(vhds.baothanhhoa.vn) - Không đầu hàng số phận bất hạnh, những người khiếm thị đã vươn lên nghịch cảnh, theo đuổi ước mơ của riêng mình, trở thành những người “gieo” cảm hứng cho cộng đồng.

Vượt lên bất hạnh - bước đến tương lai

Không đầu hàng số phận bất hạnh, những người khiếm thị đã vươn lên nghịch cảnh, theo đuổi ước mơ của riêng mình, trở thành những người “gieo” cảm hứng cho cộng đồng.

Vượt lên bất hạnh - bước đến tương laiTốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, anh Lê Sỹ Anh hiện là Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn.

Nhắc đến anh Lê Sỹ Anh - Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn, nhiều người dành cho anh sự mến phục. Sinh năm 1989 ở xã Đông Hoàng (Đông Sơn) với cơ thể vốn lành lặn. Lên 5 tuổi, sau một tai nạn, anh mất đi đôi mắt sáng.

Là cậu bé thông minh, ham học, 8 tuổi, Lê Sỹ Anh rời nhà xuống Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề (GD-DN) cho người mù tỉnh Thanh Hóa. Chỉ sau 6 tháng, cậu bé Sỹ Anh đã đọc thông viết thạo chữ nổi (chữ Braille). Mang tâm trạng phấn khởi, Sỹ Anh trở về trường tiểu học gần nhà để đi học hòa nhập song bất thành. Khiếm thị nhưng không chấp nhận mù chữ, năm 2001, Sỹ Anh lại xa gia đình, khăn gói xuống Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa để theo học tiểu học. Lên lớp 3, Sỹ Anh trở về trường học gần nhà. Hành trình suốt 12 năm đến trường của Sỹ Anh vượt qua muôn vàn khó khăn, nhưng chưa một ngày Sỹ Anh nghỉ học. Vì thế, Sỹ Anh liên tục đạt kết quả học tập tốt, nhận nhiều giấy khen qua các năm học.

Năm 2012, tốt nghiệp THPT, chàng trai Lê Sỹ Anh đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Cũng như các bạn bè cùng trang lứa, Sỹ Anh mong mình có thể vào đại học. Tuy nhiên, việc học đại học xa nhà với một người khiếm thị không phải chuyện dễ dàng và ngay cả bố mẹ cũng khuyên Sỹ Anh suy nghĩ lại. Tuy nhiên, với niềm tin và quyết tâm, một lần nữa Sỹ Anh lại quyết định đi trên con đường mình lựa chọn - anh trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội.

Chia sẻ về lý do chọn ngành Luật chứ không phải một ngành nghề nào khác, Lê Sỹ Anh cho biết: “Khi đó, tôi chỉ nghĩ, nếu mình học Luật khi ra trường sẽ có điều kiện để tư vấn, trợ giúp những người yếu thế nói chung, người bị khiếm thị nói riêng trong các vấn đề liên quan đến pháp lý. Vì thực tế, hầu hết người khiếm thị đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nhiều hiểu biết, khi rơi vào trường hợp liên quan đến pháp luật, họ không có nhiều sự lựa chọn”. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội với tấm bằng giỏi, chàng trai Lê Sỹ Anh một lần nữa khiến người xung quanh khâm phục.

Ra trường, cũng như nhiều người, Sỹ Anh không ngại thử sức mình ở nhiều công việc, vị trí khác nhau, từ làm văn phòng đến nhân viên cho công ty máy tính... “Sau đó một thời gian, tôi nghĩ mình phải tìm một con đường đi lâu dài, con đường mà tôi có thể áp dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích”... Với sự năng nổ, nhiệt tình và kiến thức vốn có, Lê Sỹ Anh được Hội Người mù tỉnh giới thiệu về làm Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thiệu Hóa. Từ năm 2019 đến nay, Lê Sỹ Anh làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn.

Bên cạnh công tác hội, anh Lê Sỹ Anh thường tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý cho người yếu thế, người nghèo, người khuyết tật. “Dù là một người khiếm thị, nhưng tôi luôn mong muốn bản thân trở thành người có ích. Chính niềm tin và quyết tâm đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, chinh phục những mục tiêu đề ra. Khuyết tật là nỗi bất hạnh, nhưng chúng ta không thể chôn vùi cuộc đời của mình trong nỗi đau khuyết tật. Có một câu nói nổi tiếng tôi khá tâm đắc, rằng kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, Lê Sỹ Anh chia sẻ.

Với tình yêu và khát vọng sống, trong suốt quá trình học tập, rồi làm công tác Hội, anh Lê Sỹ Anh luôn tạo được niềm tin, lan tỏa năng lượng sống tích cực đến mọi người, đặc biệt là những người khiếm thị.

Còn với cô gái Nguyễn Thùy Minh (phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa), em mang nỗi đau khiếm thị từ khi chào đời. Được sự động viên của gia đình, 8 tuổi cô bé Minh xuống Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa để học chữ nổi. Sau 1 năm em đã đọc thông viết thạo. Ở trung tâm 4 năm, được sự dạy dỗ của các thầy, cô giáo, Thùy Minh đã tiếp nhận được các kiến thức cơ bản. Lên lớp 4, Thùy Minh trở về trường tiểu học gần nhà để học hòa nhập. Tốt nghiệp THCS, cô bé Thùy Minh lại một lần nữa xa nhà, khăn gói vào TP Hồ Chí Minh theo học tại Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng. “Đó thực sự là quãng thời gian nhiều thử thách với tôi. Cuộc sống xa nhà, sống ở một môi trường khác, hẳn nhiên có nhiều bỡ ngỡ. Ngoài nỗ lực bản thân, chính sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ của mọi người là động lực cho tôi thêm niềm tin để vươn lên trong học tập và cuộc sống”, Thùy Minh chia sẻ.

Vượt lên bất hạnh - bước đến tương laiNguyễn Thùy Minh hiện đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Tâm lý học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Xác định học tập còn là con đường để bản thân “làm chủ” cuộc đời, trong suốt những năm tháng học phổ thông, Thùy Minh luôn đạt kết quả học tập tốt. Và hiện tại, em đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Tâm lý học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Khi em vào đại học, cũng có người nói một người khiếm thị như em, liệu có nên, có cần phải học nhiều?! Nhưng đó là con đường em đã chọn và em tin mình đang đi đúng hướng. Em ước mơ sau khi ra trường sẽ trở thành môt chuyên gia tư vấn tâm lý. Và em vẫn đang nỗ lực từng ngày trên hành trình hiện thực hóa ước mơ. Với em, ngoài sự nỗ lực bản thân, em thực sự biết ơn sự đồng hành, động viên của người thân, đặc biệt là bà nội - người luôn bên cạnh em trong suốt những năm tháng khó khăn nhất. Giờ đây, em không còn nghĩ nhiều về nỗi bất hạnh, em nỗ lực mỗi ngày để có thể trở thành một “phiên bản” tốt hơn trong tương lai”.

Lê Sỹ Anh, Nguyễn Thùy Minh chỉ là hai trong nhiều tấm gương người khiếm thị vượt lên nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Câu chuyện của họ đã lan tỏa đến cộng đồng, đặc biệt là những người khiếm thị tình yêu đời và hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: “Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hơn 3.000 hội viên, trong đó có nhiều bạn trẻ. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và ngành, những năm qua các hội viên hội người mù trên địa bàn tỉnh đã được chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ để từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Để không trở thành gánh nặng cho gia đình và người thân, nhiều người khiếm thị đã học chữ, học nghề, lao động, tạo nên giá trị cho cuộc sống với các công việc phù hợp như tẩm quất bấm huyệt, làm tăm, làm chổi. Cùng với đó, có nhiều người khiếm thị còn theo đuổi ước mơ học tập. Bên cạnh sự giúp đỡ từ cộng đồng, người thân thì bản thân mỗi người khiếm thị phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống...”.

Bài và ảnh: Thu Trang

Tin liên quan:
  • Vượt lên bất hạnh - bước đến tương lai
    Những lớp học đặc biệt: Nỗi đau khiếm thị

    Thành ngữ Việt có câu: Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay như một sự khẳng định về tầm quan trọng của đôi mắt và bàn tay với mỗi người. Tuy nhiên, có những người vì nhiều nguyên do mà mất đi “ánh sáng” của đôi mắt. Nhưng với khát vọng vươn lên nghịch cảnh, những người khiếm thị vẫn đang từng ngày sống và nỗ lực để đi về nơi có “ánh sáng”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]