(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Nông Cống, Như Thanh... nghề làm miến truyền thống đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Từ sản xuất truyền thống kết hợp đầu tư máy móc, sáng tạo trong lao động để nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu, các sản phẩm miến của Thanh Hóa đã có chỗ đứng trên thị trường, chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm miến truyền thống

Tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Nông Cống, Như Thanh... nghề làm miến truyền thống đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Từ sản xuất truyền thống kết hợp đầu tư máy móc, sáng tạo trong lao động để nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu, các sản phẩm miến của Thanh Hóa đã có chỗ đứng trên thị trường, chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm miến truyền thống

Hộ sản xuất miến gạo Dương Vân ở xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).

Tại xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) nghề làm miến dong truyền thống đã có lâu đời, được người dân duy trì, phát triển, không chỉ xem là nghề sản xuất mà còn là nét đẹp của quê hương. Những hộ làm nghề ở đây cho biết, nghề được làm quanh năm, nhưng từ tháng 10 âm lịch là vào vụ chính, bởi sản phẩm được tiêu thụ nhiều vào dịp cuối năm, đây cũng là thời điểm củ dong cho chất lượng tốt nhất.

Ông Đào Văn Thắng, chủ hộ có truyền thống làm miến dong lâu đời trong xã cho biết: Các công đoạn làm miến dong tương đối cầu kỳ, sau khi nghiền và lắng lấy bột dong, tinh bột dong sẽ được phơi khô để thu được bột dong riềng nguyên chất. Sau đó sơ chế, ngâm ủ và mang đi tráng thành bánh.

Cũng theo ông Thắng, khi chưa có máy móc hỗ trợ, sản xuất liên tục nhưng năng suất vẫn thấp. Vì vậy, những năm qua các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thêm các loại máy hỗ trợ để giảm sức lao động, tăng năng suất như máy rửa dong, máy nghiền bột, máy cán sợi... Và vẫn luôn tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không chất bảo quản... để tạo ra sợi miến có màu trắng trong, khi nấu có độ dai tự nhiên, giữ được vị thơm của dong riềng. Hiện nay, tại xã Ngọc Liên có khoảng 20 hộ sản xuất, kinh doanh miến dong thường xuyên. Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân trong xã còn chú trọng mở rộng diện tích trồng dong riềng đỏ để chủ động nguyên liệu sản xuất.

Được sự hỗ trợ của huyện, xã Ngọc Liên đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại và xây dựng Thành Công; xây dựng thương hiệu miến dong Hương Ngọc thành sản phẩm OCOP. Tất cả các quy trình sản xuất miến dong từ chọn nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến đều thực hiện khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, HTX đã cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, chú trọng quảng bá sản phẩm... đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tại huyện Cẩm Thủy, xã Cẩm Liên và Cẩm Bình từ lâu đã có nghề sản xuất miến dong truyền thống với hàng trăm hộ tham gia trồng và sản xuất. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, các xã đã khuyến khích người dân trồng dong riềng để chủ động nguồn nguyên liệu sạch, phục vụ chế biến; đồng thời, thành lập các HTX để hỗ trợ người dân sản xuất; tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm miến dong truyền thống của địa phương. Theo đó, HTX sản xuất miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình đã liên kết với các hộ trồng dong riềng trong xã để chủ động nguồn nguyên liệu; hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân; đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến dong riềng lấy tinh bột làm nguyên liệu sản xuất miến dong với công suất đạt từ 350 - 400 tấn củ/năm; cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, chú trọng quảng bá sản phẩm...

Bà Bùi Thị Yên, một trong những người có kinh nghiệm sản xuất miến dong tại xã Cẩm Bình, cho biết: Sản phẩm được kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất, đóng gói, tiêu thụ và được sản xuất từ 100% tinh bột dong riềng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong bất cứ khâu sản xuất nào. Năm 2021, khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, miến dong Đồi Ao đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng từ 2 đến 3 lần. Hiện sản phẩm miến dong của HTX được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu ước đạt gần 1,7 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm miến truyền thống đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu như miến dong Hương Ngọc, miến dong Yên Lạc, miến gạo Dương Vân, miến gạo Thăng Long... Nhiều sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3, 4 sao, thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước. Thay vì làm thủ công như trước, hầu hết các cơ sở đã đầu tư máy móc nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng. Bên cạnh đó, các HTX, hộ sản xuất cũng chủ động quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm miến truyền thống địa phương.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]