(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hai tập thơ “Dâng mẹ” và “Tiếng lòng”, Trần Đàm vừa ra mắt bạn đọc tiếp tập thơ: “Lời yêu”, vào đầu năm 2018, với gần 90 bài thơ. Hình như chủ đề tập thơ đã kín đáo hé lộ từ một thông điệp: “Lời yêu” với lời giới thiệu rất “dễ thương” của Nhà lý luận phê bình Thy Lan (TBT Tạp chí Xứ Thanh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ Trần Đàm: Vẫn cháy mãi một lời... yêu!

Sau hai tập thơ “Dâng mẹ” và “Tiếng lòng”, Trần Đàm vừa ra mắt bạn đọc tiếp tập thơ: “Lời yêu”, vào đầu năm 2018, với gần 90 bài thơ. Hình như chủ đề tập thơ đã kín đáo hé lộ từ một thông điệp: “Lời yêu” với lời giới thiệu rất “dễ thương” của Nhà lý luận phê bình Thy Lan (TBT Tạp chí Xứ Thanh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Tôi đã đọc mấy tập thơ trước của ông, không biết vì sao lần này khi đọc tập thơ với tiêu đề: “Lời yêu”, tôi có cảm nhận sự chiêm nghiệm trong thơ ông đã rắn lại, tinh tế, sâu lắng hơn trước nhiều. Với bài thơ “Lời yêungày ấy... bây giờ”, Trần Đàm viết thật chắt lọc, nhà thơ đã chọn cách diễn đạt giản dị có tính triết luận, nhưng là lối tư duy dễ hiểu: “Ngày ấy/ Ông tao coi mày như mảnh trăng non/ Như búp măng mới nhú trong vườn”... Và chính nơi này để ông sinh nở những câu thơ đặc sắc đậm đà miền núi, dân tộc mà lại có cánh bay lượn khắp miền quê nước Việt: “Ngày ấy ông tao coi mày như con trâu chưa mọc sừng/ Mẹ tao nói mày ngoan như con cún vàng...? Ngàyấy; Ngày ấy!... Câu thơ vì thế có sức nặng của chiều sâu cảm xúc.

NSNA - Nhà thơ Trần Đàm.

Có người nhận xét, đọc thơ Trần Đàm là thấy hết gan ruột của con người này, bởi nó da diết, đằm thắm và trực diện với những biến cố cuộc đời. Nói vậy càng thấy thơ Trần Đàm muôn màu, muôn vẻ vừa róc rách, ân ái với “Đêm sông Hương”, vừa mênh mông với: “Ân tình một dải sông quê/ Câu hò cháy ruột, đê mê cuộc tình”(Chốn mộng mơ).

Ở bài thơ Tiếng Khèn, Trần Đàm sử dụng hình ảnh động để diễn tả về nỗi nhớ và cảm xúc dâng trào trong ông: “Tiếng khèn/ Vọng vào vách đá/... Rót vào tai mẹ/ Rót vào tai cha/ Rót đầychum rượu / Rót đầy ngực em”. Cái hay của phần kết này là ở 4 câu thơ cuối: “Cả bản vít cần/ Uống say tiếng khèn/ Ngất ngây bờ trúc/ Tiếng khèn vọng núi ngân nga”. Hình ảnh tiếng khèn mà “Rót đầy ngực em”, Phải chăng đó là ảo ảnh trong mắt thi nhân?

Nỗi nhớ khi yêu là cung bậc của tình yêu khi xa cách; nỗi nhớ trong tình yêu là một trạng thái tình cảm tự nhiên của con người. Ai rơi vào hoàn cảnh đó, đọc thơ Trần Đàm càng tâm đắc với những điều mà nhà thơ đã diễn tả và kết luận.“Em đi tìm lá diêu bông/ Để anh đợi mãi mà không thấy về/ ... Quanh chùa tím rực hoa mua/ Lũ bươm bướm trắng đang lùa dượt nhau/ Sân chùa có một hàng cau/ Thị Mầu đang trút nỗi đau lên trời/ Một mình ta đứng chơi vơi/ Trong sương lạnh để đợi người ta yêu!” (Đợi). Một tứ thơ bắt nguồn từ tình yêu thật sự đầy trắc ẩn của tác giả đã kịp làm cho người đọc giật mình, chênh chao bao nỗi suy tư, khắc khoải.

Thơ đạt được sự dẫn dụ người đọc, để người đọc đồng cảm với cảm xúc của tác giả là thơ hay. Trong thơ ông, ta luôn bắt gặp sự ám ảnh về cái đẹp tâm thức, ông viết đầy thăng hoa: Thân phận con người thì hư ảo và mong manh như sương khói mù khơi. Nhưng tình yêu của con người nếu biết nuôi dưỡng, tôn thờ sẽ là một giá trị hằng số của cái đẹp hiện sinh, góp phần nối dài ý nghĩa về sự hiện hữu vốn rất hữu hạn của kiếp người. Sự tận hiến trong tình yêu bao giờ cũng là một hằng số đẹp trong cuộc sống và trong thơ. Và đây cũng là một sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh đó: “Ta muộn mằn với hoa gạo tháng ba/ Đem nỗi nhớ giăng giữa chiều mờ khói/ Lửa mục đồng chặn lối/ Em và hoa đốt dọc đồng đời” (Hoa gạo và em).

Lẽ đời vốn vậy, bài thơ ví von, so sánh mà tự nhiên thành triết lý, chả cần phải bình luận thêm chữ nghĩa làm gì, tự nó lắng đọng để ta ngẫm được những trái ngang, phi lý ở đời. Thơ Trần Đàm là vậy. Cái tình, cái lý lầm lũi theo ông rồi tự vỗ cánh bay xa: “Ai đem giá lạnh từ trời/ Để tia nắng ấm gọi mời gió xuân/... Dịu dàng em nắm tay anh/ Bước trên đường mới - bức tranh diệu kỳ/ Hạt mưa xuân đã nói gì/ Mà em xao xuyến thầm thì đôi môi/... Hoa xoan nhuộm tím vai người/ Bờ đê rối một chân trời cỏ may/... Thời gian càng lắc càng đầy yêu thương” (Tình xuân người lính đảo).

Càng đi sâu, càng tìm tòi cái bí ẩn từ “Đà Lạt yêu”, “Tiếng đàn người hát dong”, “Điện thoại lúc canh ba”, “Chốn mộng mơ”, “Sông thu”, “Trên đỉnh Pù Luông”, “Tình lá”, “Gánh rau của mẹ”... xuyênsuốt trong tập thơ, Trần Đàm đã vẽ lên một bức tranh nhiều cảnh sắc, vừa ảo vừa thực trong đó có một mối tình tuyệt đẹp, có hương đêm mang dư vị ngọt ngào của tình yêu, có cả thành phố “dập dìu” thơ mộng.

Có thể nói thơ Trần Đàm đã hướng đến những tầng không gian khác lạ bằng những hình ảnh đẹp. Là những con chữ có hồn, chất chứa, dồn nén cảm xúc nhưng vẫn nhẹ nhàng, nho nhã, bàng bạc khói sương, hư ảo mà vẫn đầy triết luận thâm sâu. Mặt khác, hiện thực trong thơ Trần Đàm là hiện thực của suy tưởng. Chất suy tưởng, chiêm nghiệm là điểm mạnh của ông và điều đó đã làm nên mảng thơ triết luận, góp phần nâng cao chiều kích nghệ thuật của tập thơ. “Nghìn thu đá ngủ phủ rêu xanh/ Lác đác mưa bay ướt cổ thành/ Kiệt tác thành Hồ vang thế giới/ Danh nhân đất Việt rạng trời Thanh”.

Hầu như thi nhân mọi thời đại đều dành cảm xúc vô tận cho mùa xuân. Riêng Trần Đàm, mùa xuân là mùa đặc biệt tràn trề nam tính và thăm thẳm nỗi niềm yêu thương dạt dào “Sương mai giăng kín lối đi/ Rét ngọt gõ cửa thầm thì gọi xuân/ Mắt em cười nụ tươi non/ Đào phai chúm chím gióvờn nhành mai”. Thì ra trong “Khúc xuân tươi” ấy được thấm đẫm trong sắc màu của hạnh phúc, căng tràn của mộng mơ, dịu dàng như giấc mơ đẹp của mùa xuân: “Cau mềm quyện với trầu cay/ Mận nồng đỏ mặn nồng say mặn nồng/ Hoa mơ nở trắng vườn hồng/ Đôi chim ríu rít hoa lồng bóng chim”.

Viết về tình yêu với Trần Đàm là cách để tôn vinh cái đẹp như là nơi hội tụ thẩm mỹ, một cách huyền hoặc hơn, vì vậy mà quyến rũ hơn chăng? Này nhé: “Ai đem giá lạnh từ trời/ Để tia nắng ấm gọi mời lộc xuân/... Hạt mưa xuân đã nói gì/ Mà em xao xuyến thầm thì đôi môi” ( Tình xuân lính đảo). Tình yêu không có gì mà hóa ra lại rắc rối, đa đoan, khổ sở. Khi nhớ thương thì nó bổi hổi, đứng ngồi không yên. Ở bài thơ “Tiếng Khèn”, Trần Đàm sử dụng hình ảnh động để diễn đạt về nỗi nhớ và cảm xúc thật dữ dội: “Tiếng khèn/ Vọng vào vách đá/ Rót vào tai mẹ/ Rót vào tai cha/ Rót đầy chum rượu / Rót đầy ngực em”. Cái hay của phần kết này lại nằm ở 4 câu cuối: “Cả bản vít cần/ Uống say tiếng khèn/ Ngất ngây bờ trúc/ Tiếng khèn vọng núi ngân nga”. Trần Đàm có nhiều câu thơ rất thảng thốt, rất thi sĩ, không ra vẻ tân kỳ gì cả, nhưng lại khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh thơ ca đa chiều hiện nay: “Biển hát ngàn năm khúc ái ân/ Ôm bờ cát mịn sáng lăn tăn/ Ngoài khơi nước biếcchồm lên nước”; Chủ đề này đeo bám và xuyên suốt trong sáng tác của ông: “Nắng chiều vai trần da ngọc tuyết/ Mây luồn tóc xõa ngực hồng vân/ Bồng lai cảnh sắc thiên tình mộng/ Thắm mãi tim ta những nhịp vần”. Thế mới hay, lòng ông cũng biển khơi lắm. Những câu thơ như thế cũng đáng “phơi” lên cuộc đời này để mọi người thưởng thức, cùng sẻ chia và chiêm nghiệm.

Thơ ca bao đời luôn là hành trình của khám phá và sáng tạo. Mà suy cho cùng vẫn là sự trao gửi lòng mình đến bạn đọc có chân thành hay không. Tôi thấy mừng, mừng vì thơ ông đích thực, đậm đà bản sắc quê hương. Và nó có sức sống dài cùng năm tháng. Đó cũng chính là niềm tự hào của người xứ Thanh quê ta và cũng là nguồn xúc cảm để tôi viết những dòng rất chân thật về ông. Sẽ cháy mãi một... “lời yêu”.

Triều Nguyệt


Triều Nguyệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]