(vhds.baothanhhoa.vn) - Đợi mãi mới tới cuối tuần, để tôi được yên thân. Mở mắt, nghe thấy tiếng bước chân, nhưng mặc kệ, tôi phải ngủ nướng đã đời, sau 5 ngày làm việc rã rời với hồ sơ giấy tờ. Nghe tiếng gõ cửa, tôi muốn cáu bẳn, giật mình nhìn đồng hồ đã nhích sang giờ trưa trật. Tôi dịu xuống, khi nghe tiếng mẹ:

Quê nhà trong tim

Đợi mãi mới tới cuối tuần, để tôi được yên thân. Mở mắt, nghe thấy tiếng bước chân, nhưng mặc kệ, tôi phải ngủ nướng đã đời, sau 5 ngày làm việc rã rời với hồ sơ giấy tờ. Nghe tiếng gõ cửa, tôi muốn cáu bẳn, giật mình nhìn đồng hồ đã nhích sang giờ trưa trật. Tôi dịu xuống, khi nghe tiếng mẹ:

Quê nhà trong timMinh họa: Hà Hiếu

-Mẹ nấu món ăn sáng con thích đó! Dậy chưa?

- Con dậy rồi!

Giấc ngủ dây dưa chấm dứt. Tôi uể oải vác mình đi tắm rửa, cho tỉnh hẳn. Ngồi vào bàn ăn.

- Nay mẹ ăn diện thế! À con quên mất, sáng nay mẹ đã đi lễ nhà thờ chưa?

- Rồi! Mẹ có ăn diện gì đâu. Áo xưa mùa cũ, của bà ngoại cho, mẹ vẫn giữ gìn, chỉ để dành khi đi lễ.

- Áo này bao năm rồi hả mẹ?

- Con bấy nhiêu tuổi thì cộng thêm 5 nữa.

Chẳng hiểu sao, tôi thấy áy náy. Liền nhắn tin báo vắng mặt trong kèo cafe bù khú, mặc kệ những lời trách dỗi của chúng bạn. Tôi quay sang hỏi:

- Mẹ con mình tranh thủ về quê đi!

Tôi đoán, mẹ đã mừng rỡ, hân hoan trong lòng lắm. Hai mẹ con tất tả đón xe về quê. Cũng chẳng còn mấy dịp, tôi tự nhủ.

*

Con trai tôi nhắc mới khơi ra nỗi nhớ cha lẫn mẹ cồn cào hơn trong mình. Đợt này, tôi đang phải sống xa nhà.

Tôi là trưởng nữ trong nhà có “tứ nữ bất bần” - ấy là câu mà dân tình động viên thế thôi. Chứ phía sau, lại có những lời châm chọc sâu cay, điển hình hướng thẳng về phía cha tôi. Thêm nữa, ông lại còn “ở rể” vì hoàn cảnh. Có lần cha trở về nhà, với nỗi tức giận dâng lên gằn gặt. Tiện tay, cha đập bộ ấm chén vỡ tan tành.

Mấy chị em tôi sợ hãi tản ra xa khỏi tầm mắt của ông ngay.

Cha nôn thốc vì “chén chú chén anh” mà quá độ. Mẹ tôi thừa thấu biết, nên bà đã kịp đặt cái thau “đính kèm” dưới gầm giường. Vẫn thế thôi, sau cơn say, cha tôi lại phải nai lưng ra làm lụng. Mẹ vẫn bòn mót từng đồng từ cánh đồng hai vụ lúa đến thu hoạch từ vườn nhà quanh năm các mùa rau cỏ. Ai cũng vất nhưng vẫn chỉ đủ lay lắt qua ngày đoạn tháng, nhà vốn nhiều miệng ăn, lại thêm nhiều khoản phải lo. Có hôm, chị em tôi khóc vì không nuốt nổi thứ cơm độn đủ thứ, vì chưa có tiền đóng học... cứ bù lu bù loa đến phát chán cái cảnh “tứ nữ” mà chưa thể nào “bất bần”, thời đó, còn bài vè văng vẳng như cộm lên bên tai: “Chúng con là lũ vịt trời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi...”.

Cha tôi lên đường theo đoàn đồng hương đi đào đá đỏ. Vì biết đâu trúng.

Mẹ không thể giữ cha, nghĩ đến cảnh hai nách bốn đứa con gái mà không dám nản lòng. Chỉ biết nuôi con như nuôi hy vọng, dẫu nhọc nhằn cỡ nào. Cùng là phụ nữ, cứng rắn mấy cũng thấy những đêm không chồng nó dài lắm! Cùng những tháng năm với nheo nhóc đàn con cùng chờ cha mang đá đỏ về, chờ cũng đỏ cả mắt, thầm thương khóc bao đêm ngày.

Rồi một ngày xấu vía ập đến, cả làng rộ tin dòng người đi đào đá đỏ xui rủi gặp tai nạn, trong đám có người mất xác, có người bặt tin, thì tự hiểu. Mẹ cùng “tứ nữ” khóc ròng, nước mắt rơi thật mà trớ trêu như giả. Vì thương cha đọa đày xót xa, nhưng thực hư cũng chẳng thể rõ. Thời thế, liên lạc bập bõm phát điên. Nhiều năm sau, khi đã lớn, biết mặt chữ. Chị em tôi đã thay nhau viết cho cha nhiều lá thư về năm thương tháng nhớ, nhưng không ngày gửi tới được.

Có lẽ đó là cú sốc lớn trong đời mẹ. Về sau, tôi biết, chưa bao giờ mẹ ổn định lại tinh thần. Nhiều đêm thanh vắng, bà lần chuỗi đọc kinh cầu trong nước mắt và những cái rung vai. Tôi giả vờ ti hí mắt, banh tai nghe mới thấy được cảnh tình, lại càng thấy thương mẹ, nhớ cha đến nhói lòng, nghĩ về những hy sinh vất vả trong thời cuộc buộc phải chia cắt đầy cay đắng.

Mẹ trong mắt tôi là người phụ nữ rất tài tình bươn chải, mưu sinh... Không hiểu bằng cách nào, bà đã tự tay nuôi tất cả những đứa con trong gia đình mà không mang hay màng điều tiếng gì từ xung quanh. Bà luôn giữ cốt cách đoan chính và như một tấm gương truyền lại cho các con. Tôi cũng chưa từng dám hỏi, rằng, có khi nào bà thấy hối tiếc về quyết định thời trẻ đã rời khỏi tu viện mà bước ra cuộc đời bên ngoài không?

Cho đến một ngày, với số vốn liếng lẫn vốn sống bà dành dụm được để cho tôi, tôi cũng nên duyên và lên đường đi lấy chồng. Có điều, cũng chẳng đi đâu xa xôi, vì vợ chồng tôi đành chịu cảnh “ở rể”. Mẹ sẵn lòng, bà vui miệng bảo, tự nhiên nhà mình có thêm “con trai lớn” mà đỡ tốn công nuôi bao năm.

Tôi đón nhận may mắn đã được ở gần mẹ, gần như cả một đời.

Còn cha tôi, thì...

*

Tôi đoán, hình như mẹ nhớ nhà. Mẹ đã tình nguyện lên thành phố suốt tháng rồi, chỉ để ở gần bên và chăm nom tôi. Lần gần nhất, qua cuộc gọi video, bà hốt hoảng khi thấy tôi gầy xọp đi, rồi khăng khăng đòi lên thành phố.

Suốt quãng đường xe chạy trên cao tốc, tôi thấy mình mẹ vừa ngồi lẩm nhẩm đọc kinh vừa đưa mắt ngắm nhìn những cánh đồng bị bỏ lại, xa xăm. Vậy là sắp về tới nhà rồi, cũng là nhà ngoại.

Trong ký ức, tôi đoán rằng, gia tài của ngoại cũng “khủng” lắm. Ngoại có bấy nhiêu đứa cháu thì chúng đều được “thúc” đi học môn năng khiếu nào đó, vẽ, hát, đàn... hoặc không có khiếu nghệ thuật thì buộc phải học ngoại ngữ tại nhà dòng, vì ở đó, chúng tôi may mắn vừa học kiến thức vừa được rèn nhân bản. Nghe mẹ tôi kể, suýt nữa thì bà ngoại đi tu làm bà sơ, thì đã chẳng có chúng con hôm nay.

Người lớn hay căn dặn chúng tôi: Bà ngoại muốn con cháu nhà mình phải “hay chữ”, nên chúng con phải biết “yêu lấy ngoại”.

Tôi nhận thức được ngoại rất thương tôi, tôi cũng là đứa cháu trai được ở gần ngoại nhiều nhất. Hồi bé, tôi mập mạp, mũm mĩm và biết điều. Tôi nhớ, đến giờ cơm, mẹ giục tôi lên nhà mời ngoại dùng bữa. Ngoại nhăn mặt ra vẻ đau lắm, ngoại bảo không đi được, xem con làm gì cho ngoại nào? Tôi hồn nhiên bảo, con cõng được, vì tôi vẫn thấy cha tôi hay cõng ngoại. Thế là đứa nhỏ khom lưng xuống để cõng bà thật. Ngoại cũng ráng lết theo, cười rộ, cười giống như để mua vui cho cháu mình. Ở phía sau lưng bà, đã có cha tôi đỡ nâng từng bước. Và tôi không ngờ được, đó là bữa cơm cuối cùng, ngoại ngồi với cả nhà.

Chiều mát, tôi đang chơi bời lang thang thì mẹ hối tìm, về ngay. Ngoại mất. 7 tuổi, tôi chẳng hiểu rõ cái chết hay khuất núi là gì. Tôi chỉ nhớ, lúc cả nhà ngồi phục, tôi cứ mải mê nghịch hoài những cây nến cháy, chúng chảy những giọt màu đỏ âm ấm, mềm mềm, rồi cứng lại, tôi sẽ cạy chúng lên. Bỗng có vòng tay ẵm bẫng đứa con nít dậy, vì tôi đã vô tư ngủ gục bên quan tài của ngoại. Phút cuối, mẹ dặn tôi, bà ngoại vẫn còn ở đây, con khoanh tay chào bà ngoại đi. Tôi nghe lời răm rắp, còn ngoại mãi trong lặng im.

Ngoại đã về nằm giữa miền thiên nhiên an lạc, cũng nhiều năm yên ả rồi. Nay mẹ con tôi có dịp về thắp nén hương lòng, cắm nhành hoa thơm, đọc lời kinh cầu, cho ngoại.

*

Mẹ đã đồng hành cùng tôi trong những việc trọng đại nhất cuộc đời, như lập gia đình rồi lên thiên chức. Kiếp sau nếu có được cơ hội, tôi vẫn muốn làm con của mẹ, dẫu có sóng gió, ngọt bùi cay đắng hơn kiếp này. Tuổi nào mất mẹ mà không đau, rưng rức, muốn đấm ngực trách mình nào đã đáp đền được bao!

Bà lam lũ, đủ sức gồng gánh chở che dưỡng nuôi đoàn con qua bao dặm dài khôn lớn, trưởng thành. Từ “tứ nữ” đã thực sự “bất bần”. Rồi ơn nghĩa cuộc đời này vẫn còn đủ phước lành để sắp xếp cho bà được nghỉ ngơi lúc cuối đời, nhưng vắn vỏi, vì trong người bà đã tích tụ những thứ bệnh hiểm, muộn mằn. Nhưng điều muộn màng nhất vẫn là sự trở về của cha.

Tôi nghĩ, dù mẹ đã ra đi, nhưng chỉ thanh thản phần nào. Song người đời vẫn để lại câu, nghĩa tử - nghĩa tận, đó thôi. Nên con cái chúng tôi không đành trách cứ cuộc trở về của ông.

Cuộc miên viễn xót xa khép lại, cha tôi kể lại, ngày tận mắt thấy xác những người đồng hương bỏ lại trên đất khách mà vừa thấy cảm thương lẫn cay đắng. Rốt cuộc đi cũng dở, mà về thì hổ ngươi. Cha hèn nhát song cũng liều mình vượt biên qua xứ người làm chui đủ thứ nghề. Cũng có vài người đàn bà ngang qua đời, nhưng ông giữ mình không để lại hệ quả nào mang tai tiếng. Có những buổi hoàng hôn, ông nhận ra mình không có mái nhà thực sự để về, chút đầm ấm thân thuộc cũng không một ai có thể mang lại. Trong khi ở quê nhà, ông đã có tới “tứ nữ” và “đại mỹ nhân” của riêng mình. Sau nhiều năm chắt bóp, đinh ninh rằng cuộc trở về này không trắng tay thì cũng đã muộn màng, đau xót, đã không còn cơ hội để nhìn lại gương mặt người mà ông từng thương nhất.

Bốn chị em tôi từng là “cái nhọt” khiến cha bị người ta chọc ngoáy đủ trò. Giờ ông cũng có tuổi rồi, ai lại làm vậy?! Ông cũng mất thời gian để hòa hợp với mọi người, nhất là con cháu.

Vì chưa từng thấy mẹ tôi tức tưởi, chửi bới sân hận cha trước mặt đàn con. Nên chị em chúng tôi bảo ban nhau, chắc mẹ cũng có ý noi gương cho chị em chúng mình còn giữ luật tôn kính cha mẹ.

“Vật đổi sao dời” thì cha vẫn là người cha của “tứ nữ”. Phần đời còn lại, ông chỉ nắm giữ hồi ức về người ông thương nhất, sống trong căn nhà từng “ở rể”, mỗi sớm chiều nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên, mời gọi tín hữu hãy dâng lời nguyện cầu, xin đừng lãng quên những người đã yên nghỉ.

Nhớ năm nào trước khi lên đường theo đoàn đi tìm đá đỏ, cha tôi kể, đã đào tám hố đất quanh sân nhà, giục mẹ mua cây hồng quân, ổi, bồng bồng về trồng, để sau này, sân nhà mình sẽ rợp bóng mát cho đám con gái chơi đánh chuyền, nhảy dây, hay nhà có cây trái thì con trẻ mới tới tìm vui vầy.

Giờ, hai người nam từng đi “ở rể” lại có cơ duyên chung sống dưới một mái nhà. Tôi mừng vì hai người đàn ông này hợp nhau như “bố-con” tiền kiếp. Chồng tôi đang thay tôi chăm ông, trong những ngày tôi ở trên phố chăm nom cậu con trai duy nhất.

*

Tôi luôn thích không gian ở quê nhà. Cuộc đời mình từng có bao nhiêu mùa hè hay ngày nhàn rỗi thì tôi đều mong được vui chơi thỏa thích dưới bóng xanh hiền hòa trong vườn nhà.

Ai cũng biết ông ngoại rất thích mỗi dịp quy tụ đám con cháu ngồi dưới vòm xanh, chơi gì cũng được, cò cò, năm mười... Hay mỗi dịp lễ tết, ngoài lì xì, ông còn đổi thật nhiều tiền lẻ phân phát cho con cháu ngồi chơi đánh bài, ông chỉ coi rồi cười như ông bụt của riêng chúng tôi.Nhà ngoại ồn ào, náo nhiệt, khi xa rời là cứ nhớ nhớ, mong mong trở về. Thỉnh thoảng, lại có đứa cháu lớn tướng vẫn muốn “về vườn” tại nhà ngoại, được nằm võng đung đưa, ngồi chiếu ăn bữa cơm nhà giản đơn, cho đỡ nhớ, rồi chào ngoại, cha mẹ, lại lên đường.

Tôi nhớ, hồi nhỏ, người lớn hay dặn mấy đứa nhỏ câu vui vui thế này: “Tiền thì ngoại không thiếu! Nhưng quan trọng là các cháu phải ngoan”, không phải để chúng tôi sĩ diện, thể hiện rằng con nhà giàu hơn ai, mà để “treo giải” cho chúng tôi biết phấn đấu cùng nhau, không phân biệt khoảng cách tuổi tác, trình độ dưới một mái nhà. Dù có trưởng thành và ai rồi cũng rời xa bến quê, anh em họ hàng chúng tôi vẫn kết nối với nhau bằng nhiều cách, ngang qua những niềm vui, nỗi buồn, thăng trầm, sự động viên, đồng hành trong cuộc sống.

Ông tôi khéo vun vén lắm! Phận con cháu non trẻ, chúng tôi chẳng thể hiểu hết được những tảo tần, đầu tắt mặt tối, đánh đổi cả tính mạng để lo cho thế hệ con cháu. Lớn rồi, tôi cũng được nghe mẹ và các dì kể lại chuyện cũ kỹ của ông, tôi vững tin vào nghĩa tình máu mủ thì có sức gìn giữ xuyên suốt đến trót đời.

Có một người mà tôi luôn nể phục và kính yêu vô vàn, đó chính là bà ngoại của tôi. Giống như chuyện một người con gái sẽ có thần tượng đầu tiên trong đời chính là người mẹ của mình. Mẹ tôi vẫn hay nhắc đến bà ngoại trong rất nhiều câu chuyện xúc động về sau.

Đặc biệt, trong giai đoạn tôi dần hoàn tất thủ tục nhập cư Thụy Sĩ, tôi được “ôn” nhiều điều về quê nhà với bao xúc cảm. Cha mẹ tôi cũng biết, sẽ không thể làm thay đổi quyết định xem có vẻ tốt lành và đầy hứa hẹn của tôi. Tôi cũng dự đoán trước, ngay cả khi việc nhập cư suôn sẻ thì khả năng thuyết phục cha mẹ tôi chuyển qua sống chung hoàn toàn rất thấp.

Ngày tôi ra phi trường để lên chuyến bay đầy hy vọng và tin yêu về vùng đất mới, có gia đình người thân tiễn chân. Một dịp thật đặc biệt, tôi hồ hởi, khom lưng để cõng ông ngoại lên xe lăn, đưa ông ra nhìn ngắm sân bay một lần cho biết. Dẫu chỉ non vài tiếng đồng hồ nữa thôi, dẫu có cách trở muôn dặm dài, tôi vẫn là đứa cháu trai đầu tiên của ngoại, là con cháu trong một nhà.

*

Trước khi lên đường, tôi đã kịp “đào tạo” cho người nhà mình biết sử dụng mạng xã hội, để có thể gọi điện trực tiếp. Tôi biết, mình sẽ nhớ, rất nhớ quê nhà.

Đầu tháng nọ, mẹ gọi điện, hỏi nhỏ, tôi có tiền dư thì gửi về dăm triệu để xây kim tĩnh cho ông ngoại, sẵn tiện cha mẹ cũng chuẩn bị chỗ cạnh bên luôn. Tôi hoảng hốt, sao mẹ đã lo liệu nơi... an nghỉ?

Tôi không khỏi bận lòng. Trong khi, tuổi trẻ tôi ôm hoài bão, nhiệt huyết trên đường mưu sinh, đánh đổi xa nhà, mỗi chuyến trở về cũng như món quà xa xỉ. Rồi một mai nhớ nhà đến rơi lệ, khi nghĩ cuộc đời vô thường, đâu ngờ được lúc nào người thân thương nhất không còn bên đời, khi phía trước vẫn là cuộc thiên di.

Truyện ngắn của Trần Duy Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]