(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày ấy, phong trào “Nam tiến” ở quê tôi rộ lắm. Ai cũng nghĩ đó là miền đất hứa nên thi thoảng lại có người khăn gói ra đi, những mong ngày trở về sẽ nở mày nở mặt. Trong dòng người đó, tôi nhớ hình dáng chị tôi với chiếc valy cồng kềnh bước lên xe vội vã. Hôm đó cũng là một ngày mưa tầm tã, nước mắt chị hòa lẫn với nước mưa nhưng tôi biết, đó là những giọt nước mắt chất chứa biết bao niềm khát khao, hi vọng.

Thanh xuân chị tôi

Ngày ấy, phong trào “Nam tiến” ở quê tôi rộ lắm. Ai cũng nghĩ đó là miền đất hứa nên thi thoảng lại có người khăn gói ra đi, những mong ngày trở về sẽ nở mày nở mặt. Trong dòng người đó, tôi nhớ hình dáng chị tôi với chiếc valy cồng kềnh bước lên xe vội vã. Hôm đó cũng là một ngày mưa tầm tã, nước mắt chị hòa lẫn với nước mưa nhưng tôi biết, đó là những giọt nước mắt chất chứa biết bao niềm khát khao, hi vọng.

Thanh xuân chị tôi

(Ảnh minh họa)

Tốt nghiệp cấp 3, chị không thi vào đại học như bao học sinh khác mà ở nhà phụ mẹ việc đồng áng. Chị vẫn được tiếng là nhanh nhẹn, tháo vát nhất nhà nên khi mùa màng thu hoạch xong, mấy bác hàng xóm lại rủ chị hôm thì đi xúc cát, hôm cào đất, hôm lại lên rừng hái củi. Đôi tay chị vì thế mà chai sạn, đen nhẻm đi nhưng chẳng bao giờ thấy chị kêu mệt, ngược lại, miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa vì đã kiếm được tiền phụ giúp mẹ nuôi em ăn học.

Từ ngày chị thôi học, thanh niên trong làng thường xuyên đến nhà chơi nhưng chị cứ lủi thủi dưới bếp, bảo tôi là “hãy đuổi họ về đi”. Tôi ngây thơ làm theo lời chị nên từ đó được tiếng là đanh đá nhất vùng. Có lần chị nói với tôi là đã “chấm” được một anh nhưng lại không muốn lấy chồng sớm vì sợ mẹ và em sẽ khổ. Ngày này qua ngày khác, chị cứ miệt mài không ngại nắng mưa chỉ để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi. Nhiều đêm, tôi thấy chị trằn trọc ngủ không yên giấc nên mới hỏi chuyện thì chị tiết lộ: “Cô Mận rủ chị đi Nam”. Ai chứ cô Mận – người ở xóm bên thì tôi rất quý. Vì chồng mất sớm nên cô phải làm đủ việc để nuôi con. Hoàn cảnh chắc hẳn phải khó khăn lắm, cô ấy mới gửi con lại cho ông bà ngoại để đi làm ăn xa như vậy. Nghe bảo ở trong Nam nhiều việc mà lương lại cao nữa, đi mấy năm về thì tha hồ vốn liếng, chứ ở quê làm bục mặt ra cũng không ngóc đầu lên được.

Ngày chị tôi đi, mẹ chuẩn bị nào cơm, nào nước, nào thuốc thang, đồ dùng thiết yếu rồi dặn chị đủ điều như dặn một đứa trẻ. Hồi đó, tôi ngô nghê nên cứ nghĩ được đi xa là sướng, không phải chân lấm tay bùn nữa. Đâu biết rằng, sự vất vả, thiếu thốn về vật chất chưa hẳn đã là khổ mà sự cô đơn, buồn tủi trong tâm hồn, nhất là phải trải nghiệm điều đó một mình ở nơi đất khách quê người mới chính là “kẻ giết người thầm lặng”.

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cái ngày nhận được lá thư đầu tiên của chị. Tôi háo hức lắm, tưởng tượng về cuộc sống nhàn hạ của chị nơi phồn hoa đô thị với biết bao điều thú vị. Nhưng buồn thay, càng đọc nước mắt tôi càng rơi lả chả không sao kìm nén được. Hóa ra, chị không có bằng cấp như người ta nên chỉ có thể xin đi làm công nhân trong các khu công nghiệp. Trong thời gian chờ phía công ty duyệt hồ sơ, hàng ngày, chị và cô Mận phải đi bộ cả mấy km để ra bãi rác nhặt phế thải nhựa đem bán lấy tiền trang trải vì tiền mang theo đã trả cho chủ nhà trọ trước mấy tháng liền. Công việc bụi bẩn là vậy nhưng xóm trọ chị ở lại thường xuyên mất nước nên tối về không có nước để tắm, gội. Có hôm ai đó thương tình cho một ít, còn lại phải đi mua nên đến giọt nước cũng phải chắt chiu, tiết kiệm. Ấy vậy mà chị vẫn lạc quan lắm, dặn tôi cố gắng thi đỗ đại học rồi qua tháng đi làm có lương, chị sẽ gửi về nuôi tôi cho đến khi ra trường.

Cũng từ lúc đó, tôi bắt đầu biết yêu thương chị hơn bao giờ hết. Sau này, khi đã xin được việc làm ổn định tôi khuyên chị về quê để tôi có thể quan tâm và bù đắp những lỗi lầm của một thời nông nổi. Tôi biết, đó cũng là ước muốn bấy nay của chị vì đôi lần trò chuyện, tôi thấy chị có vẻ mệt mỏi lắm, chỉ là chị muốn cố làm thêm vài năm nữa, đợi khi gom góp được một khoản tiền kha khá rồi mới về quê mở một hiệu may. Chẳng ai ngờ được, dịch COVID-19 đã làm dở dang biết bao dự định, khiến chị không chỉ phải nghỉ việc mà còn bị cách ly vì liên quan đến một ca dương tính nào đó.

Những ngày qua, chị không về được phải ở lại trong khu cách ly chắc buồn lắm. Mẹ thương chị hàng đêm khóc thầm, còn tôi thì cứ đếm từng giờ, đếm cho lòng dịu vợi đi những âu lo. Chị tôi đó, vẫn nụ cười như thuở 20 trong những cuộc điện thoại, chỉ có khóe mắt không biết tự bao giờ đã hiện hữu dấu vết của thời gian, dấu vết của những nhọc nhằn, bon chen nơi xứ lạ mà không biết rằng, thanh xuân đã héo hắt, phôi pha.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]