(vhds.baothanhhoa.vn) - Sử thi Đẻ đất Đẻ nước là một báu vật, có một giá trị lớn lao. Cần được bảo tồn, vì hiện nay đang mất đi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sử thi Đẻ đất Đẻ nước cần được nhận thức lại và tôn vinh đúng mức

Sử thi Đẻ đất Đẻ nước là một báu vật, có một giá trị lớn lao. Cần được bảo tồn, vì hiện nay đang mất đi.

Các cộng đồng dân tộc gắn bó với nhau bởi chất keo văn hóa. Sử thi Đẻ đất Đẻnước (ĐĐĐN) là một chất keo diệu kỳ gắn bó cộng đồng người Mường. Người Mường dù là ở Nghĩa Lộ, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình hay Thanh Hóa... đều coi bản sử thi này là một báu vật quý và thiêng liêng. Người Mường ở Thanh Hóa có câu nói về sự hấp dẫn của sử thi này:

Người già, trẻ con nghe quên ăn, quên đói

Trai gái nghe quên cuộc hẹn hò

Không phải chỉ có ông mo mà các thế hệ người Mường trước đây dù là đàn ông hay đàn bà ít nhiều đều thuộc cả hay vài đoạn của tác phẩm.

Tác phẩm biến thành lời giao thoa với thần linh như trong mo, lễ cầu yên, làm vía cho người già. Còn người trẻ thì cũng đưa tác phẩm vào Xường giao duyên. Vì vậy ĐĐĐN có sự lan truyền phổ biến rộng rãi hơn bất cứ một tác phẩm dân gian Mường nào khác.

Tác phẩm sử thi ĐĐĐN đã truyền cảm hứng cho người nghe về những khát vọng giải thích “sự sinh đẻ” của vũ trụ, con người, muôn vật, muôn việc, sự hình thành xã hội được ra đời như thế nào!

Một tác phẩm với nội dung quy mô quá lớn như vậy nó hàm quát quá nhiều vấn đề của trời đất, xã hội và con người nên tác phẩm là một bộ bách khoa, một tập đại thành. Trong lịch sử, đời sống xã hội Mường, từ ngọn lửa, hạt lúa đến nén tơ, cái áo, đến chặt đốn cây, săn muông thú, chiến tranh, đám cưới đến đón rước vua về kinh kỳ... đều có trong ĐĐĐN. Rất ít tác phẩm có sức khái quát lớn lao lịch sử con người, xã hội từ mông muội đến văn minh như thế. Một cộng đồng người mới thoát khỏi ăn lông ở lỗ mà sớm đã có khát vọng giải thích vũ trụ, xã hội và tự giải thích chính mình. Cách giải thích đó là khá biện chứng, không sa vào huyền hoặc mơ hồ.

Ma lực hấp dẫn của sử thi ĐĐĐN còn là ở thi pháp của sử thi đó là sự cao lớn, kỳ vĩ, hào hùng cùng với các thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, hoán dụ, phóng dụ làm cho người nghe tự nâng mình lên ngang tầm tác phẩm. Tác phẩm sử thi này rất thuần Việt, không bị ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Tác phẩm lại một lần nữa đề cao những con người thấp cổ bé họng mà như người Mường nói là những con người “ngắn bóng ngọng tiếng” chứ không phải hoàn toàn là các vị thần như trong nhiều bộ sử thi khác. Đó cũng là tư duy độc đáo riêng có, nhưng không dị biệt của tác phẩm sử thi ĐĐĐN. Sự “đồ sộ”, “vĩ đại” và thiêng liêng như vậy đã khiến các thầy mo sớm sử dụng sử thi ĐĐĐN vào mo tang lễ để tăng thêm sự linh thiêng. Cả người sử dụng, người nghe và kể cả các nhà khoa học nghiên cứu về tác phẩm sử thi ĐĐĐN đã có một sự ngộ nhận rằng đó là một loại mo ma! Không nhận thức được cái chính nó là sử thi với cái nó được sử dụng. Trên thực tế người Mường sử dụng sử thi này không phải chỉ ở mo, mà còn trong một số nghi lễ khác như trên đã nói: Lễ cầu yên (Khôống nhá), lễ cúng cáo tổ tiên khi có dâu về, rể vào...

Khi nghe, đọc sử thi ĐĐĐN khiến ta băn khoăn về thời điểm tác phẩm hình thành và có được như ngày nay? Sử thi dù là sử thi thần thoại hay sáng chế thường ra đời vào thời kỳ tan rã của bầy người nguyên thủy bước sang thời kỳ văn minh. Sử thi ĐĐĐN cũng nằm trong quỹ đạo đó, nó phải ra đời vào thời kỳ đồ đồng tìm và chặt cây chu Đồng, đưa cây chu Đồng về xuôi là cảm hứng ngợi ca khi con người tìm ra công cụ mới. Đó cũng là thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Đó cũng là thời kỳ mà Việt và Mường còn là một khối chưa tách nhau. Vậy thì Sử thi ĐĐĐN là sản phẩm tinh thần quý báu không phải của riêng dân tộc thiểu số - Mol - Mường mà là sản phẩm chung của Mường - Việt, xa hơn một chút là di sản của người Lạc Việt. Sử thi là tác phẩm văn học dân gian được kể bằng ngôn ngữ Việt - Mường, hơn thế Việt và Mường xưa cùng nguồn gốc. Kéo Chu về Kinh kỳ Kẻ chợ xây dựng lâu đài cho vuavà đưa vua về Kinh Kỳ Kẻ chợ trong tác phẩm thì đó là Mường, Việt có cùng kinh đô, cùng một nhà nước.

Sử thi ĐĐĐN trong 6 bản ở Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa hiện nay có quá nhiều vấn đề về văn bản học. Bản nào là bản gốc, đâu là dị bản so với bản nào? Tình trạng này là không có gốc và không có dị bản, nó là bản ở địa phương này hay ở địa phương khác mà thôi. Công nhận nó hay bác bỏ? Có tôn trọng cái riêng từng địa phương không? Chúng tôi cho rằng phải tôn trọng cái riêng hợp lý, không nên bác bỏ! Điều này ở nước ta cũng đã có tiền lệ. Thí dụ như ta đã tôn vinh hát then, tôn vinh hát bài chòi. Nhưng hát then Cao Bằng, Lạng Sơn khác với Bắc Kạn và cái khác hát then của người Thái. Hát bài chòi Quảng Nam đâu giống hệt Quảng Ngãi, Bình Định?...

Nhưng có một điều cần lưu ý rằng sự khác nhau giữa các địa phương ở các bản sử thi là ở nội tại của nó hay là do các nhà sưu tầm, biên tập rồi in ra như thế? Chúng tôi biết có địa phương tác phẩm được lưu truyền có đầy đủ các chương, song khi đưa vào sách in thì tùy tiện bỏ chương này lấy chương khác, hoặc gộp các chương lại rất chủ quan.

Hiện nay trong các ấn phẩm về sử thi có quyển có tới 33 chương, có quyển chỉ có 10 chương (mà đã có 2 chương không chắc là sử thi đích thực). Vậy sử thi ĐĐĐN có bao nhiêu chương đích thực, chương nào là tùy tiện đưa vào cho thêm đẹp đội hình? Bởi các chương đích thực nói lên nội dung chính của sử thi. Nhưng lâu nay người ta đã mặc nhận, từ mặc nhận đến mặc định và để đến mặc kệ đúng sai!

Sử thi ĐĐĐN là một báu vật, có một giá trị lớn lao. Cần được bảo tồn, vì hiện nay đang mất đi. Trước mắt, chúng tôi mong rằng các tỉnh có người Mường nên xem xét in ấn lại tác phẩm đó một cách đầy đủ. Mặt khác, chúng tôi đề nghị Bộ VH,TT&DL trình Nhà nước tôn vinh sử thi ĐĐĐN là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiến tới đề nghị UNESCO công nhận đây là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cao Sơn Hải


Cao Sơn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]