(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi trở lại Ottawa vào một chiều lập đông. Tuyết sắp vun thành đống, trên nóc chiếc xe bốn chỗ cũ kỹ đã xẹp lốp rất nhiều năm, nằm chơ vơ bên hông nhà một quả phụ.

Sao băng

Tôi trở lại Ottawa vào một chiều lập đông. Tuyết sắp vun thành đống, trên nóc chiếc xe bốn chỗ cũ kỹ đã xẹp lốp rất nhiều năm, nằm chơ vơ bên hông nhà một quả phụ.

Bà Annie đưa tôi đến căn phòng góc, nằm về hướng đông, gần chân lò sưởi với những bức vách gỗ đã xạm đen. Và vì thế, hàng ngày, từ cửa sổ, tôi vẫn có thể đón ánh ban mai hiếm hoi, xuyên qua tán thông già, cố gắng rọi xuống thảm lá chờ mục, ven cánh rừng bạch dương cô tịch.

Bà lão ở căn góc phía Tây, cũng có cửa sổ, vì bà đặc biệt thích cảnh hoàng hôn - một sở thích kỳ lạ ở những người tuổi đã xế chiều. Nhưng mùa này, bầu trời cả ngày u ám, nếu không nhìn đồng hồ, khó ai đoán được, hoàng hôn đang về nơi đâu đó. Mà cũng có lẽ, ở hướng ấy, bà lão “gặp” được ông - người du tử của bà nơi miền viễn phương đang thưởng nhạc chăng? Nếu thế, lại có một cách giao cảm đáng trân trọng trong suy tưởng, để người trung nghĩa, tuy âm dương cách biệt, nhưng vẫn thấy nhau.

Muốn sang phòng của bà trò chuyện, phải đi qua một gian thờ đậm nét Á Đông, nơi có bức ảnh ông lão mỉm cười tinh tế, đặt trang nghiêm ở giữa, ngay dưới chân tượng Chúa chịu nạn. Bên cạnh lư hương bằng đồng bóng lưỡng, chiếc đèn dầu bằng sứ cổ luôn luôn được bà lão thắp sáng. Dưới sàn, nơi những tấm ván lót có vẻ nhẵn hơn vì chân người đứng, gặp nước, làm mình làm mẩy, uốn cong lên. Cạnh đó, có miếng khác, khô keo từ lâu không được dán lại, buồn bã nằm lệch ra, nếu không bước khéo, người lạ dẫm phải, dễ giật mình như chơi.

Sau gác xép ọp ẹp là một khu vườn ẩm thấp vắng bóng người chăm, gió lạnh xào xạc. Mới tuần trước, khi cơn gió thu níu mùa chưa kéo những chiếc lá phong cuối cùng xuống đất, nó còn là một khoảng không rực màu vàng cốm, rộn tiếng chim hoang. Giờ đã xác như rơm, tựa bầu không khí gia đình bà lão lúc này vậy.

Tôi tới đây thực chất để làm việc, vì bà lão thật tình muốn “trả lương”. Tất nhiên, ngoài việc “theo dõi” và cảm nhận cái cách mà hai người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà lui tới “phụng dưỡng” - mỗi tuần một lần, tôi vẫn được tự do lang thang nơi bìa rừng, nhặt lá khô và ngồi chơi trên những vạt cỏ đang tự thun lại, sẵn sàng chào đón cái khắc nghiệt nhất của mùa đông miền lục địa ẩm.

Nhờ thanh âm phát ra từ mũi chiếc gậy, lọ mọ chống xuống sàn nhà, tôi đoán bà lão đang lụ khụ bước qua phòng tôi. Vì thế, tôi chủ động đứng dậy, khỏi phiền bà gõ cửa:

- Hàng xóm họ kéo nhau đi gần hết rồi. Ý bà muốn nói về cuộc “di trú” chống rét quen thuộc của những người Việt định cư ở xứ này. Hầu hết người già trong vùng đều lánh qua ở với con cháu để tránh giá tuyết của 6 tháng mùa đông.

- Dạ vâng. Bà dự định khi nào sẽ về ạ? Tôi cúi xuống, nhìn hơi sâu vào ánh mắt mờ đục của bà.

- Tôi đang chờ đấy. Chả thấy chúng nó nói khi nào đón. Bà lão thở dài, kéo tấm khăn len hất ra sau cổ, vẻ không hài lòng, rồi chìa về phía tôi một mảnh giấy.

- Luật sư xem, nó làm cái giấy này có ý gì?

- Bà vẫn nhận tiền hàng tháng từ số tài khoản này chứ ạ?

Tôi đi thẳng vào vấn đề, sau khi đọc cẩn thận hai lần, toàn bộ giấy ủy quyền, mà đại ý, đứa con trai thứ hai, mở cho bà một số tài khoản để chuyển tiền cấp dưỡng, nhưng lại ủy quyền cho đứa cháu nhận giúp.

- Làm gì có. Cách nay mấy năm, nó đưa tôi ra ngân hàng, rồi đến sứ quán ký giấy tờ này nọ. Nó bảo sắp đi Vancouver, nên làm sẵn, đặng sau có cần thì nó gửi qua ngân hàng cho tiện. Mà có thấy gì đâu. Tôi vẫn đủ sống từ số “trợ cấp tiền già” của Chính phủ đấy, chứ đã nhận của nó thứ gì đâu. Luật sư biết không, tiết kiệm là một đức tính.

Vì mùa đông đến sớm hơn thường lệ, nên dù tuyết chưa rơi, nhưng đã thấy cái tịch mịch ảm đạm trên những đồng cỏ. Không con cừu nào còn dám phơi mình nơi sương giá nữa. Mây mù dày đặc kéo những rặng thông vốn đã chùng, lại càng chùng hơn, khiến người ta có cảm giác mây đang lơ lửng sát đất. Sáng sớm, những bông tuyết thảng hoặc rắc xuống lưng chừng cây, nhẹ nhàng mà se sắt. Ở xứ nhiệt đới, nhìn qua những bức tranh thu đã được chỉnh màu, nhiều người tưởng bầu trời nơi đây cao quang và khoáng đạt lắm. Thực ra, nó rất buồn tẻ.

Lần này, tôi tự bước qua phòng bà lão. Nghe tiếng gõ cửa, bà lão chậm rãi bước ra, dù không vặn chốt.

- Mùa đông ở đây vắng vẻ quá. Bà không thích vào những trại dưỡng lão sao?

Tôi muốn khơi một câu chuyện khác ngoài lề.

- Muốn chứ. Vào đó có người trò chuyện. Ngoài này, bạn bè bằng tuổi tôi, giong buồm về miền viễn cổ hết rồi. Nhưng con cái tôi, chúng nó không muốn.

- Với điều kiện thế này, bà hoàn toàn có thể tự lựa chọn cuộc sống theo ý riêng... hay có điều gì ngăn trở không, thưa bà?

- Tôi đã vào đó được một năm. Nhưng chả hiểu chúng nó kiếm đâu ra cái giấy chứng tâm thần bất ổn. Vì thế, chúng muốn đưa về phụng dưỡng. Chúng nó “phụng dưỡng” cho tôi thế này đây. Bà lão nhấn giọng từng chữ một.

Bà kể rất tường tận về “kế hoạch” của từng người con, trước ngày lấy được bản chứng khống về tình trạng sức khỏe, cả hai, mạnh ai người nấy, manh nha “dụ” bà ký vào di chúc. Ngoài mặt, họ có vẻ hòa nhã với nhau, nhưng bà đủ sáng suốt để hiểu tâm tính của từng đứa con. Và tất nhiên, bà đã có “hướng đi” khác.

- Tôi nuôi nó đến năm 18 tuổi, lo ăn lo học, tới khi lập thất là tốt lắm rồi. Nó không biết lao động bằng đôi tay, cứ nằm lười ra đó chờ di sản. Chị em ruột rà, chẳng biết quý lấy nhau, cứ âm mưu thủ đoạn rút tỉa về phần mình. Ngay đến tôi đây, nó còn đếm từng ngày chờ chết, thì còn biết thế nào được.

Bà thất vọng, vén khăn chấm dòng cảm xúc.

- Thưa vâng... con muốn xác nhận thêm một lần nữa, rằng ngoài căn nhà ở Kiev, sẽ cho người con thứ nhất; và căn nhà này, người con thứ hai sẽ toàn quyền kế thừa. Toàn bộ số tiền trong nhà băng; chiếc đồng hồ dự kiến sẽ đấu giá và lợi ích phát sinh chưa liệt kê khác, bà sẽ chỉ định quỹ nhân ái tại Montreal quản lý và dùng vào mục đích giáo dục cho người mới định cư đúng không ạ?

Tôi cố ý lảng đi. Vì nội tình gia đình là một thế giới phức tạp đầy tế nhị. Đứng về phía nào cũng dễ gây hiểu lầm hoặc phiến diện.

Tôi nắm tay bà, đỡ xuống ghế, tiếp tục đề cập đến bản thảo chúc thư, rất chậm, tròn vành và rõ chữ nhất có thể, để khỏi thoát ý, mặc dù mắt bà vẫn rất tinh thông, nét mặt không có dấu hiệu gì của sự đãng trí. Đúng chất một nhà trí thức đã hơn 30 năm cống hiến ngành khoa học điện toán ở Ukraine trước khi chuyển về Ottawa theo đề nghị của người con trưởng.

- Hai chị em nó không nghĩ tôi chừa lại số tiền đó bỏ vào quỹ nhân ái đâu. Vì đời tôi, nếm mùi phiêu bạt, mới hiểu được giá trị của các quỹ đó. Tiếc là, hai đứa chúng nó, chỉ biết nhận về, nên quên rằng, ủy lại cũng là một trách nhiệm của một đứa “no cơm ấm cật” trong thời bình.

Bà ngước nhìn thẳng vào mắt tôi, khẳng khái bằng một chất giọng nghẹn đục của trái tim đầy rạn nứt.

- Luật sư chú ý giùm tôi, đứa nào gian lận, cố lậm vào số tiền công đức, thì cứ tuỳ nghi mà sử dụng cái này, tước quyền thừa kế của đứa đó. Bằng không, thì Luật sư cứ giúp tôi đốt đi.

Vì một số ngăn trở pháp lý, bà lão nhờ tôi sang Kiev trong một kế hoạch không định trước. Người thân của bà đón tôi tại sân bay K. Borispol. Trên taxi trung chuyển, tôi nghe ông ta bàn tán với người lái xe về xung đột quân sự tại Ukraine. Bởi tình hình chiến sự bất ổn, nên phần lớn phía Ðông không tiêu thụ hàng hóa, nếu không muốn nói theo đúng câu chuyện của họ là việc giao thương sang Nga đã chấm dứt. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tại đây đều gánh chung sự bế tắc do ứ đọng hàng hóa lẫn vốn liếng.

Thật đáng buồn. Chiến tranh đẩy cả những người không liên quan vào cơn lốc khủng hoảng chính trị đầy màu xám. Nhưng qua đó, người ta dễ nhận ra tình cảm của nhau. Người thì hết mực yêu Tổ quốc, người thì đau xót cho nơi cưu mang mình.

Tôi thả ánh suy tư ra ngoài cửa sổ, trong nỗi chơi vơi nhìn chiến sự lướt trên những miền đời khác. Chiến tranh, nhưng Kiev vẻ ngoài vẫn bình yên với dòng người tấp nập. Trong lòng thủ đô, những tháp chuông giáo đường vẫn soi mình xuống dòng Dniepr chậm chạp, mặc cho hơi thở của tị hiềm cứ vô hình phảng phất bên trong chiếc áo vẽ màu tịnh yên. Đâu phải cứ súng đạn mới đau thương.

Trái ngược với Ottawa, dù đã gần cuối tháng 12, nền nhiệt ở Kiev vẫn ở quanh mức 5 độ. Tuyết mới phủ nhẹ một lớp mỏng yêu kiều trên những rặng thông. Gần 21 giờ, ráng chiều vẫn gờn gợn. Nhờ vậy, người ta còn chút hy vọng về một tin vui đầm ấm.

Trước khi trở lại thành phố Hồ Chí Minh, để tránh một đường bay vòng không cần thiết, bà lão đưa cho tôi hai tập giấy đã bạc màu năm tháng, và một bao thư ghi nắn nón dòng chữ cảm ơn. Bà nhắn gửi:

- Có việc này, mới chính là việc mà tôi dụng tâm mời Luật sư sang đây, thay vì thuê Luật sư bản địa.

Bà thong thả, giọng bộc bạch, ánh mắt nhìn trìu mến xuống bàn tay phải liên hồi vân vê tệp giấy đang đặt trên cánh tay trái.

- Tập trên này là thủ bút hồi ký còn dở dang của ông nhà tôi, viết về quãng đời ông tham gia chiến đấu khi còn trai trẻ. Còn tập này, là hồi ký của tôi, về những ngày tươi đẹp ở Kiev. Nhờ Luật sư chấp bút, giúp tôi nối hai mạch cảm xúc làm một, giống như quyển mà Luật sư đã làm cho bà Cindy bạn tôi. Bản in, tôi muốn để lại làm quà tặng tinh thần cho con cháu, may ra chúng hiểu được giá trị của lao động chân chính và sự ngắn ngủi của những đồng bạc nhận được dễ dàng.

Tôi ngập ngừng, vì tự xét thấy khả năng khó có thể giúp bà hoàn thành ý nguyện:

- Giả sử, con không đủ khả năng để “nối mạch cảm xúc” theo ý bà, con có thể chuyển cho một vị khác đủ kinh nghiệm và sở trường để hoàn thành tập sách không?

- Thế cũng được, nhưng dù sao, tôi vẫn thích Luật sư làm, ít nhất là theo cảm nhận của Luật sư về tôi, qua những ngày ở đây. Dù sao, tập sách cũng nên được chấp bút trong tư thế của những người từng thở chung nhịp sống gia đình chúng tôi, sẽ hiểu được ngôn từ nào thích hợp nhất.

Tôi đọc hai tập bản thảo ngay khi chốt cửa phòng. Đó cả là một nỗi niềm trăn trở lớn lao, cũng là bài học làm người sâu rộng cho chính tôi.

Chiều cuối, nỗi buồn dắt tôi ra đường lớn, nhìn những chuyến xe vội vã ngang qua. Bên vệ đường, dưới những gốc cây, mùi chan chát của lá úa khiến người ta có cảm giác như hoàng hôn đang sa vào vòng hắc vận.

Xong việc ở Kiev, chiếc Boeing nhẹ đặt nụ hôn yên bình xuống đường băng phi trường Tân Sơn Nhất. Đèn hiệu cài dây an toàn vụt tắt. Sau khi kịp tranh thủ ngắm nụ cười nhiều hứa hẹn của nữ tiếp viên trưởng, tôi mở máy, lòng chợt bàng hoàng trước dòng tin nhắn của người giúp việc, khẩn báo từ Canada: bà lão đã lìa trần.

Quả thật, như một giác quan thứ sáu, người sắp viên tịch thường thấy trước cuộc đi của mình, vì thế họ sửa soạn sẵn hành trang, nhằm tránh những cuộc “huyết chiến” tranh giành di sản của kẻ hậu sinh, mà khi đã sang bên kia đồi, người ta mới thấy. Thật là những người có con mắt thức thời và giàu khả năng dự cảm.

Tôi mừng cho bà lão vì không phải trải qua một quá trình suy tàn chậm chạp và kéo dài trước khi tạ thế. Rút ngắn vòng xoắn tử thần để ra đi một cách tự tại quả là một quà tặng lớn lao của Thượng Đế. Tắt màn hình điện thoại, tôi đưa tay làm dấu thánh giá, cầu cho linh hồn bà được sớm hưởng tôn nhan.

Người ta đến làm hậu sự cho bà, nhanh như một cơn lốc.

Ít tháng sau, tôi trở lại Ottawa lần nữa. Những tia nắng đầu tiên của mùa xuân đã đủ mạnh mẽ chọc thủng màn sương vốn nằm ì suốt cả mùa đông.

Và quả đúng như bà dự liệu, họ giành giật nhau.

- Căn nhà ở Kiev, lẽ ra phải để lại cho tôi. Tôi đồng ý bản di chúc. Nhưng tôi cần nhận lại số tiền đã cho bà “mượn” trước đây.

Người con trai chưng ra một tập sao kê với một khoản “nợ” khủng.

- Số tiền ông muốn đề cập có phải được gửi và nhận qua số tài khoản ghi trên giấy ủy quyền này không thưa ông?

Tôi chỉ lướt qua, vì chủ đích không quan tâm đến tập sao kê, chìa ra bản ủy quyền định mệnh, thay cho lời minh bạch.

- Và đây là những gì cho thấy, số tiền con trai ông nhận thay, thực tế chưa đến được tay bà.

Dàn xếp xong, tôi trở lại thăm căn nhà buồn tẻ ấy lần cuối, vì biết mình sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội để viếng thăm.

Mặt trời bắt đầu thắp sáng thủ đô bằng những luồng sáng mới. Chồi non cựa mình bung mở trên những thân khô. Tôi bâng khuâng cầm cuộn giấy bà lão đã trao phó, ngập ngừng suy nghĩ trước khi thay bà làm một công việc hết sức tế nhị, “đứa nào gian lận, cố lậm vào số tiền công đức, thì cứ tùy nghi mà sử dụng cái này”. Những tưởng, bản truất quyền ấy, sẽ được đốt đi.

Đêm đó, phía bao la, ngân hà thả xuống vệt sáng chói lóe rồi vụt tắt, khiến tôi có cảm giác như một ngôi sao đáng thương nào đó vừa rơi ra khỏi vòng tay của bầu trời. Trong nhịp thở chậm, tôi thầm ước nguyện, sự bình an và ấm áp, sớm trở lại trên mái nhà này.

Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]