(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong bộn bề ký ức đời người, miền sông nước - với tôi như mạch nguồn của những câu chuyện cổ tích, nơi ra đi và trở về của biết bao thân phận, biết bao biến cố thế hệ… Phù sa vẫn luôn trĩu nặng bồi đắp yêu thương cho vùng đồng bằng chiêm trũng nghèo ấy. Bên này là sông xanh, bên kia tít tắp lúa vàng, giữa hai mảng màu yên ả là một triền đê, chúng hợp thành những dải lụa mềm mại mát trong, dịu dàng gội rửa ưu tư, nhọc nhằn của bao phận đời chìm nổi.

Giấc mơ thuyền chài

Trong bộn bề ký ức đời người, miền sông nước - với tôi như mạch nguồn của những câu chuyện cổ tích, nơi ra đi và trở về của biết bao thân phận, biết bao biến cố thế hệ… Phù sa vẫn luôn trĩu nặng bồi đắp yêu thương cho vùng đồng bằng chiêm trũng nghèo ấy. Bên này là sông xanh, bên kia tít tắp lúa vàng, giữa hai mảng màu yên ả là một triền đê, chúng hợp thành những dải lụa mềm mại mát trong, dịu dàng gội rửa ưu tư, nhọc nhằn của bao phận đời chìm nổi.

Hạ về, nắng cháy loang ảo hơi nước bên sông, quê nhà bước vào mùa gặt. Người lớn mang những chiếc thuyền tôn, rồi thuyền đan tráng hắc ín ra đồng, người đằng trước khoác chạc lên vai khom lưng kéo, người đằng sau cong lưng cúi đẩy, tạo thành những lạch sông nhỏ xinh giữa ruộng. Mùi bùn, mùi thơm lúa chín, mùi rơm rạ ngai ngái tỏa ra trong nắng như một thứ đặc sản độc quyền vùng chiêm trũng. Sáng sớm, nhà nhà chia đất ở triền đê phơi rơm. Nắng nhức mắt, nắng ngột ngạt, người ta rủ nhau đầm mình xuống sông, hồn nhiên hưởng thụ khoái cảm tuyệt diệu từ mẹ nước. Con sông sau những tháng ngày nước đổ đã trở mình trong vắt, hiền hòa như muốn bù đắp cho nỗi vất vả của người quê.

Hạ về, tuy rằng đôi chân vẫn nhàn nhã khua mái chèo, nhưng đó là thời khắc người vạn chài bận rộn hơn bao giờ. Họ đổi những con trai, cá bống, tôm tươi còn nhảy tanh tách cho người trên bờ để lấy gạo, lấy rau, lấy muối và hàng tá thứ phục vụ đời sống. Cái tên “thuyền chài” chẳng biết tự bao giờ đã được người quê tôi gọi một cách thân thương. Quanh năm rong ruổi trên sông, cơ thể họ tỏa ra một mùi rất đặc biệt. Ấy là mùi của cá, của bùn non, cát… Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn hình dung về cuộc sống của họ, mải miết trôi qua bao vùng đất, chạm mặt ngàn vạn người, liệu rằng họ có để lòng lưu nhớ? Những đứa trẻ thuyền chài tóc đứa nào cũng đỏ hoe đỏ hoét, da như nhuộm đồng, trơn bóng bởi nước sông quyện nắng. Chúng thường leo lên bờ chơi khi thuyền neo lại, cha đủng đỉnh vá lưới, mẹ đem sản vật lên bờ đổi gạo. Như những kẻ say mặt đất, chúng tò mò thích thú với những trò vui của chúng tôi, nào chọi cỏ gà, đá bóng, đánh khẳng, bật bi…. Nét đẹp của chúng lúc ngây ngô hay khi tinh ranh trêu chọc đều thật trong trẻo và khác biệt.

Dường như mỗi dòng sông đều mang trong lòng những bí mật của loài người, và một phần bí mật ấy nằm ở thân phận thuyền chài. Họ hào hiệp cứu người đuối nước, ân nghĩa chôn cất người chết đuối. Họ đọc vị dòng sông bằng gió, bằng trăng, bằng màu con nước… Cuộc sống người thuyền chài luôn mang chở những bí ẩn tâm linh nào đó. Ngoại tôi kể rằng, em gái tôi ngày bé rất hay quấy khóc và khó nuôi, nghe lời đồn truyền tai, mẹ chực chờ mấy buổi trưa ngoài bến sông, đợi thuyền chài ngang qua thì xin một nắm cơm đem về cho ăn. Sau mấy nắm cơm đận ấy, con bé dần ngưng khóc và chịu ăn, chịu chơi hơn. Rồi bao đứa trẻ trong làng bị cam, sài, đẹn…, người làng cứ xin cơm thuyền chài cho ăn như một thứ thuốc quý. Khi chị em tôi có đứa nào không ngoan là bị dọa đem cho thuyền chài, điều đó luôn khiến chúng tôi sợ hãi. Phải chăng sợ vì ý thức sự sống mỏng manh, lênh đênh vô định, vì lo sợ thiếu thốn… hay vì sợ mình đi lạc trong thế giới đầy những điều bí ẩn của họ? Sau này khi lên học cấp Ba, đọc tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, chi tiết chiếc bánh bao tẩm máu người cứ làm tôi rờn rợn, khiến tôi liên tưởng đến những nắm cơm thuyền chài. Đó hẳn là ý nghĩ thật điên rồ và ngốc nghếch. Thuyền chài - bao năm rồi vẫn cứ ám ảnh và hấp dẫn tôi bởi những điều không lý giải được như thế.

Đua chen trong cõi tạm mênh mông, giữa những ngổn ngang đời sống cơm áo, hạnh phúc, khổ đau…, tôi bỏ quên dòng sông xưa giờ mang đầy những vết thương sâu hoắm. Con người vì lợi nhuận và lòng tham đã tước đi sự an bằng của nó, nạo vét nó đến kiệt cùng. Thuyền chài không còn nhàn nhã khua mái chèo, dù họ yêu sông nước như sinh mệnh, cam phận với bao sự bội bạc của chính đồng loại mình. Cuộc sống dù bất trắc thế nào, họ - bằng cách này hay là cách khác vẫn phải sinh tồn. Hiểu thế, dặn lòng mình thôi khắc khoải, nhưng khi ngồi đò chạy bằng động cơ ầm ào qua sông trở về nhà, thoáng thấy chiếc thuyền chài xa xa chòng chành cô độc, trái tim tôi như có ai rắc muối đau rát. Đứa trẻ thuyền chài ngơ ngác, ánh nhìn xoáy vào tôi hoang hoải. Không biết em nghĩ gì, liệu có mơ ngày sau được phiêu du trên một chiếc tàu viễn dương nơi biển cả?

Những ai đã lớn lên ở vùng sông nước thì hẳn sẽ như tôi, thèm muốn ngày hè được thả tùm mình xuống sông ngụp lặn. Thèm được nhỏ dại với kỷ niệm học trò, cứ tan lớp là đạp xe về khúc sông quen thuộc, bơi lội thỏa thích rồi ướt nhẹp dong xe về nhà. Thèm trở về ký ức với đám trẻ con thuyền chài, được chúng dạy bơi ếch, bơi sải, dạy cách lặn mò trai… Có lẽ tôi vẫn sẽ không hỏi gì về cái ngày người thuyền chài sẽ lên đất liền, bởi với họ, định mệnh cuộc đời là những chuyến phiêu lưu.

Không biết đã bao lâu giữa những bộn bề thường nhật, tôi vội vã với hàng tá nỗi vui buồn trần tục. Nhưng đêm nay, những nụ cười người thuyền chài trở lại trong giấc mơ tôi, và tôi cho phép mình rong ruổi cùng họ. Bỏ lại phía sau những bon chen phố hội, tôi đầm mình nhìn trăng trôi trên sông, nghe sóng vỗ mạn thuyền, nghe ký ức chạy vòng trong tâm trí, rộn ràng rung động trong ngực trái…

Mai Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]