(vhds.baothanhhoa.vn) - Cho đến nay, nhà thơ Lê Đăng Sơn đã có chín tập thơ ra mắt bạn đọc. Thơ anh là những cảm xúc, rung động của một người từng cầm súng xông pha trận mạc. Anh như con tằm lặng lẽ dâng những “sợi tơ trời” cứ vương vấn khúc tình quê và nghĩa tình đồng đội.

Nghĩa tình đồng đội trong thơ Lê Đăng Sơn

Cho đến nay, nhà thơ Lê Đăng Sơn đã có chín tập thơ ra mắt bạn đọc. Thơ anh là những cảm xúc, rung động của một người từng cầm súng xông pha trận mạc. Anh như con tằm lặng lẽ dâng những “sợi tơ trời” cứ vương vấn khúc tình quê và nghĩa tình đồng đội.

Nơi chim Hạc bay về, một hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa biểu tượng và biểu cảm mà Lê Đăng Sơn muốn gửi gắm… Gần 70 bài thơ được viết với phong cách tự do phóng khoáng xen lẫn tự sự và biểu cảm, trữ tình và triết lý, thể hiện các cung bậc tình cảm của anh đối với quê hương Thanh Hóa. Đặc biệt, anh dành nhiều bài thơ để nói về những người lính - đồng đội của anh.

30-4-1975, một mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh, ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Với Lê Đăng Sơn, tháng Tư đã trở thành biểu tượng của chiến thắng, tự hào và của tri ân:

Trời tháng Tư mênh mang

Tiếng ve se nỗi nhớ

Đồng đội ơi! Một thuở

Áo lính xanh màu cây.

Ơi Trảng Bom, Dầu Dây

Ơi Chơn Thành, làng Giớt

Ơi Đồng Xoài, Xuân Lộc

Bao bạn bè nằm đây…

(Như hoa gạo tháng Tư).

Nhịp thơ dồn dập, có sự kết hợp hài hòa giữa từ cảm thán ở đầu câu và các từ chỉ địa danh như gợi cho người đọc cảm nhận được sự khốc liệt của những trận đánh, những chiến dịch mà tổn thất không hề nhỏ! “Bao bạn bè nằm đây” như một tiếng nấc nghẹn ngào, xót xa, thương cảm cho những đồng đội đã ngã xuống giữa lòng đất mẹ yêu thương.

Có khoảng trời tháng Tư là bài thơ mà tác giả Lê Đăng Sơn đã sử dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt hình thức điệp kiểu câu của mỗi đoạn thơ, kết hợp với thể thơ sáu chữ, nhịp chậm rãi… để chuyển tải bao cảm xúc, bao suy ngẫm về cuộc chiến, về đồng đội:

Có một khoảng trời tháng Tư

Nhớ thương bạn bè ngã xuống

Họ - khoảng trời xanh, xanh lắm

Bâng khuâng trận mạc thuở nào.

Lê Đăng Sơn dành riêng một tháng Tư cho người bạn chiến đấu Vũ Trọng Nhìn. Anh Nhìn đã hy sinh nhưng giọng ca của người lính trẻ giữa hai trận đánh mãi còn ngân vang trong lòng đồng đội, ngân vang cùng quê hương đất nước: Nhìn ơi nhớ quá chừng/ Bạn hát bài ca đó/ Thuốc lào thơm trong gió/ Tiếng lòng ta rung lên/ Nhìn ơi bao giờ quên/ Bạn đã thành lời hát/ Tháng Tư về man mác/ Bạn không về Nhìn ơi! Bài thơ cứ điệp lại câu hỏi Bạn không về Nhìn ơi? cứ xoáy sâu, cứ khắc khoải, nhức nhối… Chiến tranh kết thúc mà bao đồng đội đã không thể trở về. Một chiều đi thăm mộ bạn - tên Hùng, với những kỷ niệm của tuổi học trò và đặc biệt là những kỷ niệm chiến trường, nhà thơ Lê Đăng Sơn nhớ thương bạn, đau xót trào dâng, cảm xúc mãnh liệt để có bài thơ Chiều uống rượu bên mộ bạn. Bài thơ có cấu tứ độc đáo, mới lạ, hấp dẫn. Xưa ở chiến trường một giọt nước cũng nhường nhau, một chiếc gậy cũng được chia sẻ trên đường hành quân… Vậy mà bây giờ bi đông đầy rượu thì lại chỉ thiếu bạn thôi!

Trở về với đời thường, có độ lùi để nhìn nhận những mất mát hy sinh của đồng đội mà mỗi sự hy sinh ấy, theo Lê Đăng Sơn, là “một dấu lặng”: Bạn đã thành dấu lặng từ lâu/ Khi mái tóc trên đầu còn xanh lắm… (Dấu lặng mãi còn đây).

“Dấu lặng” trong trường hợp này là biện pháp tu từ nói giảm, nói tránh. Lê Đăng Sơn đã thật tài tình trong việc chuyển nghĩa tu từ học để hướng người đọc đến một trường liên tưởng mới. Nỗi đau mất mát hy sinh mà cuộc chiến để lại thật thấm thía, nhất là đối với những người trong cuộc. Dấu lặng mãi còn đây hay còn là sự trường tồn, bất tử của các anh với Tổ quốc và Nhân dân!

Bước ra khỏi cuộc chiến, bao bạn bè còn nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm, để lại cho đồng đội, cho người thân, cho quê hương những vết thương thời cuộc. Họ đi vào cuộc chiến bằng tình yêu quê hương đất nước, trong sáng vô ngần. Cho nên sự hy sinh của người lính là cao cả, là đạo đức, là văn minh. Để rồi, trước những hy sinh của đồng đội, Lê Đăng Sơn quan niệm Tôi được sống để rồi tôi mang nợ. Đây là một triết lý nhân sinh mới mẻ thời hậu chiến, được tác giả thể hiện trong bài thơ Nợ Trường Sơn:

Đau đến nghẹn ngào buốt đến lặng thinh

Những người lính bạn tôi nằm chất chồng cửa mở

Tôi còn sống để rồi tôi mang nợ

Tôi còn sống để suốt đời phải nhớ

Năm tháng gồng mình trong tàn khốc đạn bom

Để nói với cháu con:

Tình yêu Tổ quốc!

Tôi được sống để rồi tôi mang nợ, nợ với những hy sinh của đồng đội, nợ với cuộc đời - cái nợ chí tình chí nghĩa, đằm sâu trong tâm hồn nhà thơ - chiến sĩ Lê Đăng Sơn!

LÊ XUÂN SOAN

(Nhân đọc tập thơ Nơi chim Hạc bay về - NXB Hội Nhà văn)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]