(vhds.baothanhhoa.vn) - Kể từ năm 2013, sau khi ra mắt tập thơ đầu tiên, “Hò hẹn với cô đơn” là tập thơ thứ ba tác giả Quách Lan Anh gửi tới bạn đọc. Như thế là bình quân 2 năm nhà thơ trẻ này lại xuất bản một tập thơ. Điều đáng nói, qua cả ba tập thơ, tác giả đều “chung thủy” với một đề tài: Tình yêu đôi lứa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về tập thơ ‘Hò hẹn với cô đơn’ của Quách Lan Anh

Kể từ năm 2013, sau khi ra mắt tập thơ đầu tiên, “Hò hẹn với cô đơn” là tập thơ thứ ba tác giả Quách Lan Anh gửi tới bạn đọc. Như thế là bình quân 2 năm nhà thơ trẻ này lại xuất bản một tập thơ. Điều đáng nói, qua cả ba tập thơ, tác giả đều “chung thủy” với một đề tài: Tình yêu đôi lứa.

Trong không khí đổi mới, mọi sinh hoạt, ngõ lối văn chương, không có đề tài nào là cấm kỵ với người làm thơ, cốt sao phản ánh được cái giá trị: chân - thiện - mỹ, thuyết phục được người đọc, để thơ có sức lan tỏa và sống lâu bền trong lòng bạn đọc.

Thơ tình vốn là đề tài hấp dẫn từ xưa đến nay, nhưng làm một bài thơ tình hay đã khó, xuất bản một tập thơ tình “đọc được” càng khó hơn. Làm sao người đọc có thể chia sẻ với mình đọc hết tập thơ, chứ không bỏ dở khi mới đọc được vài ba trang...

Tình yêu đôi lứa là cái muôn thuở, thời kỳ nào cũng được tôn vinh, được các thi sĩ ngợi ca. Nhưng mỗi thời, cuộc sống mỗi khác, tiến triển mỗi khác, chỉ tình yêu lứa đôi - phẩm chất thiêng liêng như một “đặc ân” trời ban cho con người là bất biến. Bởi thế quan niệm về tình yêu, động cơ của tình yêu có khác. Thơ viết về tình yêu cũng khác.

Tập thơ “Hò hẹn với cô đơn” của Quách Lan Anh (Nhà XB Hội Nhà văn, 2017) - tập thơ viết về tình yêu đôi lứa dưới hình thức tự sự, giãi bầy của tác giả, gồm 54 bài. Ngay đầu sách, người viết “Lời giới thiệu” đã nhận xét: Tác giả rất “dũng cảm đi trên con đường quá quen thuộc để tìm ra hương vị mới... nó không phải là tập thơ dễ đọc vì cả tập thơ là một dòng tâm trạng...”. Đấy là lời khen, nhưng cũng là lời khuyên nhà thơ khi “xông” vào đề tài đầy “thử thách” này.

“Đi” suốt tập thơ bàng bạc một nỗi buồn: Những giận hờn trách móc, ân hận, nuối tiếc, đớn đau... về những cuộc tình đổ vỡ: “Đời hai lối/ Bởi vì không thể khác/ Như thu sang cây lá sẽ úa vàng/ Yêu như thể ngày mai ta sẽ chết/ Thôi cũng đành tình ấy chít khăn tang...” (Rồi anh sẽ hôn môi người khác). Những bài thơ tình của tác giả bộc lộ tâm trạng người đàn bà chịu hậu quả của những mối tình lừa dối, phụ bạc... Khác với tâm thế “chịu trận” ở các tập thơ trước, tập thơ này của Lan Anh đã mang hơi hướng, chút chất “Hồ Xuân Hương” khi nói trắng ra sự mất mát, nỗi bẽ bàng: Đêm trăng yếm lỏng môi son/ Hương ai ăm ắp như còn mơn man/ Là em thương cái hồng nhan/ Thương thân cò vạc/ đa đoan kiếp người/ Nụ thanh tân bán đi rồi/ Em mua lại được ngàn lời đắng cay... (Thương cái hồng nhan).

Bài thơ “Muốn tu lại sợ lời nguyền”, bộc lộ một cách phản ứng: nín nhịn, chịu đau một mình, tự dằn vặt bản thân, và tự an ủi tất cả là do số phận: “Trách gì nhau/ Trách gì trời/ Trách mình tự vướng vào nơi muộn phiền/ Chuông chùa thánh thót cửa thiền/ Muốn tu lại sợ lời nguyền ba sinh/ Bán khôn mua một chữ tình/ Tôi về đóng cửa khóc mình đa đoan...”.

Trong những bài thơ tình của Lan Anh, “Chờ một ngày hồi sinh”, có lẽ là bài thơ hay nhất của chị: bài thơ có tứ, cấu trúc lớp lang... Từ nhìn gần đến xa, từ quanh mình ra không gian mênh mông... để tìm kiếm bóng dáng anh chàng “họ Sở”, nhưng đúng là anh ta đã xa chạy cao bay: “Tôi cứ tìm dưới cỏ/ Lời hứa người đánh rơi/ Thấy hạt sương trong vắt/ Nắng lên vỡ tan rồi/ Tôi đi tìm dưới biển/ Niềm vui như ngọc châu/ Biển dâng lòng chát mặn/ Tôi nhận về nỗi đau/ Tôi lại tìm trong nắng/ Tôi của ngày hôm qua/ Bao hồn nhiên dịu ngọt/ Đã mỗi ngày một xa/ Đời vẫn hờ hững thế/ Bạc bẽo và lạnh căm/ Người vẫn thờ ơ thế/ Gần gũi mà xa xăm/ Tôi tìm nhành hoa trắng/ Để tang một cuộc tình/ Chôn hạt đau xuống đất/ Chờ một ngày hồi sinh”.

Như vậy là mọi tìm kiếm, hy vọng đều tan biến, chỉ còn sự tẻ nhạt, lạnh căm... Thực sự cuộc tình ấy đã chết! “Chôn hạt đau xuống đất/ Chờ một ngày hồi sinh” - chính là thêm một lần làm “tang” cho cuộc tình ấy.

Nhưng khi Quách Lan Anh viết: “Xin anh/ Một lần sống thật với mình”:

Hãy cùng em một lần đón bình minh/ trong cơn mê tình xua đi cơn khát/ Một lần thôi cho tim mình thoát xác/ Và tình yêu hòa tấu khúc hoan ca/ Đừng tặng em ký ức nhạt nhòa/ Đến môi hôn cũng chưa từng chạm/ Em sợ sẽ lạc nhau khi sang kiếp khác/ Nếu bây giờ không nhau... (Một lần trọn vẹn với tình em).

Tác giả đã quá tay, vô tình trở thành điều có thể khuyến khích lớp trẻ? Có ý kiến rằng: “những ý nghĩ, những sự việc tác giả nói trong thơ, không phải bản thân nhà thơ như thế đâu. Mà đó là nhà thơ nói hộ người khác...”

Thế thì còn ai tin nhà thơ nữa, nếu nhà thơ không viết từ trái tim mình, từ những chiêm nghiệm thực tế, chắt lọc từ muôn màu cuộc sống, từ cái tốt, xấu, thiện, ác... hướng con người ta sống tốt đẹp hơn?. Công chúng bạn đọc không cần nhà thơ phải “thương vay, khóc mướn”, và nếu như là “thương vay khóc mướn”, thơ phỏng có nghĩa lý gì...

Cuộc sống với muôn vàn màu sắc, cả những thách thức trên bước đường tiến về phía trước, cần lắm những áng thơ văn làm lay động lòng người, đỡ dìu họ tựa những cơn gió mát lành trong nắng khô hanh.

Trịnh Ngọc Dự


Trịnh Ngọc Dự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]