Về làng Ngọc Diêm
Thành lập từ cuối thế kỷ XV, cùng với sự thay đổi của tên làng, tên thôn, đến nay thôn Ngọc Diêm 1, xã Quảng Chính (Quảng Xương) tuy không giữ được giếng nước, sân đình, song chính từ nếp nhà, truyền thống quê hương mà người dân đã nỗ lực phát triển, xây dựng đời sống mới.
Cây đa làng Si, di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Từ làng Si
Theo gia phả họ Nguyễn Hữu, vào năm 1487 (năm Đinh Mùi), ông Nguyễn Hữu Trình, người ở mạn ngoài vào đây sinh cơ lập nghiệp đặt tên là làng Si (thuộc huyện Quảng Xương). Tiếp sau đó là người dòng họ Vũ Đình từ Hải Dương, họ Đới từ Quảng Hải (Quảng Xương) và dòng họ Cao, họ Phạm, họ Lê, họ Trịnh, họ Bùi từ nhiều nơi đến sinh sống và làm muối.
Nhắc đến xã Quảng Chính là người ta nhắc đến vùng đất có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo như đình làng, nghè, văn chỉ...; có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng như thơ ca, hò vè, lễ hội làng. Đặc biệt, đầu thế kỷ XIX, nơi đây có những phường hát bội (tuồng cổ) do các nghệ nhân nổi tiếng thành lập.
Nằm ở vị trí thuận lợi, cửa ngõ của con đường thiên lý Bắc - Nam, Quảng Chính đã từng là căn cứ hậu phương vững chắc cung cấp lương thực, dự trữ lương thảo theo chính sách “ngụ binh ư nông”. Đồng thời, là nơi nghĩa quân Tây Sơn trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đã dừng chân để tuyển chọn thêm quân sĩ và được Nhân dân đóng góp thuyền bè, nguyên vật liệu làm cầu phao để đoàn quân vượt sông. Sau này, từ phong trào Cần Vương chống Pháp cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhân dân xã Quảng Chính nói chung và làng Si (làng Ngọc Diêm hiện nay) đã đóng góp không ít sức người, sức của góp phần vào những chiến thắng ấy.
Về thôn Ngọc Diêm 1, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hường, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn, giới thiệu: Trước đây khi còn làng Ngọc Diêm, bà con chúng tôi đều thờ Thành hoàng làng là Đức thánh Cả. Thần linh thiêng lắm. Nhưng từ khi tách ra 2 thôn Ngọc Diêm 1 và Ngọc Diêm 2, nghè Đức thánh Cả nằm trên vị trí thôn Ngọc Diêm 2, thì bà con Nhân dân ở thôn Ngọc Diêm 1 đến ngày lễ tết chỉ còn biết ra cây đa làng thắp hương.
Cây đa làng Si vốn được nhắc đến rất nhiều. Bởi chính nơi đây đã diễn ra sự kiện lá cờ đỏ búa liềm được treo lên, đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng của huyện nói riêng và trong toàn tỉnh nói chung.
Tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Chính (1947-2015), có ghi: Vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp thống trị có lập đồn Đoan nắm quyền về muối và rượu và khống chế phong trào cách mạng ở phía Nam huyện Quảng Xương (phủ Tĩnh Gia). Cuối tháng 4/1931, Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời đã triệu tập hội nghị đại biểu mở rộng tại địa điểm gần phà Ghép để bàn biện pháp thi hành chỉ thị của Xứ ủy. Ngày 1/5/1931, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, công nhân Nhà máy Diêm Hàm Rồng đã tổ chức rải truyền đơn kêu gọi Nhân dân trong tỉnh vùng dậy đấu tranh, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trên trục đường chính của xã, nơi có cây đa cổ thụ, có quán bà Thì, khách bộ hành thường dừng chân nghỉ ngơi. Ngày 1/5/1931, đồng chí Đới Xuân Lữ cùng các đồng chí Nguyễn Văn Giảng, Phạm Tiến Năng đã treo lá cờ đỏ búa liềm trên ngọn cây đa làng Si. Đây là một trong 2 địa điểm treo lá cờ đỏ búa liềm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên ngọn cây đa làng Si có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự giác ngộ cách mạng của quần chúng Nhân dân trong huyện, ủng hộ phong trào công nhân, lao động, từ đó thức tỉnh các tầng lớp Nhân dân đứng lên theo Đảng làm cách mạng.
Đã 93 năm kể từ ngày lá cờ được cắm trên cây đa làng Si đến nay, người dân thôn Ngọc Diêm 1 vẫn luôn tự hào và coi đây là địa chỉ đỏ để noi theo, từ đó mà phấn đấu dựng xây quê hương.
Đổi mới ở thôn Ngọc Diêm
Kể từ khi được công nhận di tích lịch sử cách mang cấp tỉnh, theo Quyết định số 2620 ngày 30/8/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh đến nay, đã 17 năm trôi qua, Di tích Cây đa làng Si đã xuống cấp nghiêm trọng, nền đất sụt lún khiến một phần công trình bị nghiêng, nhiều kết cấu đã bị hư hỏng, đặc biệt phần gỗ đã nứt, gãy. “Di tích đã được phê duyệt kế hoạch tu bổ. Chúng tôi đang chờ nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo”, ông Lê Đình Thạch, Chủ tịch UBND xã Quảng Chính cho biết
Một góc thôn Ngọc Diêm 1, xã Quảng Chính (Quảng Xương).
Cũng như bao làng quê khác ở xứ Thanh, thôn Ngọc Diêm 1 hôm nay đang phát triển từng ngày. Qua quá trình chia tách, làng không còn giữ được những công trình văn hóa trước đây. Không có đình làng, cũng không còn giếng nước cổ, không có chùa, nhưng cảnh quan của một làng thuần nông vẫn còn đó. Với 256 hộ/1.080 nhân khẩu, người trong thôn dành phần lớn diện tích đất để trồng xen canh cây đào và thuốc lào. Đây là thời điểm các hộ gia đình trồng đào đang phá đất trồng mới, còn với những cây đào trồng được 1 năm trở lên thì đang ở giai đoạn vun xới chăm bón; trong khi đó cũng là lúc cây thuốc lào được thu hoạch. “Hiện tại hai loại cây này chủ yếu do người lớn tuổi làm nhưng đem lại thu nhập cao và ổn định. Những người trẻ thì đi công ty hoặc đi xuất khẩu lao động. Từ những nguồn thu này, đời sống bà con trong xã khá cao, thu nhập trung bình đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Đây là cơ sở để Ngọc Diêm 1 xây dựng thôn NTM kiểu mẫu”, bà Nguyễn Thị Hường, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn cho biết.
Nói về hướng phát triển của thôn Ngọc Diêm 1 trong những năm tiếp theo, ông Lê Đình Thạch, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hiện tại, trên đất thôn Ngọc Diêm 1 đang thi công con đường lớn chạy qua để đi sang núi Chẹt, xuống Quảng Nham, Quảng Thạch nối với đường ven biển, chạy thẳng xuống khu du lịch sinh thái. Hạ tầng tốt sẽ là điều kiện để bà con giao thương buôn bán, phát triển đời sống kinh tế - xã hội trong xã.
Thôn Ngọc Diêm 1 đang thay đổi từng ngày. Nói như bà Nguyễn Thị Hường, bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn: "Tôi vẫn thường nói với bà con, chỉ cần mỗi người cố gắng giữ gìn các giá trị văn hóa từ chính gia đình mình thì chắc chắn dù cuộc sống có phát triển đến thế nào, gia phong, nếp nhà, truyền thống của thôn, của xã vẫn được bảo tồn. Thôn chúng tôi không còn hộ nghèo, nhưng để vươn lên thành khá giả là cả hành trình dài”.
Để giữ một ngôi làng cổ trong sự phát triển chung là không quá khó với người dân thôn Ngọc Diêm 1 bởi họ có tinh thần đoàn kết, mỗi khi nhìn lên lá cờ đỏ trên cây đa làng, họ lại càng thêm quyết tâm nỗ lực góp phần XDNTM, NTM kiểu mẫu.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-04-04 11:03:00
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tăng giờ mở cửa phục vụ du khách
Tiềm năng phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Xuân Thiên
Việt Nam lọt Top 5 điểm đến độc đáo và trải nghiệm đẳng cấp tại châu Á-Thái Bình Dương
Khu du lịch Anh Phát - Nghi Sơn: Độc đáo và mới lạ
Về thăm núi Gai
Bình yên bên dòng suối Đang
Nhiều trải nghiệm cho du khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024
Khám phá bản Ngàm Pốc
Từ 26/3: Đường sắt Việt Nam chạy tàu du lịch Huế-Đà Nẵng
“Chữa lành” – Xu hướng du lịch mới được nhiều người lựa chọn