Vương vấn những mùa cau
Những hàng cau vươn cao thẳng tắp, được trồng ngay trước ngõ là hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi và mãi là nét đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam. Mỗi năm khi bước vào mùa thu hoạch, không khí của mùa thu lại càng thêm bận rộn hương say. Hương cau thật bình dị, e ấp mà say đắm lòng người. Để rồi hôm nay giữa lòng phố thị, tôi tự hỏi: bao giờ trở lại ngày xưa?
Hằng năm, khi vào giữa cuối mùa thu là việc thu hoạch cau lại bước vào chính vụ. Những thân cau cao vút, thẳng tắp được người dân quê tôi thường ví von như tấm lòng trung thực của con người ngay thẳng. Cây cau nhiều năm tuổi cao ngạo nghễ là vậy, thân cau rất dẻo dai và bền chắc; nhiều loại cây cổ thụ có thể bị bão lớn quật gãy đổ, nhưng với thân cau tưởng như mảnh mai, gầy guộc, rêu phong vẫn đứng vững hiên ngang chống chọi qua gió bão điên cuồng.
Hàng cau trước nhà của gia đình tôi ngày ấy, vẫn thường được ông nội dùng để khai thác nguồn nước mưa thanh khiết từ thiên nhiên ban tặng như một kho báu quý giá, trông chờ. Mỗi khi mùa mưa đến, ông nội thường dùng những chiếc lá cau khô cột chặt vào các thân cau để dẫn nước mưa vào từng chiếc chum sành nhẫn nhịn, đặt sẵn triền miên dưới gốc cây cau. Khi chum nước đầy, ông cẩn thận che đậy để dùng cả năm. Mọi người trong gia đình, không ai bảo ai nhưng nước được dùng rất tiết kiệm và chỉ dùng để uống, nhất là hãm nước chè xanh.
Lũ trẻ con chúng tôi sau khi vui chơi thỏa thích, khát nước thường chạy thẳng ra chum nước mưa để thỏa mãn cơn khát bằng cái gáo dừa, rồi tu ừng ực. Nước mưa từ thân cây cau đựng trong chum sành vừa thơm, vừa mát, trong lành một cách lạ thường, uống vào vẫn cảm nhận được cả hương cau thấm đẫm, quấn quýt lan tỏa vào tận sâu từng đường da, thớ thịt không thể nào quên.
Qua Tết nguyên đán, tầm độ tháng ba âm lịch, hoa cau bắt đầu nở. Những búp hoa được ôm ấp trong cái bẹ cau màu trắng ngà, mềm mại. Cái nét nõn nà, óng ả, e ấp của hoa cau giống như sự thanh cao, duyên dáng của những cô thôn nữ quê tôi. Hoa cau nở trắng mang lại hương thơm thoang thoảng mà ngây ngất lòng người. Hoa cái từ khi nở ra đã có hình dạng quả, lớn dần theo thời gian, hoa chuyển sang màu xanh đậm, trở thành những quả tròn căng mũm mĩm, mỡ màng. Hoa đực giống như những hạt gạo, lưu giữ hương thơm dịu dàng, quyến rũ, xốn xang. Tôi đã tìm thấy tuổi thơ của mình trong ngan ngát hương hoa cau. Tôi yêu cái hương thơm bình dị ấy như một nỗi niềm khát vọng đong đầy bồi đắp phù sa cho đôi bờ của con sông quê hương yêu dấu.
Những sản vật từ cây cau mang lại không chỉ có quả, mà còn có nhiều sản phẩm quý giá khác nhau, rất gần gũi và gắn liền với cuộc sống của người dân quê tôi. Chiếc quạt mo cau thường được bà nội cắt, xén cẩn thận, gấp ở hai bên mép rồi lấy những vật nặng đè lên để ép thẳng. Chỉ sau ít ngày là có một chiếc quạt mo quý giá giúp mọi người xua đi cái nóng oi ả của mùa hè.
Quê tôi ngày ấy chưa có điện như bây giờ, hình ảnh về những chiếc quạt điện chỉ nằm trong tâm tưởng mà thôi và chiếc quạt mo cau vẫn là số một trân quý, yêu thương. Hình ảnh về chiếc quạt mo cau nhẹ nhàng, dân dã, tiện lợi, rất thân thuộc cứ bám riết với tuổi thơ tôi êm êm trong cánh tay của người lượm gió, tràn cả vào giấc mơ của tuổi thần tiên.
Những cây cau già hàng mấy chục năm tuổi thường được gọi là “cụ cau”, thân cây cau thẳng tắp, gầy guộc nhưng rất chắc chắn, vẫn thường được sử dụng vào các vật liệu để làm nhà. Lũ trẻ con chúng tôi còn gắn bó với những tàu cau già, ngả vàng, khi rời thân cau rớt xuống được chế thành những chiếc “xe lôi”, cứ vậy thay nhau đứa ngồi, đứa kéo đua nhau chạy khắp đường quê, có khi ngã chổng kềnh dù rất đau nhưng vẫn cười ngặt ngẽo.
Ký ức về những mùa cau còn là tháng ngày được gần gũi bên bà nội. Cho dù giờ đây bà đã bay về cõi trời xa, trở thành người thiên cổ, nhưng khuôn mặt phúc hậu và hàm răng đen nhức, lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Mùa cau đến, bà thường nhờ người trèo hái cau, bổ và phơi để dành dùng cả năm. Việc hái và bổ cau cũng rất cần tới kỹ thuật; hái vào thời điểm nào để cau vừa độ tuổi, bổ 4, bổ 5 hay bổ 6... để miếng cau vừa vặn và đẹp mắt, hạt cau đầy mà không già, đây vừa là bí quyết và cũng là công việc đòi hỏi tính cẩn thận, cầu kỳ như một người thợ lành nghề đích thực.
Những miếng cau được bổ đều đặn, xếp đều ra chiếc nia, phơi dưới nắng hanh vàng chỉ vài ba ngày cau sẽ khô, khi khô những miếng cau cong cong như những chiếc thuyền, tỏa hương thơm hòa trong màu nắng đã cho tôi một cảm giác thật thanh bình và hạnh phúc xiết bao. Sau khi cau đã khô, bà nội thường mời các bậc bô lão trong xóm cùng nhau thưởng thức, bõm bẽm nhai với miếng trầu cay mà hít hà như một hương vị quê hương thật đậm đà mối tình thân.
Cuộc sống hiện đại, câu chuyện hương cau, vườn trầu ngày càng khiêm nhường. Nhưng có một điều đã trở thành quy luật, đó là đúng hẹn hoa cau vẫn nở và những mùa cau vẫn mang về dư vị men say. Cuộc sống thật hiền lành và yên bình quá đỗi. Chính hương cau đã đưa tôi về với tuổi thơ ríu rít tiếng chim ca, đưa tôi về với ký ức tuổi thần tiên, về với những giấc mơ êm đềm, vấn vương, trong trẻo. Để rồi hương cau vẫn thầm như nhắc nhở giữa vội vàng phố thị, mãi khắc đậm hương cau! Bâng khuâng nhớ hơi ấm của tình thân tha thiết, mà tỏa nắng trong ngần.
Lê Xuân Bính (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-20 15:18:00
Tìm trong ký ức: Hoa rau muống tặng cô!
-
2024-11-13 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Triền đê ấp ủ hồn làng
-
2024-10-23 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Chuyện của mùa thu
[Podcast] - Tản văn: Heo may thêu nỗi nhớ mùa
[Podcast] - Tản văn: Mong lắm bình yên, màu mây tháng mười
[Podcast] - Tản văn: Món quê đẫm vị heo may
[Podcast] - Tản văn: Mắt trăng
[Podcast] - Tản văn: Lối ấy ta về
[Podcats] - Tản văn: Tháng tám của những ngày xưa
[Podcast] - Tản văn: Độc thoại cùng thu
[Podcast] - Tản văn: Chập chờn trong thinh không xanh ngát
[Podcast] - Tản văn: Tháng bảy