(vhds.baothanhhoa.vn) - “Dậy đi thôi, cáy đang độ ngon nhất trong năm đấy con ạ”. Câu ấy chả biết mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi. Sống ở làng thời bao cấp mọi thứ đều phải tự cung, tự cấp. Trong đó không thể thiếu những vại mắm cáy sông Hoạt. Con sông là một chi lưu của sông Lèn, chảy qua cánh đồng làng để hòa vào biển mẹ. Mùa mưa bão, nước sông dâng cao đe dọa cánh đồng làng và nhiều nhà ở. Tiếng trống hộ đê thúc liên hồi, người làng tất tả di chuyển những chú lợn, ổ gà, bì lúa, bì khoai đi gửi. Chỉ có lũ trẻ là vô tư chạy lên bờ đê để nhìn dòng nước đục ngầu dâng cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị của đồng làng

“Dậy đi thôi, cáy đang độ ngon nhất trong năm đấy con ạ”. Câu ấy chả biết mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi. Sống ở làng thời bao cấp mọi thứ đều phải tự cung, tự cấp. Trong đó không thể thiếu những vại mắm cáy sông Hoạt. Con sông là một chi lưu của sông Lèn, chảy qua cánh đồng làng để hòa vào biển mẹ. Mùa mưa bão, nước sông dâng cao đe dọa cánh đồng làng và nhiều nhà ở. Tiếng trống hộ đê thúc liên hồi, người làng tất tả di chuyển những chú lợn, ổ gà, bì lúa, bì khoai đi gửi. Chỉ có lũ trẻ là vô tư chạy lên bờ đê để nhìn dòng nước đục ngầu dâng cao.

Vị của đồng làng

Minh họa: Hà Hiếu

Dữ dằn là vậy nhưng con sông cũng đem lại nguồn thủy sản không hề nhỏ. Có ba thứ sinh ra từ dòng sông không thể không nhắc đến. Đó là cá bống, tôm lớt, nhưng nhiều và đặc biệt hơn cả là cáy. Cáy rộ vụ vào tháng 5, kéo dài đến khi bão sầm sập đem gió biển vào cửa sông. Ở làng hồi ấy nhà nào cũng có vại mắm cáy. Nhà ít thì một vại, nhiều có vài ba vại gối nhau.

Cáy sống nhiều nhất ở vùng cửa sông, bên những cánh đồng cói. Cáy sợ người, nhưng cũng có những phút giây rất nghệ sĩ. Chúng kéo đàn ra mép nước hay những doi đất mà nước vừa rút để nhả bọt như kiểu nấu cơm sôi, giương đôi mắt lên trong nắng. Gặp người chúng chạy tán loạn. Nhưng chúng tôi có kỹ năng bắt cáy đến điêu luyện, cáy có trốn vào đâu cũng khó để thoát.

Từ làng ra cửa sông đi bộ mất vài chục phút nên mẹ thúc chúng tôi dậy sớm cũng phải. Còn cho tỉnh ngủ và cũng cần phải cho cái gì vào bụng để đủ sức đánh vật với lũ cáy cho đến tận khi mặt trời đứng bóng. Hôm nào may thì còn ít cơm nguội, còn chủ yếu là khoai lang. Cuộc sống khó khăn nhưng không khí lao động ở nông thôn hồi ấy thật sôi nổi và tình cảm.

Vào chính vụ cáy có nhà một ngày bắt được vài giỏ để bán. Cáy ngon nhất thường được giữ lại để làm mắm tích trữ cho cả năm.

Cáy bắt về không chế biến ngay mà thả vào những chiếc lu cho chúng thải chất bẩn, sau đó mới rửa sạch, bóc yếm, tháo gộp, trộn muối trắng, theo công thức 3 bát cáy một bát muối rồi cho vào cối giã nhuyễn. Nhuyễn đến mức sờ vào có cảm giác mát mịn ở tay mới cho vào vại, phủ thêm lớp muối lên mặt rồi dùng chiếc vỉ tre đè xuống, miệng vại bịt bằng tấm vải màn, đem phơi nắng. Nắng đều thì khoảng nửa tháng thì mắm ngấu. Muốn mắm ngon thì phơi lâu hơn. Mắm phơi kỹ, chắt ra cất vào chai thủy tinh hoặc đồ sành sứ có thể để được cả năm.

Ở quê tôi, mắm cáy ngon nhất là dùng để chấm thịt lợn luộc. Nhưng đó chỉ là mơ ước, bởi hồi ấy lấy đâu ra thịt để chúng tôi cứ thích là được ăn. Phải vài tháng hoặc vào ngày giỗ, ngày tết mới có thịt. Mắm cáy chủ yếu dùng để chấm các loại rau luộc, cà sống, cà muối. Củ khoai luộc muốn đổi vị chấm với mắm cáy ăn cũng không đến nỗi nào...

Mắm cáy hơn cả một thứ đặc sản của cánh đồng làng, của một vùng cư dân cửa sông, còn là thứ để đổi lấy nhiều hàng hóa khác hoặc bán cho người dân ở vùng đồng bái, đồng chiêm phía trong để lấy tiền mua sách vở cho con cái học hành… Tuổi thơ của nhiều đứa trẻ ở làng có nhiều thứ để nhớ, nhưng không thể không nhớ đến vại mắm cáy.

Khi đã làm ra mắm cáy rồi còn phải có những thứ để ăn với mắm cáy. Chúng tôi thường phải đi bộ vài cây số để hái rau khoai ở những cánh đồng màu phía trong. Rau khoai ngon nhất là sau mưa, non mềm, không chát, chấm với mắm cáy ăn không biết chán.

Tất nhiên, những rổ rau khoai không đến dễ dàng. Những đứa trẻ vừa hái vừa lo bị đội bảo nông bắt được. Thành ra chúng tôi phải cắt cử hai đứa đứng gác hai đầu đường, những đứa khác vào hái ngọn, sau đó chia đều. Cẩn thận là thế nhưng cũng có những lần bị bảo nông đuổi chạy bán sống, bán chết, có đứa lăn qua những luống khoai, vứt cả rổ rau để thoát thân.

Biết là để có những bữa rau thật không dễ dàng, nhưng chẳng còn cách nào khác, vì chỉ có rau khoai chấm với mắm cáy chắt cốt mới ngon tột đỉnh. Vị của đồng làng chính là cáy và những ngọn khoai lang luộc. Nó như một sản vật không chỉ trong giai đoạn hết sức khó khăn, mà bây giờ vẫn thế.

Những thành viên trong gia đình tôi vẫn nói đùa rằng: “Có cáy đổ vạ cho cơm”. Cơm mà ăn với ngọn khoai lang luộc hoặc cà sống chấm mắm cáy thì biết bao nhiêu cho vừa. Tôi thường đặt mua mắm cáy ở quê, phần để chiều vị giác của mình, phần để nhớ về một thời tuổi thơ đi bắt cáy đầy sôi nổi.

Trên nhóm chát với lũ bạn hồi nhỏ câu chuyện bắt cáy, trộm rau khoai lâu lâu lại được nhắc đến, nhiều đứa kể lại những kỷ niệm rồi cả nhóm lặng đi.

Có lần những đứa con tôi hỏi, nó là thứ mắm gì mà bố, mẹ ăn không biết chán? Tôi chỉ có thể nói rằng, đó là một thời tuổi thơ. Những ký ức đẹp đẽ với mảnh hồn làng, với hương vị quê nhà của thế hệ bố, mẹ đều ở đó cả. Nói vậy, nhưng tôi tin là những đứa trẻ chưa thể hiểu ngay ra được.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]