(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Câu chuyện về người phụ nữ, cùng 2 con trên đỉnh núi Nhồi hướng mặt về Biển Đông, chờ chồng đến hoá đá! Chuyện tình đẫm lệ ấy bao đời nay vẫn được nhân dân xứ Thanh nhắc lại - biểu tượng rực sáng về tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung bất diệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vọng phu... còn mãi!

(VH&ĐS) Câu chuyện về người phụ nữ, cùng 2 con trên đỉnh núi Nhồi hướng mặt về Biển Đông, chờ chồng đến hoá đá! Chuyện tình đẫm lệ ấy bao đời nay vẫn được nhân dân xứ Thanh nhắc lại - biểu tượng rực sáng về tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung bất diệt.

Mối tình “đẫm lệ”

Với độ cao khoảng gần 300m so với mực nước biển, núi Nhồi được xem là tấm bình phong án ngữ phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Từ xa chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hình tượng quen thuộc tựa người phụ nữ và 2 con trên đỉnh núi, ngóng trông ra biển. Vượt cung đường dốc đứng, uốn lượn đầy mạo hiểm, cuối cùng chúng tôi cũng đạt được thỏa nguyện. Từ đỉnh núi chúng ta có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của đồng bằng bát ngát, phì nhiêu, xen lẫn những miền quê trù phú (thuộc các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Tp. Thanh Hóa...).

Phiến đá cao trụng trượng trước mắt chúng tôi tựa hình tượng người phụ nữ, người vợ ngóng chồng, cao khoảng hơn 20m, rộng nhiều người ôm; 2 chóp núi phía sau là hình tượng người con đang cùng mẹ hướng mặt biển Đông. Ông Lê Văn Ca - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Hoạch cho biết: Núi Nhồi nói chung và di tích Hòn Vọng Phu nói riêng rất linh thiêng, luôn luôn được nhân dân làng Nhồi trân quý gìn giữ. Dù khai thác đá ở bất kỳ ngọn núi nào nhưng với ngọn núi này thì không ai dám mạo phạm, kể cả lấy đi một viên đá...

Khi chúng tôi tò mò về câu chuyện tình vọng phu, ông Ca trầm giọng kể: Hòn Vọng Phu có đã rất lâu đời. Xoay quanh đó là truyền thuyết về mối tình thủy chung son sắt của người vợ dành cho người chồng được người dân trong làng lưu truyền lại. “Vì là truyền miệng nên cũng có những dị bản khác nhau” - ông Ca nhấn mạnh.

Đó là câu chuyện về một đôi vợ chồng dù nghèo khó nhưng cuộc sống rất hạnh phúc cùng hai người con (một trai, một gái). Một hôm trời nổi mưa gió, đôi vợ chồng rảnh rỗi ở nhà, người vợ đã ngả đầu mình bên chồng nhờ bắt chấy. Trong lúc người chồng vạch tóc vợ ra thì giật mình khi nhìn thấy vết sẹo dài của vợ giống y vết sẹo năm xưa anh đã trót lỡ gây ra cho người em gái.

Lo sợ, người chồng liền hỏi vợ về vết sẹo trên đầu thì mới tỏ chuyện năm xưa. Ngày trước, bố mẹ sinh được hai anh em. Một hôm, bố mẹ đi làm nương rẫy, bảo anh trai ở nhà phải chăm sóc em gái. Hôm đó, trong lúc anh trai gọt mía do vô tình chém vào đầu em chảy máu. Vì sợ bố mẹ biết chuyện, anh trai vội băng bó vết thương cho em rồi bỏ nhà ra đi biệt tích.

Nghe đến đây, người chồng vô cùng hoảng loạn. Không ngờ rằng, người vợ đầu gối, tay ấp bao năm qua lại chính là em gái ruột của mình. Trước thực tại trớ trêu, người chồng không đủ can đảm để nói với vợ tất cả sự thật rằng mình chính là người anh trai bỏ đi biệt tích năm xưa. Không dám đối diện với thực tại trớ trêu đó, người chồng đã lấy lý do đi về phía Đông (ra biển) đánh bắt cá, rồi từ biệt vợ con mãi mãi.

Ba mẹ con không thấy bố về, liền leo lên đỉnh núi Nhồi, ngồi ngó về hướng chồng đi chờ tin tức. Chờ mãi, hết ngày này qua ngày khác, nhưng càng ngóng càng vô vọng... Dần dần, họ đã hóa thành đá trên đỉnh núi Nhồi mà ngày nay người dân gọi là núi Vọng Phu.

Cần nhà đầu tư về du lịch

Tiến lại gần phiến đá mang hình tượng người phụ nữ, phía dưới là dòng chữ Hán, theo người dân thì đó là dòng chữ của Tổng đốc xứ Thanh, đến đây khoảng hơn 100 năm về trước. Cảm động khi nghe câu chuyện về người vợ thủy chung chờ chồng đến hóa đá, Tổng đốc đã tự tay khắc 4 chữ “trinh tiết liệt nữ” để ca ngợi. Ngoài ra, còn có nhiều danh sỹ khác như Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã cảm tác bài thơ “Vọng phu thạch”: “Đá chăng?Người đó? Chi đây?/ Một mình trên ngọn núi này ngàn năm...”

Điều đặc biệt, ngay từ dưới chân núi lên đến đỉnh vọng phu có rất nhiều những viên đá nhỏ nằm trải dài, bao phủ bề mặt núi. Từ dưới đi lên, dù được lót thảm bằng lớp bê tông mỏng uốn lượn nhưng để có thể chinh phục được tới nơi không phải là điều dễ dàng. Nhiều du khách khi đến đây, do những trở ngại trên mà đành bất đắc dĩ phải đứng từ dưới chân núi để quan sát. Mong mỏi về sự đầu tư, phát triển du lịch là mong ước bao đời của nhân dân nơi đây cũng như nhiều du khách thập phương.

Chị Phạm Thị Thu - Cán bộ văn hóa phường An Hoạch cho biết: Cụm di tích núi Nhồi được công nhận là Di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1992. Trong cụm di tích nổi lên với Hòn Vọng Phu, di tích chùa Hinh Sơn, chùa Tiên Sơn, lăng Quận Mãn, đền Thượng. Tuy nhiên, từ khi được công nhận tới nay gần như chưa nhận được sự đầu tư nào. Để có thể phát triển du lịch nơi đây, điều kiện cần bây giờ là có nhà đầu tư.

Chị Thu nuối tiếc vì cũng từng có nhà đầu tư đến liên hệ, khảo sát nhưng do những vướng mắc về giải phóng, di dời, đền bù cho 100 hộ dân đang nằm trong vùng di tích mà phải từ bỏ. Phường cũng đã đưa ra phương án, quy hoạch được khu tái định cư cho các hộ dân, còn khâu đền bù thì dự liệu sẽ bán một số lô đất để giải quyết những bất cập trên.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]