(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này, gió và nắng hanh hao như gắt gỏng, khiến thân thể lười biếng nằm ủ ê, tư duy như đi vắng. Chiều lạnh, nhưng thích ra bờ hồ nhâm nhi một ly cam vắt, nhìn ngắm những chiếc thuyền vợt rác rong ruổi vẻ điệu nhàn nhã, con đường cong vòng ồn ào xe chạy.

Riêng một góc trời...

Những ngày này, gió và nắng hanh hao như gắt gỏng, khiến thân thể lười biếng nằm ủ ê, tư duy như đi vắng. Chiều lạnh, nhưng thích ra bờ hồ nhâm nhi một ly cam vắt, nhìn ngắm những chiếc thuyền vợt rác rong ruổi vẻ điệu nhàn nhã, con đường cong vòng ồn ào xe chạy.

Riêng một góc trời...Minh họa: Hà Chi

Nếu mà sống ở làng quê, trong khí gió heo may hun hút này, cạnh những thửa ruộng đã thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ, đám trẻ chăn trâu sẽ chỉ ngồi đốt lửa trên bờ cỏ, tận hưởng gió trêu đùa trên tóc trên da. Sự khoái cảm cực kỳ hấp dẫn, là cảm giác về sự bình yên, được nằm vật trên cỏ thơm mềm, mơn man, thích thú... Vẳng trong vi vu gió, từng tiếng xoèn xoẹt, xoèn xoẹt đều đều. Các bà, các mẹ đi cắt rạ về đun. Ở những thửa ruộng vùng trũng, chị tìm hái rau bợ xanh non, nguyên liệu cho nồi canh dân dã gây biết bao thương nhớ. Canh rau bợ thường được nấu với tép khô, cá rô đồng. Cái vị ngọt mát, mùi thơm thanh dịu của cỏ cây, của sương đêm, của gió trời lồng lộng... khiến người ta mê mẩn. Đó là một thức quà của đồng ruộng mà chỉ trong tiết trời lay phay gió lạnh mới đậm đà, thi vị đến vậy. Mùa này, chuồn chuồn theo gió heo may rong chơi khắp cánh đồng, cái thú bắt chuồn có thể khiến đám trẻ rong chơi quên giấc ngủ trưa. Những ngày nhàn rỗi, mẹ đủng đỉnh ngồi bắt ve bọ cho chú chó già, khu vườn nhỏ bắt đầu xanh những cụm su hào, bắp cải, xà lách. Trong cái lạnh se ngọt, xà lách và rau mùi quyện trong nước sốt cà chua thì ngon mê ly, đưa cơm phải biết.

Nhiều năm trước, mỗi khi trời trở gió lạnh là bắt đầu chuỗi ngày tiết kiệm. Nồi cơm ngày ngày là sắn, khoai khô, ngô xay trộn lẫn, thức ăn là cá mắm mặn rát lưỡi. Đám trẻ không hiểu chuyện cứ phụng phịu: Mới thu lúa xong mà đã ăn độn, chán quá mẹ ơi! Đôi mắt mẹ sẫm buồn. Nhiều ngày sau, những bát cơm của lũ trẻ vơi dần thức độn, nhưng bát cơm của mẹ chỉ toàn sắn khoai. Trước mỗi mùa đông, bố lại kỳ cạch trộn đất sét trát lại những mảng tường nứt nẻ. Bữa cơm chiều con trẻ giúp nhau nấu sớm rồi ra ngõ trông ngóng, gặp ai cũng hỏi xem họ có thấy cha mẹ đã về? Lúc đó chưa thể cảm nhận hết nỗi vất vả của cha khi phải ngâm chân trong nước lạnh cả ngày dài, mẹ thì khom lưng cấy lúa đến nỗi khuôn mặt húp sưng, hai bàn tay tái nhợt, đêm ngủ mê còn nhắc chuyện đồng bãi... Ngày mới mười lăm, chị nghỉ học tìm đường ra phố. Mỗi khi trời trở gió, giọng mẹ nghẹn lại qua điện thoại: “Về đi con, nhà mình rau cháo có nhau”. Chị thở dài: “Không có tiền, yêu thương có mài ra mà ăn được không?”. Mẹ kiềm tiếng nấc: “Về xem mẹ già đến thế nào rồi?”. Chị nói như chỉ để riêng mình nghe: “Mẹ đừng thế, con đau lòng!”.

Đã hơn mười năm tôi ra phố. Một mình về nhà sau những chuyến đi. Một mình loay hoay với những vụn vỡ, một mình gồng gánh bao nỗi tủi thương buồn giận. Nước ấm chảy tràn thân thể bằng vòi hoa sen nhưng không thấy sướng vui bằng cảm giác mấy chị em giành nhau nước nóng mẹ đun, tắm gội một cách e dè. Nhớ mùi hương bồ kết thơm nồng, mấy chị em gội và hít hà hương thơm trên tóc nhau.

Mươi năm ở phố, tôi vô tâm không nhận ra mình ích kỷ mỗi khi to tiếng, giận dữ với cha vì không đồng quan điểm; đã cằn nhằn với mẹ khi thấy bà ăn mặc không chỉn chu; đã áp đặt suy nghĩ với em... Ở thời khắc nghĩ mình tìm thấy một “cây bách cây tùng” của cuộc đời, tôi đã sống, yêu người ấy như sinh mệnh. Thấy một manh áo đẹp, một chiếc khăn ấm, một đôi giày..., tôi cũng đều nghĩ đến người ấy trước nhất. Nhưng rồi thứ mà tôi gọi là tình yêu, là riêng, là thứ nhất ấy, dù thân thuộc mấy thì khi rời xa cũng thành xa lạ. Chỉ có cha luôn lắng nghe những cơn mệt mỏi, những lời cáu gắt và nói rằng: “Cứ nói ra đi, để cha cởi bỏ cho con”. Tôi yếu đuối: “Con xin lỗi, lời ngọt ngào ai chẳng muốn nghe, nhưng lời đắng cay chỉ những người thân yêu mới thấu hiểu”.

Tôi đem cất kỷ vật tình yêu vào ngăn tủ và mỉm cười. Còn bao điều đẹp đẽ để vui sống, còn bao yêu thương tôi bỏ quên chưa trao trọn cho những người xứng đáng bên mình, cớ gì phải buồn đau vì một người xa lạ. Trong chín mươi triệu dân trên dải đất hình chữ S này, mỗi ngày có khoảng hai mươi tư người ra khỏi nhà và không trở về. Người ta thống kê, người ta đâu thể biết khi nào là ngày cuối cùng của cuộc đời. Hôm qua, nụ cười ấy, giọng cười ấy còn lấp lánh ồn ào, hôm nay người đó chỉ còn trong ký ức và những giấc mơ. Tôi thấy tiếc nuối tháng ngày qua vội, tự bắt mình sống nhanh hơn, gấp gáp hơn để đắp đền bao khoảng trống đã lãng quên.

Hôm nay tôi mua tặng bạn một chậu cây xinh xắn. Bạn ngại ngần không nhận, nói rằng cây cối có linh hồn, bạn sợ cái ngày cây sẽ chết. Tôi mang theo lên xe về nhà, miên man nghĩ về sự sống các giống loài. Khi ta chăm nom tất cả chúng bằng tình yêu và hy vọng, thì dù một ngày cái chết có đến, đó cũng sẽ là điềm lành. Nghĩ thế, thấy lòng nhẹ bẫng.

Dù mệt mỏi thế nào, cha cũng luôn ấm áp những lời dặn dò, “con chạy xe chậm thôi, nhớ mặc đủ ấm khi ra ngoài”. Mẹ luôn trông đợi với những dẫn dụ hấp dẫn, “mẹ đã chăm đàn gà thật lớn, cho mấy đứa về nhà ăn tết!”.

Tình yêu gia đình, là những trái tim ấm nóng luôn lặng lẽ ở một góc và đón đợi con tự bao mùa. Góc trời riêng lẻ ấy cho tôi sức mạnh để không sợ mình đau thương...

Tản văn của Mai Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]