(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Gần 20 năm ra đời, phát triển, giải Báo chí Trần Mai Ninh luôn luôn xứng đáng với tên gọi của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà báo, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng - liệt sĩ Trần Mai Ninh và ngày càng khẳng định ý nghĩa lớn lao sự ghi nhận, tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất của những người làm báo Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vinh dự, tự hào “Giải báo chí Trần Mai Ninh”

(VH&ĐS) Gần 20 năm ra đời, phát triển, giải Báo chí Trần Mai Ninh luôn luôn xứng đáng với tên gọi của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà báo, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng - liệt sĩ Trần Mai Ninh và ngày càng khẳng định ý nghĩa lớn lao sự ghi nhận, tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất của những người làm báo Thanh Hóa.

Hội đồng sơ khảo chấm giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015. ( Ảnh: Thanh Trình)

Từ tên nhà báo cách mạng kiên trung

Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh ngày 28/7/1917, quê làng Động Giã, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội), lớn lên và trú quán tại TP Thanh Hóa. Lúc thiếu thời, Trần Mai Ninh học Thành Chung ở TP Thanh Hóa, sau ra Hà Nội học tiếp tú tài. Ngay từ thời đi học, Trần Mai Ninh đã cùng một số bạn bè ra tờ báo có tên “Con sáo” để phê phán nền giáo dục thực dân và nói lên lý tưởng của tuổi trẻ học đường.

Sau này khi tham gia phong trào yêu nước trong Mặt trận dân chủ (1936-1939) của Đảng Cộng sản Đông Dương, ông làm phóng viên, biên tập viên cho nhiều tờ báo với các bút danh: KT, Mạc Đỗ, Trần Mai Ninh, Hồng Diện, N.T.K, Thảo Hoa, Tố Chi… Ông không những là cây bút sắc sảo, xông xáo, nhiệt huyết mà còn là một người vẽ tranh minh họa và trình bày có tài.

Bởi vậy, ông bị nhà cầm quyền bắt giam nhưng sau đó vượt ngục và tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam Trung bộ, tham gia kháng chiến ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.

Đầu năm 1940, khi Mặt trận dân chủ bị chính quyền thuộc địa đàn áp, ông bắt liên lạc với Đảng bộ Thanh Hóa, được kết nạp vào Đảng và tham gia chiến đấu ở chiến khu Ngọc Trạo rồi bị bắt và kết án 10 năm tù cầm cố ở nhà lao Thanh Hóa, sau đó chuyển về nhà lao Buôn Ma Thuật.

Sau cách mạng tháng Tám ông tiếp tục hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và ở nhiều địa phương vùng Nam Trung bộ. Ngày 27 tháng 7 năm 1948 ông hy sinh sau những trận đòn ác hiểm của quân thù và trở thành một trong những “Văn nghệ binh đầu tiên ngã xuống trên chiến trường” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp vì độc lập tự do của dân tộc. Ông mất khi vừa tròn 31 tuổi.

Hơn mười năm tham gia cách mạng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, báo chí, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thường Khanh - Trần Mai Ninh đã để lại một khối lượng tác phẩm lớn thơ, văn, báo chí có ảnh hưởng lớn lao trong lòng bạn đọc.

Đọc lại các tác phẩm, bài viết của ông dường như trang nào, dòng nào cũng thấy nặng tình sông núi, tình người, tình đời. Đó là những trang viết đầy nhiệt huyết với cuộc đời, với nhân dân và với Tổ quốc, với một giọng văn cường tráng và khỏe khoắn như chính cuộc đời chiến đấu của ông.

Đến giải báo chí chất lượng của Thanh Hóa

Tự hào là nơi từng nuôi dưỡng, chắp cánh để người chiến sĩ cách mạng, nhà báo, nhà văn, nhà thơ Trần Mai Ninh trưởng thành. Để tưởng nhớ những đóng góp lớn lao của ông, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, từ năm 1996, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa đã lấy tên Trần Mai Ninh đặt tên cho giải thưởng cao quý nhất của hội và vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm là dịp tôn vinh, khen thưởng những tác giả, tác phẩm xuất sắc của người làm báo Thanh Hóa.

Tên giải gắn với tên nhà cách mạng kiên trung, tài ba Trần Mai Ninh, đó không chỉ là sự trân trọng, tấm lòng biết ơn những đóng góp, hy sinh của ông mà còn là sự đề cao nhân cách, phẩm chất, tài năng của người chiến sĩ cộng sản trên mặt trận tư tưởng.

Đó là một giải thưởng thường niên được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những người làm báo xuất sắc của Hội Nhà báo Thanh Hóa, đến năm 2012 đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định nâng tầm thành Giải báo chí của tỉnh.

Đến nay đã gần 20 năm trưởng thành, phát triển, Giải báo chí Trần Mai Ninh gắn với sự trưởng thành báo chí Thanh Hóa. Cùng với báo chí cả nước, báo chí Thanh Hóa tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đến các tầng lớp nhân dân.

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức trao giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015. Theo đánh giá của ông Vũ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa: trong số 80 tác phẩm gửi tham dự giải năm 2015, có 22 tác phẩm là loạt bài, loạt phóng sự.

Các tác phẩm ngoài việc phản ánh các vấn đề thời sự - chính trị, an sinh xã hội, những vấn đề có tính chiến lược, tính định hướng tại thời điểm trên địa bàn, nhiều tác phẩm đã đề cập vụ việc tiêu cực xã hội, “mổ xẻ” nhiều vấn đề được xã hội quan tâm nhưng ngôn ngữ biểu đạt không quy chụp, chì chiết hoặc lồng ghép tính cá nhân, mà tác giả đã đề cao quan điểm “lấy chống để xây”…

Sau thời gian làm việc, Ban Sơ khảo và Hội đồng thầm định giải đã chọn ra 23 tác phẩm chất lượng nhất, hội tụ nhiều yếu tố nhất để trao giải chính thức (Gồm 3 giải A, 8 giải B, 12 giải C). Những tác phẩm đoạt giải đã đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự giải quyết; cũng tạo thêm cơ hội, diễn đàn để các nhà báo, người làm báo học tập, giao lưu, để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao hơn trong năm 2016.

Hy vọng Giải báo chí Trần Mai Ninh thường niên của tỉnh sẽ ngày càng được nhiều người làm báo ủng hộ, tham gia tích cực, để giải được nâng tầm, trở thành giải thưởng báo chí uy tín của khu vực. Đồng thời tìm ra được những đề tài hay, những tác phẩm báo chí có nội dung, tư tưởng tốt gửi tham dự Giải báo chí Quốc gia.

Mỗi tác phẩm, mỗi tác giả được vinh danh tại giải báo chí Trần Mai Ninh không chỉ là niềm tự hào, đền đáp cho những khó khăn, vất vả của những người làm báo, mà còn là động lực, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người làm báo luôn nỗ lực hết mình ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc góp phần vào sự phát triển báo chí cách mạng, đổi mới quê hương đất nước.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]