Giữa những ngày lo sợ, bức bối vì dịch bệnh, cuối tuần vợ chồng rủ nhau xe chạy tuốt ra ngoại thành hóng gió, ghé chơi nhà một người họ hàng xa. Khung cảnh nửa làng nửa phố vô cùng thơ mộng, những rặng tre, bụi chuối gió ru mát rượi. Lang thang ngắm khu vườn đầy rau trái, thấy hai hàng cây nở bông tím rịm. Hàng cây thẳng đều, như một lời khẳng định địa giới của hai nhà cạnh nhau. Nhưng, giữa hai hàng cây vẫn giăng thêm một hàng rào dây thép. Không dưng, bỗng nhớ những hàng rào ở quê hơn 30 năm trước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng rào trổ bông

Giữa những ngày lo sợ, bức bối vì dịch bệnh, cuối tuần vợ chồng rủ nhau xe chạy tuốt ra ngoại thành hóng gió, ghé chơi nhà một người họ hàng xa. Khung cảnh nửa làng nửa phố vô cùng thơ mộng, những rặng tre, bụi chuối gió ru mát rượi. Lang thang ngắm khu vườn đầy rau trái, thấy hai hàng cây nở bông tím rịm. Hàng cây thẳng đều, như một lời khẳng định địa giới của hai nhà cạnh nhau. Nhưng, giữa hai hàng cây vẫn giăng thêm một hàng rào dây thép. Không dưng, bỗng nhớ những hàng rào ở quê hơn 30 năm trước.

Đó là hàng rào cây râm bụt giữa hai nhà sát vách, người dân gọi nôm na là tường rào. Khi ươm những cành râm bụt, bố tôi lý giải rằng, loài cây này vừa dễ chăm, vừa mọc thẳng, lại có hoa đẹp trang trí và nó có thể trị mụn nhọt nữa.

Tôi lớn lên, đã thấy những hàng rào râm bụt hiện diện khắp làng trên xóm dưới. Đó là “bức tường” phân chia ranh giới giữa nhà nọ với nhà kia, tháng ngày luôn xanh tươi mát mắt. Cây râm bụt dễ tính, cứ đâm rễ vào đất là mọc đều tăm tắp, cành nhánh bời bời xanh. Vui nhất là những lúc rảnh rỗi, các bố gọi nhau uống trà, cùng nhau cắt tỉa hàng rào gọn ghẽ. Vừa làm vừa kể chuyện cày bừa, cấy gặt, bàn luận về bóng đá,…

Lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau tụ tập, háo hức mong ngóng bông bụt nở, từ khi thấy chúng mới nhú nụ nhỏ chỉ bằng đầu đũa. Những bông hoa đỏ thắm như điểm trang cho bức tường màu xanh thêm nét thú vị, đẹp dung dị mà không kém phần quyến rũ. Xen giữa những cây râm bụt ấy, thỉnh thoảng tôi tìm thấy những cụm dây tơ hồng leo bám. Không hiểu sao, hồi đó mới tí tuổi mà trẻ con cứ thích bày trò chơi cô dâu chú rể. Chúng tôi lấy lá râm bụt làm tiền mừng, lấy hoa cột vào dây tơ hồng đội đầu cô dâu, rút nhụy hoa có nhựa dính vào cằm làm râu cho chú rể. Chế bong bóng xà phòng có lẫn chút nhựa hoa trơn nhớt, mỗi lần thổi là thấy lấp lánh sắc màu. Những chiếc vòng hoa lớn hơn thì choàng vào cổ, dành tặng người chiến thắng trong trò chơi nối chữ, hay thi giải đáp câu đố…

Ở quê, lắm khi gần nhà mà xa ngõ. Nên mỗi lúc có việc gì cần, tôi và cô bạn hàng xóm chỉ “xé rào”, vạch đám cây ra và chui tọt sang nhà. Lâu dần, lối đi ấy hình thành, những cành râm bụt cong vòng chừa ra khoảng trống như hình cái kén. Rồi thỉnh thoảng, để tiết kiệm thời gian, hay khi có công chuyện gì gấp, các mẹ cũng vô tư chui rào như đám trẻ.

Để “kìm hãm” sự ham chơi, sợ chúng tôi xao nhãng học hành, trốn ngủ trưa, rồi lo gai cào, côn trùng, sâu bọ đốt…, người lớn thường hù dọa, rằng ở hàng rào có ông Ba Bị hay núp để bắt trẻ con. Thế nên mỗi khi trời tối, phải đi đâu ngang qua hàng rào râm bụt, chỉ cần nghe một tiếng động lạ là đứa nào đứa nấy sợ hết vía, quýnh quàng chạy thục mạng. Có lần em trai tôi đi chơi về khuya, thấy có gì cứ lấp lánh “rúc” trong hàng rào, nó liền la lớn và nhận định đó là rắn hổ mang. Mọi người lật đật soi đèn tìm vũ khí nào gậy gộc, cuốc, xẻng, bố trí lực lượng sẵn sàng đánh rắn. Đám trẻ sợ hãi rúm rít núp sau lưng mẹ. Hóa ra, con rắn hổ mang ấy chỉ là một tấm phim chụp X-Quang, ai đó vô ý quăng vào.

Hàng rào ấy, suy cho cùng chỉ mang tính hình thức, nào có ngăn ngừa hay bảo vệ được gì nếu có trộm cắp. Nhưng nó là nét quê thanh bình, là một phần hồn cốt, là văn hóa làng xã của một thời kỳ. Nó mang lại sự yên tâm về ranh giới, đảm bảo không gian riêng của từng gia đình. Cái hàng rào cao lắm cũng chỉ đến ngang bụng, ngang ngực người lớn, một thời là phương tiện để sẻ chia tình nghĩa xóm giềng.

Tôi âm thầm tự hào vì mình có nhiều ký ức đẹp về làng quê. Được chứng kiến bao sự giao lưu, kết nối, chia sẻ tình cảm cũng như vật chất qua hàng rào râm bụt ấy. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Hai nhà nhờ vả nhau qua lại, khi bơ gạo, thìa mỡ, củ hành; lúc lại cái bơm, cái quạt…; sẻ chia nồi canh hến, mớ cua đồng, mời nhau bát nước chè tươi, cùng ăn mớ ổi, miếng mít… Cứ đứng bên này mà với tay sang bên kia, chẳng cầu kỳ khách sáo gì chuyện trao và nhận. Qua hàng rào, các mẹ ới gọi rủ nhau cùng ra chợ, đi thăm đồng, rỉ rả bao chuyện bán mua, chuyện chăm rau, chăm lợn gà…

Năm rộng tháng dài, tôi xa quê đi học, lấy chồng rồi an cư ở nơi khác. Hàng xóm nhà tôi đã bán nhà chuyển về phố ở với con trai. Người chủ mới sau đó đã kiên quyết chặt bỏ hàng rào, xây lên bức tường bao chắc chắn. Làng quê vươn mình đổi mới và chìm trong cơn say bê tông hóa. Đường làng, ngõ nhỏ vẫn là lối cũ thân quen, nhưng chẳng còn bóng dáng hàng rào cây nào nữa. Người ta rạch ròi phân chia đất đai, tính toán với nhau từng centimet, xây tường gạch trát xi măng kiên cố cao 2-3m, mảnh chai sắc nhọn bao quanh đất nhà mình. Hai nhà vẫn kề cạnh nhau đấy, nhưng giờ mỗi lần muốn qua lại là phải đi vòng qua cổng, có khi phải bấm chuông và đợi mở cửa. Người với người ngày càng trở nên giữ ý, khách sáo với nhau hơn.

Là một phần ký ức trong xanh, bình yên của làng quê một thuở, những hàng rào râm bụt trổ bông đỏ thắm nay chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng đó vẫn mãi là một trời mơ mộng, yên vui của ấu thơ mà tôi không dễ gì quên được.

Mai Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]