(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa có nhiều nhà văn, nhà thơ sống và lập nghiệp ở nhiều nơi trên cả nước, trong khi có hai người “ngụ cư” đã lấy Thanh Hóa làm quê hương của mình, nơi lập nghiệp, sinh sống và sáng tạo văn học: “Hai thằng trai Quảng Bình/ Đến xứ Thanh lập nghiệp/ Cùng theo nghề dạy học/ Tao chuyên toán mày văn…”. Đó là nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn và nhà thơ Phạm Phú Thang. Không chỉ thế, các ông còn dành từ quãng đời đầu, qua tuổi thanh xuân đến lúc “tóc bạc da mồi”, lên cây bén rễ trên đất xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người “nghiêng về phép trừ”!

(VH&ĐS) Thanh Hóa có nhiều nhà văn, nhà thơ sống và lập nghiệp ở nhiều nơi trên cả nước, trong khi có hai người “ngụ cư” đã lấy Thanh Hóa làm quê hương của mình, nơi lập nghiệp, sinh sống và sáng tạo văn học: “Hai thằng trai Quảng Bình/ Đến xứ Thanh lập nghiệp/ Cùng theo nghề dạy học/ Tao chuyên toán mày văn…”. Đó là nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn và nhà thơ Phạm Phú Thang. Không chỉ thế, các ông còn dành từ quãng đời đầu, qua tuổi thanh xuân đến lúc “tóc bạc da mồi”, lên cây bén rễ trên đất xứ Thanh.

Nhà thơ Phạm Phú Thang.

Nhà thơ Phạm Phú Thang không chỉ nói một lần như thế với bạn, ông còn nói với vợ - người bạn đời của mình, như lần nữa xác quyết cho tấm lòng và ý chí “dứt áo” ra đi, gắn bó với mảnh đất này: “Anh từ Quảng Bình ra/ Áo vương màu sóng gió/ Lấy đất Thanh dựng nhà”.

Tôi biết Phạm Phú Thang từ mấy chục năm trước theo cách “kính nhi viễn chi” lúc ông là thầy giáo trường huyện Yên Định quê tôi - một thầy đồ “miền trong” dạy toán mà “hay” văn. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất về ông, mà tôi với tư cách một người đọc yêu văn chương hồi ấy là bài thơ “Sắc Quảng Bình”:

“Từ mồng năm tháng tám đến giờ/ Nay mới gặp anh giữa lòng Hà Nội/ Đánh Mỹ hai năm tóc bạc thêm dăm sợi/ Khuôn mặt trẻ trung vẫn một sắc Quảng Bình…”. Một bài thơ hừng hực khí thế đánh Mỹ, vừa sản xuất vừa chiến đấu từ Quảng Bình quê hương ông, nơi tuyến đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chẳng bao lâu đã lan ra Thanh Hóa và các tỉnh miền Bắc. Ông có mặt trong hai tập “Sức Mới” - một tuyển thơ gồm các tác giả trẻ tiêu biểu và triển vọng ngày ấy. Phạm Phú Thang là đại biểu dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm 1959, Tốt nghiệp Trường Bồi dưỡng viết văn khóa 2 năm 1965. Sau này ông được điều động tham gia Ban Vận động thành lập Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, cùng thời các nhà thơ Minh Hiệu, Mai Ngọc Thanh, Quế Anh...

Có thể nói thơ Phạm Phú Thang đã hòa âm trong bản hợp ca thơ chống Mỹ, một thành tựu vẻ vang của lớp nhà thơ đã được khẳng định của Thanh Hóa. Ông nói về “Em bé sông Yên”: “Anh đến quê em những ngày báo động/ Chiều Do Xuyên biển sóng tung bờm/ Cửa Lạch Bạng hay Bạch Đằng nổi giận/ Núi Do nằm như dàn pháo phòng không”. Cùng một cảm xúc chia sẻ nỗi đau thương về những hy sinh mất mát: người mẹ - một công nhân lâm trường, trong cơn chuyển dạ bị bom Mỹ sát hại, nhưng cháu bé được bác sĩ phẫu thuật cứu sống, đồng đội trút căm thù vào loạt đạn tiêu diệt máy bay giặc: “Thù này nuôi mạch đất/ Chuyển vào rễ vào cành/ Khoanh lên từng vân gỗ/ Dựng cao những rừng xanh”. Một không khí sục sôi chiến đấu từ hậu phương tới tiền tuyến: “Đêm lao xao/ Trên cầu phao/ Cuốc cày quang gióng/ Hòn đe báng súng/ Rộn trong tiếng chào/ Đêm lao xao/ Qua cầu phao/ Anh ra, tôi vào/ Kín đường diệt Mỹ”.

Có bạn thơ nhận định thơ Phạm Phú Thang bình dị, chân chất, một tâm hồn nhạy cảm và trái tim trong trẻo. Thơ ông cập nhật cuộc sống hàng ngày, từ cảm xúc của nhà thơ trực tiếp tới người đọc, có khi nôm na nhưng bao giờ ông cũng rút tỉa những điều chiêm nghiệm với mình, bộc bạch cùng bạn đọc những ý nghĩ tế nhị, sâu sắc... Thơ Phạm Phú Thang cũng bộc lộ cái cảm cái nghĩ của thơ một thời ngợi ca vẻ đẹp, cuộc sống thanh bình ở vùng quê mà con người hằng khao khát: “Tạt về quê ngoại thu đầy nắng/ Sông rộng cầu tre dây cáp treo…/ Nhà bà xanh quá bên sông Mã/ Máy trạm bơm ru nhẹ xóm đồi…”

Vào tuổi tám mươi ông đã “phát động” lại cảm xúc, bút lực và liên tục cho ra mắt các tập văn, tập thơ “Nhặt lại văn mình”, “Nhặt lại thơ mình”. Ông nói khiêm tốn là nhặt lại, tức là nhặt lại cái đã mất, cái rơi rụng, thực ra đây là sự tiếp nối, sự thăng hoa đối với thơ văn. Mới hay khi tuổi càng dầy, cuộc đời càng trải, chiêm nghiệm càng sâu sắc, thơ càng hay! Vẫn là cái chân chất, mộc mạc, thơ từ “trái tim đến trái tim”, gắn liền hơi thở cuộc sống: gia đình, bạn bè, xã hội... không khách sáo, cầu kỳ: “Chúng mình yêu nhau nên vợ nên chồng/ Qua chín lần nắng hạ mưa đông/ Con ta ba mặt vừa trai gái/ Nhỏ mới lên hai, lớn chưa tròn bảy…”. Ngôn ngữ, bút pháp thơ cũng đằm hơn. Đặc biệt ông dùng thơ ngắn, các bài thơ tứ tuyệt, ở đó ý thơ hàm súc, những phát hiện tinh tế, những triết lý bất ngờ. Có dịp hành trình qua một số nước, chứng kiến cảnh đẹp, con người cuộc sống nơi ấy ông đều có những bài thơ chia sẻ cùng bạn đọc. Một chiều Vơ-ni, một thành phố xinh đẹp của nước Ý ông có những câu lục bát gây ấn tượng: “Kênh đào xuyên dọc phố xưa/ Nhịp chèo khua võng, mưa trưa thầm thì”. Chứng kiến những khổ đau của nhân loại, ông luận về “giọt nước mắt”: “Tiếng nói trên lục địa/ Muốn gặp nhau/ Phải có thông ngôn/ Tiếng cười trên lục địa/ Muốn hòa cùng/ Phải nhìn vào khuôn mặt/ Tiếng khóc trên lục địa/ Dẫu khác màu da/ Đều ra nước mắt”.

Ông có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Hữu Loan, trong đó bức chân dung để đời của nhà thơ bộc lộ nét đẹp, cốt cách, tâm hồn thi sĩ được nhà thơ Hữu Loan rất thích và gia đình đã đặt làm bài vị khi ông đi xa. Nhưng khắc họa bằng thơ mà Phạm Phú Thang dành cho ông lại là một “chân dung Hữu Loan” rõ nhất: “Người trai quê đa tình/ Lặng im như bồ thóc/ Cầu Báo Văn mấy nhịp/ Lằn lưng vết xe thồ…” ta nhìn rõ cả bước thăng trầm, khổ đau... của nhà thơ tài danh.

Phạm Phú Thang viết nhiều thơ về vợ, một tình yêu được coi là chỉn chu, mặn nồng từ thuở thanh xuân vẫn chăm chút, săn sóc nhau khi thành ông thành bà. Khi ông viết: “Câu thương câu đợi lập lờ/ Thác về âm phủ nằm mơ một người”, đủ thấy ông là người dí dỏm và sâu sắc chừng nào! Cũng như có lần ông đã làm một việc theo nghề nghiệp: “Đem thơ chụp cắt lớp/ Thấy rõ trái tim mình/ Nhịp nhàng van đóng mở/ Trái tim đời tươi xanh”.

Tôi đọc bài thơ “Phép trừ” của ông gần đây - bài thơ như một tuyên ngôn về cách sống, là cách Phạm Phú Thang tự răn mình: “Bốn phép tính đơn giản/ Tôi nghiêng về phép trừ/ Đêm dài lòng thanh thản/ Sáng ngày biết số dư”, rồi ông tự lý giải: “Phép cộng nhiều manh mối/ Phép nhân nặng nợ đời/ Phép chia ai chịu lép…”. Ấy là cách nói “tương đối” ông đưa ra để nhắc nhở con người tránh cái tham - sân - si. Không thể biện minh cho sự tham lam, ham muốn vô độ dẫn người ta đến tội lỗi.

Nhưng đúng là mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi cách. Ở điều kiện hiện tại ông đã “nghiêng về phép trừ”, bạn bè cho là chí lý lắm!

Trịnh Ngọc Dự



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]