(vhds.baothanhhoa.vn) - “Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi/ Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người/ Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời/ Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi/ Sài Gòn tôi nhớ xôn xao sớm chiều/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn giờ đây xanh xao tiêu điều/ Chút kiêu hãnh xưa theo làn mây…”

Trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử

“Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi/ Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người/ Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời/ Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi/ Sài Gòn tôi nhớ xôn xao sớm chiều/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn giờ đây xanh xao tiêu điều/ Chút kiêu hãnh xưa theo làn mây…”

Trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử

1.Giang bập bùng hát thử ca khúc “Sài Gòn tôi sẽ” của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, có một sự đồng cảm đến xao xác trong lòng. Ừ, sao mà y như lúc này, Sài Gòn “phong ấn” đã qua trăm ngày, vẫn là những thinh lặng của phố, vẫn là tiếng hú của còi xe cứu thương liên hồi tăng tốc cho những sinh mệnh chỉ còn được tính bằng phút giây, nghe cứ như một sự thống thiết cồn cào gan ruột, vẫn là những con số buồn buốt thấu tim…, vẫn cứ điệp khúc “test”- “dương tính”- “F0”, phong tỏa, cách ly…

Bỗng một cơn ho kéo đến, mà sao như muốn xé rách lồng ngực, mà sao như có tảng đá đè nặng thế này, rồi cơn đau nhói như bị ai đâm xuyên tim, một cơn đau buốt phía sau đầu, một sự tê cứng đông đặc đến không thở nổi, Giang buông cây đàn, ôm ngực, còn kịp nghe tiếng cây đàn rớt xuống sàn tạo nên tiếng rung của dây đàn, rồi chìm trong một cơn mê mê tỉnh tỉnh, thấy mình đang rơi, nhưng không biết đang rơi vào đâu, cứ chớp sáng chớp tối, lao xao tiếng người mà không rõ mặt ai, rồi lại nghe tiếng còi hú như đâu đó xa xôi hun hút. Giang cố mở mắt, nhưng không thấy gì ngoài một màu trắng xóa, ngực như bị đông cứng, máu hình như cạn kiệt, muốn quẫy đạp mà tay chân đi đâu mất…

- Cho thở oxy qua mặt nạ

- Bệnh nhân thở yếu lắm, nồng độ oxy trong máu SpO2 thấp dưới 80.

- Vậy cho thở oxy dòng cao HFNC60 lít mỗi phút.

- Bệnh nhân giường số 9 đã ngưng tim.

- Sao hôm qua diễn biến tốt mà giờ lại thế?

- Bệnh nhân suy hô hấp nặng từ chiều, gắng lắm đến đêm không lên được…

- Báo cáo, bệnh nhân phòng số 7 tầng 2 chuyển biến xấu.

- Cho lên tầng 3- ICU, chuẩn bị phòng thở máy không xâm lấn, nếu cần thì cho thở máy xâm lấn luôn.

- Họp giao ban hôm nay ra sao rồi?

- Dạ, đã yêu cầu trên cung cấp cho hai máy ECMO.

- Còn lượng Oxy dự trữ?

- Hiện chỉ đủ cho 1 tuần này với số bệnh nhân hiện tại, nếu thêm nữa, e chỉ đủ 3-5 ngày.

- Vậy xin cung cấp thêm. Thành phố đang test toàn bộ vùng “đỏ”, chắc chắn sẽ có nhiều F0 nhập viện…

- Cấp cứu…. Bệnh nhân vừa vào tiên lượng xấu. Đề nghị cho lên ngay tầng 3.

- Ca sĩ Giang… Ôi, vừa hôm qua còn thấy anh ấy còn chỉ cách làm karaoke tự hát trên FB rất hài hước: “Cùng xem Giang hướng dẫn làm karaoke nhanh, dễ hiểu, kiểu biết gì chia sẻ nấy nha. Đừng quên phần mềm như trong clip, 123 bắt tay thôi cho ngày ở nhà giãn cách thêm ý nghĩa!”.

Giang không thể ý thức mình đang ở đâu, tại sao không thể động đậy, giống như toàn thân bị hóa đá, tại sao mọi thứ chỉ là màu trắng, mờ mờ, dù tai vẫn nghe những y lệnh, rồi tiếng người gọi nhau, hỏi nhau hối hả, ồn ào, đủ cả giọng ba miền, giọng Bắc nhẹ nhàng rõ ràng, giọng Trung nằng nặng líu ríu, giọng Nam ấm áp mềm mại. Thi thoảng có vài giọng nói rất gắt, lúc là giọng ồm ồm không rõ vùng miền nào, lúc thì giọng lanh lảnh cũng chẳng biết là Nam hay Bắc hay Trung… Bỗng có gì đó nóng rát như lửa táp vào lồng ngực, cả người như bốc cháy, Giang chới với…

- Không được rồi, mau đặt ống nội khí quản và thở máy…

Giang thấy ào một màu đen ập đến, giống như bị nhốt trong một đường hầm hẹp mỗi lúc một bó chặt ép sát người. Nóng, nóng đến bỏng rát khô khốc, nóng như lửa đang hừng hực thiêu đốt hết cả người, phía trước có một chấm sáng lập lòe, Giang cố vùng thoát chạy đến đó, nhưng chân như đúc chì, muốn hụt hơi mà mãi vẫn thấy cái chấm sáng đó xa tít. Rồi Giang thấy mình rơi vào một cái hố đen sâu hoắm, cứ rơi hoài không chạm đáy…

Vâng, lúc này trong phòng hồi sức tích cực, Giang đã phải cho thở ECMO. Tất cả như đóng băng, chỉ trừ có bộ não Giang là hình như còn ấm.

2.Tin tức về Giang F0 đang thở ECMO với không gian mạng giống như vớ được miếng bánh ngọt phủ kem đầy hấp dẫn. Đang “thời COVID” giãn cách, tất cả các hoạt động sự kiện văn hóa nghệ thuật đều đóng băng, các drama tivi hài hước sến súa xem hoài cũng chán, lại lạc quẻ, khó mà cười vui nổi khi mỗi ngày thành phố có vài trăm người ra đi mãi mãi trong cô đơn, để vài ngày sau “về nhà” trong bình tro lạnh. Các MV nằm trong top 10 của #ZingChart, Hot14, top #trending Youtube, Nhaccuatui, Keeng.vn, Spotify, Apple Music…, được cover lại với lời mới chủ đề COVID, nghe hoài cũng nhàm.

Bỗng dưng có thông tin thuộc giới showbiz Việt, thời hiếm thông tin gây “hot”, lại là loại thông tin không phải ai cũng rành rẽ, trong bệnh viện dã chiến, trong phòng ICU…, tin tức không thể như show công khai, cũng không thể có chuyện livestream như sự kiện được, thế là những gì về Giang được khai quật lên. Nào là từ khi Giang là một sinh viên còn lơ ngơ đăng ký dự thi hát ở truyền hình tỉnh, rồi lên tới truyền hình TP Hồ Chí Minh, truyền hình quốc gia… Rồi đoạt giải, rồi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thành nhạc sĩ sáng tác, thành một biên tập viên ca nhạc của một cơ quan truyền thông, Giang có bao nhiêu đĩa đơn, MV, show kỷ niệm 10 - 15 - 20 năm ca hát… Cứ thế mà bóc dần, ngày nào cũng có bài viết về Giang.

Khai thác mấy ngày cũng cạn vốn. Chuyện cũ đã kiệt, giờ phải là chuyện mới, chuyện trong phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt bệnh nhân COVID-19. Giờ muốn có thông tin thì phải cần đến “mánh”. Đã có cuộc chạy đua giữa các phóng viên văn hóa các cơ quan truyền thông, làm sao moi tin của Giang từ trong phòng ICU bệnh viện dã chiến? Mà tiếp cận thì coi bộ bất khả thi, vì nơi đó không thể ra vào tác nghiệp như trước khi có dịch bệnh. Nhưng không biết bằng cách gì, phóng viên đã tìm được một tình nguyện viên phục vụ trong phòng ICU có Giang nằm trong đó. Cũng không biết phải “dỗ” tình nguyện viên đó ra sao, mà họ đã có thông tin, có cả hình ảnh Giang nằm thở ECMO, nhìn như một xác ướp với đủ các thứ dây nhợ chằng qua chéo lại cùng các nút gắn trên khắp người…

Nhưng không phải ai cũng được chia sẻ thông tin đó, chỉ có một nhóm chơi thân với nhau, và họ có “quyền lợi” chung, thế là “chẻ” thông tin ra, mỗi người một chi tiết, rồi tự biến báo thành tin bài tùy mỗi người. Những phóng viên không có được thông tin, thì bắt đầu canh me trên mạng, chỉ cần một bài viết có thông tin của Giang vừa lên mạng, thì 30 phút sau, đã có một bản “F1” ở một trang khác và cứ thế, trong vòng 30 phút sau có khi lên đến hàng trăm bài F2-3-4-5…Fn, gần như sao chép, copy đến cả chữ viết sai lỗi morat, hay sai dấu chấm phẩy từ bài báo gốc…

Vẫn chưa hết chuyện, thông tin thì chỉ có vậy, đang thở ECMO, thì không thể có thêm tin gì khác hơn. Nhưng không thể làm cụt hứng độc giả, hay netizen, fandom của Giang, đang hóng tin từng giờ từng ngày idol của mình… Thế là bắt đầu có thông tin được “hư cấu” tình tiết mang tính Breaking News giật gân, để câu view, họ viết như đúng rồi, nào là Giang đang nguy kịch, ECMO cũng bó tay, giờ chỉ tính từng phút là rút ống thở…, nhưng vài chục phút sau thì lại viết: “Ồ may mắn, Giang được bác sĩ là Giáo sư đầu ngành hồi sức tích cực trực tiếp cứu chữa, và tin rút ông thở là Fake News, thật sự Giang đang hồi tỉnh…”.

Qua hôm sau, lại một thông tin khác làm các netizen, fandom của Giang lại “lên ruột”, hồi hộp lo lắng, rồi sau đó lại thở phào vì toàn tin fake… Mà lạ, ngay cả khi viết rất là chi tiết, miêu tả tỉ mỉ các kiểu, cứ y như đang trong phòng ICU truyền tin trực tiếp, nhưng buồn nhất là sau các bài viết, không có dòng nào tỏ ý nguyện cầu cho Giang qua khỏi bạo bệnh, chúc Giang sớm hồi phục sức khỏe…, mà là một câu hẹn hò háo hức đến lạnh lùng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tình hình sức khỏe của ca sĩ Giang vào bản tìn mỗi buổi sau…”.

Giang đang lơ lửng sống chết ngàn cân treo sợi tóc, gia đình Giang chỉ biết nguyện cầu phép lạ, nguyện cầu sự thần kỳ, thì cộng đồng mạng lại hân hoan với việc Giang đang thở ECMO là một nguồn thông tin để kiếm lợi.

3.Trong bệnh viện dã chiến, tầng 3, phòng ICU - Hồi sức tích cực, nơi bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng ngấp nghé hai bờ sinh tử. Lúc này, bác sĩ trưởng ca đang ra những y lệnh cho cùng lúc mấy ca ép tim. Ông cũng không quên quan sát các nhân viên y tế, các tình nguyện viên xem họ đã bảo đảm trang phục bảo hộ. Ông luôn nhắc nhở, khi mặc đồ bảo hộ PPE, không thể vội vàng, không thể cử động mạnh, phải thật cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết, vì nơi này là tiếp xúc trực tiếp với môi trường cực kỳ nguy hiểm, độc hại. Bộ bảo hộ này gồm nhiều phần, phải mặc từ từ, rồi sát khuẩn từng bước để cuối cùng thành một cây trắng toát, kín mít, nhìn nhang nhác như các phi hành gia.

Phòng ICU được xem là phòng “đỏ”, phòng bệnh nhân nặng nhất, là phòng cách ly tuyệt đối và cũng là phòng nguy hiểm bậc nhất bởi đậm đặc virus ở đây. Kế đó là vùng chuyển tiếp gọi là vùng “vàng” và cứ điểm an toàn của nhân viên y tế là phòng giao ban - vùng “xanh”. “Giao thông” giữa vùng xanh và vùng đỏ riêng biệt, không trộn lẫn, nhưng từ vùng xanh muốn đi vào vùng đỏ phải mặc đồ bảo hộ an toàn, còn từ vùng đỏ đi ra phải cởi bỏ đồ bảo hộ ở vùng vàng và khử trùng toàn thân kỹ lưỡng trước khi vào vùng xanh.

Các nhân viên y tế và bác sĩ trong phòng ICU cũng phải tập nói và tập thở rất nhẹ, không hít sâu, không gắng sức đột ngột, để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm. Nhưng khi có bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu là lao vào cấp cứu, có khi do cử động mà tuột khóa kéo đồ bảo hộ và lúc đó lại phải lặp lại quy trình khử khuẩn và thay bộ mới. Vì đồ bảo hộ lùng thùng, nên việc thao tác các kỹ thuật y tế đơn giản cũng thành khó khăn, phải thật tinh thông và khéo léo, như lấy ven, hay dùng ống nghe và chủ yếu là quan sát bệnh nhân, rồi đo nồng độ oxy trong máu, lượng oxy tiêu thụ…

- Dạ thưa bác sĩ, gia đình ca sĩ Giang khẩn thiết xin được điện thoại cho con.

- Đang hôn mê sâu, thở ECMO thì sao mà nghe điện thoại được.

- Ba má thấy thương lắm, lặn lội từ dưới miền Tây, khóc năn nỉ… Nói, chắc chắn con sẽ nghe được, sẽ tỉnh lại…

- Ờ, hay mình cứ thử… Biết đâu có sự kỳ diệu... Không thở được, nhưng não vẫn sống, vẫn hoạt động…

4.Giang nghe thấy tiếng ba má gọi tên mình, không thấy ba má đâu, chỉ thấy một đường hầm chật hẹp tối đen, muốn kêu to “con ở đây”, mà sao cổ họng như khít đặc, rát bỏng, khô cứng, không thể động đậy, không thốt lên lời. Nghe tiếng má khóc Giang không chịu nổi, vì biết mình đã làm má buồn. Nhớ ngày xưa đi học, mỗi khi làm lỗi gì, má không rày la mà khóc nói Giang không thương má, không biết nghe lời má…

Giang còn nhớ, khi Giang lên Sài Gòn học, ham chơi, lâu không về quê, má gọi điện thoại không nói gì, chỉ khóc. Giang lật đật hứa con sẽ về thăm má, là má thôi khóc ngay. Rồi khi Giang thành đạt, thành “thiếu gia” làng Vpop, ít về thăm ba má, má khăn gói lên Sài Gòn thăm con, nhìn con sống xa hoa, không hiểu sao má cứ khóc. Nói con đón ba má lên Sài Gòn ở với con, đừng làm vườn làm ruộng nữa, cực lắm…, má cũng lắc đầu khóc. Giang nhớ cái lần “xù” không về quê dự lễ ở trường cũ, bị các antifan ném đá, tẩy chay…, má lên Sài Gòn, nhìn Giang rất buồn và cũng không nói gì chỉ khóc…

Vậy mà Giang biết sợ, biết ngán… Mỗi lần nghe má khóc biết mình đã có lỗi lầm làm má buồn. Cũng vì thế, sau cái lần nghe cú điện thoại róc rỉa nhưng đầy cảnh tỉnh, Giang nhớ những giọt nước mắt của má. Và quyết định sẽ phải thay đổi cách sống, sống có trách nhiệm hơn, không lao theo những ham muốn danh vọng hư ảo, tiền bạc phù phiếm…

Giang lui không tham gia showbiz, chỉ tham gia những chương trình cộng đồng, Giang học thêm về sáng tác ca khúc. Không lâu sau, những ca khúc Giang sáng tác cũng trở thành các bản hit của Vpop, nhưng tất cả lợi nhuận từ ca khúc, Giang dùng làm công việc từ thiện với quỹ khuyến học ở quê mang tên ba má, cũng là một cách trả hiếu, một cách đáp lại ân tình quên hương… Giang giờ đây, vẫn giữ hình ảnh đẹp trong lòng công chúng khán giả, là một ngôi sao, một idol, “nam thần” của làng Vpop.

Trong thời gian thành phố giãn cách dịch bệnh COVID-19, Giang sáng tác ca khúc động viên mọi người gắng vượt qua thương khó, chiến thắng dịch bệnh, Giang dạy cách tự tạo những clip karaoke để hát trong nhà cho vui… Giang cảm thấy mình đang sống một cách có ích và trách nhiệm với cộng đồng, không hổ thẹn với cuộc đời…

Giờ nghe má khóc, Giang biết má đang rất buồn về Giang. Có tiếng kèn saxophone ở đâu réo rắt mà da diết kỳ lạ… “thiếu quê hương, ta về… ta về đâu?”, “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”… Giang chợt thấy mình đang ở quê, đang vào mùa nước nổi, thấy mình đang chèo xuồng trên con rạch đi hớt cá, thi thoảng với tay quơ vài đọt bông súng, kèo nèo, lục bình thảy lên phía mui xuồng… Rồi bỗng nhiên mọi thứ lại bị xóa mờ mịt, tiếng kèn vẫn cứ réo rắt, quen thuộc, Giang lại thấy mình đang ngồi trong một khán phòng nhà hát rất rộng lớn và đang lắng nghe một ca khúc được ca sĩ trình diễn trên sân khấu, có tiếng vỗ tay rào rào, bất giác Giang chảy nước mắt xúc động. Đây là ca khúc đầu tiên Giang sáng tác và dành cho quê hương của mình, miền sông nước Nam bộ, dành cho ba má…

- Bác sĩ ơi, anh ấy chảy nước mắt rồi… Anh ấy tỉnh rồi…

- Mau mau xem các chỉ số…

-Ừ! Vậy là qua rồi… Cậu trai, giỏi lắm, kiên cường lắm. Cai máy được rồi. Cố lên… Chỉ còn chút nữa là lại tha hồ ca hát nha.

- Ôi! Anh có biết là suốt hai tuần lễ này, trong lúc anh hôn mê, má anh gọi điện thoại vào, năn nỉ bác sĩ, cho anh nghe tiếng má gọi anh… Nói là anh đang hôn mê không nghe được gì, má anh không chịu… Rồi bác sĩ cũng cho phép, với hy vọng biết đâu có điều kỳ diệu… Và ngày nào cũng bật điện thoại, để anh nghe má nói chuyện. Mà kỳ, má không nói gì chỉ khóc… Vậy mà anh tỉnh lại…

14 ngày, Giang thở ECMO. Trong những cơn mê mê tỉnh tỉnh giữa hai bờ sinh tử, sự sống mảnh như sợi tơ nhện, chỉ cần xao nhãng một chút, chỉ cần buông xuôi không gắng sức, thì Giang có thể đã đi vào cõi mênh mông đơn độc, và trở về với ba má bằng hình hài là hũ tro cốt lạnh lẽo. Tiếng khóc của má, Giang rất sợ làm má buồn, Giang nhất định phải quay về từ cửa tử, để má không còn phải khóc, để trả ơn cuộc đời.

Không phải thở oxy nữa. Sự sống đang dần trở lại với Giang. Vâng! Thở tự nhiên. Chỉ khi trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử mới hiểu sự quý giá của những hơi thở tự nhiên, hơi thở của sự sống, sự tồn tại sinh mạng con người… Giang không còn nghe má khóc. Mỗi ngày, má điện thoại, nhắc Giang nào là phải ăn cho nhiều, phải tập thể dục, phải nghe lời bác sĩ… Dạ! Giang vừa trải qua sinh tử, vừa chiến thắng tử thần COVID-19, Giang hiểu và trân trọng từng hơi thở, để thấy hạnh phúc khi được thở tự nhiên, được sống.

“Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi/ Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người/ Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời/ Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi/ Sài Gòn tôi nhớ xôn xao sớm chiều/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn giờ đây xanh xao tiêu điều/ Chút kiêu hãnh xưa theo làn mây…”. Đồ họa của Hà Ngọc Hiếu

Truyện ngắn của Hoài Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]