Vùng biển những ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, về vùng biển xứ Thanh như Hậu Lộc, Quảng Xương, Sầm Sơn... cảm nhận vị mặn mòi của biển; sự nhộn nhịp, hối hả của ngư dân cho những chuyến tàu vươn khơi, hy vọng đem về nhiều tôm, cá. Vùng biển ngày cuối năm còn là không khí tất bật của người dân chuẩn bị hàng hóa, các sản phẩm đặc sản miền biển đến người tiêu dùng trên khắp mọi miền.
Cảng Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn luôn tấp nập người mua bán.
Những chuyến tàu vươn khơi...
Sau những ngày vươn khơi bám biển, anh Dương Văn Huy, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) cho tàu cập cảng Hới (thuộc Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa) với niềm vui được mùa. Đã nhiều năm gắn bó với nghề đi biển, anh Dương Văn Huy vừa là chủ tàu, vừa kiêm luôn thuyền trưởng. Chuyến đi biển trở về, tàu cá của anh Huy “thắng đậm”, nhờ đó tiền trả công cho lao động, tiền thực phẩm, dầu... đã được thanh toán. Số tiền hàng bán được cũng giúp cho gia đình anh tăng thêm thu nhập dịp cuối năm.
Anh Huy cho biết: Mỗi chuyến đi biển, tôi thuê khoảng 7 lao động đồng hành. Vào những ngày cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao, để đáp ứng nhu cầu thị trường, không chỉ riêng tàu cá của gia đình tôi mà nhiều ngư dân khác cũng tranh thủ cập cảng, bán hàng và sửa sang, thau rửa tàu thuyền, ngư lưới cụ, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến đi mới.
Cơ sở chế biến cá thu nướng Quân Thủy, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc).
Những chuyến vươn khơi không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà với mỗi ngư dân miền biển, họ tự hào vì đã và đang góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo báo cáo của Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa: Tháng 3/2023, hợp nhất giữa 3 ban quản lý cảng cá gồm: Ban Quản lý cảng cá Hòa Lộc, Ban Quản lý cảng cá Lạch Hới và Ban Quản lý cảng cá Lạch Bạng thành Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa. Từ tháng 1/2023 đến 15/12/2023, số lượng tàu xuất cảng là 2.151 lượt; tàu cập cảng là 1.270 lượt. Thu nộp nhật ký khai thác là 1.270 cuốn sổ. Sản lượng khai thác thủy sản qua cảng là 9.679 tấn. Thời gian qua, cảng cá thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Thường xuyên tuyên truyền trên loa truyền thanh tại cảng về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Hướng dẫn các chủ tàu/ thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác theo đúng quy định. Vào dịp cuối năm, số lượng tàu thuyền, hàng hóa tại cảng nhiều, vì vậy ban quản lý cảng đã tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức phân công trực 24/24h hằng ngày để tiếp nhận thông tin từ các chủ tàu, thuyền trưởng về thời gian rời cảng, cập cảng; thực hiện kiểm soát tàu cá cập cảng và rời cảng theo đúng quy định.
Đưa sản phẩm vùng biển vươn xa
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy thuộc Cơ sở chế biến cá thu nướng Quân Thủy, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đang tất bật sơ chế các loại cá, đặc biệt cá thu nướng để kịp giao hàng cho khách. Chị Thủy đã có gần 20 năm gắn bó với nghề nướng cá biển. Hiện nay, sản phẩm cá thu nướng của gia đình chị Thủy đã đạt OCOP 3 sao. Những ngày cuối năm, số lượng cá nướng được khách đặt nhiều hơn, đòi hỏi sự khẩn trương, song chị Thủy luôn yêu cầu những người lao động phải đảm bảo sự cẩn thận trong tất cả các khâu, trong đó có công đoạn nướng cá. Trên bếp than hồng, những vỉ cá được xếp gọn, màu vàng đặc trưng. Mùi cá nướng thơm lừng trên than rực hồng gợi sự ấm no của người dân vùng biển.
Sinh sống ở vùng biển, người dân phát huy thế mạnh trong khai thác, chế biến thủy sản. Nhiều làng nghề đã và đang tạo nên nhiều việc làm cho người dân, trong đó có nghề làm mắm truyền thống. Cùng với các làng nghề làm mắm truyền thống như ở Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, những người dân vùng biển Quảng Nham, Quảng Xương đã và đang giữ gìn nghề truyền thống mà cha ông để lại, đồng thời nỗ lực nâng tầm để sản phẩm quê hương ngày càng vươn xa.
Cơ sở sản xuất nước mắm thuộc Công ty TNHH nước mắm Cự Nham, xã Quảng Nham.
Ở vùng biển Quảng Nham (Quảng Xương), gia đình anh Thạch Văn Hiểu là một trong những hộ làm nước mắm lâu đời. Thương hiệu nước mắm “Cự Nham” được gia đình anh đặt tên cho sản phẩm gắn với tên đất, tên làng, vừa là niềm tự hào về nguồn cội quê hương, vừa mong muốn sản phẩm của làng “Cự Nham” có nhiều người biết đến. Từ bé, anh Hiểu đã yêu thích và gắn bó với xưởng làm mắm của gia đình. Sau này lớn lên, anh Hiểu được bố truyền lại nghề và hy vọng sẽ đưa thương hiệu nước mắm truyền thống của quê hương vươn xa. Không phụ lại sự kỳ vọng của gia đình, anh Hiểu đã thành lập Công ty TNHH nước mắm Cự Nham, đồng thời xây dựng các sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương. Các sản phẩm mắm truyền thống từ công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Năm 2021, sản phẩm nước mắm Cự Nham và moi khô Cự Nham của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, sản phẩm mắm tôm Cự Nham được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là niềm tự hào, động lực để anh tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề làm mắm của cha ông. Hiện nay, gia đình anh Hiểu có hơn 300 chum sành, 11 bể muối mắm. Xây dựng thêm nhà xưởng để làm nơi muối mắm, phơi cá. Mỗi năm, xưởng xuất ra thị trường hàng nghìn lít nước mắm các loại, mẫu mã đa dạng để khách hàng thoải mái lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và mua làm quà. Cơ sở sản xuất tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 30 lao động thời vụ tại địa phương.
Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất nước mắm Cự Nham thuộc Công ty TNHH nước mắm Cự Nham của gia đình anh Thạch Văn Hiểu tất bật hơn để cho kịp những chuyến hàng đến tay người tiêu dùng. Những chiếc chum sành, những bể muối sau khoảng thời gian được ủ chượp theo phương pháp truyền thống đã cho ra những giọt nước mắm cốt màu cánh gián, vị đậm, mùi thơm đặc trưng. Đến nay, công ty của anh Hiểu đã chuẩn bị hơn 50.000 lít nước mắm các loại, hơn 30 tấn moi khô, cá khô... để cung ứng ra thị trường dịp cuối năm.
Trên hành trình về với vùng biển quê Thanh, tôi cảm nhận sự đổi thay của mỗi vùng quê và sự cần cù, chịu khó của mỗi người dân miền biển. Họ đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-24 08:32:00
Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Quê nhà
Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Trả lại tên cho liệt sĩ
Khi người lính trở về
Khởi công xây dựng công trình bếp ăn - trường mầm non Sơn Điện 1
Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Nước mắt lại rơi!
Thanh Hóa: Hơn 19.000 đoàn viên, thanh niên tham gia các tổ công nghệ số cộng đồng
Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tạo động lực thúc đẩy XDNTM nâng cao
Rét tê tái, người dân miền núi đốt lửa sưởi ấm mưu sinh
Cảnh báo lừa đảo người đăng ký hiến tạng
Độc đáo ý tưởng kè đường giao thông bằng đá cuội của bà con vùng cao