(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù bận rộn nhưng cuộc sống của nhiều người dân xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) không thể thiếu những làn điệu chèo. Ở làng quê thanh bình ấy nghệ thuật chèo đã ngấm vào máu thịt của người dân.

Để tiếng hát chèo ở xã Thiệu Nguyên tiếp tục vang xa

Dù bận rộn nhưng cuộc sống của nhiều người dân xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) không thể thiếu những làn điệu chèo. Ở làng quê thanh bình ấy nghệ thuật chèo đã ngấm vào máu thịt của người dân.

Để tiếng hát chèo ở xã Thiệu Nguyên tiếp tục vang xa

Dù đã bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hi” nhưng ông Nguyễn Văn Thoan ở thôn Nguyên Thịnh vẫn nhiệt huyết với nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương

Theo lời kể của nhiều bậc cao niên trong xã, bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống ở xã ra đời cách đây đã gần 7 thập kỷ, khi đó các đội văn nghệ hát chèo, tuồng, cải lương chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Thiệu Nguyên có 9 thôn và đều có đội chèo riêng, mỗi đội từ 6 - 8 người, các thành viên trong đội đều là những nông dân “chân lấm, tay bùn”. Tuy không qua một trường lớp nào nhưng họ đều có niềm đam mê mãnh liệt với chèo.

Ông Nguyễn Văn Thoan (70 tuổi, thôn Nguyên Thịnh) - một nhạc công không chuyên của xã nhớ lại đã rất nhiêu lần ông và diễn viên chèo trong xã biểu diễn phục vụ Nhân dân.

Trước đây, ngoài các làn điệu chèo, xã còn có người hát tuồng, cải lương, nhưng đến nay chỉ còn duy trì bộ môn nghệ thuật chèo.

Dù không qua trường lớp nào nhưng ông Thoan vẫn sử dụng điêu luyện các loại nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, sáo, nhị và đánh trống chèo.

Trải qua 58 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, đến nay dù đã bước sang cái tuổi chân yếu, mắt mờ, tay mỏi nhưng nhiệt huyết trong ông vẫn còn. Theo ông, hiện nay các đội văn nghệ chèo không còn duy trì thường xuyên, nhưng khi địa phương có việc các đội lại tập trung, tập luyện hăng say.

Bà Nguyễn Thị A - thành viên Đội chèo thôn Nguyên Lý cho biết xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích nghệ thuật chèo, các thành viên trong đội văn nghệ dù bận rộn với công việc đồng áng, gia đình nhưng đều nhiệt tình tham gia. Dù kinh phí luyện tập, cơ sở vật chất, đạo cụ, trang phục còn thiếu thốn nhưng ai cũng say mê, cống hiến và mong muốn gìn giữ nghệ thuật chèo cho con cháu.

Hơn 63 tuổi, gần 43 năm gắn bó với nghệ thuật chèo truyền thống, bà Tống Thị Ca ở thôn Nguyên Thành, không chỉ đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương, mà còn là người truyền lửa cho các nghệ sĩ “nhà nông”.

Nói về bộ môn nghệ thuật hát chèo tại xã Thiệu Nguyên, bà cho biết từ khi bà còn trẻ thường hay xem những đội văn nghệ biểu diễn. Xuất phát từ niềm đam mê, muốn cống hiến cho nghệ thuật chèo, bà cùng chị em tự luyện tập, tự biên, tự diễn nhiều tiết mục, được đông đảo người dân hưởng ứng. Từ đó, các đội văn nghệ trong làng trong xã phát triển rộn ràng hơn.

Để tiếng hát chèo ở xã Thiệu Nguyên tiếp tục vang xa

Bà Tống Thị Ca giới thiệu những sáng tác của mình

Bà Ca cho biết, bản thân không được đào tạo qua trường lớp nào, hàng ngày bà lắng nghe, học hỏi qua truyền thanh, tiếp thu những ý kiến của các bậc tiền bối đi trước, bản thân tự trau dồi, sáng tác, đạo diễn và biên đạo múa nhiều vở chèo.

Sáng tác của bà Ca vừa có giá trị nghệ thuật vừa mang hơi thở cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi, bà thường truyền lại niềm đam mê chèo cho chị em trong xã, từ các làn điệu chèo cổ đến chèo cải biên.

Trước thực trạng mai một các đội văn nghệ cơ sở hiện nay, thì các đội văn nghệ chèo xã Thiệu Nguyên vẫn duy trì, phát huy.

Với bà Ca, mong mỏi lớn nhất là những tiếng hát chèo quần chúng phát triển hơn nữa, nên mỗi ngày bà không ngững nỗ lực “truyền lửa” đam mê hát chèo cho mọi người.

Các tiết mục chèo của những nghệ sĩ không chuyên xã Thiệu Nguyên như “Mừng ngày hội non sông”, “Tiếng hát mùa xuân”, ca cảnh chèo “Mừng Thiệu Hóa trên đường đổi mới”… trong nhiều năm gần đây liên tục đoạt giải cao tại các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Đó là cơ sở để tiếng hát chèo tại đây sống cùng đời sống, góp phần “giữ lửa” cho một bộ môn nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]