Về câu tục ngữ “Ông tha nhưng bà chẳng tha...”
Trong một chương trình trò chơi về tiếng Việt trên truyền hình, những người làm kịch bản yêu cầu người chơi hoàn thiện ngữ liệu “Ông tha nhưng bà chẳng tha/Còn sợ cái bão mùng ba tháng...”.
Người chơi đưa ra câu trả lời đúng như đáp án của chương trình là “Còn sợ cái bão mùng ba tháng mười”. Tiếp đến, một vị cố vấn của Chương trình giải thích gãy gọn, khúc chiết bằng một câu phát vấn “Tại sao lại là mùng ba tháng mười? Vì tháng mười ấy, thì thông thường lúc ấy các vụ gặt đã xong, lúa khoai ngô cũng vào trong bồ rồi, lúc ấy mà gặp bão thì mất sạch. Cái câu ca dao tục ngữ thể hiện kinh nghiệm ấy nó còn giá trị tới cả ngày hôm nay nữa...”.
Theo chúng tôi, nội dung giải thích trên đây có mấy điểm sai:
1. Sai về ngữ liệu
Nguyên câu này là Ông tha mà Bà chẳng tha/ Còn sợ cái lụt hai ba tháng mười. Lưu ý là “lụt”, chứ không phải “bão”, và “hai ba tháng mười” chứ không phải “mùng ba tháng mười”.
Điều này có mấy căn cứ:
- Đàn ông thuộc Dương, đàn bà thuộc Âm. Phía trên thuộc Dương, phía dưới thuộc Âm. Bão ở phía trên (thuộc Dương), nên dân gian gọi bão là Ông. Lụt dâng lên từ phía dưới (thuộc Âm), nên dân gian gọi lụt là BÀ.
- Thông thường, ở miền Trung trở ra phía Bắc thì tháng 10 không còn bão nữa (Ông “tha” cho rồi, mà chỉ còn lụt (vẫn phải lo Bà nổi giận).
Như vậy, theo kinh nghiệm dân gian, nếu qua được cữ hai ba tháng 10 (không phải “mùng 3” như đáp án), thì mới hết lo bị lụt, vì lúc này đã bắt đầu vào mùa khô, có gió lạnh tràn về.
Chúng tôi tham khảo ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Huy (chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và thiên tai), về căn cứ khoa học của câu tục ngữ Ông tha mà Bà chẳng tha/ Còn sợ cái lụt hai ba tháng mười, ông cho biết, vào dịp 23/10 (âm lịch) là vào giai đoạn muộn của mùa mưa ở miền Trung (tháng 11 dương lịch). Trong khoảng này, miền Bắc đã bước vào mùa khô nên không có mưa lụt. Loại mưa lụt muộn này thường xảy ra ở khu vực từ Quảng Trị tới Phú Yên. Nguyên nhân của các đợt mưa lớn này thường do nhiễu động gió Đông và Đông Nam từ biển Đông thổi vào gặp các đợt gió mùa Đông Bắc sớm tiến sâu xuống các vĩ độ phía Nam thì tạo ra mưa. Đây là câu truyền miệng của người miền Trung, và áp dụng chủ yếu cho miền Trung chứ không phải miền Bắc (mặc dù miền Bắc cũng có năm gặp lụt kiểu này, nhưng không thường xuyên).
Tham khảo: Về kiểm chứng của người dân bản địa về câu tục ngữ, nhà giáo Đinh Hà Triều (Bình Định) cho biết “Bình Định tôi cũng có câu Ông tha mà Bà chẳng tha/ Còn sợ cái lụt hai ba tháng mười... Trước đây khi chính quyền chưa công bố thời điểm gieo sạ vụ đông - xuân cụ thể thì nông dân vẫn chờ qua 23/10 mới dám xuống giống”. Còn GS Nguyễn Văn Hiệp (Huế) cung cấp thêm tư liệu “Ở Huế có một dị bản hơi khác, nhưng vẫn là nỗi lo lụt 23 tháng 10 (âm lịch): “Ông tha mà bà Bà chẳng tha/ Bà cho cái LỤT hai ba tháng mười”. Sau năm 1975, về quê đi học, đi bộ từ làng Bao La đến Sịa, cứ vào tháng 10 âm lịch, là bọn học trò lại nơm nớp nhắc câu này, khi đi học trong bầu trời âm u, cóc nhái kêu rền vang”.
2. Sai về lời giải thích
Cố vấn của Chương trình giải thích “tháng mười ấy, thì thông thường lúc ấy các vụ gặt đã xong, lúa khoai ngô cũng vào trong bồ rồi, lúc ấy mà gặp bão thì mất sạch”.
Đây là lời giảng của người không am hiểu chuyện nhà nông. Thóc lúa ngô khoai đã “vào trong bồ rồi” thì còn sợ gì bão? Lúc này sợ nhất là lụt chứ? Lụt mới có thể cuốn phăng tất cả. Lúa, ngô, khoai, sắn, trâu, bò, lợn, gà, nhà cửa; đã gặt về hay chưa gặt về, đã đổ vào bồ hay cất trên gác đều sợ lụt. Lụt thì lút cả làng kia mà! Còn bão chỉ đổ cửa đổ nhà, cùng lắm thì lương thực bị ướt, chứ không mất trắng như lụt. Dân gian xếp hạng thủy, hỏa, đạo, tặc là ở chỗ đó.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-28 14:57:00
Việt Nam - Hành trình từ chiến thắng lịch sử đến bài học vĩ đại cho nhân loại
-
2025-04-28 09:15:00
Phim tài liệu về hành trình của 33 “anh trai vượt ngàn chông gai” sắp ra mắt
-
2025-04-28 07:18:00
Hàng ngàn người tham dự Festival khinh khí cầu lớn nhất Việt Nam
Cuộc chiến vi mạch
“Điểm hẹn tài năng”: Sân chơi âm nhạc mới trên sóng truyền hình VTV
Tổ chức Đợt phim Kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5 năm 2025
Lịch sử, văn hóa, điểm đến liệu có bị “nhấn chìm” sau đặt lại tên xã, phường?
Chiến thắng 30/4 - Chiến thắng của văn hóa, truyền thống và lịch sử Việt Nam
Đại lễ Vesak 2025: Cung nghênh xá lợi Phật và trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức
Hơn 12.000 khán giả xúc động, tự hào thưởng ngoạn chương trình “Hẹn ước Bắc-Nam”
Giáo hoàng Francis - nhà lãnh đạo Mỹ Latinh đầu tiên của Giáo hội Công giáo