(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 4, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang tất bật các khâu chuẩn bị cho lễ công bố xã nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Không khí hân hoan trước bước ngoặt phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, lan tỏa đến từng ngõ xóm.

Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở huyện Thiệu Hóa

Những ngày đầu tháng 4, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang tất bật các khâu chuẩn bị cho lễ công bố xã nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Không khí hân hoan trước bước ngoặt phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, lan tỏa đến từng ngõ xóm.

Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở huyện Thiệu HóaLễ hội làng Kẻ Rỵ ở xã Thiệu Trung với trò nấu cơm thi những ngày đầu xuân hằng năm.

Trên tuyến giao thông trục chính của xã được đầu tư khang trang rộng mở, có cả vỉa hè và hệ thống cây xanh như tại các đô thị, không khí lao động rộn rã bởi có rất nhiều cơ sở đúc đồng truyền thống hoạt động. Đi sâu vào các thôn làng là không gian bình yên, môi trường sạch đẹp với nhiều công trình văn hóa – tâm linh nổi tiếng. Cũng hiếm có địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh có tới 2 di tích lịch sử cấp quốc gia (đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu – chùa Hương Nghiêm và đền thờ ông tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không), 2 di tích cấp tỉnh (Hầm chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và di tích từ đường Nguyễn Mộng Tuân), 1 di sản văn hóa phi vật thể nghề đúc đồng truyền thống.

Theo ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung: Từ năm 2012, Thiệu Trung là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn NTM, đến năm 2021 được công nhận xã NTM nâng cao. Phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết, chính quyền và Nhân dân địa phương đã bắt tay ngay vào xây dựng NTMKM, và chỉ sau 2 năm đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn kiểu mẫu vào cuối tháng 2-2023.

Ngoài hoàn thành các tiêu chí để trở thành xã NTMKM, Thiệu Trung còn có nhiều lĩnh vực nổi trội, trở thành mẫu hình trên địa bàn tỉnh. Về phát triển tiêu chí sản xuất, xã có làng nghề đúc đồng Chè Đông nổi tiếng cả nước với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 450 lao động. Xã hiện có tới 5 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh là các sản phẩm đồ đồng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm trống đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia trong năm 2023. Các hoạt động thương mại – dịch vụ, nông nghiệp trên địa bàn xã cũng phát triển mạnh theo hướng hiện đại. HTX dịch vụ nông nghiệp đã tổ chức liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu nông sản, trong đó chủ lực là trên 1.000 tấn lúa thương phẩm/năm. Quỹ Tín dụng Nhân dân Thiệu Trung huy động nguồn vốn dôi dư trong Nhân dân hơn 120 tỷ đồng để cho vay phục vụ phát triển sản xuất ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã vào thời điểm hết năm 2022 đã đạt gần 62 triệu đồng.

Trong quá trình xây dựng NTMKM, Thiệu Trung đã xác định lấy thực hiện tốt chuyển đổi số làm tiêu chí nổi trội nhằm giúp người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, ở cấp thôn cũng được trang bị các máy vi tính để người dân tra cứu thông tin, thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà không cần phải đến trụ sở xã. Tại trụ sở UBND và hội trường UBND xã đã được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, máy tính, máy chiếu, wifi, bàn ghế phù hợp đảm bảo để tổ chức họp trực tuyến 2 chiều theo đúng quy định. Hơn 1 năm qua, tất cả các văn bản cấp xã đã được ký số, đa phần các khâu thủ tục hành chính với người dân cũng được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nên khá nhanh gọn, thuận tiện.

Việc thanh toán dịch vụ tiền điện, tiền nước, phí thu gom rác, đóng học phí cho học sinh ở Thiệu Trung cũng được đẩy mạnh thực hiện qua tài khoản ngân hàng bằng điện thoại thông minh. Đến nay, toàn xã có 1.568/2.735 người, đạt tỷ lệ 57,3% số người trong độ tuổi lao động của xã có tài khoản thanh toán điện tử sử dụng các dịch vụ tiện ích. Ở cấp thôn, các cán bộ thôn cũng được tập huấn để điều khiển hệ thống điện chiếu sáng công cộng, loa truyền thanh, camera tự động qua điện thoại. Một cuộc sống mới đang được xây dựng tại đây, đưa Thiệu Trung thành vùng quê đáng sống, đồng thời là xã NTMKM đầu tiên ở huyện Thiệu Hóa.

Cùng niềm vui chung, ông Trương Trọng Hoàng, người dân thôn 2 trong xã hồ hởi: "Nghe tin xã nhà được công nhận NTMKM, chúng tôi rất vui mừng, bởi những năm qua, chính người dân cũng có sự đồng thuận, vào cuộc tích cực trong mọi công việc ở cấp thôn. Ngoài đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng chung, nhiều gia đình còn sẵn sàng hiến đất mở rộng đường nông thôn, trồng hoa và cây xanh. Hiện nay, công tác dọn vệ sinh đã được cả thôn vui vẻ tham gia vào ngày nghỉ cuối tuần. Gắn bó với quê hương đã 55 năm, chưa bao giờ thấy làng quê đổi mới, đời sống đủ đầy như bây giờ. Cùng với đó, phong trào thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ lại phát triển sâu rộng với nhiều lứa tuổi cùng tham gia. Tại nhà văn hóa thôn, buổi sáng người già duy trì tập dưỡng sinh, buổi chiều thêm cả những người trung tuổi và thế hệ trẻ luyện tập thể thao khá đông đúc. Thông qua các sinh hoạt cộng đồng này, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm và tương trợ nhau trong cuộc sống.

Với những nỗ lực trong chặng đường dài xây dựng NTM, Thiệu Trung đã trở thành xã có kinh tế phát triển, hiện đại, nhưng vẫn lưu giữ được nét truyền thống, văn hóa đặc trưng của một vùng đất cổ. Có được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Tùng, NTMKM cũng chỉ là danh hiệu, sau công bố đạt chuẩn, xã vẫn tiếp tục cố gắng để nâng cao các tiêu chí, hướng đến xã NTM thông minh, mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp cho Nhân dân.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]