(vhds.baothanhhoa.vn) - "... Còn nhớ ra đi ngày ấy/ Tóc xanh độ tuổi trăng tròn...", 2 câu thơ trích trong bài thơ “GẶP LẠI” được viết ngay hôm chúng tôi - những thanh niên huyện Nông Cống, lên đường ra trận sau 40 năm gặp lại (2011). Những đồng đội ngày lên đường (tháng 2-1972) tuổi mười tám, đôi mươi, tóc còn xanh giờ đây bạc trắng mái đầu ôm nhau mừng mừng, tủi tủi không kìm được những giọt lệ lăn trên khóe mắt. Gặp nhau trong vòng tay chai sạn đời thường vì lăn lộn mưu sinh, nhưng trên tất cả là tình đồng đội, những câu chuyện của thời “hoa lửa” cứ thế tuôn trào không dứt. Suốt chiều dài của năm tháng khốc liệt cho đến hôm nay mỗi khi nhớ lại cảm xúc dâng trào, rưng rưng nỗi niềm đối với những đồng đội nằm lại với núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Câu chuyện ấy, năm tháng ấy “không thể nào quên”. Hôm nay sau 50 năm nhớ lại, một tiểu đoàn (500 thanh niên) của huyện Nông Cống phần lớn được bổ sung cho một tiểu đoàn có thể nói “lừng danh” - một trong số ít những đơn vị cấp tiểu đoàn nổi tiếng nhất trên chiến trường Tây Nguyên - Tiểu đoà

Lính Nông Cống ở Tiểu đoàn 631 anh hùng!

“... Còn nhớ ra đi ngày ấy/ Tóc xanh độ tuổi trăng tròn...”, 2 câu thơ trích trong bài thơ “GẶP LẠI” được viết ngay hôm chúng tôi - những thanh niên huyện Nông Cống, lên đường ra trận sau 40 năm gặp lại (2011). Những đồng đội ngày lên đường (tháng 2-1972) tuổi mười tám, đôi mươi, tóc còn xanh giờ đây bạc trắng mái đầu ôm nhau mừng mừng, tủi tủi không kìm được những giọt lệ lăn trên khóe mắt. Gặp nhau trong vòng tay chai sạn đời thường vì lăn lộn mưu sinh, nhưng trên tất cả là tình đồng đội, những câu chuyện của thời “hoa lửa” cứ thế tuôn trào không dứt. Suốt chiều dài của năm tháng khốc liệt cho đến hôm nay mỗi khi nhớ lại cảm xúc dâng trào, rưng rưng nỗi niềm đối với những đồng đội nằm lại với núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Câu chuyện ấy, năm tháng ấy “không thể nào quên”. Hôm nay sau 50 năm nhớ lại, một tiểu đoàn (500 thanh niên) của huyện Nông Cống phần lớn được bổ sung cho một tiểu đoàn có thể nói “lừng danh” - một trong số ít những đơn vị cấp tiểu đoàn nổi tiếng nhất trên chiến trường Tây Nguyên - Tiểu đoàn 631 anh hùng trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3).

Lính Nông Cống ở Tiểu đoàn 631 anh hùng!Minh họa: Hồ Chiến

Năm 1972, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong thanh niên cả nước thôi thúc bao chàng trai trẻ tình nguyện lên đường đánh giặc. Tháng 2-1972, đợt tuyển quân đầu xuân, thanh niên ở 31/31 xã của huyện Nông Cống đã hăng hái đi khám tuyển. 500 thanh niên phần đông đang ngồi trên ghế nhà trường, tuổi đời còn rất trẻ đã trúng tuyển và được biên chế thành một tiểu đoàn, rồi hành quân về xã Cán Khê, huyện Như Xuân (nay là huyện Như Thanh) mang phiên hiệu Tiểu đoàn 685 Trung đoàn 14 - Tỉnh đội Thanh Hóa.

Do yêu cầu của chiến trường, Tiểu đoàn 685 chỉ huấn luyện được 45 ngày rồi mang phiên hiệu mới Đoàn 3043 (chúng tôi nói vui với nhau trên đường ra trận Đoàn 3043 là đoàn “vô không có ra”) do Chính trị viên tiểu đoàn thượng úy Nguyễn Viết (quê Nghệ - Tĩnh) dẫn quân vào chiến trường. Ngày 17-4-1972, toàn tiểu đoàn tạm biệt quê hương nhằm hướng Nam thẳng tiến. Ra trận, chúng tôi mang theo màu xanh cây lá của bạt ngàn luồng, tre của vùng đất Cán Khê luôn thường trực trong tâm tưởng của cánh lính trẻ khi nhớ về quê hương Thanh Hóa.

Chiều muộn ngày 17-4-1972, đơn vị hành quân về đến xã Minh Khôi (Nông Cống) được lệnh dừng lại sơ tán vào ở trong dân và số đông đồng đội được trên cho phép về thăm gia đình 1 ngày rồi quay lại đơn vị. Tối ngày 19-4-1972, toàn tiểu đoàn tập trung lên tàu hỏa chạy một mạch đến Ga Quán Hành xuống tàu hành quân bộ đến xã Đức Phúc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nghỉ lại một đêm, tối hôm sau lên cano hành quân đến Cự Nẫm (Quảng Bình). Và, từ Cự Nẫm cánh lính trẻ bắt đầu hành quân trên dãy Trường Sơn gần 1 tháng trời vào đến chiến trường Tây Nguyên. Những tháng ngày hành quân trèo đèo lội suối trên rừng Trường Sơn, đêm nghỉ, ngày đi, những cơn mưa rừng như trút nước cứ dai dẳng vào các buổi chiều làm cho cả tiểu đoàn không nấu được cơm ăn. Đường hành quân bị nước lũ chia cắt, nhiều trạm dừng chân bị máy bay địch oanh tạc dữ dội... Thế nhưng, tất cả những khó khăn gian khổ, ác liệt ấy không thể làm chùn bước cánh lính trẻ Nông Cống. Họ đã vượt qua tất cả để đến với chiến trường theo kế hoạch đã định.

Dừng chân tại một địa điểm tương đối an toàn của chiến trường Tây Nguyên để củng cố đội hình và chờ chỉ huy của các đơn vị phía trước về nhận quân. Được nghỉ vài ngày, chúng tôi bắt đầu làm quen với măng le, lồ ô, rau tàu bay... đặc biệt là vắt. Tây nguyên vắt nhiều vô kể và cũng nhanh như điện, nhoắng một cái nếu không cảnh giác là chúng bám vào người. Biết là chiến trường Tây Nguyên rồi, nhưng cũng không biết điểm dừng chân thuộc tỉnh nào, không thấy thôn xóm, bản, làng cũng chẳng gặp người dân nào, chỉ thấy rừng già ngút ngàn tầm mắt...

Mấy ngày được nghỉ ngơi lấy lại sức vào khoảng đầu tháng 6-1972, các đơn vị phía trước về nhận quân. Khoảng 100 đồng đội được bổ sung cho các đơn vị. 300 quân nhân còn lại (tương đương một tiểu đoàn thiếu) bổ sung cho Tiểu đoàn 631 thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3). Đây là tiểu đoàn độc lập lừng danh trên chiến trường. Sẽ thiếu sót nếu không điểm qua lịch sử của một tiểu đoàn bám trụ vùng đất rộng lớn Khu 4 Gia Lai (nay là huyện Chư Pah, Gia Lai) cách thị xã Pleiku chừng 15 km theo đường chim bay. Tiểu đoàn “đánh đâu thắng đấy” nổi tiếng đến độ bọn địch kháo nhau: “gặp lính 631 đừng có ngu đụng vô...”.

Tiểu đoàn 631 tiền thân là Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 320 - một trong 3 trung đoàn (Trung đoàn 320, Trung đoàn 66, Trung đoàn 33) trực tiếp tham gia Chiến dịch Ia Đrăng, Pleime (Gia Lai) năm 1965. Trong chiến dịch này lần đầu tiên quân giải phóng sử dụng lực lượng cấp sư đoàn quần nhau với Sư đoàn “tia chớp nhiệt đới”. Là trận đánh Mỹ đầu tiên với cấp độ lớn trên chiến trường miền Nam. Sau khi tham gia chiến dịch Pleime trên bố trí lại lực lượng, chỉ để lại Trung đoàn 66 ở Tây Nguyên (Trung đoàn 66 ba lần được phong danh hiệu anh hùng, hiện thuộc Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên) còn Trung đoàn 320 để lại Tiểu đoàn 6 ở lại Tây Nguyên, các đơn vị còn lại và trung đoàn bộ được lệnh hành quân về miền Đông Nam bộ. Tiểu đoàn 6 ở lại Tây Nguyên nhập với Tiểu đoàn 31 pháo binh thành Tiểu đoàn 631 từ đó (khoảng năm 1967).

Mang phiên hiệu Tiểu đoàn 631 vào thời điểm chiến trường Tây Nguyên gặp muôn vàn khó khăn trong việc cung cấp hậu cần cho bộ đội. Vì thế, gần như các đơn vị chiến đấu ở chiến trường này phải thực hiện nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa xây dựng hậu cứ, bám dân, tăng gia sản xuất “tự cung tự cấp”. Vì thế, mặc dù đứng chân tại vùng ven thị xã Pleiku, Tiểu đoàn 631 đã làm rất tốt cả 2 nhiệm vụ. Hậu cứ của tiểu đoàn được xây dựng ở vùng ven sông Pô Cô có hẳn một đại đội tăng gia, sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo cho bộ đội chiến đấu. Hậu cứ không chỉ là nương rẫy, xưởng rèn nông cụ, nuôi lợn, gà mà còn săn bắt thú rừng, đánh cá làm thực phẩm khô dự trữ. Mặt khác công tác dân vận của Tiểu đoàn 631 cũng đạt tới đỉnh cao của tình quân dân “cá nước”. Trong bài hát truyền thống Tiểu đoàn 631 anh hùng có đoạn: …Cờ ta hồng màu hoa chiến công/ Từ Tân Lạc dội vang núi sông/ Đường mười bốn (Quốc lộ (QL) 14) Đức Cơ bốt đồn giặc tan/ Hạt gạo nương chia đôi tình quân với dân chung lòng/ Quyết đi tới tiến lên dưới cờ lập công...

Dân gặp bộ đội bao giờ cũng thường trực câu hỏi đầu tiên; bộ đội 631 à? Bộ đội Bính (đại úy Hà Xuân Bính tiểu đoàn trưởng), bộ đội Thanh (đại úy Trần Tất Thanh tiểu đoàn trưởng kế tiếp), bộ đội Thìn (thượng úy Nguyễn Văn Thìn chính trị viên tiểu đoàn) à? Khi lính 631 trả lời, đúng, thì dân làng hào hứng có lương thực, thực phẩm, rau xanh, bầu bí trên nương đều mang cho bộ đội… Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thanh, sau này là Trung tướng Tư lệnh Quân khu 2 hy sinh năm 1998 tại Lào trong đoàn quân sự cấp cao do Trung tướng Đào Trọng Lịch, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu).

Không chỉ tăng gia, sản xuất, “tự cung, tự cấp” đảm bảo đủ điều kiện để bộ đội chiến đấu mà trải qua những năm tháng kể từ khi mang phiên hiệu Tiểu đoàn 631, đơn vị đã đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ. Có những trận đánh vô cùng nổi tiếng như đánh cắt giao thông QL19, QL14; đánh điểm cao Chư Sang, Bầu Cạn; trận đánh cứ điểm Tân Lạc. Đặc biệt trận đánh Tổng kho Xi Ti (thị xã Pleiku) cháy nổ suốt 3 ngày đêm hay trận đánh tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 62 biệt động trong công sự vững chắc có hầm ngầm ở Chư Nghé (quận lỵ Lệ Minh) bắt sống 17 tên địch, thu toàn bộ vũ khí và nhiều quân trang, quân dụng… Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 19-5-1972, Tiểu đoàn 631 (B3) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “anh hùng”.

300 tân binh Nông Cống được bổ sung (2 đợt) đợt 1 vào Tiểu đoàn 631 đúng ngày đơn vị trở về hậu cứ chuẩn bị làm lễ đón nhận danh hiệu anh hùng. Số tân binh được phân bổ cho tất cả đại đội và các trung đội trực thuộc tiểu đoàn. Từ các đại đội (C) bộ binh, C9; C10; C11; C12; C3 (đặc công), C tăng gia; trung đội (B ) vận tải, thông tin, trinh sát, hậu cần, phẫu, tiểu đoàn bộ đến tổ rèn, tổ đánh cá, săn bắn… tất cả đều có lính Nông Cống. Có lẽ trên chiến trường nói chung, Tây Nguyên nói riêng rất hiếm một tiểu đoàn (thiếu) cùng quê lại được bổ sung toàn bộ cho một tiểu đoàn anh hùng thường xuyên đánh trận. Chính truyền thống không ngại gian khổ, hy sinh, kiên cường đánh giặc, xây dựng đơn vị của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 631 anh hùng đã truyền lại và tiếp thêm sức mạnh cho cánh lính trẻ Nông Cống “chân ướt, chân ráo” mới vào tiểu đoàn.

Ngay sau khi cùng với đơn vị đón nhận danh hiệu đơn vị anh hùng, lính Nông Cống trong đội hình Tiểu đoàn 631 bắt đầu cho trận đánh cứ điểm Chư Nghé (quận lỵ Lệ Minh Gia Lai). Tại đây Tiểu đoàn 62 biệt động của quân đội Việt Nam cộng hòa bố phòng rất cẩn mật. Chư Nghé là căn cứ kiên cố, chia làm 2 khu. Khu đồi A cao, đồi B thấp được bao quanh 9 lớp hàng rào kẽm gai dài 600m và rộng 400m hình củ lạc. Tổng quân số của Tiểu đoàn 62 biệt động có khoảng 420 lính, 4 khẩu pháo 105 li, 1 trung đội cối 81 li cùng một số gia đình vợ con sĩ quan địch. Qua thời gian trinh sát theo dõi quy luật hoạt động của địch, thường ban ngày nống ra quanh đồn đi lùng sục với bán kính khoảng 5-10 km chia thành nhiều tổ sục xuống ấp, tổ chốt đường 5 (đường từ thị xã Pleiku chạy đến Chư Nghé), tổ lùng sục về ngã 3 Lệ Thanh. Tối đến chúng chỉ để lại 2 đến 3 ổ phục bên ngoài còn lại rút về căn cứ.

Sau 10 ngày trinh sát, điều tra nắm chắc tình hình địch, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 631 lên sa bàn lập trận địa giả tương tự và luyện tập thuần thục cách đánh rồi hạ quyết tâm đánh chắc thắng với cách đánh đặc công nhưng đánh chắc tiến chắc. Đánh đến đâu phải giữ và bám trụ đến đó. Vừa nghi binh, vừa tiếp thêm lực lượng để đêm thứ nhất nếu tấn công chưa dứt điểm thì đánh tiếp. Cánh lính trẻ Nông Cống lần đầu tiên được xung trận nên rất hăng hái tập luyện và học hỏi kinh nghiệm của đồng đội đàn anh chỉ dẫn trên sa bàn tác chiến.

Tối 31-8-1972, toàn bộ Tiểu đoàn 631 hình thành 8 mũi tiền nhập theo phương án các bộ phận đào công sự, cắt hàng rào kẽm gai, đặt mìn DH 20 cùng tác nghiệp một lúc. Tất cả các mũi tiền nhập, ém quân vào vị trí trong đêm sẵn sàng đợi lệnh. Đúng 11h đêm 31-8 được lệnh nổ súng, các mũi tiến quân dùng mìn, bộc phá thổi bay 9 lớp hàng rào thành 9 lối nhỏ để bộ đội tiến quân đánh chiếm cứ điểm Chư Nghé. Trận đánh vô cùng khốc liệt, đến 5 giờ sáng ngày 2-9-1972, Tiểu đoàn 631 đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 62 biệt động, thu nhiều quân trang, quân dụng, 17 lính cố thủ dưới hầm ngầm chống trả quyết liệt cuối cùng phải ra đầu hàng trong đó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62 biệt động quân. Trận đánh căn cứ Chư Nghé của Tiểu đoàn 631 anh hùng là trận đánh vô cùng xuất sắc và mẫu mực được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) biểu dương, khen thưởng. Giải quyết xong căn cứ Chư Nghé, ngày 11-9-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lệnh Tiểu đoàn 631 bàn giao căn cứ Chư Nghé cho Trung đoàn 24 để hành quân về hướng Nam tham gia chiến dịch vây lấn tiêu diệt căn cứ Đức Cơ (Gia Lai). Suốt 40 ngày đêm Tiểu đoàn 631 anh hùng cùng với các đơn vị bạn vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, đào hầm hào, triển khai đội hình tác chiến liên tục cho đến ngày 25-12-1972 chiến dịch vây lấn tiêu diệt căn cứ Đức Cơ giành thắng lợi hoàn toàn. Chính nơi đây - căn cứ Đức Cơ là nơi đứng chân (27-1-1973) của Phái đoàn quân sự 4 bên giám sát việc thi hành Hiệp định Paris.

Những người lính trẻ Nông Cống trong đội hình Tiểu đoàn 631 từ sau 2 trận đánh nổi tiếng thực sự trở thành lực lượng tin cậy của các bậc đàn anh trong tác chiến. Suốt từ khi được bổ sung về Tiểu đoàn 631 tháng 7-1972 đến tháng 10-1974 tham gia cùng đơn vị đánh trận liên tục cho đến trận đánh cuối cùng trên đất Gia Lai - trận đánh cứ điểm 664, đánh địch trong công sự vững chắc. Trận đánh vô cùng ác liệt mặc dù chiến thắng giòn giã nhưng tiểu đoàn phó Trần Kình (Ninh Bình) cùng một số đồng đội hy sinh trong đó có xạ thủ B41 ưu tú Lê Huy Dân (xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống). Cuối tháng 10-1974, tạm biệt mảnh đất Gia Lai thân yêu nơi ghi dấu ấn đậm nét và làm nên “thương hiệu” 631 anh hùng để hành quân sang tỉnh Đắk Lắk đứng trong đội hình Trung đoàn 25-B3 và là tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 25 chuẩn bị tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Chân ướt chân ráo đến Đắk Lắk sau khi sắp xếp lại đội hình, với truyền thống đơn vị anh hùng đánh đâu thắng đấy lại là tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 25, đơn vị chúng tôi được trên chọn đánh trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên (hướng Đắk Lắk) đêm mùng 4 rạng ngày 5-3-1975 tiêu diệt gọn 1 đại đội địch án ngữ cạnh QL 21 (nay là QL 26) từ Nha Trang chạy lên Buôn Ma Thuột cắt đứt QL này. Đánh tan đoàn xe hơn 150 chiếc (phần nhiều là xe quân sự); tiến đánh giải phóng quận lỵ Khánh Dương (nay là huyện M"Đrắk); cùng các đơn vị bạn tiêu diệt Lữ dù 3 trên đèo Phượng Hoàng (ranh giới giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk). Trận đánh cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Tiểu đoàn 631 anh hùng là luồn sâu, lót sẵn rồi đột kích đánh chiếm, làm chủ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ngày 16-4-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm và làm chủ sân bay Thành Sơn, đơn vị được lệnh ở lại bảo vệ an toàn tuyệt đối để Phi đội quyết thắng xuất kích ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28-4-1975 góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong niềm vui chung của dân tộc những ngày đầu giải phóng, ngày 7-5-1975, Tiểu đoàn 631 được lệnh bàn giao sân bay Thành Sơn cho Quân chủng PK-KQ, hành quân trở lại Đắk Lắk truy quét Pulro đến giữa năm 1976 tiếp tục hành quân lên bảo vệ biên giới (tỉnh Đắk Lắk) chi viện cho bộ đội biên phòng giữ gìn biên giới quốc gia khi mà bọn Khơme đỏ quấy phá. Tháng 12-1978, Tiểu đoàn 631 anh hùng (D1) một lần nữa trở thành tiểu đoàn chủ công trong đội hình Trung đoàn 142 - Sư đoàn 315 sang giúp bạn đánh Khơme đỏ góp phần giải phóng hoàn toàn Campuchia thoát họa diệt chủng. Chiến đấu và làm công tác tình nguyện trên đất Campuchia đến năm 1989 mới về nước và đóng quân tại Chu Lai tỉnh Quảng Nam với phiên hiệu Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 142 - Sư đoàn 315 - Quân khu 5.

Có thể nói, hơn 300 lính trẻ Nông Cống nhập ngũ tháng 2-1972 vào Nam chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 631 anh hùng đã cống hiến hết sức mình cùng với đơn vị chiến đấu suốt từ năm bước chân vào chiến trường (1972) đến năm 1989. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh trận quả cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều đồng đội bị thương và anh dũng hy sinh, luôn mang trong mình truyền thống: "Tuổi trẻ đất Lam Sơn/ Gian khổ chí không sờn/ Phất cao cờ quyết thắng”.

Viết những dòng hồi ức này, với tâm thế vô cùng xúc động khi nhớ về nhiều đồng đội của một đơn vị anh hùng đã anh dũng hy sinh và nhiều đồng đội đã hiến dâng một phần xương máu của mình vì đất nước. Một đơn vị anh hùng đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, đến nay vẫn còn 264 liệt sĩ kiên cường “bám trụ” nơi chiến trường khốc liệt năm xưa. Xương, máu, da thịt của những người lính anh hùng đã hòa vào đất trời, cỏ, cây, hoa lá của núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ…

Chiến trường Tây Nguyên 1972 - Thanh Hóa 2022

Ghi chép của CAO NGỌ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]