(vhds.baothanhhoa.vn) - Súa đang ngồi chắp nốt những mảnh đắp cuối cùng vào gấu váy. Toàn hình xoắn ốc. Súa chưa bao giờ nhìn thấy con ốc, con sò hay con cá ngựa. Chỉ là tạo hình rồi đắp theo sự hướng dẫn của mẹ, rồi tưởng tượng ra theo những hình thù đã nhìn trên sách, báo, tivi. Đắp được đến đâu là chọc luôn mũi kim vào để cố định lại. Rồi cũng thành những cái giống như vỏ ốc, vỏ sò gì gì đó. Anh rón rén đến từ đằng sau, nhìn Súa đắp đắp, uốn uốn, từng tí từng tí một. Anh bảo: “Em chưa bao giờ nhìn thấy những con này, sao biết làm?”.

Tương lai ở phía trước

Súa đang ngồi chắp nốt những mảnh đắp cuối cùng vào gấu váy. Toàn hình xoắn ốc. Súa chưa bao giờ nhìn thấy con ốc, con sò hay con cá ngựa. Chỉ là tạo hình rồi đắp theo sự hướng dẫn của mẹ, rồi tưởng tượng ra theo những hình thù đã nhìn trên sách, báo, tivi. Đắp được đến đâu là chọc luôn mũi kim vào để cố định lại. Rồi cũng thành những cái giống như vỏ ốc, vỏ sò gì gì đó. Anh rón rén đến từ đằng sau, nhìn Súa đắp đắp, uốn uốn, từng tí từng tí một. Anh bảo: “Em chưa bao giờ nhìn thấy những con này, sao biết làm?”.

- Là tưởng tượng thôi.

- Sao em không thêu những con khác?

- Thiếu gì thì làm cái đấy thôi. Mà em nghĩ thêu những cái này mới hay. Chúng ta ở mãi trên đá thế này, không có những con giống như này nên mới thêu rồi đắp nổi để tạo hình trên váy áo.

Anh chẳng nói gì nữa. Đứng lên chắp tay lững thững về trường. Thực ra về trường lúc này cũng chẳng có ai trò chuyện cả. Học sinh đã nghỉ tết từ tuần nay. Trời rét quá, không làm nổi việc gì. Một vài nụ hoa lê đến thì đã trồi lên lấm tấm trắng. Nhưng rồi chúng sẽ bị chột đi ngay thôi. Súa nghĩ, giống như chồng mình đây, cũng là một nụ hoa lê trồi lên không gặp thời tiết thuận lợi. Mà mình chính là cái kiểu thời tiết như lúc này. Học sinh nghỉ tết, anh đáng ra đã về quê với bố mẹ. Đằng này, vì đứa con còn nhỏ quá mà anh phải ở lại cùng hai mẹ con. Nghĩ thương chồng nhưng Súa lại hài lòng với cuộc sống gọi là cao sang nhất bản vì chính mình tạo nên chứ chẳng ai cho cả.

*

* *

Trời đất trắng xóa một màu vì tuyết. Năm nay rét đậm rét hại, con bò nhà Súa đã phải đem vào chái nhà nhốt rồi. Người có cái áo mặc thì không bị chết rét, chứ con bò này mà chết rét thì cả nhà cũng lao đao luôn. Vì nó là bò vay của ngân hàng theo diện luân chuyển. Nó chết là phải đi vay tiền mua con khác về chuyển cho nhà Pó nuôi. Thế thì có bán cả nhà đi cũng không đủ tiền mua một con bò gần chết rét như bò nhà Súa đang nuôi. Cho nên bố Súa cứ ngồi thù lù ở cái ngách vừa phá ra để đưa được bò vào mà quạt quạt đống cây ngô khô cho có hơi lửa bay vào phía bò cho nó ấm. Còn người bố thì tuyết đã phủ trắng xóa rồi. Từ khi Súa ra đời đến nay, nhà rách cứ rách mãi. Trong bụng Súa thầm trách sao bố mẹ không làm cho nhà khá hơn lên. Rét quá nên chẳng làm được việc gì, cả vùng ai nấy cứ ngồi thu lu trong bếp. Bố Súa tự nhiên vùng dậy chạy đon đả ra ngoài: - “Mời vào, mời hai ông vào”. - Súa giật mình ngẩng lên đã thấy hai người đàn ông ăn vận đẹp đẽ đang đi vào. Hai cái ô đen to lù lù cứ ngật ngưỡng tiến vào. Chết rồi, là hai ông mối. - Thưa anh trai! Chúng tôi đến xin chào cả nhà. Xin cả nhà chén rượu ngon ạ!

- Không dám, không dám! Xin mời hai ông ngồi uống chén rượu nhạt nhà chúng tôi.

Súa hiểu rằng, người ta đến hỏi mình về làm dâu. Thế là Súa tức, chạy ngang mặt mấy người để vào buồng. Hai ông mối giật mình vì cái kiểu đi ngang khách của Súa, nên nhẹ lắc đầu.

Bố Súa đành đỡ lời. “Đấy, mong hai ông thông cảm. Cái quà, cái cuốc nhà chúng tôi chưa dùng đã mẻ đấy. Mong hai ông rèn rũa thêm khi nó về bên ấy”. À, hóa ra là bố đã đồng ý gả Súa đi trong khi người đi hỏi còn chưa mở lời à? Bố không cần Súa một tí nào à? Con gái chẳng có tí tác dụng nào với bố nên bố cho không người ta thế à? Súa tức lắm. Chẳng ai coi một đứa con gái như Súa là cái gì. Ai muốn xin là được ngay thế này à.

- Anh Dình ạ. Chúng tôi cũng nghĩ vào năm nay là hơi sớm. Nhưng trời rét quá, mấy người già bên ấy cứ nhờ nên chúng tôi cũng giúp. Với lại trong lúc rét thế này, không cày nương, làm cỏ được. Chúng ta nên tranh thủ lo việc cho hai đứa. Đến lúc vào vụ thì còn có thời gian làm nương nhỉ!

- Vâng, vâng! Xin hai ông hiểu, nhà chúng tôi không thất hứa đâu. Năm xưa nhà họ Sùng đã giúp tôi và mẹ nó được sống cùng nhau. Thì nay đứa Súa này sẽ giúp chúng tôi trả nghĩa cho họ của mẹ nó là phải lẽ. Tôi và mẹ nó chỉ lo nó còn bé quá, chưa biết việc nhà lại phiền lòng người già bên ấy.

“Ố giồi! Là mình phải trả nghĩa cho bố mẹ à? Là ngày trước bố mẹ lấy nhau không có tiền cưới nên đã hứa nếu đẻ con gái thì sẽ cho về làm dâu bên họ nhà mẹ à? Thế là đã đến lúc mình phải trả nghĩa cho bố mẹ đây. Nhưng mình không thích thằng Sếnh. Mình ghét nó nhất lớp. Mà nó cũng biết mình thích thầy Cường sao nó còn đồng ý. Thằng này đúng là hèn. Đàn ông hèn mình càng ghét. Mình không thích làm vợ nó”.

Súa âm thầm ngồi trong buồng mà nghĩ. Mãi đến khi hai ông mối lại ngật ngưỡng hơn bởi những chén rượu nồng mùi mà đi về báo cáo kết quả buổi thăm hỏi. Thực ra là làm cho có thủ tục thôi, chứ việc này chẳng làm thì cũng biết bố mẹ Súa đồng ý, vì đã hứa từ xưa rồi. Nhưng Súa lại không cam chịu làm người trả nghĩa cho bố mẹ.

*

* *

Dù rét thế nào thì rét, theo lời hứa của chú Phủ với thần núi khi sinh được con trai sẽ mở hội Gầu Tào cảm ơn và để cho cả bản vui chơi. Tết năm nay con trai được một tuổi, nhà chú mở hội. Làm hội vào năm nay có khi phải chuẩn bị nhiều rượu hơn, vì rét quá, chẳng ai đi làm được nên sẽ càng chơi lâu nên tốn rượu. Cây nêu đã được bọn con trai trồng cao vút ở bãi nương đầu dốc. Từ cửa nhà đã nhìn thấy tua đỏ tua hồng trên ngọn nêu bay lật phật trong gió bấc. Cái vòng tròn có tâm đỏ như mặt trời kia cứ lúc lắc bên này bên kia thì làm gì có đứa nào ném quả còn trúng mà đòi được thưởng chứ. Bọn con trai đã cố tình làm cái vòng tròn ấy to hơn những vòng tròn khác để dễ ném thủng, nhưng treo nó tít trên ngọn nêu thế kia thì trông lại bé tí vào. Nhưng việc ném thủng vòng tròn hay không là mối quan tâm của người già để xem năm nay làm ăn có thuận lợi không. Bọn con trai thì quan tâm đến cột leo lấy rượu uống cơ. Đám ấy mới là đám vui nhất.

Cây lê già ở mạn nhà thầy cúng trổ hoa trắng xóa một góc trời. Cánh lê dày và bông lê to thế này thì năm nay sẽ được mùa quả. Cây lê càng già thì quả càng ngon. Hoa lê rụng trắng bờ rào đá, phủ lên nó một màu trắng mịn màng. Nhà thầy cúng đến là có phúc, cái gì cũng tốt. Nhà to, tường trình rất dày và bờ rào đá rất rộng. Đến cái mái cổng cũng cong cong điệu điệu là. Lại được hoa lê phủ trắng một lượt từ mái cổng xuống đến bờ rào đá, vào đến ngưỡng cửa. Cứ mỗi đợt gió lại thổi xô hết những cánh hoa rụng về một phía để lộ từng lượt mái ngói rêu rêu, xanh xanh rất điệu. Một lúc, cơn gió nữa lại xô về, thổi rụng những cánh lê xuống phủ một lượt trắng xóa trên mái ngói ra đến sân, rồi đến bờ rào. Cái nhịp điệu trăng trắng, xanh xanh, rêu rêu ấy cứ lặp đi lặp lại từ khi hội Gầu Tào bắt đầu. Súa nghĩ ấy là thần núi cũng đang vui mừng chúc phúc cho thằng con trai nhà chú Phủ. Nhưng sao lại chỉ chúc phúc cho con trai nhỉ, con gái như Súa đây thì chẳng ai coi ra gì. Đã thế thì Súa phải cho mọi người biết, con gái cũng có giá của con gái chứ. Thế là Súa đứng dậy, vào buồng diện bộ váy đẹp nhất, đội lên đầu bộ khăn mới lóng lánh nhất để gây ấn tượng với một người, rồi đi ra bãi hội Gầu Tào. Vừa ra đến nơi đã thấy thầy Cường ngắm nghía cột leo để lấy bầu rượu. Một thằng len vào bảo: “Thầy, thầy thử leo đi, bọn con trai Mông chúng em leo thoăn thoắt. Thầy thử xem con trai Tày có biết leo cột lấy rượu không”. Súa cầm ngay chai rượu với cái chén cũng len vào: “Thầy mà leo lên lấy được bầu rượu kia thì em sẽ uống với thầy hết chai này”. Bọn con trai cười ồ lên. Thằng vừa nãy lại bảo: “Tôi lấy được thì Súa uống với tôi nhé!”. Súa chẳng nói gì với nó, lại bảo thầy Cường: “Thầy chẳng biết leo”. Thầy Cường mặt càng lúc càng đỏ. Nó lại bảo “Không phải để một đứa gái đẹp thế này phải nói nhiều chứ hả thầy? Thầy là thầy giáo cơ mà”. Thế này thì không leo không được rồi. Không leo thì đám học trò lớn tồng ngồng thế này sẽ coi thường thầy. Là thầy trò nhưng chúng chỉ kém thầy vài ba tuổi nên máu đàn ông trong người đã sẵn rồi. Cái Súa này thật tệ, biết thầy chưa leo bao giờ mà còn thách đố. Mà có leo được, rồi uống hết cả chai rượu kia thì thầy cũng chẳng uống được.

Từng bước, từng bước Cường bấu chặt lấy thân cột, nhích từng bước lên cao dần. Cần phải chắc chắn, nhanh một chút sẽ trượt hoặc mệt sẽ không chạm được bầu rượu. Bên dưới, người bản hò reo cổ vũ cho thầy giáo. Họ đang thử xem thầy giáo có làm được những việc con trai Mông làm không, hay là chỉ biết nói theo sách thôi.

Súa là người mong nhất thầy lấy được bầu rượu xuống. Không phải để uống mà để Súa có cơ hội cho thầy uống rượu và biết rằng sẽ còn nhiều người ở đây muốn mời thầy. Đám hội ồ lên ào ào, “được rồi, được rồi, hoan hô thầy giáo”. Bọn học sinh càng phấn khích vì thầy nói cũng hay làm cũng tốt. Cường vẫn bấu trên ngọn cột mà thở chứ không xuống ngay như những thằng trai Mông khác. Vì Cường không phải lấy bầu rượu này để được uống rượu, mà vì uy tín của một người làm thầy giáo duy nhất ở bản Sủng Mùng này. Hai năm ở với người Mông, Cường hiểu, dạy con họ học không quan trọng bằng tạo được uy tín. Những người dưới kia tin thầy giáo thì bảo làm cái gì họ cũng sẽ làm được. Thế là Cường nhìn xuống mà nghĩ, những người dân này, thật thà đến cả tin.

Đám hội hò hét bảo thầy xuống đi, xuống để còn uống rượu. Đám con trai đã ủn Súa với một đứa khác đến gần chân cột nhất để Cường xuống chạm đất một cái là mời uống luôn. Hai đứa con gái xinh đẹp nhất bản sẽ mời hai chén đầu tiên. Nhất định Cường phải uống liền một lúc hai chén rượu to thế kia đã rồi mới đến uống các chén của người khác mời. Không leo lên cột thì không có uy tín. Leo được cột lấy rượu là thành con trai Mông rồi, thầy có thể ở đây để dạy bọn trẻ con thành thầy giáo như thầy để chúng không phải cày nương mà sẽ thoát nghèo. Lúc đầu Cường thấy mọi người còn rõ ràng, sau dần cứ mờ đi. Ai cũng đến mời, mà ai mời Cường cũng uống là sao nhỉ. Hình như có ai đó đứng đằng sau rót rượu vào chén của mình liên tục, rồi lại giúp mình đưa chén lên miệng vậy. “Say rồi, say lắm rồi bà con ạ. Tôi không uống được nữa đâu”. Nói được vậy rồi Cường ngã lăn ra, nhưng vẫn thấy có người đỡ mình. Thấy ai đó nói: “Bọn mày dìu thầy về trường đi. Đưa lên giường cho thầy ngủ một giấc, chiều tỉnh lại gọi ra chơi hội tiếp". Đám học sinh xúm vào, bảo dìu nhưng là chúng nó khiêng thầy về trường, rồi tống uỵch thầy vào cái giường bé tí bên trái của dãy nhà học rồi chẳng thèm đóng cửa mà chạy luôn lại đám hội.

Nhưng có một người không thèm chơi hội nữa. Súa đã bỏ đám hội để về cái căn phòng có mỗi một chiếc giường ấy. Cửa đã nhẹ nhàng đóng lại. Căn phòng thành ra tối om. Bao nhiêu ván lấy được, bao nhiêu tờ bìa, tờ lịch thầy mang dán hết lên tường để tránh gió lùa thành ra làm cho căn phòng tối như ban đêm. Súa thấy thầy nằm im thì lay lay người gọi: “Thầy ơi! Thầy ngủ à?” Chẳng thấy thầy nói gì thì không nói nữa. Súa nghĩ: “Chỉ cần nằm im cho ấm đã, lúc thầy tỉnh dậy mới lừa thầy là hai người đã làm chuyện vợ chồng rồi”. Thế là Súa nằm im.

Thầy mơ mơ màng màng, đến lúc nhận ra có người nằm cạnh thì bật luôn dậy. Tỉnh hẳn giấc mơ đẹp, rối rít xin lỗi Súa. Nhưng Súa thì vẫn nằm im mà nghĩ: “Lúc này thầy chẳng giống thầy giáo tí nào”.

- Thầy không phải xin lỗi đâu. Là tại rượu thôi mà.

- Nhưng tôi phải làm sao bây giờ?

- Không phải làm sao cả. Thầy cứ coi như không có chuyện gì xảy ra. Rồi Súa đứng dậy, lặng lẽ mặc váy áo rồi chào thầy đi về. Thầy thì chẳng hiểu tâm trạng mình thế nào nên cũng cứ ngồi im trên giường mà nhìn Súa về thôi.

*

* *

Súa về nhà thì trời đã tối mịt, liền gọi bố dậy bảo:

- Con vừa ở cùng thầy Cường rồi. Con làm vợ chồng với thầy rồi. Bố mẹ cũng không thể gả con sang nhà thằng Sếnh nữa.

- Mày nói thế là thế nào? – Bố Súa tròn mắt hỏi.

- Con không thích thằng Sếnh. Con thích thầy Cường. Bố mẹ không thể ép gả con được nữa. Nếu không cho con ở với thầy Cường thì con sẽ lên xã báo đấy. - Cho mày đi học tưởng mày biết thương bố mẹ, thế mà mày hư hỏng. Thầy giáo ơi là thầy giáo, mày dạy trẻ con thế à?

Bố Súa lao luôn đến dãy nhà học của thầy mà đánh đấm đá thầy. Thầy cũng chẳng tránh, chẳng chống lại. Thầy hiểu rằng sự tức giận của một người bố khi biết con gái mình không còn trong trắng nó cao tới mức nào. Cứ để bố Súa nguôi tức rồi thầy mới xin lỗi và xin chịu trách nhiệm. Nhưng chẳng đợi bố Súa hết cơn đánh đập Súa đã đứng đằng sau. “Bố đừng đánh nữa. Không phải tại thầy. Là do con ép thầy. Thầy say rượu không biết gì đâu”.

- Mày bênh nó à? Mày muốn hại tao với mẹ mày nên mày bày ra thế chứ gì? - Con không hại bố mẹ. Chỉ vì con không muốn thành vợ thằng Sếnh thôi.

- Thế là sao?, thầy Cường ngạc nhiên.

- Là em muốn làm vợ thầy nên em làm thế. Bố mẹ em muốn gả em cho thằng Sếnh học dốt nhất lớp đấy.

- Nhưng mà các em mới có mười sáu, làm sao mà lấy chồng lấy vợ được. - Là bố mẹ em nợ họ Sùng một người. Ngày xưa bố em nghèo quá, lấy mẹ em không có tiền cưới. Họ nhà mẹ em đồng ý gả mẹ em cho bố với điều kiện khi sinh được con gái phải trả về nhà mẹ em làm dâu. Nhưng em không muốn. Bây giờ có luật hôn nhân và gia đình rồi. Em không muốn ở với người em không yêu. Em muốn ở với thầy.

- Thế thì mày cũng đã đến tuổi đâu mà đòi.

- Nhưng như thế này rồi thì nhà thằng Sếnh không cần một đứa con gái hư hỏng về bên ấy làm dâu nữa.

Và cho đến hôm nay, học sinh nghỉ tết rồi, nhưng năm nay không có nhà nào mở hội Gầu Tào để mà vui. Cường cũng phải ở lại để trông nom hai mẹ con nên không thể về quê được. Ở với Súa vài năm, Cường nhận ra rằng Súa không những xinh đẹp mà còn thông minh nữa. Mãi khi đã thành vợ chồng rồi Cường mới nhận ra Súa đã lừa bố, chứ hôm ấy hai người chưa có gì với nhau. Có một người vợ như Súa là điều hài lòng trong cuộc đời Cường. Đợi con cai sữa, Cường sẽ cho Súa đi học tiếp, để cho mọi người hiểu rằng một đứa con gái cũng có giá trị của nó và phải được tự quyết định đời mình thì mới sống tốt được. Cường mong có thêm nhiều cô gái thông minh và biết cách quyết định cuộc đời mình như Súa.

Truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]