(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như nhiều làng quê khó xác định được chính xác thời gian lập dựng thì vùng đất Đồn Điền (nay thuộc xã Quảng Thái - Quảng Xương) lại khác. Đến nay, làng Đồn Điền đã có lịch sử lập làng gần 6 thế kỷ, gắn liền với công lao to lớn của nhị vị Thành hoàng làng: Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu.

Về làng Đồn Điền

Nếu như nhiều làng quê khó xác định được chính xác thời gian lập dựng thì vùng đất Đồn Điền (nay thuộc xã Quảng Thái - Quảng Xương) lại khác. Đến nay, làng Đồn Điền đã có lịch sử lập làng gần 6 thế kỷ, gắn liền với công lao to lớn của nhị vị Thành hoàng làng: Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu.

Về làng Đồn ĐiềnNăm 2012 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Đồn Điền được tôn tạo uy nghiêm, bề thế.

Về Đồn Điền, tôi gặp ông Uông Ngọc Dần, ông không chỉ là hậu duệ của một trong hai vị được người dân suy tôn Thành hoàng làng, mà còn là bậc cao niên am hiểu về lịch sử vùng đất này, hiện nay ông cũng đồng thời là thủ từ di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Đồn Điền. Vừa gặp chúng tôi, ông phấn khởi: “Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay người dân Đồn Điền chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 550 năm lập làng”.

Là một trong những làng quê ven biển xứ Thanh, làng Đồn Điền là “địa chỉ” văn hóa, lịch sử khá đặc biệt. Viết về làng Đồn Điền, theo sách “Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương”: “Làng Đồn Điền như tên của nó, một cái tên gần 600 năm không thay đổi, gốc từ sở Đồn Điền”. Các nguồn tài liệu sử và gia phả dòng họ lưu giữ tại địa phương đều đồng nhất thông tin, làng Đồn Điền được lập dựng vào năm Hồng Đức thứ 4 triều vua Lê Thánh tông (1473).

Từ thời Lý, Trần, đồn điền đã được xem là bộ phận quan trọng của ruộng đất quốc hữu do nhà nước phong kiến trực tiếp quản lý, đến thời Lê thì được mở rộng. Lập đồn điền là một trong những chính sách nông nghiệp tích cực của các vua thời Lê vì nó có tác dụng mở rộng diện tích canh tác, thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất nông nghiệp. Những đồn điền sau khi khai khẩn thành ruộng đất trồng trọt thì phân phối cho những người khai khẩn cày cấy. Đánh giá về vai trò của đồn điền, sử gia Lê Quý Đôn đã viết: “Xưa nay làm cho nước giàu dân mạnh không gì bằng đồn điền. Trộm nghĩ lập đồn điền thì có lợi lắm. Quân lính là người địa phương khi có nghề làm ăn lâu dài thì sẽ không bỏ trốn, đó là cái lợi thứ nhất. Cày cấy ngay trong chỗ đóng quân các đội ngũ liên tiếp cùng nhau bảo vệ vùng đất trọng yếu đó là cái lợi thứ hai. Mỗi người lính cày cấy 3 mẫu, mỗi mẫu thu 60 bát thóc thì kho đụn đầy ắp, đó là cái lợi thứ ba. Đồn điền đã thành thì thôn, xóm cũng dần hồi phục, hai bên cùng dựa vào nhau, không cần chiêu tập mà hộ khẩu vẫn ngày một nhiều, đó là cái lợi thứ tư” (theo Di tích lịch sử đền Đồn Điền).

Về làng Đồn ĐiềnĐền Đồn Điền là nơi thờ hai vị Thành hoàng làng Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu; đồng thời phối thờ cả Tứ vị Thành nương.

Việc lập dựng vùng đất Đồn Điền ngày nay gắn liền với công lao của hai vị Phó sứ đồn điền thời Lê là Quận công Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu. Theo sử liệu, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh tông chinh phạt Chiêm Thành đã bắt được vua Chiêm và mở rộng lãnh thổ đến núi Thạch Bi (được cho là Phú Yên ngày nay). Thành công của cuộc Nam chinh này có công lao không nhỏ của Tô Văn Bảo. Bởi vậy, ngày khải hoàn, ông được vua Lê Thánh tông ban tước Quận công. Cùng với đó, nhà vua còn cử ông cùng Uông Ngọc Châu làm Phó sứ đồn điền. Lúc bấy giờ, Phó sứ Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu đã cùng nhau tổ chức binh lính và một bộ phận tù binh khẩn hoang lập đồn điền - sở Đồn Điền ở vùng đất Quảng Xương ngày nay. Lực lượng chủ yếu khai khẩn lập nên sở Đồn Điền ở Quảng Xương thời bấy giờ là binh lính được huy động theo chính sách “ngụ binh ư nông”.

Sở Đồn Điền do Phó sứ Tô Văn Bảo và Phó sứ Uông Ngọc Châu theo lệnh vua Lê Thánh tông đưa quân về khai phá lập nên vào năm 1473… Thời kỳ này, dải đất duyên hải Quảng Xương còn hoang sơ, đa phần là cồn cát, đầm lầy, khe lạch. Khi hai ông đưa quân về đây khai phá thì Đồn Điền trở thành đại bản doanh của đội quân có nhiệm vụ vừa khẩn hoang mở rộng diện tích canh tác, vừa đóng vai trò phòng thủ vùng duyên hải xứ Thanh, phòng chống sự xâm lấn từ phía Nam. Ngày nay trên đất làng Đồn Điền còn nhiều địa danh liên quan đến công cuộc khai hoang, phòng thủ thuở xưa như Ngõ Trại, Đồng Phủ, Rào Quan, Đồng Trực… Làng Đồn Điền thuở ban đầu có tên là sở Đồn Điền, cho đến nay tên làng vẫn không thay đổi. Người dân Đồn Điền bao đời nay vẫn luôn tự hào về truyền thống và sức sống quật cường của làng quê nơi đầu sóng ngọn gió - ông Uông Ngọc Dần cho biết.

Với công lao khai hoang, lập làng, hai vị Phó sứ Tô Văn Bảo (hay Tô Chính Đạo) và Uông Ngọc Châu sau khi mất được người dân Đồn Điền lập nghè (ngày nay là đền) thờ phụng nghiêm cẩn, đồng thời suy tôn hai ông là Thành hoàng - phúc thần của làng. Cùng với việc thờ nhị vị Thành hoàng làng, tại đền Đồn Điền còn phối thờ Tứ vị Thánh nương. Hàng năm vào ngày mùng 1 tháng 2 (âm lịch) người dân Đồn Điền lại nô nức tổ chức lễ hội. Tại lễ hội, kiệu sẽ được rước từ đền Đồn Điền ra đình làng, sau đó rước ra bờ biển để tế lễ cầu ngư cầu cho thuyền bè vươn khơi bám biển bình an, rồi quay trở về đình tế cầu nông cầu cho mùa màng bội thu và sau cùng rước kiệu trở về đền. Trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian đặc sắc của người dân biển.

Về làng Đồn ĐiềnBãi biển làng Đồn Điền (xã Quảng Thái) với cảnh sắc hoang sơ, nước biển trong xanh hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch biển hấp dẫn.

Theo các cụ cao niên trong làng Đồn Điền kể lại, đền Đồn Điền khi xưa tọa lạc trên thế đất bằng phẳng, kiến trúc uy nghi, bề thế với nhà tiền đường 5 gian, phía trong là hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, đền được sử dụng làm kho chứa vũ khí, xung quanh đền là rừng bộ đội tập trận chống kẻ địch đổ bộ bằng đường biển… Đáng tiếc, vào những năm cuối thập kỷ 60 (thế kỷ XX) vì nhiều nguyên do, đền Đồn Điền chỉ còn nền móng.

“Với lòng kính ngưỡng dành cho nhị vị Thành hoàng đã có công khai lập nên làng Đồn Điền cùng Tứ vị Thánh nương, đầu những năm 2000 đền Đồn Điền đã được dân làng cùng nhau đóng góp kinh phí tôn tạo trên nền móng cũ, tuy nhiên khi đó do điều kiện còn nhiều khó khăn nên việc dựng lại đền thờ chưa thực sự kiên cố. Năm 2012, di tích lịch sử văn hóa đền Đồn Điền được tôn tạo với quy mô bề thế. Cũng từ đây, các nghi lễ, lễ hội gắn liền với di tích đã dần được người dân khôi phục tổ chức. Trong những ngày diễn ra lễ hội, con cháu làng Đồn Điền khắp muôn phương lại nô nức trở về vui hội. Di tích đền Đồn Điền và lễ hội truyền thống là “điểm tựa” tâm linh cho các thế hệ người dân Đồn Điền không quên chốn quê hương gốc tổ” - ông Uông Ngọc Dần tự hào cho biết thêm.

Từ vùng đất khô cằn, cồn cát, đầm lầy thuở xa xưa, dưới bàn tay, khối óc và cần mẫn lao động của lớp lớp thế hệ người dân Đồn Điền đã biến nơi đây dần trở thành làng quê giàu mạnh, đang trên đà phát triển. Với lợi thế bờ biển kéo dài, nước biển trong xanh cùng cảnh sắc hoang sơ hữu tình, Đồn Điền xưa nay là Quảng Thái đang hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch biển hấp dẫn du khách xa gần.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]