(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tôi chọn một ngày chớm thu lượn một vòng giữa lòng TP Thanh Hóa. Thời tiết mát mẻ. Cái nắng ban mai dịu dàng đưa tôi về những kỷ niệm xa xưa thật khó tả. Đó là ngày đầu tiên tôi đặt chân lên thành phố này cũng vào dịp chớm thu, năm 1955. Chiếc xe ôtô chạy bằng than cập bến phía Nam, phố Nam bộ. Thật khốn với cái xe cà tàng ấy. Tôi bước xuống xe mà bụi than vấy lên quần áo trông như người thợ lò ngành than vừa tan ca. Bến xe khách nay là Công viên Thiếu nhi. Thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ chỉ có khoảng hơn chục phố, dăm tiểu khu. Tôi nhớ Phố Nam Bộ (có bến xe khách), phố Lê Hoàn, Lê Lợi, Bái Thượng, Tịch Điền - nơi cho các quan tỉnh đi cày vẫn nguyên đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thành phố Thanh Hóa đáng sống của chúng ta

(VH&ĐS) Tôi chọn một ngày chớm thu lượn một vòng giữa lòng TP Thanh Hóa. Thời tiết mát mẻ. Cái nắng ban mai dịu dàng đưa tôi về những kỷ niệm xa xưa thật khó tả. Đó là ngày đầu tiên tôi đặt chân lên thành phố này cũng vào dịp chớm thu, năm 1955. Chiếc xe ôtô chạy bằng than cập bến phía Nam, phố Nam bộ. Thật khốn với cái xe cà tàng ấy. Tôi bước xuống xe mà bụi than vấy lên quần áo trông như người thợ lò ngành than vừa tan ca. Bến xe khách nay là Công viên Thiếu nhi. Thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ chỉ có khoảng hơn chục phố, dăm tiểu khu. Tôi nhớ Phố Nam Bộ (có bến xe khách), phố Lê Hoàn, Lê Lợi, Bái Thượng, Tịch Điền - nơi cho các quan tỉnh đi cày vẫn nguyên đó.

Cầu Hàm Rồng - cửa ngõ vào thành phố Thanh Hóa.

Xe chuyển bánh đưa tôi vượt cầu tránh đường sắt, nơi có Văn phòng Đại diện Báo Văn Nghệ Bắc miền Trung mà tôi đã công tác ngót hai mươi năm, đột nhiên có một cơn mưa xối xả. Cái gạt nước chạy hết tốc độ vẫn không xua được lượng nước phả vào kính xe. Đi đến Đông Tân, cơn mưa tạnh hẳn. Một biển cắm chỉ giới thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện lên trước mắt. Mưa rửa sạch bụi đường bao phủ nên các dòng chữ hiện lên xanh mướt. Anh Lê Tam Sơn - cán bộ Văn phòng Thành ủy cho tôi biết: Thành phố có số dân hơn 435 ngàn người, diện tích khoảng 11 cây số vuông, với 40 phường và xã, đầu hướng về đền Bà Triệu, chân gác lên thị trấn Lưu Vệ. Tay trái ngả về thành phố biển Sầm Sơn, tay phải nắm lấy xã Đông Lĩnh kề huyện Đông Sơn.

Nhớ lại ngày kỷ niệm 210 năm thành lập thành phố, có một đàn chim hạc 13 con bay về đậu trên núi Rồng. Chị Phương Mai, họa sĩ, một sáng đi tập thể dục, tình cờ chụp được bức ảnh độc nhất vô nhị đó. Tôi viết bốn câu thơ đề dưới tấm ảnh: Hạc về ngự đỉnh Sơn Long/ Mừng ngày lễ trọng, non sông vọng lời/ Hạc oa vang tiếng đất trời/ Điềm lành nước Việt, rạng ngời thần tiên.

62 năm ở đây, tôi được nghe, được thấy bao nhiêu đổi thay của thành phố. Trải qua hai cuộc chiến tranh, nơi này đã có nhiều đóng góp cho chiến thắng Điện Biên lịch sử, cho công cuộc chống Mỹ cứu nước được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng. Lần này tai được nghe, mắt được nhìn thấy thành phố khoác áo mới lớn lên đầu thế kỷ 21.

Nhiều con đường chưa kịp đặt tên. Nhiều công trình đang thi công nhộn nhịp như tòa nhà 36 tầng ở trung tâm Thành phố, khu dân cư cao tầng ở Đông Bắc Ga, khu biệt thự Bình Minh tỏa sáng, khu Mường Thanh - khách sạn 4 sao... Ấn tượng nổi bật trong tôi là đại lộ Lê Lợi chạy từ cầu vượt Phú Sơn đến biểu tượng Thành phố Thanh Hóa, nơi đàn chim hạc đang giương cánh ngóng lên bầu trời cao rộng. Dọc hai bên đường Lê Lợi là những cột điện cao áp, hình chim hạc đang vươn cánh, đầu chụm vào nhau trò chuyện những niềm vui trong ngày... Đêm xuống, điện ngũ sắc lung linh tỏa sáng, lấp lánh thu hút khách muôn phương...

62 năm đi qua rất nhanh, từ chiếc xe chạy bằng than còn chưa phai mờ trong ký ức của tôi, nay thànhphố Thanh Hóa đã có gần cả nghìn chiếc xe ôtô chạy bằng xăng, có máy điều hòa mát mẻ. Mỗi nhà dân có từ một đến hai chiếc xe môto, xe đạp điện, việc đi lại thuận lợi. Các siêu thị của các hãng lớn, các nhà hàng bán thực phẩm sạch đã thu hút khách hàng, tha hồ mua sắm thực phẩm, hoa quả ngon. Ôi sự đổi thay kỳ diệu chóng mặt... Nếu chúng ta cứ nhìn xung quanh phố của mình, con đường mình đi hằng ngày, có thể không thấy được sự lớn mạnh và trưởng thành của nó. Mai kia ngôi nhà 36 tầng, trải bốn mặt tiền đưa vào sử dụng, Thành phố Thanh Hóa sẽ đứng vị trí hàng đầu của các tỉnh Bắc Trung bộ với 150 ngôi nhà cao tầng và khu Trung tâm thương mại lớn, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho cuộc sống phong phú và hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Từ ngày đặt chân lên thành phố Thanh Hóa, 62 năm trôi qua, trên vai mang chiếc ba lô lép kẹp, trải qua bao thăng trầm biến đổi, hôm nay tôi đã có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhờ có đường lối đúng đắn, sự vận hành thông suốt, được sự đồng thuận của nhân dân mới xây dựng được một Thành phố Thanh Hóa đáng sống như ngày hôm nay. Thành phố Thanh Hóa đang ngẩng cao đầu đi lên với tầm vóc mới, phấn đấu xây dựng và trở thành kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ của chúng ta hằng mong đợi.

Phạm Phú Thang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]