(vhds.baothanhhoa.vn) - Lê Đình Quỳ được nhân dân gọi thân mật “Quái kiệt xứ Thanh” vì không những có nhiều tượng đài hoành tráng, có hàng trăm bức tranh mà ông còn là nhà thiên văn học - người giải mã “Bí ẩn văn hóa Việt cổ”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lê Đình Quỳ - “quái kiệt” xứ Thanh

Lê Đình Quỳ được nhân dân gọi thân mật “Quái kiệt xứ Thanh” vì không những có nhiều tượng đài hoành tráng, có hàng trăm bức tranh mà ông còn là nhà thiên văn học - người giải mã “Bí ẩn văn hóa Việt cổ”.

Một ngày nắng nóng của tháng 7 năm 2020, tôi và anh Lê Đình Chung đến thăm gia đình họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ. Nhà anh nép bên bờ hồ Xuân Quang rộng mấy héc ta. Xuân Quang cũng là nơi sinh ra “quái kiệt” Lê Đình Quỳ. Xuân Quang, Thọ Xuân cũng là nơi sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học và những người lính nổi tiếng, thời nào cũng có.

Mảnh đất ấy đã bao lần các vua chúa ghé qua, chỉ mấy trăm mét thôi, qua bờ sông nông giang là mộ của vua Dụ Tông; rồi ngược lên phía Tây là cả một khu di tích lịch sử Lam Kinh với những anh hùng hào kiệt lẫy lừng như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Đất ấy đã sinh ra Lê Đình Quỳ, cha ông cũng là người có học, tài danh. Người cha rất nghiêm khắc mỗi khi Lê Đình Quỳ lơ là việc học hành hoặc phạm lỗi. Người cha tiên đoán đứa con sinh năm Rồng (1940) ấy sẽ thành tài, là niềm tự hào của gia đình nên ông rất quan tâm uốn nắn chăm sóc cậu bé Quỳ học hành đến nơi đến chốn. Học xong phổ thông trong nước, Lê Đình Quỳ vào đại học và được sang Liên Xô học Mỹ thuật tại Trường đại học Mỹ thuật Kiew Ucraina (1961 - 1964). Về nước, ông học tiếp đại học Mỹ thuật Việt Nam và đậu tốt nghiệp Thủ khoa với tác phẩm điêu khắc “Bức tượng ngôi sao than” 1966.

Được đào tạo bài bản ở đại học danh tiếng, Lê Đình Quỳ vào đời với những kiến thức sâu rộng của hai nền văn hóa. Thời gian đầu ra trường cũng là lúc miền Nam đang sôi sục ngọn lửa chiến tranh. Đế quốc Mỹ đã đem bom phá hoại miền Bắc, cả nước chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Lê Đình Quỳ đã chọn cho mình con đường đi riêng rất cam go là tạc tượng. Bức tượng đầu tiên của anh là “Lão dân quân Hoằng Trường”. Bức tượng đã nêu bật ý chí kiên cường của dân tộc qua hình ảnh cụ già vùng biển ngực trần, quần xắn cao, bàn chân vững chãi bám chặt trên mặt đất, tay phải giơ cao vòng ngắm súng 12 ly 7; tay trái cầm chiếc mũ rơm tránh mảnh bom giặc. Bức tượng cao 17,1 mét, nặng 170 tấn lồng lộng giữa bầu trời Hoằng Trường như một dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc.

Tiếp đến là bức tượng “Thảm họa B52 ở Hoằng Phượng”, ông miêu tả sự căm hờn của nhân dân trước thảm họa 162 người dân Hoằng Phượng bị chết trong buổi chiều do B52 giặc Mỹ dội xuống làng. Bức tượng tạc vào thế kỷ nỗi đau, lên án tội ác hủy diệt của đế quốc Mỹ, sự quật cường của nhân dân, niềm căm thù giặc thành hành động chống giặc. Tác phẩm “Thảm họa B52” có thể so với bức tranh nổi tiếng của Picaso Gian 1937, tác phẩm mang tên một thị trấn ở Tây Ban Nha bị phát xít ném bom tàn phá. Rồi tượng đài Thanh niên xung phong trên đỉnh núiHàm Rồng (TP Thanh Hóa). Một cụm tượng đài ghi công những người thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho Tổ quốc ngàn đời tươi đẹp. Đó cũng là tình cảm, là lương tâm và trách nhiệm của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đối với quê hương Thanh Hóa.

Bằng ngôn ngữ điêu khắc, Lê Đình Quỳ đã khái quát cao những nội dung lớn, xử lý không gian công phu và những mảng phù điêu như những bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc. Trong mảng đề tài chiến tranh, anh đã thể hiện được tinh thần bất khuất của dân tộc trước kẻ thù và bom đạn; và cũng là sự tri ân đối với lớp người đã dũng cảm hy sinh vì dân tộc, vì Tổ quốc.

Một số tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của Lê Đình Quỳ.

Tượng đài của anh được dựng khắp nơi trên cả nước, từ Yên Bái, Lai Châu, Sóc Sơn, Tây Sơn (Hà Nội), Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Vĩnh Long. Những tượng đài ghi được dấu ấn nhiều nhất như ngã ba Đồng Lộc, nơi nhiều cô gái Thanh niên xung phong anh dũng hi sinh đã trở thành huyền thoại; và ở phía Nam cầu Hiền Lương ta nhìn thấy một cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” uy nghi tráng lệ.

Mảng đề tài danh nhân đất Việt, anh hùng dân tộc cũng được Lê Đình Quỳ lao tâm khổ tứ thổi hồn cho những bức tượng sống mãi với thời gian.

Tượng đài danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được dựng bên bờ sông Nhuệ, Hà Đông, Hà Nội; Tượng đài 14 vị Vua Trần tại đền thờ các Vua Trần ở Nam Định; Tượng Anh hùng dân tộc Quang Trung dựng ở Huế; Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi - (tượng này đã làm mẫu trong sách và chưa cho dựng).

20 tượng đài do Lê Đình Quỳ sáng tác, dựng trên khắp các vùng miền của Tổ quốc đã nói lên sức lao động sáng tạo dồi dào và tâm hồn người nghệ sĩ dành cho đất nước thật đáng nể trọng. Trong cuốn sách anh xuất bản còn có hơn trăm bức tượng đã sáng tác nhưng chưa được dựng, những bức tượng về lãnh tụ, danh nhân văn hóa, doanh nhân...

Ngoài nặn tượng, tạc tượng, dựng tượng, Lê Đình Quỳ còn sáng tác nhiều bức tranh sơn dầu, sơn mài cỡ lớn. Những đề tài về môi trường, biển, tâm linh về đất nước và con người luôn được thể hiện trong nhiều bức tranh lớn của ông. Nổi tiếng là các tác phẩm: “Chiến tranh và Hòa bình”, “Điện Biên Phủ trên không”, “Linh hồn Trường Sơn”, “Tiếng chim hót”, “Bão biển”, “Hành trình xanh”, “Giai điệu đồng quê”, và “Đông Sơn”, “Văn hóa cổ Việt”... và hơn 350 bức tranh đã được in thành sách.

Tranh Lê Đình Quỳ có ảnh hưởng chất liệu và mảng miếng của mỹ thuật nước ngoài, phần lớn là tranh kén người xem; nhiều bức tranh trừu tượng miêu tả khái quát, chủ yếu để cho người xem tự thưởng thức theo cảm nhận riêng của mỗi người. Càng xem, càng ngẫm nghĩ, càng thấy sự thâm thúy, kiêu sa trong từng nét vẽ. Xem tranh của Lê Đình Quỳ, người xem phải có kiến thức, hiểu biết nhiều về văn hóa trong nước và thế giới mới có những cảm khoái đặc biệt. Ông đã cho công chúng xem tranh của ông trong 6 cuộc triển lãm lớn ở các thành phố lớn. Đặc biệt cuộc triển lãm biển đảo ở Quảng Bình năm 2000, ông đã trình làng 100 bức tranh.

Lê Đình Quỳ được nhân dân gọi thân mật “Quái kiệt xứ Thanh” vì không những có nhiều tượng đài hoành tráng, có hàng trăm bức tranh mà ông còn là nhà thiên văn học - người giải mã “Bí ẩn văn hóa Việt cổ”.

Mọi người vô cùng sửng sốt khi biết Lê Đình Quỳ - một người chưa học thiên văn bao giờ mà dám công bố giả thuyết mới về nguồn gốc hệ mặt trời (1984) tại các hội thảo khoa học cấp Nhà nước, lại được các nhà khoa học thiên văn đón nhận và đánh giá cao. Năm 2004, công trình này đã được Nhà xuất bản Thông tấn xã ấn hành bằng hai thứ tiếng: Việt - Anh đã để lại tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.

Ông có nhiều nghiên cứu và bài viết về trống đồng Ngọc Lũ, giải mã “Bí ẩn về pho tượng Phật chùa Bút Tháp”, đó là pho tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt do Trương Thọ Nam tạc, hoàn thành năm 1656 thời Hậu Lê, nhiều bài viết giải mã về “Chạc gốm hình chân giò”...

Ông cho rằng pho tượng có thể được xem là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật rất chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất: Âm - Dương (thiện - ác, đỏ - đen, sáng - tối, trời - đất). Theo lý giải của Lê Đình Quỳ thì tượng Quan âm được làm theo thể tam tài giả, tức là mối quan hệ tổng hòa Thiên - Địa - Nhân. Khi nhìn vào tượng, vòng tròn phía sau được gắn gần một nghìn bàn tay; mỗi bàn tay được khắc một con mắt, đó là biểu tượng của trời. Đó chẳng phải là một vũ trụ thu nhỏ sao? Trong vũ trụ, cái thiện được biểu tượng ở thế “tam quang giả”, tức là ba nguồn sáng bao gồm: mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Có thể nói pho tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở Chùa Bút Tháp chứa đựng nhiều ẩn nghĩa, triết lý sâu xa mà trong nghiên cứu, lý giải nó cho ta biết nhiều nét về quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan và vũ trụ quan trong mỗi người Việt thời Hậu Lê nửa sau thế kỷ 17. Những giải mã này, anh đã cho ra nhiều bài viết trình bày trong các hội thảo khoa học và vũ trụ được hàng trăm nhà khoa học vũ trụ trong nước và quốc tế, họ thừa nhận kiến thức uyên thâm của nhà điêu khắc, nhà thiên văn học.

Lê Đình Quỳ là một nghệ sĩ lớn, có những phẩm chất cao quý. Chúng ta cảm phục ông bởi sự đa tài, sức làm việc phi thường, với một khối lượng lớn tác phẩm để lại cho đời thật phong phú và đa dạng. Thành công của ông có sự đóng góp của người bạn đời là họa sĩ Lê Hiệp luôn bên cạnh động viên, chăm sóc. Chị cũng là một họa sĩ tài danh.

Hết một đời người dành cho nghệ thuật điêu khắc và hội họa, và nghiên cứu thiên văn học, Lê Đình Quỳ xứng đáng được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được tặng danh hiệu “Trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh” và nhiều giải thưởng khác của chuyên ngành hội họa điêu khắc.

Nhưng giải thưởng lớn nhất vẫn là được nhân dân khắp các miền trong đất nước yêu mến, quý trọng gọi anh là “Quái kiệt xứ Thanh”.

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]