(vhds.baothanhhoa.vn) - Trọn tình là tập thơ khát vọng nhân văn nặng đầy trong gần 300 bài sáng tác và hàng chục bài thơ đối họa cùng bạn thơ. Ở đấy nổi trội, hiển hiện một người thơ đa cảm, một tâm hồn dạt dào tình yêu đất nước yêu quê hương gia đình và bạn bè.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng nhân văn trong tập thơ “Trọn tình”

Trọn tình là tập thơ khát vọng nhân văn nặng đầy trong gần 300 bài sáng tác và hàng chục bài thơ đối họa cùng bạn thơ. Ở đấy nổi trội, hiển hiện một người thơ đa cảm, một tâm hồn dạt dào tình yêu đất nước yêu quê hương gia đình và bạn bè.

Xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc TP Thanh Hóa) là vùng đất giàu truyền thống văn hóa yêu nước và cách mạng - nơi đây cũng là đất văn vật thi thư, đất học. Câu ca xưa còn truyền:

- Nguyệt Viên mười tám ông nghè

Ông cưỡi ngựa tía ông che tán vàng.

- Nguyệt Viên lắm cá nhiều tiền

Có con sông liền tắm mát nghỉ ngơi

Chiều chiều hai dãy cá tươi

Không ăn cũng thiệt không chơi cũng hoài...

Đất văn vật sinh người văn vật, trai Hoằng Quang nổi tiếng với cầm kỳ thi họa, gái thì xinh đẹp đảm đang, giỏi nữ công, đến nỗi câu đối làng trải bao đời vẫn chưa có vế đáp để mọi người thần phục, nên mãi treo ở đời chờ tài tử giai nhân:

Gái Nguyệt Viên đang độ trăng tròn

Ai muốn lấy mười lăm quan chẵn.

Thi nhân Lê Văn Cát may mắn sinh ra ở vùng quê tươi đẹp ấy lại được tắm mình trong dòng chảy học vấn Nho gia nên ngoài sức học để làm thầy ông còn có tâm hồn đa cảm, năng khiếu thơ phú nổi trội.

Toàn bộ cuộc đời của ông dành trọn cho sự nghiệp giáo dục của quê nhà. Trong rất nhiều học trò Hoằng Hóa thành đạt còn mãi ghi nhớ hình ảnh người thầy hiền từ giản dị, yêu trò như con, dốc lòng cho từng giờ giảng, hết mình xây dựng trường lớp.

Trọn tình là tập thơ khát vọng nhân văn nặng đầy trong gần 300 bài sáng tác và hàng chục bài thơ đối họa cùng bạn thơ. Ở đấy nổi trội, hiển hiện một người thơ đa cảm, một tâm hồn dạt dào tình yêu đất nước yêu quê hương gia đình và bạn bè, ông khéo mượn lời thơ trải tấm lòng thành, mượn câu chữ tỏ tình tri âm cùng núi sông, bầu bạn. Ông ký thác vào đấy những nghĩ suy rung cảm về thời thế nhân sinh, những rung động mãnh liệt cho những nơi ông qua, những đất ông đến, ông tỏ bày trang trãi lòng mình với vợ con cháu chắt bầu bạn. Tiếng thơ nào, bài thơ nào, câu chữ nào cũng nặng đầy khát vọng nhân văn trong sáng, tươi đẹp. Đọc những bài thơ nặng tình đẹp ý, câu chữmượt mà khó ai tin rằng nhà thơ đã ở độ tuổi “Cửu tuần thượng thọ”.

Mở trang đầu đã vẹn nguyên tấm lòng nhân ái, nặng sâu ơn nghĩa khi ông viết về đấng sinh thành về ơn dưỡng dục cù lao. Chân dung cha mẹ được ông dựng bằng cả tấm lòng biết ơn và niềm kính trọng sâu sắc:

Cha tôi sinh vốn nghiệp Nho

Dạy học viết lách đều lo chu toàn

Thủy cơ “Ông thuộc” đảm đang

Giúp cho Cai tổng vững vàng ở ngôi...

Mẹ tôi thì vẫn tảo tần

Giúp cha công tác an tâm vui lòng

Việc làng, việc xã không công

Lên Huyện hội hoạt động cùng có lương.

Khổ cuối ông kết như một sự khắc ghi, son sắt công cha nghĩa mẹ. Ông đem so sánh công đức ấy với vũ trụ, với biển trời để thấy công lao ấy lớn lao cao cả vô cùng:

Trời xanh cao biết mấy tầng

Công cha nghĩa mẹ muôn trùng biển khơi

Nay cha mẹ đã xa rồi

Để con cháu chắt ngậm ngùi nhớ thương.

(Cha tôi)

Tấm lòng người con hiếu nghĩa ấy cũng chính là tấm lòng của ông trong cương vị người cha khi viết cho con trai gái dâu rể với cả niềm yêu thương. Khi con gái cả về hưu ông có thơ mừng:

Chị về thăm mẹ với thăm cha

Cựu giáo chức vui chung một nhà

Mừng chị gần xa đều họp mặt

Chị em thắm thiết một nhà hoa.

(Chị nghỉ hưu)

“Một nhà hoa”- hình ảnh thơ vừa thực vừa có sức gợi cảm sâu sắc về niềm vui, vẻ đẹp dậy hương của một đại gia đình nhà giáo mà không dễ gia đình nào cũng có được.

Bài thơ viết cho con gái nơi đất khách vừa như lời mừng, vừa như lời dặn dò sâu nặng mà ấm áp, ngắn gọn mà súc tích:

Đi sang bên đấy với chồng con

Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ nước non

Bận rộn tháng ngày mong hái lộc

Giữ tình giữ nghĩa, giữ lòng son.

(Giữ lòng son)

Ông nói trìu mến yêu thương với con gái mà cứ như đang tự nói với chính mình về điều nhân nghĩa ở đời: Giữ lòng son.

Xúc động nhất là những bài thơ vần thơ ông viết cho người vợ quá cố - người bạn đời - bạn thơ đã vội đi xa, trong khung cảnh Xuân vui khắp nẻo, Tết về mọi nhà sum họp đông vui, ông cảm nhận rõ sự trống vắng tự sâu bên trong không gì bù đắp nổi:

Bình thơ, xướng họa cùng bè bạn

Chẳng thấy em về dạ tái tê.

(Chẳng thấy em về)

Nhiều kẻ đổi thay bao ước muốn

Còn anh giữ mãi những ngày xuân.

(Những ngày xuân)

Giữ mãi những ngày xuân - là giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ sâu sắc, vui tươi khi còn ở bên nhau nơi trần thế hay cũng là giữ trọn lòng chung thủy với người nơi xa. Câu kết thật đọng, tỏa sáng một tấm lòng nhân nghĩa thắm sâu. Bài thơ viết về tình cầm sắt ngắn mà tiêu biểu có sức lan tỏa vô cùng.

Đọc thơ của ông ta còn nhận ra ở thi nhân này có vẻ đẹp như bao thi nhân khác là sự lạc quan yêu đời. Ông yêu thơ phú như sự bén duyên, ông yêu quê hương, cây đa bến nước sân đình, sinh linh cây cỏ, tất cả đều gợi nhớ nhung thương cảm. Bản chất lạc quan ấy thật sự bộc lộ khi người ta trong cảnh đơn côi, cái chết, sự già nua của hoàng hôn cận kề mà vẫn lạc quan mới thực trân quý:

Em về Cồn Sấy tạm dừng chân

Đường tới Vĩnh hằng đã đến gần

Mả Hữu em về vùng đất Tổ

Bồng Lai tiên cảnh hưởng muôn xuân

Bồng Lai tiên cảnh hưởng muôn xuân

Đợi đến một ngày đang đến gần

Anh sẽ cùng em nơi đất tổ

Phù trì con cháu... vạn mùa xuân.

(Đất Tổ)

Phòng khi có việc bất kỳ

Xe hoa đến đón ra đi an lành

(Trọn tình)

Ở đời nếu được ước muốn người ta thường ước muốn có được “tấm vé về tuổi thơ” đằng này ông mong tấm vé hẹn “cùng em về nơi đất Tổ” ấy mới là sự lạc quan tràn trề, là nghĩa tình sâu nặng sống chết luôn bên nhau.

Đọc thơ của thi nhân Lê Văn Cát ta cảm nhận thấy ông có tình yêu thơ phú tha thiết mặn nồng - Thơ với ông là niềm vui là lẽ sống là nơi gửi gắm, ký thác vui buồn về thế thái nhân sinh. Ông không có tuyên ngôn to tát nhưng câu chữ ông viết đều hướng về lẽ yêu:

Đường thi tao nhã nên câu chữ

Lục bát sáng trong luyện ý vần...

(Vượt trăm xuân)

Bạn đã mang thơ đến chốn này

Túi thơ bầu rượu đáng mê say

Trao ly ân ái tình thêm chặt

Nâng cốc yêu thương nghĩa phải đầy.

(Bầu rượu túi thơ)

Đọc suốt tập Trọn tình, chúng ta thấy ông yêu thơ, say thơ là có lý. Cái lý không chỉ nằm ở bản thân thơ là nghệ thuật tinh túy, hàm súc có sức gợi, sức tả, trữ tình đến vô cùng mà có lẽ bởi ông có năng khiếu thơ và được rèn rũa từ trong gia đình nhà Nho, sau đó ông còn là thầy giáo hay chữ cộng thêm sự lịch lãm từng trải mà ông có được trong cuộc đời.

Nhà thơ Lê Văn Cát viết rất đều và viết được nhiều thể tài: Về chính trị, về du lịch, về thế sự nhân sinh... và chuyển tài tình ý thơ ở nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau: Từ sự mực thước với muôn thủ pháp của Đường thi đếnsự mượt mà của lục bát và sự phóng khoáng của thơ tự do. Thể tài nào thủ pháp nào dường như ông cũng làm chủ được ngòi bút và cảm xúc.

Khó có thể nói hết vẻ đẹp tinh tú của thiên nhiên cẩm tú, cũng khó có thể nói hết, cảm hết vẻ đẹp của thơ ông, tôi chỉ muốn mở ra và để ngỏ đề bạn đọc có cảm xúc tự nhiên và lây niềm yêu mến thơ và con người ông như tôi.

Tôi muốn mượn câu nói triết lý của nhà bác học Lê QuýĐôn: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lượng/ Không bằng kinh sử một vài pho” để kết cho bài viết vì tôi hiểu nhà thơ Lê Văn Cát muốn để lại tập thơ Trọn tình này cho con cháu bạn bầu như một tài sản tinh thần vô giá mà ông đã lao động, cống hiến và đem đến cho đời.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]