(vhds.baothanhhoa.vn) - In lần đầu năm 2014 ở NXB Hội Nhà văn, sau đó tập thơ “Cụng ly” tiếp tục được NXB Hồng Đức tái bản có chỉnh sửa bổ sung. Giữa thời buổi nhà nhà in thơ và làm thơ, không phải bỏ tiền ra tự xuất bản, đó là niềm vui của bất kể nhà thơ nào. Với Nguyễn Minh Khiêm, hẳn cũng vậy thôi.

Cụng ly phận người cùng Nguyễn Minh Khiêm

In lần đầu năm 2014 ở NXB Hội Nhà văn, sau đó tập thơ “Cụng ly” tiếp tục được NXB Hồng Đức tái bản có chỉnh sửa bổ sung. Giữa thời buổi nhà nhà in thơ và làm thơ, không phải bỏ tiền ra tự xuất bản, đó là niềm vui của bất kể nhà thơ nào. Với Nguyễn Minh Khiêm, hẳn cũng vậy thôi.

Cụng ly phận người cùng Nguyễn Minh Khiêm

Trong mọi bữa “Cụng ly” ở tiệc rượu ấy, con người ta dễ dàng bộc lộ tính cách, ký ức và cả những buồn vui của hiện tại, lo âu cho những ngày sắp tới: “Ly nào cũng dựng sóng lòng/ Ly nào cũng chất trập trùng núi non/ Ly nào chữ cũng véo von/ Dạt dào như thể suối nguồn lũ xô”.

Đọc cả tập thơ 155 bài của Nguyễn Minh Khiêm, thực chất cụng ly chỉ là cái cớ để từ những chuyện, những hành động của ngày hôm nay mà nghĩ về những ngày đã qua, những chuyện đã lỡ, còn dang dở.

Trong bài “Đánh giậm hồn mình”, Nguyễn Minh Khiêm đã để “hồn quê rót tràn”, rồi “nhét đầy một giỏ lầy sình tuổi thơ”. Được trở về với thời quá khứ, người ta có thể “cởi tung ký ức tơ hơ ngồi cười”. Cái hồn nhiên ấy không có nhiều trong thơ Nguyễn Minh Khiêm dẫu bài nào ông cũng nhắc đến quá khứ, dẫu “chữ nào cũng chật ngày xưa”. Đa phần có cảm giác ông “sẩy chân về chỗ ngày xưa” (Sẩy chân); “Hồn làng ướt đẫm giấc mơ/ Ta đem về phố thẫn thờ hong phơi” (Lục bát dầm mưa) vì “Của ngon vật lạ trăm vùng/ Nhớ quê lòng cứ bỗng dưng. Chợt thèm"... (Chợt thèm).

Hơn hết, ông là người nghĩ nhiều, ngẫm nhiều, buồn nhiều hơn vui, ngạo nghễ cười rồi nhói lòng buồn, vừa “lộn hết ký ức đem dành tặng nhau” đấy nhưng rồi lại trở về với cái thời hiện tại “Hãm trà từ lúc thôi nôi/ Đặc thời băng giá, quánh thời bão giông”.

Suy cho cùng, chạy một mạch qua thời tuổi trẻ, ai mà chả lắm ưu tư. Cái ưu tư của Nguyễn Minh Khiêm tưởng chừng không thể trút bỏ vào đâu. Ông gửi nỗi buồn vào thơ.

Đó là cuộc sống này với "bên lắm quả đắng, bên nhiều trái thơm”, để rồi “Trở vai rát cả bốn mùa/ Qua hai màu tóc mà chưa điểm dừng” (Toòng teng). Nơi đó con người ta cũng chất chứa nhiều tâm trạng “Cả cười cái lúc trắng tay/ Hu hu bật khóc khi đầy gấm hoa” (Toòng teng).

Đọc cả tập thơ, dội vào cảm xúc độc giả vẫn là những vần thơ mang nỗi chuyện đời. “Tách trà hãm suốt một năm/ Rót ra quánh đặc cắm tăm phận người”. Một Tách trà đêm cuối năm thôi nhưng ông có thể nghĩ về “Đục trong được mất chắt ra/ Trộn mưa trộn nắng làm trà nhâm nhi/ Khi không còn vị hương gì/ Hiện lên cái bã nguyên si phận người”. Hay là những nghĩ suy: “Đời ta một chén thì say/ Đổ bao nhiêu nỗi thì đầy câu thơ?” (Rượu xuân); “Năm ba trăm sáu lăm ngày/ Đem cô đặc lại không đầy một ly... Biếu mẹ mấy chữ têm trầu/ Xoay trong lòng cối nhói đau phận người” (Dậy thổi tù và); “Bao nhiêu tuổi chất lên đầu/ Mỗi tuổi là một toa tàu rỗng không!” (Đốt tuổi).

Trong rất nhiều sự đổi thay, sự thay đổi của làng quê được Nguyễn Minh Khiêm trở đi trở lại: “Hai mươi thế kỷ đi qua/ Giật mình không thể nhận ra nổi làng” (Làng qua thế kỷ). Cũng bởi thế mà có ít nhất 13 lần ông sử dụng chữ “giật mình” trong tập thơ. Đó là “chứng nhân” của “bao nhiêu gió giật đi qua cổng làng”. Giấc mơ quay trở lại tuổi thơ để “tồng ngồng giọt nắng tắm mưa” (Cưỡi trâu về lại tuổi thơ), cũng chỉ để thảng hoặc “Tôi ngân nga hát về miền quê xưa” (Thăm bảo tàng quê) và “Về làng xin một giọt mưa nảy mầm” (Chút ngày xưa). Nhưng cái hiện thực vô cùng khắc nghiệt: “Vườn cau, ao cá chẳng còn/ Đường ngang, ngõ dọc chỉ toàn bê tông/ Nắng như táp lửa vào lòng/ Hừng hừng gạch đá một vùng lân tinh”. Thế nên “Lần theo ký ức tôi về/ Giữa làng mà cứ tưởng mê nhầm làng” (Tròng trành).

Thơ của Nguyễn Minh Khiêm ít có những con chữ mượt mà. Ông thích dùng những động từ mạnh rất Thanh Hóa: vãi, quăng, nhặt, thèm, chắt, bẻ, buộc, bổ… Dường như cái ngôn ngữ xứ Thanh này khiến thơ của Nguyễn Minh Khiêm trực tiếp ập vào cảm xúc người đọc. Không ve vuốt, không giễu nhại, nhưng vẫn giằng trước đón sau để người đọc phải hiểu đúng cảm xúc và tư tưởng của ông. Vì thế bất cứ bài thơ nào cũng được ông sử dụng bút pháp so sánh và ẩn dụ. Người thơ này tỉnh lắm, ông chưa say: “Thơ như rượu rót vào bình/ Bất chợt mình lại rót mình ra say/ Ngậm cho quả ớt đỡ cay/ Ký ninh đỡ đắng, chiếc giày đỡ hôi” (Rót mình ra say); “Bồ hòn ta cụng với ta/ Phận cày dệt gấm thêu hoa cũng cày/… Bao nhiêu mảnh vỡ trong tim/ Rót ra nào cụng cho mềm chồi non! (Cụng ly).

Phía sau những bão giông là sự hy vọng: “Cắm sào ghìm phía bão lay/ Bao nhiêu rễ bật phía cây đợi chờ/ Xòe ra những mảnh xác xơ/ Gói vào tơ nhện giăng bờ gió giông” (Chiều lông ngỗng); “Đời như tàu vượt nỗi buồn/ Tan ra lại đóng, cạn nguồn lại khơi”; “Mặt người chằng chịt những dây/ Rũ thơ gỡ nắng mới hay mình nhầm” (Rũ thơ). Cái “quả cân hận thù” mà con người luôn mang vác ấy, cuối cùng cũng được cởi bỏ. Như câu chuyện và mối quan hệ của chị em Tấm Cám làm buốt đau và mang tiếng ác qua bao nhiêu đời. Mong ước cuối cùng vẫn là: "Để ta về một gia đình/ Trầu cau lên đĩa chúng mình giỗ cha” (Lời Tấm).

Lấy chuyện xưa mà nói chuyện nay, lấy chuyện người ta mà chạnh lòng mình, đó là Nguyễn Minh Khiêm: “Bao lần hóa rạ, hóa rơm/ Bao lần hóa Cuội, hóa Bờm mà say!/ Cả cười cái lúc trắng tay”. Trắng tay để nhìn nhận lại mình. Câu thơ không chỉ như tuyên ngôn và nghị lực sống của tác giả mà còn là triết lý cuộc đời: “Khi còn lại một nắm tro/ Toòng teng quảy nốt qua đò trần gian” (Toòng teng).

Suy cho cùng nỗi buồn nào cũng phải buông để còn nghĩ về tương lai. Tôi thích những câu thơ trong bài Em về mất sức cũng chính là thế: "Vỡ đê chẳng thể lấp sông/ Chân trời chưa mất, Mênh mông hãy còn/ Khát vọng nuôi lại từ con/ Đời còn gieo hạt thì còn rừng cây”. Sức mạnh của con người là thế và một nhà thơ được trân trọng cũng bởi dù hoàn cảnh nào, nhân tình thế thái có bạc bẽo bao nhiêu thì họ vẫn phải neo đậu niềm tin vì đời dài lắm, phải sống tiếp thôi.

Rất tung tẩy, rất tự do, rất đời và cũng rất thời sự, Nguyễn Minh Khiêm đã góp phần làm thay đổi “định kiến” thể thơ lục bát chỉ dành cho những hoài niệm lãng mạn. Có những vấn đề đưa vào thơ đã khó, thơ lục bát càng khó hơn: Mảnh ruộng cuối cùng, Chạy việc cho con, Đám cưới chuột, Đi qua cổng làng, Ngọn rau, Làng qua thế kỷ...

Từ “Cụng ly” ngoài đời thực đến thơ của Nguyễn Minh Khiêm có lẽ khá xa. Bên ngoài xô bồ, bên trong trữu nặng suy tư. Ai sẽ là người “Cụng ly” trong thơ ông, hay chỉ mình ta với ta?:

Cắm sào ghìm phía bão lay

Bao nhiêu rễ bật phía cây đợi chờ

Xòe ra những mảnh xác xơ

Gói vào tơ nhện giăng bờ gió giông

Tìm qua con sóng xé lòng

Hết chiều lông ngỗng vẫn không thấy mình!

(Rót mình ra say).

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]