ta đi cấy, đi cày nuôi thơ.

Báo địa phương thấp đã đành, nhưng đăng cũng không phải dễ. Có câu chuyện về sự khép kín trong địa phương, vì thế nhiều tác giả trung ương cũng khó vào được tạp chí địa phương. Thậm chí tác giả địa phương cũng phải phân phối xếp hàng nhau đăng sau trước. Một phó tổng biên tập tạp chí địa phương, không tiện nói tên, đã thổ lộ: Địa phương nghèo và tác giả thì nhiều nên đăng trước đăng sau là phải cân nhắc. Như thế thì buồn quá. Ngược lại, có địa phương như Hải Dương lại khuyến khích các tác giả trung ương đăng bài trên báo tỉnh mình. Hàng năm Hải Dương đều tổ chức các Hội nghị cộng tác viên có tác giả trung ương tham dự. Đó gọi là quan hệ mở rộng. Như thế, chắc chắn là chất lượng bài tốt hơn và cũng là cơ hội để các tác giả địa phương học hỏi ở trung ương nhiều điều hay.

Lại có báo còn chẳng có nhuận bút, như báo Người Hà Nội, vì phải tự trang trải hết nên các nhà văn đăng bài là để cổ vũ động viên cho sự tồn tại và phát triển của báo là chính. Tôi đăng bài trên báo Người Hà Nội cũng là để thể hiện trách nhiệm của mình với báo thôi.

Hay có tờ báo Trung ương như Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhuận bút thấp nhưng những người chưa vào Hội Nhà văn Việt Nam rất cần đăng để quảng bá tên tuổi.

Mua báo Tết không đọc

Tôi có thói quen, đi sạp báo Tết hay đi Hội báo Xuân, mua rất nhiều báo về. Mua báo Tết, mụcđích để tham khảo cách trình bày báo, tìm hiểu những bài bạn bè viết thế nào, không khí báo Tết ra sao. Lúc ấy, tôi đang làm Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật ứng dụng. Nhưng có lần, mua về không đọc hết, hoặc điểm báo không hết. Ngày Tết, anh em bạn bè rủ đi uống rượu xuân, về là ngủ luôn, làm gì có thời gian đọc báo. Ra giêng, một ông bạn điện cho tôi hỏi: “Tớ có bài viết về cậu, đọc thấy thế nào?”. Tôi ngớ người ra, không hiểu, nhưng chống chế ngay: “Tớ nhìn thấy rồi nhưng Tết lắm việc quá chưa đọc”. Thực tình tôi cũng không biết nó ở báo nào, số bao nhiêu. Tôi không dám hỏi lại, sợ ngượng cho mình. Tôi phải đi hỏi người khác về bài báo đó để chia sẻ với bạn.

Trót nhỡ mua báo Tết quá nhiều

Một lần, sinh nhật cháu ngoại Tin Tin một tuổi. Mừng quá tôi có bài thơ Tết tặng cháu. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Trưởng ban Thơ báo Văn Nghệ, đọc bài của tôi xong, điện ngay: “Thơ hay, đăng vào số Tết nhé”. Tôi đăng ký lấy 100 tờ báo Tết năm đó. Gần Tết, Tổng biên tập Khuất Quang Thụy điện tôi nói giá 54.000 đồng/tờ. Tôi giật mình. Chết rồi! Hết 5,4 triệu. Nghĩ mãi, không biết xử lý thế nào, tôi điện cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hưng Yên, Nguyễn Xuân Dương, nói thật sự tình và sự lỡ làng. Xuân Dương là một người yêu thơ và có nhiều thơ hay. Lúc ấy, anh hay đăng thơ trên báo Văn nghệ nhưng chưa phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh trả lời: Đơn giản, anh gửi ngay số báo còn lại cho tôi qua địa chỉ Hội VHNT Hưng Yên. Chuẩn bị họp tất niên toàn thể hội viên. Tôi cũng là hội viên, nên tôi tặng mỗi người mỗi tờ là hết, mà lại có ý nghĩa. Tôi thở phào nhẹ nhõm. May quá là may. Xuân ấy thật vui. Tôi bán được báo Văn nghệ, mà Xuân Dương cũng có một món quà Tết tặng anh em. Lợi cả đôi đường. Đúng là dở khóc dở cười.

Riêng Báo Văn hóa và Đời sống Thanh Hóa, với tôi, đăng bài là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nhuận bút cao hay thấp đều vui vẻ cả. Nhiều năm nay, hàng tuần, tôi đều có báo biếu đều đặn. Đấy là quà đẹp với tôi rồi.

Lê Tuấn Lộc


Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]