(vhds.baothanhhoa.vn) - Không được may mắn như bao người khác, những con người bất hạnh trong Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn) đã dựa vào nhau. Tình cảm của họ không hẳn chỉ là tình yêu đôi lứa giữa đàn ông và đàn bà, mà còn là tình thân, tình người. Họ nương tựa vào nhau lúc trái gió trở trời, có cái bánh ngon sẻ chia phần cho nhau... Mỗi ngày, họ thủ thỉ những câu chuyện giản dị và mơ hồ về cái xương đỡ đau, đêm qua ngủ ngon, thời tiết hôm nay mát mẻ,... Ấy thế mà vui lắm.

Vạt nắng sau mưa

Không được may mắn như bao người khác, những con người bất hạnh trong Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn) đã dựa vào nhau. Tình cảm của họ không hẳn chỉ là tình yêu đôi lứa giữa đàn ông và đàn bà, mà còn là tình thân, tình người. Họ nương tựa vào nhau lúc trái gió trở trời, có cái bánh ngon sẻ chia phần cho nhau... Mỗi ngày, họ thủ thỉ những câu chuyện giản dị và mơ hồ về cái xương đỡ đau, đêm qua ngủ ngon, thời tiết hôm nay mát mẻ,... Ấy thế mà vui lắm.

Vạt nắng sau mưaCụ Đột và cụ Sản đã bên nhau gần 30 năm.

Khoảng sân phủ đầy nắng trưa

Sau cơn mưa đêm qua, đất trời dịu mát, cụ Nguyễn Thị Sản, 67 tuổi, rờ rẫm pha bình trà vụn, căn phòng thoang thoảng mùi thơm ấm áp. Cụ Sản đặt bình trà trên chiếc bàn nhỏ nơi góc phòng, cất lời nhắc cụ Lê Xuân Đột dậy uống trà cho tỉnh táo. Khó nhọc nhấc tấm thân đã đi qua 84 mùa xuân khỏi chiếc giường nhôm kêu kẽo kẹt, cụ Đột xòe tay trong vô định đón bàn tay cũng đang lần tìm trong hư không.

Chậm rãi uống một ngụm trà chan chát, cụ Đột thảnh thơi cảm nhận vạt nắng sau mưa kéo ngang qua cửa, rồi chảy tràn trên những ô gạch cũ trước sân trung tâm. Nắng sau mưa bao giờ cũng được vạn vật chào đón, kể cả những người không thể nhìn thấy ánh sáng như vợ chồng cụ Đột, cụ Sản. Tựa như sáng nay, nghe mọi người hò nhau mang mùng mền chiếu gối ra phơi, cụ Sản cũng vội vã mang chiếc chăn cũ ra khoảng hiên nhỏ trước phòng đón nắng. Mong cái nắng hanh hao xua đi chút ẩm mốc ngày qua.

Tuổi thơ, tuổi trẻ đã trôi qua, rời bỏ các cụ trong bệnh tật và bóng tối. Giờ đây, ở cuối con dốc của cuộc đời, cái già và cái chết sắp cận kề, họ sống trong âm thầm, lặng lẽ bên cạnh người bạn đời, cạnh mảnh vườn ngày ngày được các cán bộ trung tâm vun xới, chăm bẵm. Nơi ấy phủ màu lá tầm tơi, lá bí và cả những cây bưởi, đu đủ tự trồng. Hồi còn khỏe, cụ Đột cùng cụ Sản cũng hay xuống vườn phụ giúp các cán bộ. Mù lòa chẳng phụ giúp gì nhiều ngoài việc nhặt rau, rẫy cỏ nhưng cái không khí cùng nhau lao động, trò chuyện là điều hai người trân quý.

Tranh thủ cái mát dịu của nắng sau mưa, “má” Hương, “má" Huệ, “má” Lan..., mang cuốc dọn dẹp lại đám đất, gieo xuống đủ thứ hạt. Hạt cải, hạt đậu... chỉ vài trận mưa nữa thôi là xanh um, gối lứa cho tầm tơi, rau bí... Rồi những bữa cơm mát lành nhờ những ngày nắng ấm hôm nay mà gieo mầm xanh tốt. Trong sân, còn có đàn gà nhởn nhơ kiếm mồi. Hình ảnh ấy khác xa với những gì tôi tưởng tượng về nơi dành cho người già cô đơn và người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. “Không thể thay đổi cuộc đời họ, chúng tôi chỉ biết cố gắng xoa dịu những nỗi đau bằng chút việc nhỏ nhặt vậy thôi”, anh Lê Hữu Thành, cán bộ công tác xã hội, Phòng Tổ chức hành chính, chia sẻ.

"Đời xin có nhau, dài cho mãi sau"

Lại nói đến chuyện tình đặc biệt của cụ Đột, cụ Sản, anh Thành bảo: “Điều làm chúng tôi xúc động là trong bóng tối họ vẫn tìm thấy nhau”.

Vạt nắng sau mưaSáng sớm và cuối giờ chiều mọi người cùng ra sân tập thể dục.

Không nhà cửa, không con cái, bệnh tật, mù lòa, cụ Đột gặp cụ Sản cũng có hoàn cảnh tương tự tại Trại Cứu tế Đông Thành - tiền thân của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2. Và như là “hai nửa của nhau”, họ hòa hợp liền. Hai cụ xin về ở chung một phòng, hàng ngày bầu bạn. Những năm gần đây, sức khỏe cụ Đột yếu đi trông thấy, cán bộ trung tâm đề nghị chuyển cụ ra chăm sóc đặc biệt nhưng cụ Sản không đồng ý. Cụ bảo, gần 30 năm sống với nhau, không có cái tình cũng có cái nghĩa. Giờ ông ấy ốm đau, bệnh tật, mình bỏ sao đành. Cụ tình nguyện chăm sóc ông đến khi nào không làm được nữa thì thôi, lúc đó phiền cán bộ trung tâm cũng chưa muộn.

Bị dị tật vận động khiến tay và chân của bà Nguyễn Thị Châu có chút biến dạng. Trong khi, ông Trương Phú Toàn bị thiểu năng trí tuệ, tay chân lành lặn. Thế nhưng, họ vẫn là “đôi đũa lệch hoàn hảo”. Bà Châu kể, bà quê ở xã Quảng Ninh (Quảng Xương), bố mẹ mất, lại bị dị tật, phải nương tựa vào người thân. Mặc cảm vì bản thân đã thành gánh nặng cho người khác, năm 2006 bà xin vào trung tâm. Bà Châu đến, ông Toàn đã là cư dân lâu năm của trung tâm. Ông cứ gần gũi thân thiết nên bà cũng cảm mến. Dần dần, ông Toàn thành “chỗ dựa” cho bà Châu. Một thời gian sau, ông bà xin phép cán bộ trung tâm cho về ở chung phòng. Hơn 10 năm nay, hai con người cô đơn sống dựa vào nhau. Hàng ngày họ dắt nhau ra vườn làm cỏ rau, dắt nhau đi ăn, đi tập thể dục phục hồi chức năng... Không những thế, hai ông bà còn nhận đỡ đầu 5 cháu khiếm khuyết hiện đang ở trung tâm... Giờ, ông Toàn, bà Châu đã có một gia đình đúng nghĩa. Nơi đây, ông bà có vợ, có chồng, có con, có các cán bộ quan tâm như người nhà.

Còn nhiều “cặp đôi” khác nữa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 mà tôi được nghe, người còn người mất. Nhưng mỗi khi nhắc lại, các cán bộ trung tâm vẫn dành cho họ sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Ông Nguyễn Kiều Anh, Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Con người, dù lành lặn hay khiếm khuyết đều có mưu cầu về tình yêu, hạnh phúc. Những cặp đôi ở trung tâm đến với nhau bằng thứ tình cảm giản dị, chân thành nhất nên họ đều rất thủy chung. Khi một người mất, người còn lại buồn, lủi thủi một mình, nhưng không chịu ghép đôi với ai nữa cho đến lúc ra đi...”.

Những mối tình “rổ rá cạp lại” có khi chỉ là sự sắp đặt của “ông mai bà mối” là các cán bộ trong trung tâm, nhưng họ cứ gắn bó bên nhau cả đời như thế. Chợt nghĩ, hạnh phúc lắm khi cũng thật giản đơn và lạ lùng, chỉ cần một tấm lòng, biết thương, biết vị tha và buông bỏ... Có lẽ vì thế mà nó càng quý, càng đáng để trân trọng, nâng niu...

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]