(vhds.baothanhhoa.vn) - Tội phạm dù có hình thù muôn mặt, dù cả khi chúng làm kẻ truy sát bằng gương mặt Bồ Tát cũng không thể lẩn trốn được công lý và thời gian, nhất là tội giết người. Nội dung cuốn tiểu thuyết “Kẻ truy sát” của tác giả Lê Ngọc Minh (NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2020) đã toát lên chủ đề lớn nêu trên khi phản ánh một cuộc phá án đầy mưu trí của các sỹ quan cảnh sát điều tra theo phương pháp phân tích tâm lý tội phạm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kẻ truy sát - cách tiếp cận mới về đề tài hình sự

Tội phạm dù có hình thù muôn mặt, dù cả khi chúng làm kẻ truy sát bằng gương mặt Bồ Tát cũng không thể lẩn trốn được công lý và thời gian, nhất là tội giết người. Nội dung cuốn tiểu thuyết “Kẻ truy sát” của tác giả Lê Ngọc Minh (NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2020) đã toát lên chủ đề lớn nêu trên khi phản ánh một cuộc phá án đầy mưu trí của các sỹ quan cảnh sát điều tra theo phương pháp phân tích tâm lý tội phạm.

Bằng niềm tin vào trí tuệ, bằng sự cảm hóa của một tình yêu thánh thiện, đủ để soi chiếu tận cùng mưu mánh gian hùng và cực đoan, các thành viên chuyên án đã khiến nhóm tội phạm thuộc diện “trí tuệ cao” Hai Một lâm vào triệu chứng domino rã đám, lộ diện và đền tội.

Với hơn bốn trăm trang sách ôm chứa một cốt truyện đa tầng nhân vật, thời gian kéo dài nhiều chục năm, bằng lối viết thiên về chi tiết hành động, tình tiết “chí quái, chí dị”, bằng giọng văn sôi nổi đôi khi giễu nhại, tác giả Kẻ truy sát đã tạo được một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn về cốt truyện, hiện đại về phong cách.

Hà Văn Tâm, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học S trải qua nhiều nặng nề, bế tắc bởi một chuyện bẽ bàng là cậu ta trộm cắp mĩ phẩm trong siêu thị. May có cô bạn cùng lớp và cũng là người yêu tên là Kim Thư đứng ra bảo lãnh nên được thả. Liền sau đó, Tâm trở nên lì lợm và cực kỳ hãi sợ mỗi khi máy di động có tín hiệu tin nhắn. Chưa hết, trong lúc người yêu đang chuẩn bị sinh nhật tuổi 20 cho mình, Tâm lại cướp tiệm vàng với mong muốn được đi... tù.

Đại úy Trần Thái được giao phá vụ án đầy uẩn khúc này. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh nhanh chóng tìm ra được số máy nhắn tin dữ “sẽ bị giết” đến Tâm có căn gốc từ quê cậu ta, thị tứ Hà La, cách Hà Nội khoảng 100 km. Trong vai một nhà báo về quê Tâm viết bài, Trần Thái phát hiện ra số máy đó chỉ là sim rác. Không đầu hàng và bằng linh cảm của một trinh sát trẻ thông minh, dấn thân, Trần Thái đã phát hiện ra chú của Tâm là Hà Văn Một (còn gọi là Hai Một), Chủ tịch Hội Doanh nhân huyện sở tại, một người đang được coi là rất có uy tín từ phía chính quyền huyện vốn là một kẻ giết người từ nhiều chục năm trước; không những thế, y vẫn đang nuôi mưu cơ giết Tâm để chiếm đoạt gia sản thừa kế mà người cha chết bất đắc kỳ tử của cậu ta để lại bằng một bản di chúc. Âm mưu của Hai Một đã bị cô con gái thứ hai của y, một thiếu nữ thất tình xuống tóc đi tu ở chùa với pháp danh Đạm Thủy phát hiện và nhắn tin báo cho Tâm.

Tội ác của Hai Một bị bóc tách, kể cả hành động xảo quyệt cuối cùng là y tố cáo tội ác của đồng bọn và ra đầu thú. Theo đó, nhiều chục năm trước, vợ chồng ông giáo Vĩ (bố mẹ của Tâm) chuyển vùng dạy học đến Hà La để tránh một quá khứ màu đen do bọn xấu gây ra. Bà Thắm (sau này là bồ bịch của Hai Một), vốn là bạn học cũ của bà Diễm, vợ ông giáo Vĩ, giới thiệu cho ông bà mua lại mảnh đất khai hoang của một người đi nơi khác làm ăn. Là một cò đất có hạng, Hai Một cũng tìm đến chỗ vợ chồng ông giáo Vĩ mua đất và đưa vợ con về cư ngụ.

Từ thông tin này cùng với lời khai của ni cô Đạm Thủy, Đại úy Trần Thái đã biết được, ông Vĩ và Hai Một không phải là anh em ruột. Hai Một họ Hàn, ông Vĩ họ Hà. Lại phải tiếp tục điều tra, Trần Thái nắm thêm được, trước khi về vùng quê Hà La, Hàn Văn Một đã nhờ ông bác là chủ tịch huyện làm giấy khai sinh mang họ Hà để dễ nhập vào hộ khẩu của ông giáo Hà Văn Vĩ trước khi tách hộ. Việc này còn được cả vợ cũ của Hai Một là bà Thảo xác nhận.

Khi bị hỏi cung, Hai Một chỉ nhận mỗi tội lần đầu tham gia vào đường dây buôn phụ nữ bán qua biên giới với tên Húc, nhưng Trần Thái quyết liệt chứng minh cho y thấy, y liên quan vào nhiều tội ác từ rất sớm, trong đó nghiêm trọng nhất là tội giết người, giết người nhiều lần với những mưu mô cực kỳ độc ác. Cụ thể: Lúc trẻ, y đã yêu cô giáo Diễm một cách mù quáng nhưng không được đáp lại. Khi cô Diễm kết hôn với thầy Vĩ, y đau đớn thù hận. Y rủ gã bạn tên Tu, kẻ cũng từng bị cô Diễm từ chối tình ái. Y bày cuộc cho Tu lừa đánh thuốc mê và hai gã đã hiếp dâm cô Diễm rồi tố cáo tên bạn để tâng công với thầy Vĩ. Sợ tên bạn cáo giác lại, y giết đi rồi tạo hiện trường giả, rằng tên bạn treo cổ tự tử. Lúc xảy ra vụ việc này, ông Tiến là một trung sĩ công an huyện ở quê Hai Một rất nghi ngờ, muốn làm ra nhẽ nhưng gia đình người chết không khiếu nại, huyện đang xây dựng huyện điểm, ông lại bị vu là trộm tiền cúng của người chết nên phải chuyển đi làm nhân viên tiếp phẩm rồi về hưu non ở tuổi 45 với quân hàm chuẩn úy chuyên nghiệp.

Thời gian sau, Hai Một lấy vợ, gã tìm đến vợ chồng ông Vĩ xin làm em trai. Ở nơi xa quê thấy Hai Một tỏ ra chân thành nên vợ chồng thầy Vĩ chấp nhận. Vì vậy, ở vùng Hà La mọi người cứ đinh ninh, ông Vĩ là anh ruột của Hai Một.

Trong một lần bế tắc và nhẹ dạ cô Diễm đã trải lòng với cô Thắm bạn học cũ.Hai Một biết được bèn bàn với cô Diễm đi thử ADN. Hồi đó kỹ thuật còn sơ sài vả lại Hai Một đã lót tay nên y kiếm được cho cô Diễm một kết quả: Thầy giáo Vĩ và đứa con trai đầu không cùng huyết thống.

Cô Diễm suy sụp và định quyên sinh. Thầy Vĩ giải tỏa cho bằng cách càng yêu thương vợ con hơn. Nỗi đau kín vết và hạnh phúc được nhân lên khi có đứa con thứ hai ra đời là Tâm. Đang khi đó thì cô Diễm bị bạo bệnh qua đời.

Sau này do đường sá mở mang, mảnh đất heo hút của ông giáo Vĩ thành mảnh đất vàng và Hùng, con trai cả của ông nhờ Hai Một giúp đỡ về vốn đã kinh doanh tấn tới và trở thành một đại gia đồ gỗ gia dụng.

Hai Một cho Hùng biết về nguồn gốc của anh. Hùng buồn lắm nhưng càng tỏ ra kính trọng ông Vĩ hơn. Đến khi y xúc xiểm Hùng, nói rằng ông Vĩ sẽ trao tất cả tài sản cho Tâm, Hùng bị mất tinh thần.

Trong lúc Hùng vô cùng hoang mang thì Hai Một đã giết ông giáo Vĩ bằng cú xô từ phía sau ở cầu thang.

Vì liên quan đến việc công bố di chúc thừa kế nên sắp đến giỗ đầu ông Vĩ, Hai Một ráo riết tìm cách giết Tâm. Sau khi Tâm chết, y sẽ giết nốt Hùng để giành quyền thừa kế. Do ghen tuông, bà Thắm định tố cáo tội ác của Hai Một, y giết luôn và tạo ra hiện trường giả như mấy chục năm trước y đã giết gã Tu...

Tuy Hai Một quyết liệt chống lại lý lẽ của Trần Thái nhưng khi đối mặt với cuốn ghi chép của ông Vĩ, sự xuất hiện của ông Tiến, cựu trung sỹ điều tra vụ án mà Hai Một là thủ phạm từ hơn 30 năm trước và lời khai của ni cô Đạm Thủy thì y phải cúi đầu nhận tội. Y đã dùng bút bi tự đâm động mạch cổ chết trong lúc viết bản tường trình...

Là người nhiều năm làm công tác biên tập, chúng tôi cảm nhận rằng, với Kẻ truy sát, nhà văn Lê Ngọc Minh đã không bám theo một vụ án cụ thể nào. Anh đã dùng phương pháp tổng hợp từ hiện thực rất nhiều vụ án đã xảy ra (và cả những vụ án có thể sẽ xảy ra trong tương lai) để mưu tả những số phận nhân vật, những cá tính điển hình, với đấu pháp “kỳ phùng địch thủ” và không phải lúc nào người phá án cũng thắng thế với loại tội phạm trí tuệ cao, liều lĩnh, cực đoan. Đây là một cách đặt vấn đề mới. “Nó” không những biểu hiện sự tưởng tượng phong phú của tác giả mà còn tiếp cận được cuộc sống từ nhiều chiều kích. Tác giả cũng đã bỏ công nghiên cứu khá kỹ lưỡng các biện pháp nghiệp vụ chung quanh năng lực phân tích tâm lý tội phạm của các điều tra viên thông minh và mẫn cán như Trần Thái, Mai Cúc, Hồ Hữu Túc..., vì thế, các tình tiết trong Kẻ truy sát luôn có chiều sâu, tính kiến văn cao khiến đối tượng bị sụp đổ ý chí từng bước và cuối cùng phải sám hối, quy phục.

Trong Kẻ truy sát còn nhiều trang dòng viết về tình yêu, tình thầy trò, tình đồng nghiệp... mà yếu tố lãng mạn lứa đôi; sự tôn vinh quan hệ ấm áp nhuận thấm tình thầy trò; sự phối hợp nghiệp vụ công tác và các mối liên kết xã hội đầy tính hiệu quả... là nét chủ đạo. Cùng với đó là đề cao vẻ đẹp, sự thủy chung, tấm lòng thiện lương trong cộng đồng...

Do những ưu điểm trên, Kẻ truy sát đã được nhận giải thưởng Cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 4, năm 2017 - 2020” của Bộ Công an và được NXB Công an nhân dân sắp tái bản; đạo diễn Đào Duy Phúc và biên kịch Đào Thùy Trang tại VFC cũng đang chuyển thể để làm phim truyền hình nhiều tập.

Hoài Thanh - Yên Ba


Hoài Thanh - Yên Ba

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]