(vhds.baothanhhoa.vn) - Tập 'Tơ lòng' gồm hơn 90 bài thơ, được anh viết tập trung ngay sau những ngày nghỉ hưu với tôi là hơn 90 sợi tơ óng vàng, chắt ra từ tâm sáng, từ cảm xúc khát khao tỏ bày, từ sự tri ân, tri ngộ ân tình của đồng đội của bè bạn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tơ lòng và khát vọng tri âm

Tập "Tơ lòng" gồm hơn 90 bài thơ, được anh viết tập trung ngay sau những ngày nghỉ hưu với tôi là hơn 90 sợi tơ óng vàng, chắt ra từ tâm sáng, từ cảm xúc khát khao tỏ bày, từ sự tri ân, tri ngộ ân tình của đồng đội của bè bạn.

Từ vẻ đẹp tình yêu con người và cuộc sống tạo nên bức thảm thơ lung linh sắc màu, rộn rã âm thanh để mà đắm say mà hòa điệu cùng thi hữu thi huynh.

Chạm Tơ lòng trước tiên là chạm vào sợi Tơ tình yêu huyền diệu, chạm vào cây đàn tình yêu muôn điệu ở đời - cây đàn tình yêu trong thơ Lê Xuân Đồng cũng muôn điệu, tác giả khao khát gảy khúc tri âm hòa cùng muôn điệu đàn ca ngợi tình yêu muôn mầu. Thơ tình yêu của Lê Xuân Đồng được viết ra ở tuổi U70 - tuổi chiều xuân của đời người - hẳn sẽ làm người đọc tò mò tìm hiểu khám phá. Bạn đọc cũng như tôi sẽ đi từ ngờ vực đến bị cuốn hút mê say khi Đọc bài Yêu! Tự bạch để có được tâm thế khi vào vườn yêu trăm hoa nghìn lá của anh

Đời thực vốn dĩ dát yêu

Bao nhiêu khao khát đổ liều cho thơ

...

Yêu thật có được bao nhiêu,

Mượn thơ để được yêu nhiều... liều yêu!

Tôi bắt gặp cái thửa vườn yêu của riêng anh sâu đậm mà đằm thắm qua các bài: Giá mà, Giao mùa, Phải lòng, Mơ, Sông Câm, Lặng thầm, Một mình...

Giá mà - bài thơ ngắn mà thật tình, anh bộc bạch cái sự tiếc nuối về mối tình - dường như là mối tình đầu không thành nên luyến lưu, nhung nhớ - để in sâu trong ký ức và rạo rực trong tận tâm can mỗi khi cảnh xưa, người cũ hiện về. Anh trách mình “lừng chừng” nơi ngã ba tình, anh trách mình lỗi hẹn. Lời tự trách mang theo cả ân hận khôn nguôi: Giá mà đêm ấy anh qua/ Thì đâu đến nỗi nhạt nhòa đêm suông. Thật sáng tạo trong câu chữ “Đêm suông” - một cái đêm vô vọng, nhạt nhòa, gói theo cả thất vọng mong chờ người yêu của cô gái trẻ. Bài Mơ vẫn cái mạch nhớ nhung về những kỷ niệm đẹp đã đi qua. Anh đã mơ màng lầm tưởng như gọi được tên tâm trạng, tên cảm xúc của các trạng huống bên người mình yêu, bên “khuôn trăng” của mối “tình riêng” ngày nào: “Mượt mà - nhè nhẹ - êm êm/ Như đuôi con mắt, như mềm cặp môi/ Trôi trôi - dìu dịu - trôi trôi (...) Nhấp nhô - êm ái nhấp nhô/ Con thuyền nhỏ giữa đôi bờ mây giăng”.

Bài Phải lòng của riêng anh mà như của chung mọi người, anh cho chúng ta sống lại cảm xúc ý nhị của giai đoạn đầu của tình yêu đó là sự phải lòng, đó là cái cảm xúc ban đầu của tình yêu như kẻ dính phải bùa ngải, suốt ngày cứ tơ tưởng, mong ước lần tìm. Anh khéo léo dẫn dắt về sự đa tình của thiên nhiên theo từng cặp từng đôi: Con đê phải lòng dòng sông, trời thu phải lòng trong xanh, chân mây phải lòng mặt trời rồi mới khéo hạ câu: Riêng còn hai đứa chúng mình/ Giữa đông người vẫn lén tìm mắt nhau.

Tôi gọi chung các bài thơ tình của anh là thơ diễm tình - thơ viết về những tình yêu đẹp cũng là thơ làm đẹp cho tình yêu. Đã là tình yêu thì nhìn phía nào cũng đẹp, tâm trạng nào cũng đáng trọng, đáng yêu. Anh giỏi trong nhập thế; nhập hồn vào vai kẻ đang yêu để nói lên những rung cảm, hồi hộp, âu lo, những mong ước nhớ nhung hờn dỗi, giắng xé, những nghĩ suy khát vọng và cả những hụt hẫng, thất vọng oán giận, cả sự khờ khạo, nông nỗi, thường có.

Những bài thơ anh viết về vẻ đẹp thiếu nữ, đẹp mà tinh, lung linh đường nét màu sắc và tình tứ duyên dáng, tinh khôi như: Lúm đồng tiền, Yếm thắm, Dặn em, Như là, Đừng hát, Cái hôn đầu, Còn mãi...

Vẻ đẹp nhiều khi là dễ nhận, dễ rung động nhưng thể hiện đôi khi sẽ lúng túng và chùn tay. Lê Xuân Đồng tỏ ra vững vàng anh lẩy ra cái đẹp, viết tự nhiên mà lại gợi cảm, không bị choáng ngợp để rơi vào tụng ca chung chung.

Trong Tơ lòng nhà thơ còn đề cập đến nhiều cung bậc tình cảm khác như nỗi nhớ trường xưa lớp cũ, nhớ bạn học, nỗi niềm của người về hưu, nỗi nhớ quê, nhớ bạn và đều thẳm sâu chất nhân văn, và phẩm chất trí thức của nhà giáo, nhà quản lý, của người con yêu kính cha mẹ, yêu quê hương da diết.

Trong số các bài thơ viết về đồng đội, người đọc hẳn sẽ yêu thích bài thơ Thăm bạn vì ở đây cái chất lính tràn đầy, tác giả vượt lên nỗi đau và dường như tìm được cầu nối với bạn, xóa nhòa đi âm dương cách trở. Câu chữ mày - tao là cách xưng hô thật thân tình, yêu cái sở thích hút thuốc lào của bạn mà nhớ, gần gũi sẻ chia cả thiếu thốn xưa cũ:

Rít đi cho bõ những khi

Năm thằng chỉ có một bi thuốc lào.

Nỗi buồn đau lắng xuống nhường chỗ cho khát khao gặp bạn:

Thôi nhập mộ để tao hôn

Tấm bia đá với mùi thơm thuốc lào.

Chỉ đến khi chia tay câu thơ mới chùng xuống, nước mắt mới cay xè để mọi cảnh vật nơi nghĩa trang nhòa đi:

Nghĩa trang đang nắng chiều tà

Mà sao mộ bạn lòa nhòa sương giăng!

Thơ về đồng đội đặt bên thơ về tình yêu của Anh trong tập Tơ lòng tưởng như là mâu thuẫn song nó lại rất thống nhất. Thống nhất bởi trái tim yêu thương cũng là trái tim biết căm thù. Thống nhất bởi cùng mạch cảm xúc, lúc ngân rung tha thiết yêu đương vút cao, khi lặng đi thao thiết ân nghĩa nặng sâu trầm lắng. Thống nhất của một lý trí minh tiệp nhận ra giá trị chân xác của cuộc sống: cuộc sống cao quí khi sống hữu ích, biết sống vì mọi người. Phần thơ về đồng đội số lượng ít hơn rất nhiều so với mảng thơ viết về tình yêu nhưng lại có sức nặng và có chiều sâu. Nhà giáo, nhà trí thức làm thơ đã tìm ra vẻ đẹp của thơ khi ngân rung đồng điệu cùng nhịp điệu, của con người của dân tộc của đất nước. Mừng cho đứa con tinh thần đầu tay: Tơ lòng của anh đã nói được tiếng nói tri âm cùng người đọc. Người yêu thơ trân trọng và tiếp tục chờ đợi nhiều, kỳ vọng ở nhiều tập tiếp theo của anh.

Xin chúc cho mùa yêu đầu hoa thơm thành quả ngọt, xin chờ mùa yêu sau cánh đồng hoa hẹn mùa gặt bội thu.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]