(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái không khí ồn ào hối hả của nhịp sống hiện đại, giọng điệu của bài thơ giống như thanh âm của bản ballad đồng quê dịu dàng, như ngụm nước giếng thơi ngọt mát, như tiếng sáo diều vi vút đêm trăng!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẻ đẹp của một bài thơ

Trong cái không khí ồn ào hối hả của nhịp sống hiện đại, giọng điệu của bài thơ giống như thanh âm của bản ballad đồng quê dịu dàng, như ngụm nước giếng thơi ngọt mát, như tiếng sáo diều vi vút đêm trăng!

TRĂNG QUÊ

Vĩnh Trị

Lâu lắm rồi không gặp

Vầng trăng nơi quê nhà

Đêm nay về làng Vĩnh

Ta đợi vầng trăng qua.

Từ muôn đời... vẫn thế

Trăng lên phía cánh đồng

Trăng qua làng qua xóm

Rồi nghiêng về bên sông

Trăng rắc vàng lối ngõ

Trăng trải vàng con đê

Trăng nhuộm vàng mái rạ

Trăng nhớ ai... trăng về...

Trăng ngày xưa sáng lắm

Mẹ cấy đêm đồng làng

Cha đi cày ruộng sớm

Ánh trăng vàng mênh mang

Chị thạo nghề đồng áng

Giỏi kéo te, bắt đam

Có nhiều đêm thức giấc

Đi dưới trăng, vội vàng

Em ra đồng câu cá

Cả một trời trăng sao

Tình yêu quê lớn dậy

Dưới vầng trăng ngọt ngào.

Ơi vầng trăng quê mẹ

Dịu ngọt và bao dung

Như mẹ cha muôn thuở

Như lúa khoai trên đồng.

Làng Vĩnh, 2017

Bài thơ ngọt ngào như hương lúa đang làm đòng, như mùi hoa dẻ trong đêm trăng, như hương sen buổi sớm tháng năm mát mẻ và tinh khôi. Giờ còn mấy ai xúc cảm và làm thơ về hương của đồng ruộng, về mái rạ, lúa khoai nữa chứ, ít lắm, nhịp sống công nghiệp và nông thôn hiện đại hóa đã kéo người ta xa dần với nông thôn truyền thống, người thích thưởng thức hương vị này cũng đang thưa dần, vắng dần.

Lâu lắm rồi không gặp

Vầng trăng nơi quê nhà

Đêm nay về làng Vĩnh

Ta đợi vầng trăng qua.

Lâu lắm không gặp “trăng quê nhà”, tác giả thú nhận, nhưng có cái gì ngờ ngợ ở đây. Chả nhẽ lại có cả “trăng thành phố” và “trăng quê” chăng? Điều tưởng phi lý mà có lý. “Trăng thành phố” bị nhòa lẫn với “ánh điện”, “cửa gương”, cái đẹp của thiên nhiên bị át bởi cái rực rỡ sắc màu nhân tạo nên có trăng mà không thấy trăng, Nguyễn Duy cũng từng tiếc nuối:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường.

(Ánh trăng)

Tác giả Vĩnh Trị có lẽ cũng đã ra phố, tưởng chừng cũng đã quên trăng, bỗng dưng, một lần về quê, lại về đúng mùa trăng, cuộc hạnh ngộ thật bất ngờ, cuộc sống vẫn thế, đôi khi cái ngẫu nhiên lại tạo nên bước ngoặt. Cách nói “lâu lắm rồi không gặp” như cách nói về bạn cũ nơi cố hương. Cảm xúc như vỡ òa, bao thương nhớ ùa về: Trăng rắc vàng lối ngõ/ Trăng trải vàng con đê/ Trăng nhuộm vàng mái rạ... cả một thời thơ ấu, một thời tuổi trẻ thức dậy từ ký ức: Trăng ngày xưa sáng lắm/ Mẹ cấy đêm đồng làng/ Cha đi cày ruộng sớm/ Ánh trăng vàng mênh mang... Không một chút tô vẽ thêm, tác giả chỉ dùng đúng bút pháp và kỹ thuật của tranh lụa để tái tạo bằng ngôn ngữ bức tranh về làng quê một thuở: Thanh bình, mộc mạc trong hình ảnh; dịu dàng, mơ màng trong màu sắc, đường nét; ngọt ngào, dư ba trong xúc cảm. Rõ là hình ảnh thơ không mới, thậm chí rất quen, rất cũ, nhưng thật lạ, đọc lên không có cảm giác sáo ngữ, cũ mòn. Đã có biết bao bài thơ về trăng từ ca dao đến hiện đại, nhưng nghệ sỹ đồng quê này vẫn vô tư vung bút tạo tác cả một không gian vàng sóng sánh: Trăng rắc vàng lối ngõ/ Trăng trải vàng con đê/ Trăng nhuộm vàng mái rạ/ Trăng nhớ ai trăng về. Bốn câu thơ mà có đến năm từ trăng, thế mà không trùng lặp, không thừa, vì mỗi lần trăng xuất hiện lại ở một không gian khác, với một dấu ấn khác, khi nhẹ nhàng tinh tế “rắc vàng”, khi tràn trề, táo bạo “trải vàng”, khi thẳm sâu, mộc mạc “nhuộm vàng” và hiệu ứng là: Cả một không gian lộng lẫy sắc vàng huyền hoặc. Dám chắc, thời tuổi trẻ tác giả đã nhiều lần bị hút hồn trước những đêm trăng như thế, trong tưởng tượng từng lãng du cùng trăng. Hình ảnh những đêm trăng dát vàng không gian đã khảm vào tâm hồn, kí ức, cho đến một ngày, nó tràn ra trang giấy, hiện lên thành câu chữ. Nhưng, lãng du mà không lãng tử, lãng mạn mà không thoát ly thực tại, tâm hồn ấy dồn tình thương mến, say mê cho nơi chôn rau cắt rốn. Lối ngõ, con đê, mái rạ, mẹ cấy đêm, cha cày ruộng, chị bắt đam... mãi là những hình ảnh không phai mờ trong tâm hồn, ký ức người con quê hương.

Bút pháp của bài thơ ở khổ năm có sự chuyển “tông” gây chú ý, từ tranh lụa sang ký họa, đặc biệt, khắc họa rất tài tình một hình ảnh tâm lý: Chị thạo nghề đồng áng/ giỏi kéo te, bắt đam/ có nhiều đêm thức giấc/ đi dưới trăng, vội vàng. Đầu tiên là hình ảnh thôn nữ tảo tần, tháo vát như hình ảnh bao nhiêu cô gái quê khác. Chữ “thạo” nói lên tất cả, đó là thiếu nữ khỏe mạnh, đảm đang, nhẫn nại - hình mẫu của người mẹ hiền trong tương lai. Dường như thơ văn từ trước đến nay vẫn chỉ quen khắc họa hình ảnh này, phẩm chất này gắn với thiếu nữ thôn quê. Nhưng ở đây, người đọc bỗng bắt gặp hình ảnh lạ của thôn nữ mộc mạc, chân quê: Có nhiều đêm thức giấc/ đi dưới trăng, vội vàng. Bao nhiêu tò mò, phỏng đoán qua hình ảnh này. Đêm trăng, cô ấy đi một mình, đi vội, lại đi lúc rất khuya - thời gian “thức giấc”, và không chỉ một đêm, “nhiều đêm” cơ đấy(!) Hóa ra, trong tâm hồn thiếu nữ lam lũ, mộc mạc, kín đáo kia cũng có một trời những khát khao mãnh liệt và lãng mạn! Nhưng chỉ có một người nhận ra thôi, một kẻ thức cùng trăng để lãng du cùng trăng.

Trong tâm hồn chàng trai trẻ chân quê giàu mơ ước, trăng là cả thế giới của tưởng tượng đẹp đẽ. Trong hình ảnh cậu em này dường như có cả hình ảnh tác giả thuở ấy:

Em ra đồng câu cá

Cả một trời trăng sao

Tình yêu quê lớn dậy

Dưới vầng trăng ngọt ngào.

Hóa ra, những con người của đồng áng kia mới là những người luôn thức cùng trăng, bạn của trăng và trăng luôn dành cho họ tình cảm vô tư, dịu dàng và thương mến nhất. Phải thân nhau lắm, hiểu nhau lắm, biết ơn nhau lắm mới thấy bạn ở trong ta và ta trong bạn, vì vậy, lần đầu tiên trong thi ca Việt Nam có người đồng nhất trăng với mẹ cha, với ruộng đồng, với lúa khoai dịu ngọt:

Ơi vầng trăng quê mẹ

Dịu ngọt và bao dung

Như mẹ cha muôn thuở

Như lúa khoai trên đồng.

Trong cái không khí ồn ào hối hả của nhịp sống hiện đại, giọng điệu của bài thơ giống như thanh âm của bản ballad đồng quê dịu dàng, như ngụm nước giếng thơi ngọt mát, như tiếng sáo diều vi vút đêm trăng!

Nhà văn Nga Ilia Ê-ren-bua từng viết: lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên tình yêu Tổ quốc, vầng trăng cổ tích trong thơ Vĩnh Trị theo mạch cảm xúc ấy, từ tình yêu vầng trăng quê nhà mà thành tình yêu quê hương, đất nước.

Hỏa Diệu Thúy


Hỏa Diệu Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]