(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngoại ô là vùng trời đặc biệt, bức tranh đồng nội rực mùa vui trong k‎ý ức của nhiều đứa trẻ sinh ra ở làng, lớn lên từ cánh đồng.

Ở ngoại ô có miền ký ức

Ngoại ô là vùng trời đặc biệt, bức tranh đồng nội rực mùa vui trong k‎ý ức của nhiều đứa trẻ sinh ra ở làng, lớn lên từ cánh đồng.

Ở ngoại ô có miền ký ức

(Ảnh minh họa, từ Báo Nghệ An)

Ở ngoại ô, rộng hơn là những làng quê nông nghiệp liền kề từ những huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ nơi sông Mã vắt qua có nhiều điều ẩn chứa giá trị riêng gắn với cây lúa nước và nét sinh hoạt của văn hóa làng, dân dã, chân thành…

Trên những cánh đồng làng, điều đáng nói nhất mỗi sau mùa gặt đó là lũ sẻ đồng về, không hẳn chỉ để ăn lúa, mà giống như một cái hẹn với cánh đồng, với lũ trẻ chăn trâu. Cánh đồng làng ngoại ô dù không thẳng cánh cò bay nhưng cũng đủ đem lại cho những đứa trẻ những ký ức đẹp đẽ, sự thanh bình, ngoài những trò chơi trên cánh đồng, thì điều đem lại xúc cảm nhiều nhất cả vị giác và thị giác đó chính là cốm làng với hương vị rất đặc trưng, màu xanh ưa nhìn.

Tôi cũng như những đứa trẻ trong làng, thích cốm từ bé, bởi vậy càng thêm yêu cánh đồng làng, yêu những người quê chang nắng, dầm mưa làm ra hạt lúa thơm mùi sữa và càng yêu những chiếc lá sen hình yếm đào chở che, nâng đỡ những hạt cốm xanh mơ từ chiếc cối nhà lên phố, chào người phố, để người phố mỗi khi thèm cốm lại nhớ đến ngày mùa thơm ngái rơm hoa, nhớ về đồng nội lam lũ có những người quê nhọc nhằn làm ra cốm bằng những hạt gạo có đủ cả vị phù sa, bão tháng bảy, mưa tháng ba.

Sau này lớn lên, lập nghiệp trên phố, nhưng nhớ cốm, thương quê, năm hai vụ lúa, mùa vui nào tôi cũng cố gắng để có mặt ở đồng làng. Khi thất đồng, lúa cốm mọc mầm dài, thì tôi vẫn ra nơi cánh đồng làng chìm trong nước lụt.

Lâu thành quen, thành cái lệ. Tôi cũng thường rủ lũ trẻ trong nhà đi cùng để chúng biết cha chúng, ông chúng đã có sự may mắn trên cánh đồng làng thế nào.

Ở ngoại ô có miền ký ức

(Ảnh minh họa)

Cốm làng, sẻ đồng, cánh diều tuổi thơ tự làm và nhiều thứ nữa trên cánh đồng làng mà lũ trẻ đã nghĩ ra, đã say mê hết một thời tuổi trẻ, sẽ thật khó để những đứa trẻ sinh ra từ làng có thể quên. Nhưng không phải điều kiện của ai cũng có thể cho họ được sống với đồng làng, nhất là vào mùa gặt một cách đầy đủ và đúng nghĩa. Sức ép cuộc sống với những ngày vật lộn mưu sinh đã đánh cắp đi thói quen của rất nhiều người, đã giết chết sở thích từ thơ bé của tôi trên cánh đồng làng. Nhất là sự chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa, đã khiến cho làng quê và những cánh đồng làng trở nên xa xăm và khác lạ.

Tôi trở lại đồng làng, vùng ngoại ô xưa cũ và nhận ra một sự thay đổi chóng mặt. Không còn những đụn rơm vàng chất cao trên những gốc rạ vừa hoàn thành sứ mệnh chắt ngọt ngào trên bùn đất quê hương, làm nơi đuổi bắt của lũ mục đồng. Không còn cả những đụn khói và giấc mơ màu khói xa xăm…

Hiện đại hoá nông thôn và giác mơ đô thị hóa như một cây đũa thần, vừa diệu kỳ vừa tàn nhẫn. Nó giải phóng cho những đôi vai nông dân chai sạn nhọc nhằn, tháo ách kéo cày trả nợ cho những thân trâu lầm lũi ngày nối ngày trên những thửa ruộng quen vụ nọ kế mùa kia một thời đói khổ. Máy thay trâu thay luôn sức người trên những thửa ruộng ngày càng nhỏ lại bởi những quy hoạch phân lô, bán nền.

Cốm của tôi đâu, những hạt cốm xanh mơ thơm lừng đồng nội đâu rồi? Thú ẩm thực thường quen của người quê với cốm mơ mùa gặt mong giấc mộng chinh phục người phố khó tính, thuyết phục họ về làng, nhìn về làng bằng con mắt nể nang, đang dần mờ xa, khuất nẻo. Bây giờ người ta làm cốm bằng máy, công đoạn cầu kỳ tuốt giã chỉ còn khiêm nhường trong góc bếp rong rêu. Cối chày làng cốm chỉ còn lại trong lời kể nghẹn nghào tiếc nuối bởi ít người hoài cổ về một thời chưa xa.

Ở ngoại ô có miền ký ức

(Ảnh minh họa, từ Báo Nghệ An)

Trên cánh đồng không còn bất tận kia, giữa ngày mùa mà vắng hẳn tiếng nông gia. Người ngoại ô không còn nhiều ruộng để cấy cày, nhiều người ngoại ô buộc phải vào phố “cày đường nhựa” bằng những cuốc xe ôm, tìm vận may ở những công trường khó tính, để chấp nhận đánh đổi sự chất phác lấy cái lọc lừa.

Ngoại ô thương nhớ, ngoại ô không còn là bức tranh đồng nội rực mùa vui trong k‎ý ức chính mình. Bây giờ là một không gian xôi đỗ vừa ô nhiễm lại ồn ào đang như một chiếc vòi rồng ngoạm lấy ngoại ô.

Có những lần đi qua cánh đồng làng, dù rất nhanh nhưng vẫn nhận ra hình ảnh nông dân hiện đại trong thời kỳ làng quê xây dựng nông thôn mới. Họ gặt lúa bằng máy, gặt đập liên hợp ngay trên cánh đồng, rơm thơm cũng đốt ngay trên cánh đồng sau mùa gặt. Tôi biết miền ký ức của lũ trẻ trâu và lũ sẻ đồng đang chuyển hóa theo hướng thiết thực hơn, nhưng vẫn khó để cho lòng mình nhẹ nhõm.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]