(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Một tập thơ đầy đặn với 345 trang, quy tụ hơn 130 tác giả, những cây bút đã từng nổi tiếng một thời, những nhà thơ chuyên và không chuyên, ai ai cũng muốn nói lên tấm lòng yêu mến quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về tập thơ ‘Vĩnh Lộc - tình yêu và nỗi nhớ’

(VH&ĐS) Một tập thơ đầy đặn với 345 trang, quy tụ hơn 130 tác giả, những cây bút đã từng nổi tiếng một thời, những nhà thơ chuyên và không chuyên, ai ai cũng muốn nói lên tấm lòng yêu mến quê hương.

Vùng đất cổ Vĩnh Lộc đã từng là mảnh đất kinh kỳ, thủ đô của vương triều nhà Hồ (1400 - 1407).

Vĩnh Lộc cũng là nơi tụ hội, nơi sinh ra những tướng quốc lừng lẫy, những trạng nguyên, Bảng nhãn. Những cái tên: Trần Khát Chân, Trịnh Tuệ, Nguyễn Phóng, Tống Duy Tân... cùng với 253 di tích lịch sử được xếp hạng, đứng đầu danh sách đó là Thành Nhà Hồ, đã khẳng định Vĩnh Lộc từng là đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ còn nguyên giá trị lịch sử đang tồn tại trên các bia đá, vách núi, đền thờ, hang động cho ta thấy Vĩnh Lộc đã hội tụ biết bao thi nhân, mặc khách để lại cho chúng ta nhiều áng thơ văn, nhiều câu chuyện bi tráng và những bài học lịch sử đắt giá.

Kế tục sự nghiệp nền văn chương ấy, ngày nay chúng ta lại được cầm trên tay nhiều tập sách có giá trị văn học, nghệ thuật, mới nhất là tập thơ “Vĩnh Lộc tình yêu và nỗi nhớ”.

Lần giở tập thơ ta bắt gặp một nhà thơ lão thành cách mạng - Cụ Đặng Văn Minh (sinh năm 1919) đã ngót một trăm tuổi đời và bảy mươi tuổi Đảng, nhưng cụ luôn đau đáu nhớ về Vĩnh Lộc bằng những vần thơ đầy tình cảm thương nhớ. Trong bài Thành Tây Giai cụ viết: Tây Giai thành cổ nhà Hồ/ Nguy nga, đồ sộ quy mô vững vàng/ Sáu trăm năm chắc như gang/ Bão giông, nắng gắt, mưa chan chẳng sờn...

Nhà thơ Lê Quang Sinh quê ở làng Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc cũng là người con hiếu thảo, dù ở xa quê nhưng hình bóng quê nhà luôn ở trong thơ anh: Đường quê đầy vết sống trâu/ Thương đôi guốc phố lần đầu về thăm/ Xóm làng bề bộn cuối năm/ Lá tre rải đến tận sân em vào...

Nhà thơ Ngô Xuân Tiếu, viết về người mẹ tảo tần, về màu vàng của hoa cải, về một triều vua đã trị vì trên quê, về khí phách vị tướng lĩnh triều Hồ, đó là Trần Khát Chân: Lắp đầu rơi rồi lên ngựa vung roi/ Con ngựa biết không còn chủ cưỡi/ Hóa gò các nổi bên sông/ Gò “cổ ngựa” kia - sông Mã nghẹn dòng...

Nhà thơ Huy Trụ nhớ làng anh bằng những vần thơ: Tôi lần trở lại dòng sông/ Dòng sông Mã của đục, trong một đời/ Cái làng Bồng Thượng của tôi/ Nổi lên như tấm bia trời bên sông...

Lê Khắc Tuế một đời gắn bó với quê hương để sưu tầm, lưu giữ và viết sách làm thơ về quê hương mình. Trong tập thơ này, ông có hai bài là Ký ức làngPhố Giáng:Phố Giáng thuở ấy nhà lá đơn sơ/ Ngọn đèn dầu khi mờ, khi tỏ/ Vẫn sáng trong tấm lòng rộng mở/ Nghĩa đồng bào tiền tuyến hậu phương.

Ông Nguyễn Văn Thiện quê ở làng Hà Lương, xã Vĩnh Thành, nhớ về quê trong bài thơ Người về Vĩnh Lộc: Ai về Vĩnh Lộc quê tôi/ Trái tim dào dạt, người ơi đợi chờ...

Nhà thơ Lê Văn Sự, tập thơ này ông có 7 bài, mỗi bài khắc họa về làng mình, về ngọn núi, dòng sông, con người của Vĩnh Lộc xưa và nay. Trong bài Trước đền Bình Khương ông viết: Sáu trăm năm rồi thời gian đi qua/ Chuyện nàng Bình Khương không bao giờ nhạt/ Tảng đá dập đầu và ngón tay tóe máu/ Nàng minh chứng cho chồng bổng chốc hóa mênh mông.

Trong bài thơ Miền quê xanh, tác giả Phạm Văn Chấy kể hết những địa danh đất và người đã đi vào dấu ấn lịch sử: Những địa danh nghe sáng dạ, ấm lòng/Di chỉ Còng thôn, phà Công Đa Bút/Muôn thuở lưu danh địa linh nhân kiệt/Miền quê này đẹp lắm anh ơi.

Có một người con gái xinh đẹp ở xã Vĩnh Ninh. Tuổi thanh xuân chị vào quân ngũ đi chống Mỹ cứu nước, chuyển ngành làm bác sỹ và làm thơ. Trong tập thơ này chị có bốn bài. Trong bài Gái xứ Thanh chị viết: “Câu thơ mặn nhạt miếng trầu/Khéo têm thì đỏ môi nhau cả đời/Đi tìm con chữ bỏ rơi/Em mang chắp lại câu vời vợi yêu”.

Mai Hương là nữ nhà báo, nhà thơ. Chị công tác ở Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa. Xa quê, chị làm thơ để gửi gắm nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, ca ngợi quê mình giàu đẹp. Trong bài Miền quê di sản chị viết: “Quê mình đẹp lắm em ơi/ “Thanh Kỳ khả ái” có đôi rồng chầu/Lỗi giang rồng mẹ sông sâu/Dệt nên bờ bãi một mầu thắm xanh/Bái Giang uốn khúc quanh quanh/Áp vào lòng mẹ ngoan lành về xuôi”.

Một người con Vĩnh Lộc ra đi đã trưởng thành. Ông mới 42 tuổi đã làm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Việt Nam. Ông gửi gắm tình yêu và nỗi nhớ quê hương bằng những vần thơ “Quê ta có kinh đô thành cổ/ Có đàn Nam Giao, phủ Trịnh, đền Trần.../ Mỗi bước chân trên quê hương trĩu nặng/ Một đời người vương vấn thế gian”.

Trong tập thơ, nhiều người nhắc đến chè lam Phủ Quảng. Riêng nhà thơ Đoàn Kiềm lại gắn đặc sản này với tình làng nghĩa xóm: Đêm trăng trải chiếu giữa sân/ Cùng chè lam kể chuyện gần, chuyện xa/ Trầu cau nên nghĩa đôi ta/ Chè lam dịu ngọt, đậm đà thủy chung.

Phạm Quý Vị nhớ quê. Qua những vần thơ lục bát, anh nhắc đến canh rau cải thìa, cá trê thả đầm, lươn, ốc nấu lá lốt: Về quê ăn bữa cà nhăm/ Chấm với mắm tép mẹ làm đã lâu/ Về quê ăn bát canh bầu/ Nấu cá chuối đốt cha câu ngoài hồ...”.

Nguyễn Thị Nhường, trong chặng đường mấy chục năm xa quê đi làm cách mạng cho đến khi tuổi cao chị vẫn luôn gắn kết với quê hương. Để Vĩnh Lộc - tình yêu và nỗi nhớ ra đời, phải nói rằng chị đã phải dành nhiều công sức để trăn trở, tập hợp, biên soạn. Trong bài Nhớ về quê mẹ chị viết: Nhớ về quê mẹ xa xôi/ Thời gian lắng đọng trong tôi nghĩa tình/ Nhớ cây đa, nhớ mái đình/ Lung linh bến nước in hình đôi ta/ Đã bao năm tháng đi xa/ Thương cha nhớ mẹ thiết tha nghẹn ngào.

Đọc hơn ba trăm trang thơ của 134 tác giả, cho ta thấy tình yêu quê hương và nỗi nhớ quê nhà luôn ẩn hiện trong mỗi con người mỗi tác giả. Dù người đó là con của Vĩnh Lộc hay chỉ là bạn thơ, ai ai cũng yêu quý và coi Vĩnh Lộc như quê mình.

Trong một thời lượng chật hẹp, không cho phép tôi nhắc nhiều, điểm hết được những câu thơ hay của các tác giả. Trong bài viết này cũng không có tham vọng bình những câu thơ, bài thơ hay, mà chỉ làm việc thống kê những câu thơ, những con người của Vĩnh Lộc đã gói trọn đời mình với quê qua những vần thơ lấp lánh tình yêu và nỗi nhớ quê nhà Vĩnh Lộc.

Trần Đàm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]