(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày nào thằng Dỉ cũng nói về cái xe máy. Nó bảo sẽ mua cái xe Wave Tàu thôi, hết hơn mười triệu là cùng, sao bố mẹ nghĩ lâu thế. Nó sẽ mua xe màu đỏ. Bọn con gái thích màu đỏ. Con Ngọc mà ngồi trên cái xe màu đỏ phóng vun vút thì sáng rực cả đường núi.

Xe máy đỏ

Ngày nào thằng Dỉ cũng nói về cái xe máy. Nó bảo sẽ mua cái xe Wave Tàu thôi, hết hơn mười triệu là cùng, sao bố mẹ nghĩ lâu thế. Nó sẽ mua xe màu đỏ. Bọn con gái thích màu đỏ. Con Ngọc mà ngồi trên cái xe màu đỏ phóng vun vút thì sáng rực cả đường núi.

Xe máy đỏMinh họa: Hà Hiếu

Nó bỏ học mấy ngày. Cô giáo phải lên tận nhà xem vì sao bỏ học. Bố mẹ không nói được lời nào với cô giáo. Nó lại ngang nhiên bảo tại bố mẹ không đưa tiền để mua xe máy đi học.

Cô giáo vừa buồn cười, vừa bực nó. Cô phải nói nó chưa đến tuổi được đi xe máy. Học đến lớp mười nó mới đủ mười tám tuổi để được đi xe máy. Nhưng vẫn đang là học sinh thì cũng chưa được đi xe máy, mua về làm gì.

Mẹ buồn, định giấu cô giáo, nhưng lại nghĩ, chắc chỉ có cô giáo nói nó mới nghe. “Cô giáo à, nó bảo mua xe máy để đèo con gái, sang năm học xong là lấy vợ đấy”.

- Ô, không được đâu bố mẹ Dỉ ạ! Sang năm học hết lớp chín thì phải xuống huyện học cấp ba chứ, sao lại ở nhà lấy vợ? Mà Dỉ chưa đủ tuổi lấy vợ đâu. Hai mươi tuổi mới được lấy vợ chứ. Phải đi học, rồi đi làm thì có tiền lấy vợ được mà.

Những điều cô giáo nói bố mẹ nghĩ mãi rồi. Khó làm lắm! Thằng Dỉ không chịu đi học. Cứ thế này mà bỏ học thì phí mấy năm học trước đây quá.

Nó ăn không ăn, chơi không chơi, cũng chẳng làm việc gì, cứ nằm ệp như bó lanh ngâm nước. Đến giờ tan học nó ra ngưỡng cửa ngồi ngóng xuống xã. “Giờ này bọn nó đang về đấy. Nhưng hôm nay mấy thằng còn phải đợi bọn lớp tám học tiết 5 nên tí nữa mới phóng qua đây. Chúng nó mà đi qua thì tôi phải trốn vào buồng. Bố mẹ ngồi đây mà xấu hổ đi”. Nó lảm nhảm một mình chứ có ai ở nhà nghe đâu. Bố mẹ còn phải làm nương. Nhà chỉ đủ ngô cho người, cho lợn. Con bò còn không dám bỏ tiền ra mua thì sao ngồi đây nghe nó được.

Bố đã bàn với mẹ hay là lấy tiền ấy mua một con bò cái về nuôi. Rồi con bò ấy sẽ đẻ ra bò con. Bò sẽ lớn rồi bán đi mua xe máy cho nó. Nhưng số tiền đang có cũng không đủ mua một con bò, đợi được đến ngày ấy thì nó chết vì mong có xe máy rồi.

Con cái bây giờ không biết thương bố mẹ. Cho đi học chữ thì phải biết những điều tốt hơn chứ sao càng ngày càng nghĩ những điều không tốt thế nhỉ.

Cứ kéo dài mãi khéo nó chết thật. Bố mẹ đành nghe thôi. Đằng nào thì tiền hay xe máy cũng là để lấy con dâu về. Nó chọn xe để đèo con gái mà vẫn lấy được vợ thì cũng phải nghe thôi.

*

Cái xe máy đỏ chót lao huỳnh huỳnh đến trước cổng. Nó xuống, chặt bay ngưỡng cổng để lao xe vào. Bố đứng từ chuồng lợn nhìn ra không dám nói gì. Nó mà đã quyết làm thì bố không đủ lý mà nói lại. Nó quẳng cái ngưỡng cổng vào bếp, bảo mẹ đun.

- Để tối còn gài cổng không có mai gà chui ra sớm quá, không tốt.

- Mẹ tự gài đấy, tôi không biết đâu.

Nó chẳng để ý đến việc gì ngoài ngắm cái xe. Tấm tắc bảo vừa đèo con Ngọc về nhà rồi. Về nhà nó một tí là xong, lên đến nhà mình xóc quá, vừa đau tay vừa tốn xăng.

- Sáng mai bố phải bám vào đây để đẩy tôi lên đến chỗ hồ treo đấy nhá. Đến đó thì tôi tự phóng xuống trường.

- Bố có làm được không?

- Dễ thôi. Đây, bám hai tay vào đuôi xe. Đẩy nó lên. Lúc nào tôi bảo đẩy thì đẩy, bảo bỏ ra là bỏ ra. Tôi vào số, đi số một là phóng lên dốc cổng thôi mà. Sao cái dốc cổng nhà mình cao thế nhỉ, lại toàn đá lỏng chỏng. Mai bố ở nhà làm đường từ cổng lên chỗ hồ treo cho phẳng để tôi đi. Đường này chỉ có ngựa mới đi được chứ xe đẹp này của tôi đi thì nhanh hỏng lắm. Mà ngựa nhà không có, đường toàn đá to thế này chỉ có bố mẹ mới đi được.

Mẹ lẳng lặng vào nhà. Bố vẫn đứng cửa chuồng lợn. Nó sờ nắn, ngắm nghía xe.

Bố cũng nghĩ ngày mai cả bố và mẹ phải nghỉ nương để làm con đường tốt hơn cho nó đi xe máy. Bố xót cái xe quá nhiều tiền. Đấy là con dâu của bố, phải chăm lo cho nó, đến khi đứa con gái nào đó ngồi sau xe vào nhà này. Bố phải chuẩn bị con gà trống để bất kỳ lúc nào nó đưa con gái về còn có gà mà cúng tổ tiên.

Sáng sớm tinh mơ nó đã dậy gọi ầm nhà. Mẹ dậy đồ mèn mén cho nó ăn để đi học. Bố dậy chăn lợn, rồi đẩy xe cho nó. Ở nhà đi mượn búa về đập nhỏ đá đi để chiều đi học về còn dễ phóng vào nhà.

Nó dắt cái xe ra gần cổng. Mẹ chưa bỏ cái ngưỡng cổng tối qua đã gài chắn gà ra sớm. Nó đá phăng một cái, ngưỡng cổng bay xuống vực. Quát ầm lên, đã bảo muốn giữ lại thì phải dậy sớm bỏ ra cho xe máy đi. Càng già càng chậm chạp, cứ nghĩ những gì không biết nữa.

- Bố, đến đẩy xe đi. Nhanh lên không tôi có xe mà vẫn muộn học đấy. Phải đẩy cẩn thận. Làm xước sơn là xấu xe đấy. Xước là bố phải đưa tiền cho tôi đi sơn lại. À, cho tôi hai mươi nghìn để mua xăng. Hôm qua được cho một ít xăng thôi, hôm nay xuống xã phải mua thêm.

- Sao nhiều thế? Hai mươi nghìn nhiều quá!

- Hai mươi nghìn còn chưa được một lít đấy.

- Nhưng mà...

- Thế không có xăng thì còn gọi gì là xe máy, hở?

- Mười nghìn có được không?

- Mười nghìn còn không đủ đưa con Ngọc về, rồi thì tôi dắt xe về à?

- Thế ngày nào cũng phải đổ xăng à?

- Bố đưa năm mươi nghìn thì được ba bốn ngày.

Bố thần ra, nghĩ xem đến khi có con dâu thì hết bao nhiêu tiền xăng. Khoảng một tháng thì còn lo được. Hơn nữa thì không có tiền mua xăng để lấy dâu.

- Được rồi. Bố đẩy đi. Mạnh vào thì mới có đà lao lên hết dốc. Đến nửa chừng mà dừng lại là bố và tôi xuống vực đấy.

Bố lấy đà, hết sức đẩy xe. Nó ngồi trên xe, chân bấm số một. Tay vít ga lao lên. Xe lao vụt lên. Bố chới với, sắp ngã sấp mặt xuống đường đá. Nhưng không để nó biết, nó sẽ mắng. Bố bám tiếp và lại chạy đẩy hết sức. Vừa chạy vừa đẩy. Chưa bao giờ bố làm một việc nặng đến thế này. Vừa đẩy vừa sợ xước xe.

Cứ tưởng đẩy một tí là nó tự chạy lên dốc được. Thế mà phải đẩy đến chỗ hồ treo thì mới đến đoạn cua xuống dốc, nó mới tự đi được. Lên đến gần đỉnh dốc thì xe tắt máy, dừng khực lại. Nó ngã oành ra. Nó đau gào tướng lên. Xe xước nó chửi bố không biết đẩy.

Đúng là bố không biết đẩy thật. Bố đã làm việc này bao giờ đâu. Mà bố cũng đang cố sức đẩy. Vừa đẩy vừa giữ cho nó khỏi đổ đấy chứ. Bố lo xe đổ xước sơn thì ít, lo nó bị ngã đau thì nhiều. Bố đã đẩy bằng cả tâm, cả sức mà nó vẫn đổ. Mà chưa lên đến đỉnh dốc đã đổ thì không thể biết tại sao.

Hai bố con dựng mãi xe mới đứng lên được. Nó ấn đề xoè xoẹt, xe không nổ. Nó ra sức đạp, xe cũng không nổ.

Nó tức, quát váng núi. Bố chẳng có cái lý nào mà thanh minh cả.

Nó lại kiểm tra bình xăng.

- À, hết xăng rồi.

- Hết xăng á?

Hôm qua anh bán xe cho mỗi một lít. Đi từ xã đưa con Ngọc về, rồi đi về nhà xa quá. Lại phải lên cái dốc vừa cao vừa xóc này thì hết xăng là phải.

Bố nghĩ hết xăng thì nó phải dắt xe đến trường thôi. Dắt thế này thì không đi nổi. Đường đã đỡ dốc hơn nhưng đá lổng chổng thì một mình nó liệu có dắt được không.

Nó lại nghĩ: “Thế này thì không đi đón con Ngọc được à?”

- Bố phải đẩy xe cho tôi đến trung tâm xã để mua xăng mới được. Rồi tôi vào học. Hôm nay là ngày chợ, bố đi chợ mua gì thì mua, lúc nào tan học tôi đèo về.

- Vào chợ không có tiền mua gì đâu. Còn để dành tiền mua xăng.

- Thì cứ vào chợ nhìn cũng được.

Bố đẩy xe cho nó. Đẩy xe đường núi thế này còn khổ hơn đi vác củi trên núi đá. Xe mà đổ, xước tí sơn thì lại khó lấy được con dâu.

Đẩy mãi cũng đến trung tâm xã. Bố còn hai mươi nghìn, mua xăng hết. Nó để nhờ xe ở cửa nhà bán xăng rồi đi học. Bố đành vào chợ cho đỡ tủi. Chỉ đi xem chợ thôi, nhất định không qua dãy hàng rượu, hàng thắng cố. Nhỡ qua đấy gặp bạn lại không có tiền mời rượu thì xấu hổ lắm. Bố đành đi ngắm mấy hàng váy áo, hàng rau, khu bán lợn, bán bò. Ai cũng mời mua cái này, cái kia. Nhiều thứ cần mua quá mà không có tiền. Bố nghĩ đến mẹ. Chắc giờ này mẹ đã đi mượn búa và đang đập đá cho nhỏ bớt, rồi cào cho bằng con đường dốc trước nhà để chiều con về được đi trên con đường đỡ xóc cho khỏi hỏng xe.

Vừa đi vừa nhìn, bố ước được cùng mẹ đi chợ. Bố muốn mua cho mẹ cái váy, đôi giày vải mới. Mấy năm nay bố mẹ không dám mua cái gì. Nghĩ con sắp lớn, đến tuổi lấy vợ nên dành dụm từng nghìn để có ngày lo đám cưới cho con. Bây giờ tiền ấy đã đổi thành phương tiện lấy vợ cho nó rồi. Sắp tới, con trai sẽ đưa về cho bố mẹ một đứa con gái làm dâu. Thế là bố mẹ trọn vẹn rồi. Lo được một đứa con dâu cho con trai thì có thể an tâm làm ăn, đến chết cũng được.

Vừa đi vừa nghĩ, không nên nhìn lâu lâu vào cái gì. Chân bố vấp ngay phải quẩy tấu xôi. Quẩy tấu lăn ra, xôi đổ ra nền chợ. Bố ngã xõng xoài vào dãy quẩy tấu xôi của các bà, các chị. Bà chủ của quẩy tấu xôi xót của mắng ầm ầm giữa chợ. Bố xấu hổ quá, lồm cồm bò dậy bốc xôi lại cho bà. Nhưng còn chỗ xôi đã chạm đất không bán được thì phải làm sao đây? Bà ấy lại chửi ầm lên, mọi người đổ dồn mắt đến chỗ này rồi thì làm sao mà bán xôi được nữa. Bố biết làm thế nào bây giờ? Bà ấy bắt đền, đền cả quẩy tấu xôi cơ. Bố sợ quá, quỳ vội xuống nền đất lầy nhầy mà vun xôi lại thành đống, mồm rối rít xin lỗi và mắt đã chảy nước mắt rồi. Một người đàn ông làm đổ xôi của một người đàn bà, phải quỳ mà xin lỗi rồi khóc thì có ai khổ bằng bố không. Mà cũng tại bố thôi, cứ nghĩ không nhìn lâu vào cái gì thì đỡ thèm mua, thế là nhìn mãi lên trên nên chân mới vấp thế này chứ. Không biết bao nhiêu lâu đã trôi qua, ai đang mắng bố; ai thông cảm cho bố và can người đàn bà này. Chắc là lâu lắm, người đàn bà này không mắng nữa. Bà ấy ngồi lại chỗ bán xôi, mắt gườm gườm nhìn rồi quát: “Thôi, biến đi!”. Thế là bố phải đứng dậy và biến đi chứ còn sao nữa. Nhưng bố không dám chạy, sợ chạy lại vấp nữa thì khổ hơn. Mặt cúi gằm và đi rất chậm ra khỏi chợ.

Bố về chỗ gửi xe ngồi chờ. Ngồi mà nghĩ rằng ở ngoài này không ai biết bố vừa làm đổ xôi của người ta. Bố đành ngắm những chiếc xe máy được bày bán. Thật nhiều xe, nhiều nhất là xe màu đỏ. Ai ai cũng thích màu đỏ, nhất là con gái. Giữa núi rừng này, chỉ có màu đỏ mới làm nổi bật con người.

Bố ngồi một lúc thì hai bố con nhà kia cũng mua một chiếc xe màu đỏ giống hệt của thằng Dỉ. Bố nghĩ, chắc nó cũng để đưa đứa gái nào đấy về làm dâu. Anh bán xe bảo: “Mỗi tuần bán được một, hai cái xe. Bây giờ thanh niên thích đi xe máy, chứ còn ai đi ngựa nữa”. À, thế là nhiều người giống thằng Dỉ. Chắc bây giờ cuộc sống phải vậy. Giống như ngày trước, muốn lấy vợ thì phải để dành tiền mua vòng bạc, váy áo và làm cỗ mời anh em, họ hàng.

Thằng Dỉ tan học đến lấy xe. Bố đứng dậy định về. Nó lại bảo ngồi đợi để đưa con Ngọc về rồi mới quay lại đón. Bố chưng hửng, định nói gì lại đành thôi.

Anh bán xe bảo: “Nếu đi đường nhiều như thế mà sáng đổ có hai mươi nghìn tiền xăng thì ngày mai đi học lại hết xăng thôi”.

Nhưng bây giờ muốn đổ thêm cũng không mang tiền theo rồi. Mà ở nhà cũng chỉ còn hơn trăm nghìn thôi. Mấy ngày mua xăng nữa là hết. Rồi sẽ phải bán dần mấy con gà mới có tiền mua xăng cho con đi học. Bố xin anh bán hàng cho mua chịu hai mươi nghìn nữa để sáng mai đi học không bị hết xăng như hôm nay.

Nó bảo bố ngồi sau xe, bám chắc vào, đi xe máy thích lắm. Gió vun vút qua tai, qua đầu. Nó đi nhanh quá làm bố sợ. Nó gào lên, xe máy thì phải đi nhanh, chứ có phải ngựa đâu mà thủng thẳng. Bố sợ nhanh quá lại ngã xước xe. Nó gào lên: “Chỉ có hết xăng mới bị dừng đột ngột và bị đổ thôi”. Nó phóng ào ào trên con đường liên xã. Bây giờ đường đẹp, phóng nhanh cho sướng. Tí nữa đến đoạn đường xấu lại phải đi chậm, chán lắm.

Bố ngồi đằng sau, cố bám thật chặt và nghĩ đến cảm giác của một đứa con gái sung sướng cũng bám chặt vào nó thế này mà cười tít mắt, váy bay phấp phới. Bố nghĩ bọn trẻ sướng hơn bố mẹ ngày xưa, thế cũng bõ tiền mua xe máy.

Xe lao vèo vèo. Lao luôn một phát xuống vực.

Bố kịp nhận ra thì đã không làm gì được nữa.

Xe va uỳnh uỳnh xuống vách đá.

Nó lăn ịch ịch bên mép vực.

Nó đậu lại ở một tảng đá dưới vực.

Không nhìn thấy bố đâu. Thấy cái xe nát bét, đỏ lừ ngay phía dưới.

Nó không ngất, chưa chết. Cả người phủ một màu đỏ loét, đau không cựa quậy được...

Mãi rồi mọi người cũng đưa được bố lên. Nát bét và đỏ lừ như chiếc xe.

Cái xe thì không ai thèm đưa lên.

Nó nằm trên băng ca cứu thương vẫn nhìn được bố đã không còn cơ hội nhìn thấy cái xe đưa đứa con dâu về nữa.

Giờ thì nó chỉ nghĩ được “Bố mẹ nợ con trai một nàng dâu. Con trai nợ bố mẹ một con trâu”.

Bây giờ bố cần nó trả một con trâu để làm ma mà nó không bao giờ trả được.

Truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]