(vhds.baothanhhoa.vn) - Cầm tập ảnh “Thanh Hóa - miền di sản” của Nguyễn Hữu Ngôn trên tay, tôi chợt nhớ những năm xưa khi còn đi học, mỗi dịp 20/11 hoặc chia tay cuối khóa học, tôi thường ra hiệu sách mua tặng thầy cô, bạn bè những tấm bưu thiếp in ảnh. Thời ấy các loại thiếp thường in những hình ảnh như cột cờ Hà Nội, Lăng Bác, Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Đại nội Huế, Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà... Dần dà, hệ thống hiệu sách nhân dân không còn tồn tại, và những kiểu ảnh bưu thiếp không có mấy người dùng, vì vậy các nhà xuất bản cũng ít quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguyễn Hữu Ngôn và niềm đam mê quảng bá văn hóa xứ Thanh

Cầm tập ảnh “Thanh Hóa - miền di sản” của Nguyễn Hữu Ngôn trên tay, tôi chợt nhớ những năm xưa khi còn đi học, mỗi dịp 20/11 hoặc chia tay cuối khóa học, tôi thường ra hiệu sách mua tặng thầy cô, bạn bè những tấm bưu thiếp in ảnh. Thời ấy các loại thiếp thường in những hình ảnh như cột cờ Hà Nội, Lăng Bác, Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Đại nội Huế, Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà... Dần dà, hệ thống hiệu sách nhân dân không còn tồn tại, và những kiểu ảnh bưu thiếp không có mấy người dùng, vì vậy các nhà xuất bản cũng ít quan tâm.

Nguyễn Hữu Ngôn vốn là một người hay “thương nhớ ngày xưa”, nên ngoài niềm đam mê sưu tầm hiện vật văn hóa cổ, anh luôn trăn trở làm cách nào để lưu giữ được những nét đẹp văn hóa trong đời sống hiện đại, nhất là những nét đẹp đã và đang dần bị mai một. Việc mạnh dạn biên soạn và in ấn một seri ảnh bưu thiếp làm quà tặng du lịch với chủ đề “ Thanh Hóa - miền di sản” là một trong những nỗ lực mà anh đã làm để “níu giữ nét xưa”.

Nguyễn Hữu Ngôn tâm sự: Mỗi lần dẫn bạn đi tham quan những di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh, thực sự thấy hơi buồn vì những quà tặng văn hóa dành cho khách du lịch còn quá nghèo nàn. Với tâm huyết muốn quảng bá vẻ đẹp, những đặc trưng văn hóa bản địa của xứ Thanh đến với cộng đồng, anh đã biên tập, in ấn, phát hành tập ảnh bưu thiếp “Thanh Hóa - miền di sản”, nhằm thắp sáng lại một nét đẹp văn hóa đã từng thịnh hành ở những năm 80-90 của thế kỷ trước, như là một cách bày tỏ lòng mến khách, gửi lời chúc tốt đẹp đến những người bạn phương xa về với xứ Thanh. Tập ảnh bưu thiếp này, anh kỳ công lựa chọn trong số những tấm ảnh mình đã chụp về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Thanh Hóa; mặt sau của ảnh, anh trích dẫn những câu nói, lời đánh giá nổi bật của các sử gia, nhà nghiên cứu văn hóa về thắng tích đó, dịch ra tiếng Anh để in song ngữ Anh - Việt. Mỗi tấm thiếp ẩn chứa một tình yêu, lòng trân trọng của Nguyễn Hữu Ngôn đối với từng di sản trên quê hương xứ Thanh.

Non nước Cửa Hà. (Ảnh: Nguyễn Hữu Ngôn)

Tôi thường đùa Nguyễn Hữu Ngôn là một “kẻ đa tình”, vì thấy anh “yêu đủ thứ”. Anh đi khắp các vùng miền để sưu tầm những hiện vật văn hóa xưa. Anh gom nhặt những nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân nông thôn từ thời “cổ tích Tấm Cám” đời nảo đời nào mang về tích trữ đầy nhà. Anh tìm mua bằng được những chiếc xe máy, xe đạp được mệnh danh là “ ông hoàng bà hoàng”, “kim vàng giọt lệ” của thế kỷ trước. Anh tìm tòi ở cả “trời tây” lẫn “trời ta” để kiếm được những chiếc đồng hồ với tiếng tích tắc, binh boong của “ngày xửa ngày xưa”. Anh lục lọi khắp các vùng miền để có tới hàng trăm chiếc radio của thời “đọc truyện đêm khuya”... Gia tài lớn nhất của anh là một “bảo tàng tại gia” với đủ các loại hiện vật sưu tầm, bày từ cổng vào đến tít tận căn phòng áp mái. Nguyễn Hữu Ngôn còn tham gia viết sách giới thiệu về văn hóa du lịch, ẩm thực của tỉnh Thanh. Đi đâu, anh cũng không quên mang theo một chiếc máy ảnh để lưu lại kỷ niệm, tư liệu về chuyến đi, và đặc biệt là để “chộp” được những bức ảnh ấn tượng về đất và người của những vùng quê mình đã đi qua. Xem chụp ảnh là một thú chơi, một niềm đam mê trong hàng tá đam mê của mình, và duyên lành của đam mê đã giúp anh có được hàng trăm bức ảnh đẹp đăng trên các báo, tạp chí. Năm 2015, anh đã xuất bản cuốn sách ảnh “Non nước Thanh Hóa”, được chọn là quà tặng trong lễ bế mạc Năm Du lịch Quốc gia Thanh Hóa 2015; anh cũng đã thực hiện 02 bộ lịch độc quyền giới thiệu về Hoằng Hóa và Vĩnh Lộc. Cũng trong Năm Du lịch Quốc gia 2015 tại Thanh Hóa, anh đã đoạt giải Nhì cuộc thi ảnh do tỉnh tổ chức, và có nhiều ảnh dự trưng bày trong các cuộc triển lãm của tỉnh.

Hướng tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Ngôn ngày đêm trăn trở với ý tưởng đúc một chiếc đỉnh đồng theo phiên bản đỉnh đồng Nhà Nguyễn, được các nhà nghiên cứu góp ý đặt tên là “Thanh Đỉnh”. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi lấy ý kiến từ các cuộc hội thảo khoa học để thực hiện “Thanh Đỉnh”, Nguyễn Hữu Ngôn song song thực hiện ý tưởng xây dựng phần trưng bày hiện vật trong nhà bảo tàng của dự án công viên du lịch sinh thái tre luồng Thanh Tam (do Cty CP Mía đường Lam Sơn chủ trì xây dựng), đồng thời nhanh chóng hoàn thiện tập ảnh bưu thiếp “Thanh Hóa - miền di sản” vào dịp Lễ hội Lam Kinh 2018 - kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và tưởng niệm 585 năm ngày mất của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi. Đây là món quà văn hóa giàu ý nghĩa cho bạn bè, du khách muôn phương đến với xứ Thanh trong dịp này.Chứng kiến anh dốc toàn lực cả vật chất và tinh thần cho những công việc ngồn ngộn ấy trong cùng một thời điểm, chạy đua với thời gian khởi công khu du lịch Thanh Tam, mà vẫn kịp thời ra mắt tập ảnh bưu thiếp ngay trước lễ hội Lam Kinh, thật sự đáng khâm phục! Xin chúc cho những ý tưởng, khát vọng khôi phục, giữ gìn, quảng bá những nét đẹp văn hóa, lịch sử, du lịch xứ Thanh của Nguyễn Hữu Ngôn sẽ dần trở thành hiện thực. Chúc cho niềm đam mê của anh luôn cháy sáng, góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa quê hương, đất nước.

Mai Hương


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]