(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau thư Gửi các chiến sĩ và đồng bào nhân dịp Tết Bính Tuất, Bác có Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất cho đăng trên hai tờ báo: báo Cứu quốc số 155 và 156 ra ngày 5 và 6 - 2 - 1946, báo Tiếng gọi phụ nữ số xuân Bính Tuất 1946.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân Mậu Tuất đọc thư gửi chị em phụ nữ của Bác Hồ

Sau thư Gửi các chiến sĩ và đồng bào nhân dịp Tết Bính Tuất, Bác có Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất cho đăng trên hai tờ báo: báo Cứu quốc số 155 và 156 ra ngày 5 và 6 - 2 - 1946, báo Tiếng gọi phụ nữ số xuân Bính Tuất 1946.

Thư này được viết bằng thơ 4 chữ như một bài ca kêu gọi dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ, rất giản dị bằng ngôn ngữ đời thường, tập trung cho một chủ đề:

Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ đồng bào

Phải gắng làm sao

Gây “đời sống mới”

Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất, là sự tiếp nối và làm rõ hơn nữa một tư tưởng lớn, một chủ trương lớn mà trong thư Gửi các chiến sĩ và đồng bào nhân dịp Tết Bính Tuất, Bác đã chúc: “Năm mới, đồng bào ta sẽ phấn đấu cho một đời sống mới, ai cũng góp lực lượng vào cuộc kháng chiến lâu dài để làm cho nước ta hoàn toàn tự do, độc lập”. Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, Bác chỉ ra và nói rõ việc cốt yếu đầu tiên là đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất, thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng một đời sống mới làm nền tảng cho một nước Việt Nam mới, một nước văn minh mới, tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng ngoại xâm, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu.

Bác kêu gọi mọi tầng lớp, Bác kêu gọi Phụ nữ đồng bào/ Phải gắng làm sao/ Gây đời sống mới. Bác dùng chữ gây (tiếng phổ thông của quảng đại quần chúng thời đó thường dùng). Phải gắng làm sao? Câu hỏi được đặt ra và Bác đã trả lời, muốn xây dựng đời sống mới phải có con người mới phải phấn đấu trở nên những công dân mới, mà theo Bác, phẩm chất đầu tiên của con người mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Bác khái quát ngắn gọn trong Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất: “Việc thành là bởi/ Chúng ta siêng mần(1)/ Vậy nên chữ cần/ Ta thực hành trước/ Lại phải kiệm ước/ Bỏ thói xa hoa/ Tiền của dư ra/ Đem vào đại nghĩa/ Ta chớ tham thàn/ Quảng đại công bình/ Vì nước quên mình/ Thế tức là chính/ Giữ được vẹn mười/ Tức là những người/ Sống “Đời sống mới”.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính mà Bác đề ra đã trở thành chuẩn mực đạo đức của từng người, của toàn xã hội. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính tức là xây dựng được đời sống mới. Bác nói cần, kiệm, liêm, chính với chị em phụ nữ, cũng là nói với mọi người. Mở đầu bài thơ Bác đã có ý nói chung, nói với phụ nữ và cũng là nói với mọi người Phụ nữ đồng bào.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển dân quân Nam Ngạn, Thanh Hóa vinh dự được Bác Hồ hỏi chuyện trong giờ nghỉ giảo lao tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ IV ngày 30-12-1966.

Mùa xuân năm sau, ngày 20/3/1947, với bút danh Tân Sinh, Bác viết một quyển sách với nhan đề Đời sống mới do Uỷ ban vận động đời sống mới Trung ương xuất bản. Tác phẩm Đời sống mới được viết dưới hình thức những câu hỏi và trả lời bằng lời lẽ giản dị, dễ hiểu nhất về những điểm cơ bản của xã hội mới do nhân dân làm chủ và cụ thể việc xây dựng đời sống mới trong các ngành, các cấp, các cơ quan, trường học, nhà máy, đơn vị bộ đội, cho từng giới, từng làng, từng xã, từng gia đình, từng người. Mỗi thành viên trong xã hội đều có thể thực hành đời sống mới. Trong tác phẩm này, Bác dành trả lời kỹ càng, giải thích cụ thể, chi tiết thế nào là cần, kiệm, liêm, chính và bằng cách nào để rèn luyện, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Để xây dựng đời sống mới, Bác khẳng định: “Trong 80 năm sống dưới chế độ thực dân Pháp, trong 5 năm sống dưới chế độ phát xít Nhật, Pháp, dân ta bị bóc lột, đè nén, chẳng những dân cùng, tài tận sống tiêu điều, mà cả tinh thần, tâm lý cũng bị áp chế. Tuy vậy, dân ta còn đủ chí quật cường, nổi lên chống Nhật, Pháp, tranh lại quyền độc lập, tự do. Nay dân ta đem tinh thần và lực lượng đó mà kháng chiến và kiến quốc, mà làm đời sống mới nhất định thực hiện được. Mong toàn thể đồng bào gắng sức theo đời sống mới, xây dựng một nước Việt Nam mới phú cường”.

Khi tác phẩm Đời sống mới in và phát hành, Bác chân thành nói: “Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới. Như thế chúng ta nhất định sẽ tiến bộ lớn”, cũng như khi kết lại Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất, Bác viết:

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống “Đời sống mới”

Từ Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất và tác phẩm Đời sống mới ra đời, đồng bào và chiến sĩ cả nước vâng lời Bác, làm theo lời Bác xây dựng một đời sống mới, đã kháng chiến thắng lợi, đánh đuổi hai đế quốc to ra khỏi đất nước, đã từng bước kiến quốc thành công, xây dựng một nước Việt Nam mới. Và, hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm thực hiện mục tiêu: Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là đời sống mới, văn hoá mới, của một Việt Nam mới theo chỉ dẫn của Bác Hồ kính yêu.

---------

(1) Mần là làm (tiếng địa phương vùng Thanh, Nghệ).

Lê Xuân Đức


Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]