Tin liên quan
Đọc nhiều
Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới
Thanh Hoá là vùng đất cổ, được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, đã tạo nên bản sắc văn hóa, con người xứ Thanh với nhiều giá trị tốt đẹp. Đó cũng là những lợi thế nổi trội, là sức mạnh nội sinh để Thanh Hóa khơi dậy, phát huy, vươn lên mạnh mẽ trong quá trình đổi mới, hội nhập hiện nay.
Lễ hội Đền Đồng cổ xã Yên Thọ (Yên Định). Ảnh: LH
Văn hóa là nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, con người. Kể từ đó, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.
Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đã nêu rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)”. Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) tiếp tục bổ sung những quan điểm của Nghị quyết TW 5 (khóa VIII): "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc,...”.
Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, những phẩm chất quý báu của con người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam đã được bồi đắp, tỏa sáng, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, nhân hậu, trọng nghĩa tình, cần cù, sáng tạo trong lao động... Việt Nam cũng là đất nước đậm đặc di tích, di sản, với gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, khoảng 300 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” . Chính hệ giá trị và bản sắc riêng đã tạo thành “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa Việt Nam không thể bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Trải qua các cuộc trường chinh của dân tộc, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam thực sự đã trở thành động lực, là nguồn lực quan trọng để dân tộc ta chiến thắng kẻ xâm lược, bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc sử dụng sức mạnh mềm đang được nhiều quốc gia coi trọng. Với lợi thế có nền văn hóa mang nhiều nét độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, có tiếp thu, có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, Việt Nam đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả sức mạnh mềm cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Du khách đến với Thành Nhà Hồ. Ảnh: V.A
Phát huy sức mạnh mềm
Xứ Thanh là vùng đất có những yếu tố đặc thù, đã góp phần tạo nên những nét đặc trưng trong văn hóa, phẩm chất, năng lực của con người Thanh Hóa. Trong lịch sử phát triển, xứ Thanh là một tiểu vùng văn hóa, vùng đất được định hình từ rất sớm trong lịch sử hình thành của đất nước, là vùng đất được coi là “yết hầu”, là hậu phương của nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc trong chiều dài lịch sử của dân tộc. Thanh Hóa có đa dạng các vùng miền núi, trung du đồng bằng và miền biển, cũng góp phần hình thành nên nét tâm lý tính cách, phong tục riêng của người dân Thanh Hóa. Thanh Hoá là một trong những cái nôi ra đời của người Việt cổ, là vùng đất lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng của dân tộc. Thanh Hóa cũng là địa phương có tín ngưỡng dân gian bản địa cùng các tư tưởng tôn giáo nổi tiếng du nhập, tồn tại đan xen, hòa hợp từ hàng nghìn năm. Các yếu tố đặc trưng đó đã hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc - văn hóa xứ Thanh. Những giá trị văn hóa truyền thống lưu truyền đến ngày nay thể hiện rõ nét qua hệ thống di sản văn hóa của tỉnh và trong phẩm chất, tâm hồn của con người Thanh Hóa.
Trong hơn 30 năm qua, nhất là trong 10 năm gần đây, nhiệm vụ về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và con người phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước được Đảng và Nhà nước ta, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa triển khai tích cực, quyết liệt với ý chí và quyết tâm chính trị cao. Quá trình xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, con người Thanh Hóa đã có nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, của quê hương Thanh Hóa.
Các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, tập trung trên các mặt: Xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường, xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng; xây dựng môi trường văn hóa chính trị, xây dựng môi trường văn hóa trong kinh tế... Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được tăng cường. Toàn tỉnh có 1.535 di tích được kiểm kê và công bố. Trong đó, đã xếp hạng các cấp 856 di tích, trong đó có 1 Di sản văn hóa Thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia; có 10 bảo vật quốc gia. 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong 10 năm qua, có gần 300 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Cùng với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, điền dã tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể cũng được tập trung thực hiện. Các lễ hội dân gian, trò chơi, trò diễn, làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển.
Diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Mường huyện Ngọc Lặc.
Đã có hàng ngàn tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa. Đồng thời, trong 10 năm qua đã vận động được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các di tích, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống, xây dựng, sửa chữa các thiết chế, công trình văn hóa ở cơ sở. Lực lượng cán bộ lĩnh vực văn hóa được quan tâm quy hoạch, chọn lựa, bố trí, sử dụng cơ bản hợp lý.
Phong trào xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Thanh Hóa được quan tâm triển khai gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, với sự nở rộ các tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực ở các cấp đã được biểu dương nhân rộng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa và phát huy sức mạnh con người Thanh Hóa.
Những thành tựu trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua đã góp phần quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh. Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 5 cả nước về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2021-2023, với con số ấn tượng đạt 9,69% và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết là 9,6%). Qua gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, một số chỉ tiêu về tỷ lệ gia đình văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp kiểu mẫu; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (khu dân cư văn hóa); thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã... đều vượt kế hoạch đề ra.
Tuy vậy, so với yêu cầu phát triển thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế thì việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hoá chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ngày 04/7/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Xây dựng nền văn hóa phát triển hiện đại, giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc; con người phát triển toàn diện, văn minh
Với quan điểm phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư để phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hướng tới mục tiêu: Xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Thanh Hóa, hướng đến các giá trị chân - thiện - mĩ, trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa, con người phát triển toàn diện, là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.
Không gian trình diễn văn hóa phi vật thể tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024
Nghị quyết số 17-NQ/TU xây dựng 8 nhóm giải pháp quan trọng là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng , chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững quê hương, đất nước. Thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách; tăng cường nguồn lực để nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển văn hóa và con người
Nghị quyết cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đạt được đến năm 2030, trong đó, đáng chú ý là Thanh Hóa quyết tâm xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới một số công trình cấp tỉnh mang tầm cỡ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước; đưa năng suất lao động, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Những giá trị văn hóa, sức mạnh truyền thống của con người Thanh Hóa là tài sản quý báu mà các thế hệ ông, cha đã dày công xây dựng và vun đắp. Để xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa tự hào của quê hương, các thế hệ ngày nay cần có những hành động thiết thực để phát huy và phát triển hoàn thiện các giá trị văn hóa, con người Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Hà Việt Linh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-08-05 16:14:00
Từ “bóng” đến “gió”
Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè
Mạng lưới UNESCO: Góp phần định hình tương lai của công nghiệp văn hóa
Du lịch cộng đồng Bản Ngàm
Người đẹp Hải Dương đăng quang cuộc thi Hoa Hậu Du lịch Việt Nam 2024
Bảo tồn, phát huy trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”
Lễ cúng vía lúa của cư dân nông nghiệp tỉnh Thanh
Thiên tài tập thể - lãnh đạo đổi mới và sáng tạo
“Áp đảo tại gia” “Áp đáo tại gia”?
Chuyên gia trong nước và quốc tế tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa