(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Người đã về thăm Thanh Hóa 4 lần và nhiều lần gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong kháng chiến, kiến quốc. Tình cảm của Bác đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ quan trọng để cán bộ, Nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm đưa “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Về nơi ghi dấu chân Người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Người đã về thăm Thanh Hóa 4 lần và nhiều lần gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong kháng chiến, kiến quốc. Tình cảm của Bác đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ quan trọng để cán bộ, Nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm đưa “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Về nơi ghi dấu chân NgườiLớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng khóa 1-2023 huyện Đông Sơn tham quan thực tế địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông.

“Nơi rừng thông con dựng tượng đài Bác”

Tháng 5 lại về trong những xúc cảm thật đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023). Những ngày tháng 5 lịch sử, đến thăm những nơi in dấu chân Người về thăm Thanh Hóa, càng thêm thương nhớ, kính yêu vị cha già dân tộc - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay về truyền thống, niềm tự hào của quê hương khi được Bác 4 lần về thăm.

Chúng tôi về thăm địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, nơi Bác Hồ dừng chân khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947). Cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ khoảng hơn 5km, di tích nằm trên dãy Phượng Lĩnh tĩnh lặng bên Quốc lộ 47 tấp nập người xe qua lại, với không gian xanh, những bậc đá mát rượi lên Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới chân núi là nhà bia liệt sĩ – nơi đây ghi danh tên tuổi các liệt sĩ của quê hương Đông Sơn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đến thăm nhà truyền thống nơi lưu giữ các hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người Đông Sơn. Qua sự thuyết minh của cán bộ chuyên môn, khách tham quan không chỉ có cái nhìn khái quát, mà còn khắc ghi biết bao câu chuyện nhỏ để rồi càng cảm thấy thiêng liêng, xúc động khi được biết với tầm nhìn chiến lược về đất và người xứ Thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt núi, băng rừng từ chiến khu Việt Bắc về thăm đồng bào, đồng chí tỉnh Thanh. Người đã chọn Rừng Thông là điểm đến đầu tiên để gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh về những đức tính của người cán bộ cách mạng, về đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng và Chính phủ. Cũng trong lần về thăm này, Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa. Những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân cần và những lời căn dặn của Bác luôn khắc ghi trong tâm trí của mỗi người dân quê hương Đông Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung, trở thành động lực to lớn để các tầng lớp cán bộ, Nhân dân tỉnh Thanh hăng hái, tích cực, nỗ lực hết mình trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.

Sầm Sơn in dấu chân Người

Về với thành phố biển Sầm Sơn xinh đẹp và năng động, hình ảnh Bác Hồ kéo lưới, đánh cá cùng ngư dân, dừng chân, nghỉ ngơi tại đền Cô Tiên… mãi khắc ghi trong tim của mỗi người dân. Lần thứ 3 về thăm Thanh Hóa, Bác đã đến thăm Sầm Sơn từ ngày 17 đến 19-7-1960. Trong thời gian ở đây, Bác đã nhận định tiềm năng, lợi thế của Sầm Sơn, động viên, căn dặn người dân nơi đây hãy ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, hãy vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua Nhân dân TP Sầm Sơn đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh, chung tay góp sức xây dựng thành phố ngày càng phát triển, năng động. Học và làm theo Bác, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trong thành phố đã có các hình thức triển khai đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện. Từ đó đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của toàn Đảng bộ, của mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tích cực, trực tiếp vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP Sầm Sơn, phấn đấu sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn, thân thiện.

Khu di tích Bác Hồ tại xã Yên Trường, huyện Yên Định ngay trung tâm xã, xung quanh là xóm làng trù phú. Cách đây 62 năm Bác Hồ đã về thăm Hợp tác xã Yên Trường - ngọn cờ Gió Đại phong của tỉnh (ngày 11-12-1961). Vinh dự là đơn vị được đón Bác Hồ về thăm, nhiều năm qua, Ðảng bộ xã Yên Trường luôn quan tâm, chăm lo đời sống của Nhân dân, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đảng bộ vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng thành phố

Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa) vào những ngày tháng 5 này có đông đảo các tầng lớp Nhân dân đến dâng hương, dâng hoa sen nhân dịp sinh nhật Bác, thắp nén hương thơm dâng lên Người, xúc động khi được ngắm nhìn những hiện vật, kỷ vật gắn liền với cuộc đời của Bác, bình dị, gần gũi. TP Thanh Hóa (trước đây là thị xã Thanh Hóa), vinh dự, tự hào là nơi được đón Bác Hồ về thăm lần thứ 2 và nói chuyện với gần 4.000 đại biểu vào ngày 13-6-1957.

Ngày nay, Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật, hình ảnh, tư liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, với 2 chủ đề chính: Bác Hồ với Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác. Mỗi năm, đã có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, dâng hoa, thắp hương tưởng niệm. Đây cũng chính là một trong những địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lịch sử dân tộc, về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Người đối với đất nước nói chung và tình cảm của Người dành cho Thanh Hóa nói riêng.

Có thể khẳng định, địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh, Khu di tích Bác Hồ (xã Yên Trường, Yên Định), thành phố biển Sầm Sơn đã trở thành những điểm hẹn đặc biệt của Nhân dân Thanh Hóa vào những dịp trọng đại, bày tỏ lòng biết ơn, yêu kính Bác Hồ. Vinh dự, tự hào được Người 4 lần về thăm chính là nguồn lực tinh thần vô giá, nhân lên niềm tin, sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương “trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như Bác hằng mong muốn.

Bài và ảnh: Bùi Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]